Mất tiền tỉ vì tin “thánh nổ”

Thứ Năm, 25/03/2021, 11:03
Lợi dụng nhu cầu tìm việc làm của nhiều người, một số đối tượng đã mạo danh cán bộ, dàn cảnh, làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức để đưa nạn nhân vào bẫy, chiếm đoạt tiền. Trong một vụ việc gần đây, có hơn 200 người ở Nghệ An và Hà Tĩnh bị lừa xin việc với số tiền chiếm dụng lên đến gần 20 tỉ đồng.


Giăng bẫy

Ngày 19-3, Cơ quan CSĐT Công an TP Vinh đã phá chuyên án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bắt 2 đối tượng gồm Trần Văn Quân (SN 1987, trú tại phường Trường Thi, TP Vinh, Nghệ An) và Trần Anh Tuấn (SN 1984, trú tại xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Nắm bắt nhu cầu của nhiều người dân muốn xin việc vào các cơ quan, doanh nghiệp, trường học và bệnh viện trên địa bàn nhưng không có khả năng kết nối, Quân và Tuấn bàn bạc với nhau, bày ra các màn kịch tuyển dụng nhằm vào những người nhẹ dạ cả tin, mục đích là để chiếm đoạt tiền bạc.

Công an TP Vinh khám xét, bắt giữ đối tượng trong đường dây dựng màn kịch tuyển dụng, chiếm đoạt khoảng 20 tỉ đồng.

Hai đối tượng đã mạo danh các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh để đăng tải thông tin tuyển dụng giả lên mạng xã hội, kèm theo số điện thoại "tuyển lao động, việc làm". Trần Văn Quân được phân công nhiệm vụ là người trực tiếp nhận hồ sơ và liên lạc với các nạn nhân. Tùy theo từng vị trí việc làm và cơ quan, đơn vị tuyển dụng, các đối tượng sẽ đưa ra mức giá, thấp nhất là 50 triệu đồng và cao nhất lên đến cả tỷ đồng.

Ngay sau khi các nạn nhân tin tưởng, nộp hồ sơ và đồng ý mức giá, Trần Anh Tuấn sẽ đóng giả trưởng phòng nhân sự của các cơ quan. Sau đó đối tượng thuê địa điểm tại các khách sạn, trung tâm thương mại để tổ chức phỏng vấn. Tinh vi hơn, các đối tượng này còn scan, sao chụp hồ sơ tuyển dụng, thậm chí khắc giả con dấu của nhiều đơn vị, sau đó chỉnh sửa lại thông tin trùng khớp với hồ sơ dự tuyển của các nạn nhân. 

Hơn 200 hồ sơ trong một đường dây lừa đảo xin việc làm bị thu giữ.

Đối với những người vượt qua vòng phỏng vấn, các đối tượng thông báo đã trúng tuyển, sau đó hoàn thiện hợp đồng lao động và gửi lại cho nạn nhân rồi hẹn ngày đi làm. Tuy nhiên, nhiều trường hợp sau khi nhận quyết định tuyển dụng, đến ngày hẹn đi làm thì mới tá hỏa khi cơ quan tuyển dụng cho biết, họ không có nhu cầu và cũng không ban hành các quyết định này. Khi biết mình bị lừa, các nạn nhân tìm cách đòi lại tiền nhưng Tuấn và Quân quanh co, không chịu trả lại nên họ đã đồng loạt làm đơn tố giác đến Cơ quan Công an.

Vào cuộc điều tra, Công an TP Vinh xác định đây là một ổ nhóm chuyên thực hiện hành vi lừa đảo xin việc làm, gây bức xúc trong dư luận nên đã xác lập chuyên án đấu tranh. Từ chứng cứ, tài liệu thu thập được, ngày 18-3, ban chuyên án đã bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp 2 đối tượng trên. Khám xét nhà riêng và một số địa điểm mà các đối tượng này thuê để tổ chức phỏng vấn, xét duyệt hồ sơ, cơ quan chức năng thu giữ 218 bộ hồ sơ, 1 ô tô, 1 máy tính xách tay, 5 điện thoại di động, nhiều loại giấy tờ, con dấu giả và 1 tỉ 150 triệu đồng tiền mặt. Từ lời khai của đối tượng và trình báo của các bị hại, ban chuyên án xác định, số tiền các đối tượng chiếm đoạt lên đến khoảng 20 tỉ đồng của hơn 200 nạn nhân trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.

Bổn cũ soạn lại

Trước đó không lâu, vào tháng 9-2020, TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt Mạc Thị Lệ Quyên (SN 1984, trú tại xã Nghi Kim, TP Vinh) 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Dù không có việc làm cụ thể nhưng đối tượng này tự “nổ” mình là cán bộ công tác tại Sở Nội vụ, đối tượng này đã lừa đảo, chiếm đoạt của 20 bị hại với tổng số tiền hơn 3,4 tỉ đồng. Trong đó, bị hại bị lừa ít nhất là 60 triệu đồng, người nhiều nhất là 330 triệu đồng. Đối tượng này cũng sử dụng thủ đoạn làm giả giấy tờ, quyết định tuyển dụng (bằng cách lên mạng tìm kiếm mẫu văn bản có chữ ký của đơn vị tuyển dụng, chèn danh sách người cần xin việc rồi đưa cho nạn nhân, hẹn ngày đi làm, sau đó chiếm đoạt tiền).

Thống kê cho thấy, gần đây nạn nhân bị lừa chạy việc vào các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Nghệ An chiếm số lượng lớn, hàng trăm người trở thành nạn nhân, với số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng chục tỉ đồng. Trong đó, vụ án lừa đảo xin việc vào các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Nghệ An có quy mô lớn, với số lượng nạn nhân nhiều nhất từ trước đến nay, bị Công an TP Vinh triệt xóa vào tháng 6-2020. Trong thời gian từ năm 2017-2020, bằng thủ đoạn tiếp cận các sinh viên mới tốt nghiệp đại học đang có nhu cầu xin việc làm vào các bệnh viện nhà nước, các trung tâm y tế, hai đối tượng Trần Ngọc Tuyên (SN 1959) và Lê Thị Tuyết (SN 1979), đều trú tại xã Nghi Kim, TP Vinh, Nghệ An đã lừa nhận tiền và hồ sơ xin việc để chiếm đoạt tài sản của 33 nạn nhân, với số tiền hơn 4,8 tỷ đồng.

Hai đối tượng Tuyết và Tuyên trong đường dây lừa chạy việc vào bệnh viện, chiếm đoạt gần 5 tỉ đồng.

Trước đó không lâu, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Nghệ An cũng đã vào cuộc, làm rõ hai đối tượng Trần Thị Phượng (SN 1962) và Thái Thị Lan (SN 1958), cùng trú ở TP. Vinh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cũng với chiêu  tự nhận mình có mối quan hệ rộng, có khả năng chạy vào làm việc ở các bệnh viện với mức giá từ 150 đến 300 triệu đồng tùy vị trí làm việc, hai người phụ nữ này đã chiếm đoạt của hơn 60 nạn nhân với số tiền hơn 10 tỷ đồng. Trong vụ án này, nạn nhân dễ sập bẫy lừa là do bà Phượng từng là cán bộ nằm trong ban quản lý dự án của một bệnh viện trên địa bàn TP Vinh, lại khéo ăn khéo nói, có một số mối quan hệ nhất định với các bệnh viện nên nhiều người không mảy may nghi ngờ khi đưa tiền để nhờ xin việc.

Thượng tá Cao Ánh Hồng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An cảnh báo, thành phần đối tượng lừa chạy việc hiện nay tương đối đa dang, phức tạp. Ngoài một số người không có công việc ổn định, “nổ” mình là cán bộ của các sở, ban, ngành hoặc một số thành phần là cán bộ hưu trí, thì hiện nay một số người đang là cán bộ, công chức đang tại vị cũng tham gia chạy việc làm. Khi việc không có, tiền cũng không trả lại, nạn nhân tố cáo đến cơ quan chức năng thì sự việc mới vỡ lở. 

Đó là câu chuyện của bà Vi Thị Hoa (SN 1972, giáo viên trường THCS xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An). Dù không có khả năng xin việc nhưng nữ giáo viên này đã nhận số tiền 860 triệu đồng của 5 bị hại để xin cho 6 trường hợp vào làm việc tại các bệnh viện, trường học trên địa bàn. Khi nạn nhân tố giác, cô giáo này bỏ trốn và bị phát hiện, bắt giữ.

Một trường hợp khác là đối tượng Cao Thị Thành Vinh (SN 1983, trú phường Lê Mao, TP Vinh, Nghệ An), là cán bộ Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ nhưng Vinh lại nảy sinh ý định lừa đảo nhằm thu lợi bất chính bằng cách tự xưng mình là cán bộ công an, có khả năng xin việc vào các cơ quan nhà nước. Với “mác” này, đối tượng đã 3 lần thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 310 triệu đồng nên bị tòa tuyên án 7 năm tù giam.

Thượng tá Hoàng Nghĩa Phượng, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An cho biết thêm, thủ đoạn của các đối tượng giả danh cán bộ để lừa chạy việc ngày càng đa dạng, phức tạp và vô cùng tinh vi, kín kẽ, khiến nạn nhân không hề nghi ngờ. Trong đó, tình trạng giả danh sĩ quan quân đội, công an để lừa đảo chiếm tỉ lệ lớn, vì đối tượng khai thác triệt để vào uy tín, sự tin tưởng của người dân đối với cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an để tạo dựng lòng tin. 

Nạn nhân trong màn kịch tuyển dụng, chiếm đoạt 20 tỉ đồng trình báo tại cơ quan Công an.

Điển hình là trường hợp Trương Thị Thu (SN 1959, trú xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, Nghệ An). Bản thân là cán bộ hưu trí, từng có thời gian công tác trong ngành giáo dục nên khi người này giới thiệu mình có mối quan hệ quen biết với nhiều người có chức, có quyền có thể xin được vào làm việc trong ngành công an, xin chuyển công tác, không ít người đã tin tưởng giao tiền để nhờ chạy việc. Trong thời gian 5 năm, từ 2012-2017, Trương Thị Thu đã lừa đảo 9 bị hại ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Hà Giang, chiếm đoạt số tiền hơn 4,2 tỉ đồng.

Cũng theo Thượng tá Phượng, sở dĩ tội phạm lừa đảo nhằm vào các chiêu trò chạy việc một phần cũng do nạn nhân nhẹ dạ cả tin. Một cách kiểm chứng đơn giản nhưng hiệu quả nhất mà ai cũng có thể làm được để tìm hiểu xem thực hư việc tuyển dụng có thật hay không là liên hệ trực tiếp các cơ quan, đơn vị mà các đối tượng đang hứa hẹn có thể xin được việc làm để xác minh thông tin. 

Đại tá Hồ Bá Võ, nguyên điều tra viên cao cấp Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An cho rằng, thủ đoạn của các đối tượng trong các vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, mà cụ thể là trong các vụ án liên quan đến chạy việc, dù có nhiều mánh khóe khác nhau song thủ đoạn vẫn là chiêu trò cũ, dù vậy vẫn nhiều nạn nhân mới sập bẫy. Để không trở thành nạn nhân của trò lừa đảo này, trước hết người dân muốn xin việc làm cho con em mình thì phải tìm hiểu kỹ thông tin tuyển dụng của nơi định tìm kiếm việc làm. 

Cùng với đó, cấp ủy chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cũng cần có các kế hoạch tuyên truyền, cảnh báo để người dân nâng cao ý thức cảnh giác trước thủ đoạn của những đối tượng xấu. Khi có dấu hiệu lừa đảo, cần sớm trình báo với Cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời phát hiện, ngăn chặn.

Thiện Thành
.
.