Một cựu điệp viên CIA có nguy cơ lĩnh án 30 năm tù vì tiết lộ bí mật

Thứ Ba, 07/02/2012, 22:40

John Kiriakou - cựu điệp viên Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) - đang phải hầu tòa và có nguy cơ lãnh án đến 30 năm vì các tội danh tiết lộ bí mật nội bộ cho báo chí, kể cả danh tính một số điệp viên ngầm của CIA ở nước ngoài.

Theo luật sư Plato Cacheris, John Kiriakou sẽ không nhận tội cho dù đã có đủ chứng cứ buộc tội, và sẽ chống án đến cùng. Người hùng của CIA ngày nào trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ ở Afghanistan đang đối mặt với mức án tù lên đến 30 năm cho 4 tội danh liên quan đến việc tiết lộ các thông tin bí mật về các chiến dịch chống khủng bố và nói dối cơ quan điều tra.

Trong diễn biến mới nhất, vợ của ông Kiriakou là bà Heather Kiriakou, một chuyên gia phân tích hàng đầu khác của CIA đã bị yêu cầu phải nộp đơn từ chức hôm 24/1. Bà Heather bị buộc phải rời khỏi công việc vì tính chất nhạy cảm của các hồ sơ và thông tin mà bà tiếp cận hàng ngày trong khi vụ án "tiết lộ thông tin mật cho báo chí" của chồng bà vẫn đang tiếp diễn và sự tin tưởng của cấp trên đối với bà không còn nữa.

Năm nay 47 tuổi, Kiriakou sinh ra trong gia đình nhà giáo, bố mẹ đều là giáo viên tiểu học, gốc gác người Hy Lạp di cư. Kiriakou sinh trưởng tại thành phố New Castle, bang Pennsylvania.

Con đường trở thành điệp viên CIA của Kiriakou dường như là "duyên số". Kiriakou theo học Đại học George Washington chuyên ngành về Trung Đông. Đây chính là điều kiện thật tốt cho công việc phân tích tình báo sau này. Nghe theo lời thầy dạy là Giáo sư Jerrold M. Post, một cựu chuyên gia của CIA, Kiriakou nộp đơn xin vào CIA năm 1990.

Thế là Kiriakou trở thành chuyên viên phân tích tình báo cho CIA, đồng thời bắt đầu học tiếng Arập, nhưng sau đó chuyển sang thụ huấn về các chiến dịch chống khủng bố và nhận nhiệm vụ đóng chốt tại Athens, Hy Lạp và Trung Đông.

Trong quyển hồi ký xuất bản năm 2010 nhan đề "Điệp viên bất đắc dĩ: Cuộc đời bí mật của tôi trong cuộc chiến chống khủng bố của CIA" (The Reluctant Spy: My Secret Life in the CIA's War on Terror), Kiriakou đã kể lại nhiều câu chuyện không thể tìm thấy trên mặt báo về cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ ở Afghanistan và Pakistan.

Sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, Kiriakou được biệt phái sang Pakistan tham gia các chiến dịch săn lùng khủng bố Al-Qaeda. Kiriakou nổi tiếng nhờ đóng vai trò chủ chốt trong vụ vây bắt Abu Zubaydah - một lãnh đạo cao cấp của Al-Qaeda, vào tháng 3/2002.

Rất nhanh, Kiriakou xộc vào ngôi nhà nơi Abu Zubaydah ẩn náu, và y bị thương vì cuộc đấu súng trước đó. Kiriakou chụp ảnh vành tai y và chuyển nhanh bằng điện thoại về trung tâm CIA cho các chuyên gia phân tích xác nhận, khẳng định chính xác là Abu Zubaydah. Đó là nhân vật cao cấp đầu tiên của Al-Qaeda bị bắt. Thành tích đó đã đưa Kiriakou trở thành người hùng của CIA.

Năm 2004, Kiriakou xin rời khỏi CIA vì bất đồng với một lãnh đạo trong cơ quan này. Sau đó, ông ta gia nhập Công ty kiểm toán Deloitte, chuyên phân tích rủi ro về an ninh cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Đến cuối năm 2007, những mầm mống rắc rối giữa Kiriakou với CIA bắt đầu xuất hiện khi ông tham gia vào cuộc tranh cãi quanh việc CIA sử dụng phương pháp "ván nước" (waterboard) để tra tấn nghi can khủng bố. Kiriakou không ủng hộ việc sử dụng waterboard, nhưng những thông tin ông cung cấp khi trả lời phỏng vấn báo chí lại không chính xác và không có cơ sở.

Những cuộc trả lời phỏng vấn báo chí quả thực đã mang lại cho Kiriakou nhiều rắc rối hơn là có lợi. Sau vụ tranh cãi với CIA về waterboard khiến Kiriakou bị mất việc tại Công ty Deloitte, Kiriakou tiếp tục nhận lời phỏng vấn với báo chí về cuộc chiến chống khủng bố của CIA mà ông từng tham gia.

Theo cáo trạng của tòa án, vào mùa hè năm 2008, Kiriakou đã cung cấp cho một nhà báo danh tính của một điệp viên ngầm, sau đó nhà báo này đã chuyển tên tuổi điệp viên đó cho nhóm luật sư bào chữa cho các nghi can ở nhà tù Vịnh Guantanamo.

Cáo trạng của tòa án cũng cáo buộc Kiriakou đã giúp phóng viên Scott Shane của tờ New York Times xác nhận tên tuổi của một quan chức CIA khác liên quan trong chương trình hỏi cung để sau đó Shane đưa vào một bài báo đăng trên tờ New York Times tháng 6/2008.

Riêng về quyển hồi ký đã được Kiriakou viết và xin phép xuất bản từ năm 2008, thế nhưng quyển sách đã bị Hội đồng Kiểm duyệt xuất bản của CIA ách lại do có nhiều chi tiết nhạy cảm liên quan đến những bí mật mà CIA cần giữ kín.

Sau khi quyển hồi ký được xuất bản, những đồng nghiệp năm xưa của Kiriakou tại CIA cũng trở nên lạnh nhạt hơn với Kiriakou do những tiết lộ của ông trong quyển sách. Những câu chuyện ông kể trong quyển hồi ký đều được thuật lại từ những chiến dịch chống khủng bố của CIA mà ông đã tham gia, trong đó có câu chuyện về vụ bắt giữ Abu Zubaydah nêu trên.

Chưa thôi, Kiriakou còn được mời làm cố vấn về an ninh cho một số bộ phim về chiến tranh Afghanistan và Pakistan, đặc biệt là bộ phim “The Kite Runner” từng gây nên làn sóng phản ứng dữ dội tại Afghanistan, đến nỗi Kiriakou phải đích thân bay sang Afghanistan để bảo đảm cậu bé đóng vai chính trong phim không bị đe dọa tính mạng khi bộ phim được tung ra.

Vụ việc tiết lộ thông tin của Kiriakou được xem là một nỗ lực mới nhất của chính quyền Tổng thống Barack Obama trong chiến dịch bịt các lỗ rò rỉ thông tin bí mật của nhà nước cho báo chí được triển khai từ sau vụ trang WikiLeaks tiết lộ hàng trăm ngàn hồ sơ mật của chính quyền Mỹ

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.