Ly kỳ chuyện những quý bà sập bẫy siêu lừa gốc Phi

Chủ Nhật, 08/03/2015, 09:25
Thời gian vừa qua tình hình tội phạm người nước ngoài tại Việt Nam có chiều hướng ngày một gia tăng. Đặc biệt các đối tượng người gốc Phi có những trò lừa đảo rất "dị". Không ít quý bà đã trở thành nạn nhân của nhóm tội phạm này.

Sập bẫy vì cả tin

Phạm Thị Thu Th. (chủ một tiệm tạp hóa, ngụ tại quận 1, TP HCM) năm nay đã ngoài 40 tuổi song vẫn còn khá xuân sắc. Đường tình duyên lận đận, gần 20 năm vò võ một mình chị Th. cố gắng nuôi nấng cô con gái ăn học.

Sau khi con gái lấy chồng thì căn nhà chị Th. trở nên trống vắng. Hằng ngày chị chỉ biết tìm nguồn vui từ con mèo cùng mấy cây kiểng. Rồi đứa cháu chị thi thoảng đến chơi, bày cách cho chị lên mạng Internet để đọc báo, rồi vào mạng xã hội kết bạn…

Bẵng đi một thời gian, người thân bạn bè của chị Th. "tự nhiên" thấy chị ngày một trẻ ra. Chị trở nên yêu đời hơn, chịu khó tới thẩm mỹ viện để "tút tát" nhan sắc.

Nhiều lần đứa cháu chị bắt gặp chị cũng ngồi trước máy tính, gõ choanh choách, miệng mỉm cười… Mọi người đoán già đoán non, hay là chị có… người yêu!?

Mà, đúng là chị có người yêu thật. "Người thương" của chị tên James, là một chủ thầu xây dựng mãi tận bên nước Mỹ xa lắc xa lơ.

Sau những email, cuộc chat tình tứ trên mạng thì chị Th. tò mò muốn biết "dung nhan" của người mình thương thầm nhớ trộm.

Người yêu chị bảo rằng anh là người Mỹ, nhưng gốc Phi nên dung nhan có phần… khiêm tốn. James có nước da đen bóng từ đầu đến chân, chỉ có… hàm răng là trắng bóc!

Chị Th. hụt hẫng ít nhiều, song vì thấy James chụp ảnh đứng bên chiếc Mercedes cáu cạnh, cùng tòa biệt thự lộng lẫy nên mau chóng bỏ qua vẻ ngoài đó.

Rồi James bày tỏ có dịp đi công tác sang các nước Đông Nam Á thì sẽ ghé TP HCM để thăm chị. Chị Th. rất vui và hồi hộp ngóng trông từng ngày được gặp người yêu.

Rồi ngày đó cũng đến thật, James xuất hiện trong bộ vest đen lịch lãm, cặp kính đen cùng catap giống hệt như một… doanh nhân thành đạt. Khỏi nói chị Th. hạnh phúc như thế nào khi được sánh bước bên James.

Bạn bè chị Th. đều rất ngạc nhiên không hiểu James có điểm gì thu hút mà chị say như điếu đổ. Gặp nhau vài lần, chị Th. dẫn người yêu về nhà sống chung như vợ chồng. Chị đưa người yêu đi chơi nhiều nơi trong TP HCM, rồi đi biển Vũng Tàu, Mũi Né, Phú Quốc…

Oshanugor James Anyasi.

Dù rằng hầu như chi phí các chuyến đi đều do chị Th. trả, song chỉ nghe vài lời an ủi của James, rằng tiết kiệm tiền để chuẩn bị mua nhà ở TP HCM, và cho chị Th. đứng tên thì mọi "lăn tăn" của chị đều biến sạch.

Người thân của chị Th. biết chuyện, đều khuyên chị nên tìm hiểu cho kỹ lưỡng. Nhưng làm sao ngăn nổi trái tim đang loạn nhịp vì hạnh phúc. Rồi James mượn tài khoản ngân hàng của chị, nói là có đối tác muốn chuyển tiền mà giấy tờ thất lạc nên chưa kịp làm Master Card.

Thỉnh thoảng kiểm tra tài khoản chị Th. vẫn thấy lượng tiền luân chuyển chừng vài ngàn USD mỗi lần. Chị nghĩ đó là bình thường vì người yêu của chị là doanh nhân kia mà.

Cho đến một ngày, James nói với chị Th. là phải bay về nước có việc. Sau khi trở lại TP HCM thì sẽ mua nhà sắm xe và tính chuyện lâu dài với chị. Nhưng hỡi ôi, chị Th. cứ chờ mãi, chờ mãi mà không thấy bóng dáng của James đâu nữa. Gọi điện, gửi email… đều không thể liên lạc được. Số tiền cả chục ngàn USD chị cho hắn ta vay cũng chẳng có cách gì đòi lại!

Cũng giống như chị Th., chị Lâm Thị Thoại K. (SN 1978, trú tại phường 10, quận 3, TP HCM) quen với một đối tượng tên Ryan Bomel qua mạng Internet (người Nigeria, đồng bọn của James).

Sau nhiều lần chát chít, nói chuyện Ryan bày tỏ tình cảm với chị K., muốn kết hôn với chị. Chị K. rất ngỡ ngàng khi người tình "ảo" của chị bày tỏ muốn chuyển quà tặng, để làm minh chứng cho tình yêu mãnh liệt của anh ta.

Ryan nói sẽ chuyển cho chị hột xoàn, kim cương và cả tiền mặt nữa, và nhờ chị K. đóng phí cho công ty chuyển phát nhanh. Số phí là 1.200USD. Ít hôm sau, có một cô gái xưng là nhân viên chuyển phát nhanh, đề nghị chị K. nộp phí để nhận lô hàng. Lệ phí lên tới 2.500USD.

Thấy lạ, chị K. chát với Ryan để hỏi lại "cho chắc" thì được Ryan dỗ dành rằng cứ nộp hộ hắn, rồi sẽ chuyển lại đầy đủ cho chị. Chị K. đã nộp hơn 20 triệu đồng (tương đương với 1.000USD) vào tài khoản cho đối tượng.

Hôm sau, đối tượng tiếp tục yêu cầu chị nộp nốt 1.500USD nữa. Chị K. sinh nghi, liền chat với Ryan hỏi và bảo rằng sẽ nhờ bạn làm bên Hải quan kiểm tra xem thủ tục thế nào. Chẳng ngờ sau cuộc nói chuyện đó thì cả nhân viên công ty chuyển phát nhanh lẫn vị "hôn phu" của chị K. đều biệt tăm biệt tích.

Đau đớn hơn cả là chị Lê Minh N. (nhân viên của một bệnh viện, trú tại phường 5, quận 10, TP HCM). Qua mạng Internet chị N. quen và có quan hệ tình cảm với đối tượng James. James giới thiệu đang làm công ty xuất nhập khẩu và nhờ chị N. nhận hộ tiền kinh doanh, đặt cọc hợp đồng từ nước ngoài về Việt Nam.

Chị N. đã mở tài khoản ngoại tệ tại Ngân hàng Techcombank. Chị N. không hề biết rằng từ tài khoản này, James đã tiến hành lừa đảo nhiều người và sau đó chiếm đoạt. Chỉ vì quá tin tưởng James mà sau đó chị N. đã bán nhà lấy 2 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.

Một quý bà khác là chị Nguyễn Thị C. (SN 1979, trú tại quận 2, TP HCM) cũng bị sập bẫy của "phù thủy" đôla đen. Ngày nọ chị C. bất ngờ nhận được một bức thư điện tử của người đàn ông tự xưng là Brown (quốc tịch Nigeria) là giám đốc của một ngân hàng tại châu Phi.

Nội dung trong bức thư, người này thông báo về việc đang quản lý một tài khoản trị giá nhiều triệu USD của một triệu phú người Mỹ bị tai nạn giao thông tử nạn tại châu Phi để lại nhưng không có người thừa kế. Người này đề nghị chị C. cùng hợp tác để hợp thức hóa việc thừa kế rồi chia nhau số tài sản trên.

Lóa mắt vì số tiền lên đến hơn 7 triệu USD, chị C. đồng ý tham gia thương vụ. Dưới sự hướng dẫn của Brown, một người đàn ông gốc Phi tên Bill liên lạc với chị C. yêu cầu chuyển 2.500USD tiền phí vận chuyển hành lý ký gửi qua đường hàng không. Hai bên đồng ý giao nhận tiền tại một khách sạn ở đường Cộng Hòa (quận Tân Bình).

Tại đây khi chị C. đưa cho Bill số tiền như đã thỏa thuận, Bill cũng chuyển cho chị một vali bên trong chứa nhiều triệu USD màu đen và một chai hóa chất. Theo Bill lý giải việc nhuộm đen số tiền là để "qua mặt" lực lượng chức năng khi đưa vào Việt Nam.

Một nhóm đối tượng người Nigeria vi phạm pháp luật tại Việt Nam.

Để chứng minh, Bill lấy ra một chai hóa chất rồi lấy 5 tờ tiền đen dùng hóa chất "rửa" thành 5 tờ USD thật (mệnh giá 100USD/tờ)  trả cho chị C. Sau đó, chị C. mang vali trên về nhà cất giữ.

Tiếp đó Bill liên lạc với chị C. cho biết, muốn rửa hết số tiền trong vali thì tốn 90.000USD để mua hóa chất. Và chị C. phải đóng 44.000USD để chung chi phí mua loại hóa chất này. Tin lời, chị C. đi vay mượn chuyển trước qua tài khoản của Brown 22.000USD.

Sau đó một tuần, Bill thông báo cho chị C. biết, Brown đã bị bắt tại Mỹ vì mua hóa chất dạng cấm, và chị C. phải chuyển 44.000USD để bảo lãnh Brown ra; nếu không 7,3 triệu USD sẽ không thể rửa được.

Để chị C. tin tưởng, Bill lại hẹn chị đến khách sạn ở quận Tân Bình rồi tiếp tục dùng hóa chất để rửa tiền bị nhuộm đen và giao lại cho chị C. thêm 500USD nữa. Ngay ngày hôm sau, chị C. lại chuyển cho Bill thêm 15.000USD.

Màn ảo thuật được tiếp tục, Bill tẩy rửa số đôla bị nhuộm đen và đưa tiếp cho chị C. số tiền 2.500USD rồi yêu cầu chị C. chuyển tiếp 70.000USD để mua chất phụ gia rửa hết số tiền trong vali.

Lúc này chị C. mới thật sự nghi ngờ về hành vi của các đối tượng và trình báo sự việc cho Cơ quan Công an. Tuy nhiên, khi lực lượng công an vào cuộc điều tra thì các đối tượng đã bỏ trốn.

Kiểm tra số tiền trong vali được chị C. giữ, Cơ quan điều tra xác nhận chỉ có giấy và đôla âm phủ lẫn lộn được các đối tượng nhuộm đen, không hề có một đồng đôla thật.

Cũng sử dụng chiêu làm quen, yêu đương qua mạng hai đối tượng Oryewhere Christian Karie (tên gọi khác là O.Christ, SN 1982), Oriame Orias Ehis (tên gọi khác là Lucker, SN 1980) đã cùng với đối tượng người Việt là Nguyễn Minh Thi để tiến hành lừa đảo hàng vài chục quý bà, từ Hà Nội cho đến Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP HCM…

Các đối tượng thường lấy ảnh và tên giả là người mang quốc tịch ở các quốc gia châu Âu (như Bryan Bommel, Mark Henry, Richie…) để làm quen, nói chuyện trên mạng Internet.

Sau khi lấy được lòng tin của các bị hại, O.Christ và Lucker thông báo là sẽ gửi cho họ một kiện hàng gồm đồ trang sức, điện thoại, vàng, kim cương… có giá trị lớn.

Đồng thời để bị hại tin tưởng, bọn chúng cung cấp một đường dẫn vào một website chuyển phát nhanh giả mạo, có đầy đủ thông tin về người nhận hàng, loại hàng hóa cụ thể, thời gian và địa điểm hàng đến nơi… Bị hại sẽ phải chuyển tiền phí cho bên "hải quan" và các đối tượng sẽ chiếm đoạt. Có người còn mê muội chuyển cho chúng hàng nửa tỉ đồng!

Hành trình truy bắt tên trùm lừa đảo Oshanugor James Anyasi

Đối tượng Oshanugor James Anyasi (SN 1980, quốc tịch Nigeria) là một trong số những đối tượng chuyên bày trò làm quen, yêu đương rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều quý bà (cả ở Việt Nam lẫn nước ngoài). James có vóc người cao lớn, nước da đen bóng và có một "sự quyến rũ kỳ lạ" với nhiều phụ nữ.

Theo tài liệu của Cơ quan điều tra, từ năm 2010 đến nay, James liên tục giả làm doanh nhân giàu có lên mạng Internet để tìm gặp nhiều phụ nữ thuộc các nước Đông Nam Á để trò chuyện, làm quen.

Khi thấy có người "bắt sóng", James sẽ giở bài than thở rằng mình đang rất cô đơn, rất cần có bạn và vẽ ra viễn cảnh sống sung sướng, giàu có nếu đối tác ra nước ngoài sống cùng James.

James cũng nhiều lần nhập cảnh vào các quốc gia như Malaysia, Việt Nam, Lào, Campuchia… để gặp đồng bọn và những "hôn thê" tương lai của hắn.

Tuy nhiên, sau khi đã chiếm được cả tiền lẫn tình của các "quý bà", James đã lặn một hơi mất tăm, để lại cho bị hại niềm day dứt khôn nguôi.

Mới đây, trong một chuyên án phá đường dây lừa đảo xuyên quốc gia của các đối tượng người Nigeria gồm Oshanugor James Anyasi, Oryewhere Christian Karie (tên gọi khác là O.Christ, SN 1982), Oriame Orias Ehis (tên gọi khác là Lucker, SN 1980) cùng một số đối tượng người Việt, Cơ quan Công an đã làm rõ hành vi, vai trò của James. James đã bị truy nã quốc tế, song hắn đã trốn biệt tích.

Không để đối tượng ngang nhiên lộng hành, các chiến sĩ Phòng Cảnh sát hình sự đã lên kế hoạch phục bắt James nếu hắn xuất hiện ở Việt Nam.

Tháng 2/2015, các trinh sát Phòng CSHS Công an TP Hà Nội đã phát hiện ra James đang trong hành trình  từ Dohar (Qatar) sang Phnôm Pênh (Campuchia), sẽ quá cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Sau khi được sự chỉ đạo từ cấp trên, hai trinh sát PC45 lập tức từ Hà Nội bay vào TP HCM, phối hợp cùng với Đồn Công an cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất đón lõng đối tượng.

Khi được mời xuống máy bay, vào phòng lấy khẩu cung, đối tượng James luôn miệng nói rằng… công an bắt nhầm người! Hắn bảo với các trinh sát rằng, "người mà các ông truy nã là người anh em sinh đôi với tôi, chứ tôi chả gây ra tội tình gì cả". Phải cho đến khi một trong những quý bà bị James lừa tình gạt tiền xuất hiện, thì James mới câm bặt.

Minh Tiến
.
.