Mối họa khi người tâm thần, “ngáo đá” đi lang thang

Thứ Tư, 14/04/2021, 17:56
Thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội liên tục xảy ra những vụ cố ý gây thương tích, thậm chí giết người do các đối tượng từng có tiền sử tâm thần hoặc sau khi sử dụng chất gây nghiện gây ra. Điều này một lần nữa đặt ra vấn đề quản lý người nghiện nói riêng và những người có tiền sử tâm thần nói chung.


Ảo giác

Đầm Hồng (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) lâu nay đã trở thành nơi hóng mát, tập thể dục của nhiều người dân sống quanh đó. Chiều chiều luôn có những “cần thủ” vác cần ra câu cá. Người câu không ít mà kẻ chầu rìa cũng lắm. Trong số đó, Trịnh Bá V. (SN 1987, trú tại phường Khương Đình, Thanh Xuân) là một khán giả trung thành. Song, anh này vừa bị một phen hú vía...

Vào một buổi chiều, anh V. đang đứng ở đầm Hồng chăm chú xem câu cá thì bất ngờ có một đối tượng cầm 2 con dao chọc tiết lợn chạy về phía đám đông. Nhiều người dân thấy vậy hoảng sợ chạy tứ tán. Thấy mũi dao hướng về phía mình, anh V. vội vàng lao xuống đầm bơi miết sang bờ bên kia. Leo lên bờ rồi, anh V. vẫn còn run lập cập...

Công an khống chế một đối tượng có biểu hiện “ngáo đá” tấn công người đi đường bằng gạch vụn, chất bẩn tại Hà Nội.

Trước đó, anh Kiều Văn T. (SN 1974, trú tại phố Bùi Xương Trạch, Khương Đình, Thanh Xuân) đi bộ đến trước số nhà 38, ngách 358/40 Bùi Xương Trạch cũng bị một nam giới vô cớ dùng dao chọc tiết lợn đâm vào bả vai phải. Anh T. bị thương rách da 3cm, phải đi điều trị tại Bệnh viện Bưu điện...

Hàng loạt vụ cố ý gây thương tích xảy ra trong một thời gian ngắn, do 1-2 đối tượng có chung thủ đoạn gây ra đã khiến người dân trong khu vực hết sức lo lắng.

Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Thanh Xuân đã phối hợp với Công an phường Khương Đình khẩn trương tổ chức điều tra. Cơ quan công an đã phát hiện 2 đối tượng nghi vấn gồm Cao Chu Thanh (SN 1982, sống lang thang) và Đỗ Duy Ngọc (SN 1988, trú tại quận Thanh Xuân). Tiến hành kiểm tra nơi ở của đối tượng, cơ quan điều tra thu giữ 3 túi nilon chứa chất bột màu trắng nghi là ma túy tổng hợp, 2 con dao bầu và nhiều tang vật liên quan đến việc sử dụng ma túy...

Tại Cơ quan công an, Cao Thu Thanh khai nhận khoảng 4 giờ sáng 26-2, sau khi từ nhà nghỉ đi ra, Thanh lang thang tìm chỗ ăn sáng. Đối tượng nhìn thấy anh T. đi phía trước, nghĩ anh T. có ý định đánh mình nên Thanh đã rút 2 con dao nhọn ra đâm vào người nạn nhân. Bị thương, anh T sợ hãi bỏ chạy, còn Thanh tiếp tục đi ăn sáng và quay về nhà nghỉ lấy đồ đạc để đến phòng trọ của Ngọc.

Ngoài vụ việc này, trong ngày 24-2, Thanh đang đứng ở ven đầm Hồng xem câu cá thì có anh V. và một số người khác đến cùng xem và nói chuyện. Thấy anh V. to tiếng với người khác, Thanh nghĩ anh ta chửi mình nên đã lấy 2 con dao giấu trong người ra đuổi đánh anh V. Anh V. sợ hãi nhảy xuống hồ bơi ra xa, thấy vậy Thanh mới bỏ đi.

Trước đó, ngày 18-2, Thanh đi xe máy đến phường Khương Đình thì thấy một người đàn ông đang đứng trước ngõ, cùng một chiếc xe Honda Lead. Thanh nghĩ người này đang theo dõi và gây nguy hiểm cho mình nên đã dừng xe lấy dao chém vào vùng lưng của nạn nhân. Người đàn ông sợ hãi vứt xe bỏ chạy. Về 2 con dao, Thanh khai mua ở chợ gần cầu Thăng Long với mục đích để phòng thân. Đối với số ma túy thu giữ tại nhà Ngọc, đối tượng khai đã mua của một người đàn ông lạ mặt với giá 450.000 đồng để sử dụng.

Theo hồ sơ từ Cơ quan công an, Cao Chu Thanh có hàng chục tiền án, tiền sự liên quan đến ma túy, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, gây rối trật tự và trộm cắp; còn Đỗ Duy Ngọc có 2 tiền án tiền sự về hành vi cướp giật tài sản và gây rối trật tự công cộng. Cơ quan công an hiện đang tiếp tục củng cố hồ sơ, xử lý các đối tượng về các hành vi “Cố ý gây thương tích” và “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Khi đối tượng tâm thần lang thang ở cộng đồng

Nếu như đối tượng Thanh bị ảo giác sau khi sử dụng ma túy dẫn đến dùng dao đuổi chém người khác, thì đối tượng Lê Như Toàn (SN 1991, thường trú phường Trung Sơn, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) lại gây ra án mạng hết sức dã man. Đối tượng này vốn có tiền sử bị bệnh tâm thần.

Đối tượng Toàn có tiền sử bệnh tâm thần đã gây ra cái chết cho nữ công nhân vệ sinh.

Đêm 4-4-2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy nhận tin báo chị Vũ Thúy H. (SN 1978, thường trú tại phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) là nhân viên Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên đang đẩy xe chở rác trên đường Cầu Giấy, hướng về đường Xuân Thủy thì bất ngờ bị một đối tượng nam thanh niên dùng gạch đập nhiều lần vào đầu khiến chị H. tử vong tại khu vực phía trước tòa nhà Discovery Complex.

Tổ chức khám nghiệm hiện trường, Cơ quan công an đã thu giữ 1 viên gạch hung thủ dùng gây án. Nạn nhân bị tử vong do đa chấn thương vùng đầu. Cơ quan công an xác định, sau khi thực hiện hành vi giết người, đối tượng đã bỏ chạy về hướng đường Xuân Thủy. Chỉ sau một thời gian ngắn, Cơ quan công an đã bắt giữ được hung thủ gây án khi đối tượng đang lẩn trốn trong khu đô thị Làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng là Lê Như Toàn.

Theo Công an quận Cầu Giấy, Lê Như Toàn là đối tượng không nghề nghiệp, có tiền sử bệnh tâm thần. Khoảng 20 giờ 45 phút tối 4-4, khi Toàn đang đi bộ trên vỉa hè theo hướng từ đường Cầu Giấy về đường Xuân Thủy thì nảy ra ý định giết người. Toàn nhặt 1 viên gạch (loại gạch lát vỉa hè) và tiến đến chỗ chị H...

Hiện Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Lê Như Toàn về hành vi giết người, để phục vụ công tác điều tra theo quy định của pháp luật.

Con dao bầu đối tượng Cao Chu Thanh sử dụng để đâm người đi đường sau khi lên cơn.

Giải pháp gỡ vướng

Theo một điều tra viên Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an TP Hà Nội thì hiện nay việc xử lý người nghiện ma túy tổng hợp còn nhiều vướng mắc. Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 thì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không bị truy cứu trách nhiệm hình sự như trước đây. Đối tượng chỉ bị xử phạt hành chính với hình phạt bằng tiền. Vì thế, việc xử lý, quản chế người bị “ngáo đá” chỉ dừng ở mức độ xử phạt vi phạm hành chính, có vi phạm lần thứ hai, thứ ba... thì cũng chỉ phạt ở mức độ tái phạm.

Ngoài ra, chỉ khi xác định được tình trạng nghiện thì mới có thể áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong khi những đối tượng này sống lang thang, sử dụng ma túy ở một nơi nhưng bị bắt ở một nơi khác nên việc áp dụng thủ tục đưa đi cai nghiện là rất nan giải.

Bên cạnh đó, việc xử lý những đối tượng tâm thần, ngáo đá còn vướng ở vấn đề giám định pháp y. Ngay như trong vụ án Nguyễn Xuân Quý tổ chức đường dây mua bán, sử dụng ma túy tổng hợp trong phòng điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 mà Cơ quan công an vừa triệt phá thời gian vừa qua, việc xử lý hình sự đối với đối tượng này không hề đơn giản. Bởi gã vốn có bệnh án tâm thần, phải tổ chức giám định xem hiện tại bệnh tình của Quý đang ở mức độ nào. Nếu vẫn xác định bệnh còn nặng thì việc xử lý hình sự là rất khó khăn mặc dù hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy của đối tượng này là đặc biệt nghiêm trọng.

Theo luật sư Bùi Đình Ứng (Văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn Luật sư Hà Nội) thời gian qua trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ trọng án mà đối tượng có tiền sử bị bệnh tâm thần. Theo Bộ luật Hình sự, đối với những trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, sẽ bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quy định.

Cao Chu Thanh và Đỗ Văn Ngọc.

Tùy theo giai đoạn tố tụng, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án phải trưng cầu giám định pháp y. Căn cứ vào kết luận của hội đồng giám định pháp y, viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra, truy tố; tòa án quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn xét xử và thi hành án.

Tuy nhiên, không ít bệnh nhân tâm thần vẫn còn sống lang thang ngoài cộng đồng. Do vậy, để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, gia đình của người bị mắc bệnh tâm thần cần chú ý đến việc quản lý, chăm sóc người bệnh. Không để người bị bệnh tâm thần tiếp xúc với những công cụ có khả năng gây sát thương, ngoài ra cần tránh những hành vi, lời nói làm bệnh nhân tâm thần bị kích động. Quan trọng nhất là mỗi gia đình nên chủ động đưa người bệnh đi chữa bệnh tại các cơ sở chuyên khoa để phòng tránh những hậu quả xấu.

Bên cạnh đó, vai trò của các cơ quan chức năng tại địa phương trong vấn đề chăm sóc sức khỏe cộng đồng, người dân địa phương cũng hết sức cần thiết.

Ngoài ra, pháp luật hiện hành vẫn còn thiếu quy định yêu cầu chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần trong trường hợp họ chưa có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, các nhà làm luật nên có các quy định về việc quản lý và bắt buộc chữa bệnh đối với người bị tâm thần.

M. Tiến - M. Trí
.
.