Một phán quyết có nguy cơ làm lung lay cả công lý lẫn đạo lý

Thứ Hai, 21/05/2018, 11:12
Ngày 11-5-2018, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xét xử phúc thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Khắc Thủy (78 tuổi) mức án 18 tháng tù treo về tội dâm ô trẻ em. Trước đó, vào tháng 11-2017, TAND TP Vũng Tàu đã xét xử sơ thẩm vụ án, tuyên phạt mức án 3 năm tù giam với cùng tội danh trên.

Bản án phúc thẩm tuyên xong, dư luận xã hội và báo chí, mạng xã hội cực lực lên tiếng phản đối gay gắt về mức án, cho rằng quá nhẹ, không thỏa đáng. Ngày 15-5, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm việc với các cơ quan tố tụng, thực hiện chỉ đạo của TAND Tối cao về việc rút toàn bộ hồ sơ vụ án để xem xét lại. Tiếp đến, ngày 16-5, Viện KSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã gửi báo cáo, hồ sơ vụ án cho Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh kháng nghị giám đốc thẩm, hủy bản án treo của tòa phúc thẩm.

Ngày 17-5, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử cho ông Nguyễn Khắc Thủy hưởng án treo, đồng thời thẩm phán chủ tọa phiên tòa Huỳnh Ngọc Thiện bị đề nghị tạm đình chỉ công tác.

Tòa bảo “không”, Viện cho là “đủ” chứng cứ

Hiếm thấy một bản án nào mà có sự “vênh” nhau khá lớn về mức án phạt và quan điểm luận tội như vụ dâm ô trẻ em gái đối với trường hợp bị cáo Nguyễn Khắc Thủy. Nếu nhìn nhận từ cơ quan tòa án 2 cấp, TAND TP Vũng Tàu xử tại phiên sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Thủy mức án 3 năm tù giam là sai, chưa đúng tội nên bị kháng cáo, thì việc TAND tỉnh xét xử phúc thẩm tuyên bị cáo 18 tháng tù treo sẽ được coi là đúng người, đúng tội, đúng luật. Nhưng thực tế đã cho thấy: rất đông người dân đồng tình với “cái sai” của TAND TP Vũng Tàu. Giờ đây, dư luận xã hội đã và đang bức xúc với mức án treo 18 tháng mà TAND tỉnh xét xử phúc thẩm tuyên án.

Chủ tọa phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án dâm ô bé gái tại TP Vũng Tàu là thẩm phán Huỳnh Ngọc Thiện từng khẳng định là: “bản thân tôi không thấy áp lực gì cả”, sau khi tuyên án đã phải nhìn nhận là những việc không lường trước được. Ông bộc bạch: “Khi tuyên án, tôi đã ít nhiều lường trước việc sẽ bị dư luận phản ứng. Nhưng  tôi không ngờ đến mức độ kinh khủng như những ngày qua”.

Phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Khắc Thủy.

Giữa tâm bão dư luận, Viện KSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã báo cáo, gửi hồ sơ vụ án cho Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh kháng nghị giám đốc thẩm, hủy bản án phúc thẩm tuyên 18 tháng tù treo của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đối với bị cáo Nguyễn Khắc Thủy về tội dâm ô trẻ em gái.

Đại diện Viện KSND giữ quyền công tố tại tòa cho rằng có đủ cơ sở, chứng cứ cáo buộc bị cáo Thủy dâm ô với 2 trẻ em gái tại TP Vũng Tàu. Đó là lời khai của nạn nhân, việc nhận dạng của bị hại, nhân chứng nhận dạng chính xác việc bị cáo thực hiện hành vi dâm ô. Căn cứ các kết quả thực nghiệm điều tra và lời khai, nhân chứng rất trùng khớp, Viện KSND bảo lưu quan điểm bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Thủy và giữ nguyên bản án 3 năm tù giam đã tuyên tại tòa sơ thẩm.

Với mức án này, TAND TP Vũng Tàu căn cứ quy định tại Điều 116, Bộ luật Hình sự 1999 với hành vi phạm tội dâm ô trẻ em “Phạm tội nhiều lần và nhiều trẻ em...”.

Theo cáo trạng, từ tháng 5-2014, bị cáo Thủy đã có hành vi dùng tay xâm hại vào bộ phận sinh dục của cháu gái 11 tuổi sống cùng chung cư, có một bé gái khác chứng kiến và một bé gái khác 6 tuổi đang chơi cầu tuột trong khuôn viên chung cư cũng bị xâm hại tương tự.

Gia đình bị hại từng gõ cửa các cơ quan pháp luật kêu đòi công lý, tố cáo hành vi xâm hại trẻ em của bị cáo Thủy nhưng đã vấp phải sự thờ ơ, khó khăn của các cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo vệ trẻ em về hành vi phạm tội này. Một là, bị hại và nhân chứng đều là những trẻ em gái còn nhỏ tuổi, chưa đầy đủ năng lực hành vi và hiểu biết pháp luật lại rất dễ bị chấn thương tâm lý, hoảng sợ, khủng hoảng tinh thần trước mọi sự đe dọa nếu có.

Hai là, căn cứ để chứng minh tội phạm thiếu cơ sở, khu chung cư không có camera an ninh ghi lại hình ảnh, thiếu nhân chứng là người lớn, người bảo vệ chung cư và phụ huynh các bé gái không tận mắt chứng kiến sự việc. Chỉ nhận biết từ dấu hiện tổn thương tinh thần và lời kể lại của bé...

Có thể hiểu, TAND tỉnh xử phúc thẩm đã lập luận rằng hành vi phạm tội của bị cáo Thủy với trẻ em gái là đúng, nhưng vận dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” như tòa sơ thẩm là không đúng. Lập luận này đã dẫn đến kết quả tòa phúc thẩm đã tuyên phạt bị cáo án treo.

Ý chí của tòa trong việc này rất rõ: Chỉ khi nào cùng một bị hại, bị cáo đã thực hiện nhiều lần hành vi đó mới định tội “phạm tội nhiều lần”. Hội đồng xét xử không sai, nhưng việc áp dụng những cách giải thích hành vi phạm tội, thuật ngữ trong điều luật vào trong vụ án này, xem chừng dư luận không đồng tình cũng có lý do. Thêm vào đó là quan điểm của tòa, cho rằng bị hại là một trẻ phát triển bình thường, học giỏi, ở độ tuổi có thể nhận thức về giới tính, về cơ thể của mình nếu bị người khác xâm hại thì phải có phản ứng, hành động chống trả...

Dư luận phản ứng  ngay, rất gay gắt: Ai là người có con gái ở độ tuổi cháu gái bị hại, chắc chắn sẽ phản đối bằng những ngôn từ... rất kinh khủng.

Đình chỉ công tác chủ tọa phiên tòa

Phiên tòa phúc thẩm được dư luận và xã hội kỳ vọng sẽ đưa ra mức án nghiêm khắc, đủ sức răn đe và ngăn chặn tình hình phạm tội dâm ô trẻ em đang diễn ra rất phức tạp trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, kết quả ngược lại đã khiến dư luận cảm thấy bị thách thức.

TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong phiên xử phúc thẩm ngày 11-5 còn viện dẫn các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Nguyễn Khắc Thủy như: phạm tội lần đầu (ở tuổi 77), nhân thân tốt (từng là giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước), sức khỏe yếu, nhiều loại bệnh như tiểu đường, huyết áp cao, Parkinson...

Phản đối quan điểm này, dư luận tỏ thái độ bức xúc không phải là không hợp lý. Nếu bị cáo từng là một cán bộ hưu trí, một đảng viên, một người già gương mẫu trong xã hội mà có hành vi dâm ô trẻ em gái đáng tuổi cháu chắt của mình, thì đó càng phải là tình tiết tăng nặng, khó có thể viện dẫn chúng như tình tiết giảm nhẹ. Bởi lẽ, nó thể hiện ý thức phạm tội, năng lực chịu trách nhiệm hành vi của bị cáo là rõ ràng.

Dư luận xã hội cũng cho rằng cần phạt nặng hơn so với một bị cáo ít học, không có vị trí đáng kể trong xã hội, vì nó đã làm ảnh hưởng đến uy tín của cán bộ nhà nước, một cán bộ hưu trí ngành ngân hàng, gây ra nỗi lo lắng bất an, phẫn nộ của nhiều tầng lớp xã hội khác.

Khi tòa phúc thẩm tuyên án bị cáo Thủy xong, từ TP Vũng Tàu, một cô bạn học trường luật với tôi đã bày tỏ cơn phẫn nộ cực điểm, với những lời lẽ kích động vì cô đang có 2 con gái nhỏ ở độ tuổi cháu gái bị hại. “Xem ti vi thấy hình ảnh “lão khốn” đó vênh vênh mặt trước tòa, rồi giả ốm đau, rồi đe dọa tự thiêu... như thách thức pháp luật và lương tri con người, tôi tức điên lên. Nhiều chị em  còn đòi đến tòa tự tìm ông ta cho mấy cái tát cho đỡ chướng mắt...”.

Tuy nhiên, cảm xúc xã hội cũng không thể thay thế được việc dụng luật cũng như việc xét xử cần thiết phải tỉnh táo không để tác động từ cảm xúc, dư luận xã hội tác động làm lệch kết quả, nhất là việc nó có thể tác động gây suy luận bất lợi cho bị cáo. Căn cứ pháp luật của tòa án bao giờ cũng dựa vào kết quả điều tra của cơ quan CSĐT và trên cơ sở đề nghị truy tố của cơ quan Viện KSND.

Những tranh luận, đề nghị của luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo, bị hại đều được xem xét và đối chiếu với tình tiết, quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện tố tụng. Ai cũng biết, đây là loại tội phạm rất phức tạp, nhiều khó khăn cho CQĐT và tố tụng tiến hành cả về chủ thể và khách thể.

Về vụ này, luật sư Phạm Hùng - Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng: “Với tội phạm dâm ô trẻ em xảy ra ở nước ta, cần có những chứng cứ xác thực, thuyết phục mới làm rõ tội phạm được. Hơn nữa, bị hại thường là các em gái nhỏ, càng rất khó khăn trong việc tìm nhân chứng, nhận dạng, thời gian xảy ra vụ việc... Với mức án phúc thẩm TAND tỉnh đã tuyên, tôi nghĩ HĐXX cũng đã có căn cứ đảm bảo đúng quy định pháp luật...”.

Khi được hỏi, đa phần người trả lời đều tỏ thái độ không đồng tình với bản án. Nhưng cũng có một số người tin rằng, ảnh hưởng của mạng xã hội, truyền thông cùng với tính chủ quan, cảm tính và nhạy cảm trong những trường hợp bị hại liên quan đến trẻ em, thường tác động rất mạnh mẽ đến dư luận xã hội đã và đang quyết tâm ngăn chặn, lên án mọi hành vi dâm ô trẻ em gái. Điều này có thể dẫn đến những bức xúc không thỏa đáng về mức án.

Bị cáo Nguyễn Khắc thủy tại phiên tòa.

Từ khi xảy ra vụ ấu dâm của nghệ sĩ hài Minh “Béo” tại Mỹ, dư luận trong nước bắt đầu sục sôi về việc bảo vệ trẻ em trước những hành vi biến thái của tội phạm dâm ô. Phán quyết của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại phiên phúc thẩm cho bị cáo Nguyễn Khắc Thủy hưởng án treo 18 tháng và 36 tháng thử thách, dù chưa thể kết luận đúng hay sai về luật định, quá trình tố tụng... nhưng chắc chắn đang là việc “chế thêm dầu vào lửa”.

Sự việc đã và đang làm xấu đi và gây nhiều nghi vấn bất an trong xã hội về công lý lẫn đạo lý. Do rất khó thu thập các chứng cứ phục vụ công tác điều tra tội phạm dâm ô theo quy định của pháp luật hiện hành nên tội phạm có nhiều cách để chối bay chối biến hành vi phạm tội trong khi bị hại chỉ là những em bé gái rất nhỏ tuổi.

Có thể gặp khó khăn trong điều tra tội phạm nhưng những hậu quả và nỗi đau của phụ huynh bị hại và bản thân cháu gái bị hại thì lại rất dễ hình dung, rất cần cảm thông chia sẻ. Người dân đang hồ nghi cơ quan tòa án đang bảo vệ cho bị cáo với lý do tuổi cao, sức yếu... mà không nghĩ đến việc “nhân đạo” này đang vô tình vùi dập mầm xanh hy vọng, tương lai của đất nước.

Qua 2 cấp xét xử, rõ ràng hành vi phạm tội dâm ô bé gái đã được cấu thành, chỉ khác nhau việc phạm tội nhiều lần hay một lần với cùng một bị hại. Nếu đã cấu thành tội phạm thì vấn đề oan sai, quy trình tố tụng không sai, cớ gì lại định tội, định khung hình phạt rất khác xa như vậy (giữa 2 bản án của 2 cấp xét xử) để tạo nên sự bức xúc cho cả xã hội? Một số chuyên gia về tố tụng khẳng định thiếu căn cứ để tuyên mức án treo cho bị cáo Nguyễn Khắc Thủy. 

Trong nhiều trường hợp, đạo lý và luật pháp có thể sẽ có những điểm không song hành. Vụ án dâm ô trẻ em gái xảy ra tại Vũng Tàu đã thật sự đánh động đến lương tâm của nhiều tầng lớp trong xã hội, theo nhiều chiều. Đừng vì căn cứ “thiếu” một chút gì đó trong quá trình điều tra, tố tụng mà gây ra một vụ oan sai cho một người đã cao tuổi. Nhưng cũng đừng vì viện dẫn tình tiết giảm nhẹ với một người cao tuổi, được coi là phạm tội lần đầu như bị cáo Thủy mà lật đổ cả thành trì công lý, đạo đức xã hội đang sống theo tinh thần thượng tôn pháp luật và pháp chế XHCN.

Trước phản ứng gay gắt của dư luận xã hội, các cơ quan liên quan đã có những động thái tích cực, đúng luật để xem xét lại vụ án theo đúng quy định của luật pháp. Ngày 17-5 TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xét xử ông Nguyễn Khắc Thủy phạm tội dâm ô với trẻ em.

Nghi vấn có sai phạm trong khi xét xử, lãnh đạo TAND Tối cao đã chỉ đạo chánh án TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tạm đình chỉ công tác của thẩm phán chủ tọa phiên tòa Huỳnh Ngọc Thiện để xem xét kiểm điểm.

Nam Yên
.
.