Mua bán người - những cạm bẫy tinh vi

Thứ Ba, 01/08/2017, 11:25
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhận thức pháp luật chưa cao của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa, một số đối tượng đã dụ dỗ, lôi kéo nhiều chị em nhẹ dạ cả tin đi làm công ăn lương, thực chất là lừa bán ra nước ngoài để kiếm tiền bất chính.

Mặc dù cơ quan chức năng đã quyết liệt vào cuộc, song lợi nhuận kếch sù, loại tội phạm này vẫn tiếp tục gia tăng và ngày càng diễn biến theo chiều hướng phức tạp.

Giải cứu nạn nân từ tay bọn buôn người

Chiều tối ngày 10-7-2017, gia đình ông Moong Phò Uông (51 tuổi), trú tại bản Bình Sơn 2, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) tá hỏa khi phát hiện cô con gái Moong Thị Xuyến (18 tuổi), bỗng dưng biến mất. Sau hai ngày huy động người thân, anh em họ hàng tổ chức tìm kiếm khắp nơi nhưng bặt vô âm tín, cực chẳng đã ông Uông đã làm đơn trình báo đến Công an huyện Kỳ Sơn vào ngày 12-7.

Bộ Công an khen thưởng cá nhân, tập thể tại Hội nghị sơ kết chỉ đạo điểm chương trình phòng, chống mua bán người tại Nghệ An.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Công an huyện Kỳ Sơn đã cử trinh sát vào cuộc và nhận thấy, Xuyến là một cô gái ngoan ngoãn, chưa từng có biểu hiện giao du với các đối tượng xấu. Sáng sớm ngày xảy ra sự việc, cháu Xuyến lên nương làm rẫy cùng với một người bạn cùng bản, tên là Moong Thị Hoa Mà (18 tuổi), hiện người này cũng không có mặt ở bản.

Trong lúc cơ quan chức năng đang tập trung tìm kiếm manh mối thì bất ngờ gia đình nhận được điện thoại kêu cứu từ cháu Xuyến, cho biết đang ở TP Móng Cái (Quảng Ninh) và có thể sẽ bị đưa sang Trung Quốc.

Từ thông tin quan trọng này, nhận định cháu Xuyến đã bị kẻ xấu lừa bán ra nước ngoài, ngay lập tức Công an huyện Kỳ Sơn đã cử một tổ công tác tức tốc lên đường đi Quảng Ninh, phối hợp với Công an TP Móng Cái để kịp thời giải cứu nạn nhân trước khi bị đưa sang bên kia biên giới. Sau rất nhiễu nỗ lực tìm kiếm, đến khoảng 17h ngày 13-7, các đơn vị nghiệp vụ đã giải cứu thành công cháu Xuyến, đưa về tận nhà trao trả cho gia đình.

Bước đầu, được biết quá trình đi làm rẫy, Xuyến được người phụ nữ tên Hoa Mà rủ đi làm việc tại Sài Gòn. Khi Xuyến kêu không có tiền, người này hứa sẽ cho mượn, sau đó thuê xe ôm chở từ bản ra thị trấn, bắt xe xuống TP Vinh. Tại đây, Mà bán sợi dây chuyền của mình được 1,8 triệu để làm lộ phí. Sau khi ra đến Quảng Ninh, Mà mới lộ diện là "má mì", ép Xuyến vượt biên sang bên kia biên giới để làm vợ người khác. Lợi dụng sơ hở nên Xuyến đã gọi điện được về nhà để cầu cứu gia đình.

Cũng trong tháng 7-2017, Công an tỉnh Nghệ An đã tổ chức bàn giao, trao trả 3 sơn nữ, là những nạn nhân trong đường dây mua bán người nhưng may mắn được giải cứu kịp thời về cho gia đình.

Trước đó, vào khoảng giữa tháng 6-2017, đối tượng Lương Thị Hiềm (29 tuổi), trú tại xã Xiêng My, huyện Tương Dương, sau một thời gian đi làm ăn xa, đã bất ngờ trở về địa phương, rủ rê các bé gái đi làm công ăn lương tại Hà Nội. Bằng cách vẽ ra những viễn cảnh phồn hoa, thậm chí Hiềm còn hào phóng đưa các cháu đi mua sắm, ăn uống và hát karaoke khiến các thiếu nữ mới lớn choáng ngợp, đồng ý đi làm "cave" để nhận lương 30 triệu đồng mỗi tháng, dù chẳng biết "cave" là làm những trò gì.

Ngày 09-7-2017, khi thấy "cá đã cắn câu", Lương Thị Hiềm đã đưa 3 cháu Vi Thị Lành (15 tuổi), Vi Thị Tính (14 tuổi) và Vi Thị Ngọc (15 tuổi), cùng trú tại xã Xiêng My, đón xe khách ra Hà Nội. Tuy nhiên, khi vừa đến địa phận xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) thì bị lực lượng CSHS phối hợp với Tổ tuần tra kiểm soát giao thông thuộc Đội CSGT 1/46, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Nghệ An phát hiện, giải cứu. Riêng đối tượng Hiềm đã nhanh chân bỏ trốn ngay sau đó.

Muôn vàn thủ đoạn mua bán người

Moong Thị Xuyến và 3 sơn nữ nói trên chỉ là những trường hợp hi hữu được giải cứu kịp thời khi rơi vào các đường dây buôn người ở miền Tây xứ Nghệ trong thời gian vừa qua. Phần lớn, các bé gái sau khi bị lừa bán đã không còn có cơ hội để quay về. Một số rất ít sau nhiều năm tìm cách đào thoát được, trở về từ xứ người đã làm đơn tố cáo, vạch trần bộ mặt của những "má mì", vốn là những người thân quen, cùng bản làng, thậm chí là cùng họ hàng thân thiết với nhau.

Tội phạm mua bán người ngày càng đa dạng, với các thủ đoạn tinh vi

Một số khác, mờ mắt vì tiền, dù biết rất rõ bản thân bị lừa bán song từ nạn nhân, đã quay trở về lừa gạt các cô gái trẻ nhẹ dạ cả tin, dưới chiêu bài làm việc nhàn hạ nhưng thu nhập cao, đã khiến không ít sơn nữ sập bẫy, giấu nhẹm gia đình để rồi sa chân vào những cái "bẫy người" đã được giăng sẵn.

Có thể kể đến trường hợp của Moong Thị May Khăm (28 tuổi), trú bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, đối tượng vừa bị Công an huyện Kỳ Sơn ra quyết định khởi tố về hành vi mua bán người vào cuối tháng 3-2017.

Theo tài liệu điều tra, từ tháng 8-2013 đến nay, đối tượng thực hiện liên tục 4 vụ mua bán người sang Trung Quốc. Trước đó, vào năm 2012, Khăm là nạn nhân của một vụ mua bán người, bị gả bán và ép làm vợ của một người đàn ông Trung Quốc.

Tại đây, Khăm nhận thấy nhu cầu kiếm vợ của đàn ông Trung Quốc là rất lớn, lợi nhuận lại cao nên đã tìm cách móc nối với một số phụ nữ Việt Nam đang lấy chồng tại đây để tìm mối tiêu thụ "hàng". Sau khi móc nối thành công, Khăm về Việt Nam, rủ rê các cô gái nhẹ dạ, mỗi chuyến "hàng người" trót lọt, để tránh bị phát hiện, Khăm đều đưa cho nạn nhân số tiền 40 triệu đồng và trả cho gia đình nạn nhân 80 triệu đồng, số còn lại (khoảng 80-120 triệu đồng), Khăm giữ lại tiêu xài cá nhân.

Với thủ đoạn đó, tháng 8-2013 Moong Thị May Khăm đã lừa bán chị Moong Thị Ly (SN 1996), trú tại bản Huồi Thum, xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) để lấy số tiền 4 vạn nhân dân tệ.

Tháng 7-2014, May Khăm đã bán chị Moong Thị Tích (SN 1990), trú tại bản Huồi Thợ, xã Hữu  Kiệm (Kỳ Sơn) với số tiền 6,5 vạn nhân dân tệ. Tiếp đó, Khăm lừa bán các chị Moong Thị Giang và Moong Thị Hiền để nhận về số tiền 9,5 vạn nhân dân tệ. Đầu năm 2017, nạn nhân Moong Thị Ly đào thoát được trở về, đã làm đơn tố cáo Khăm đến cơ quan công an. Lúc này, đối tượng đã bỏ chồng người Trung Quốc, đang về sinh sống tại địa phương nên đã bị cơ quan công an bắt giữ để điều tra về hành vi mua bán người.

Cũng từng là nạn nhân, nhưng đối với Lương Thị Liên (SN 1979), trú xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn, người vừa bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt 5 năm tù giam về tội mua bán người, lại đáng trách hơn rất nhiều lần. Bản thân đã có chồng, con nhưng cách đây 5 năm về trước, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Liên đã nhắm mắt đưa chân, khăn gói đi làm thuê nhưng lại sa chân vào đường dây mua bán người, bị bán sang Trung Quốc làm vợ người khác.

Sau một thời gian, từ nạn nhân, Liên đã trở thành “bà trùm" cầm đầu đường dây mua bán người từ Việt Nam qua Trung Quốc. Với vai trò là người điều hành, Liên đã rủ rê, lôi kéo Ngân Thị Oanh (SN 1984), và Lương Thị Chiên (SN 1970) cùng trú xã Yên Na, huyện Tương Dương, đều là những người họ hàng, có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn vào đường dây phạm tội. Để rồi khi bị nạn nhân tố giác, nhóm người này đứng trước vành móng ngựa, nhìn nhau nước mắt ngắn, nước mắt dài, ân hận thì đã quá muộn màng.

Vẫn diễn biến phức tạp

Theo số liệu thống kê, từ ngày 15-11-2015 đến ngày 15-7-2017, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ 19 vụ, 31 đối tượng phạm tội mua bán người. Trong đó, đã đấu tranh, bắt giữ 5 vụ, 15 đối tượng mua bán trẻ em; tổ chức lực lượng giải cứu và hỗ trợ kinh phí đưa về địa phương 27 nạn nhân, giúp đỡ ổn định cuộc sống.

Trong năm 2016, TAND các cấp trên địa bàn cũng đã tiến hành thụ lý, xét xử 21 vụ, 45 bị can. Trong đó, xử phạt từ 27 bị cáo từ 3 đến 7 năm tù, 8 bị cáo khác bị tuyên phạt với mức từ 7 đến 15 năm tù.

Tuy nhiên, những con số đó chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm, bởi thực tế tại các huyện miền núi, biên giới như Tương Dương, Kỳ Sơn và Quế Phong, theo thống kê của Công an tỉnh Nghệ An, hiện nay có rất nhiều trường hợp là phụ nữ và các bé gái, "biến mất" khỏi địa phương không rõ lý do. Thậm chí tính đến thời điểm này, có trên 4.000 lao động không có mặt tại địa phương, phần lớn sang Trung Quốc làm ăn và 10% trong số này kết hôn với người Trung Quốc, gây ra những phức tạp nhất định trong công tác quản lý và đảm bảo an ninh, trật tự.

Theo đánh giá, xuất phát từ việc thu lợi kếch sù, nhiều đối tượng đã bất chấp pháp luật, thậm chí kể cả tình thân, sẵn sàng bán cả người thân, họ hàng. Cá biệt, tại huyện Con Cuông, đã từng xảy ra trường hợp mẹ chồng bán cả con dâu qua bên kia biên giới vì tiền.

Thực trạng này đã gióng lên hồi chuông báo động về vấn nạn này tại Nghệ An nói riêng và các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đặc biệt là các tỉnh giáp biên với Lào và Trung Quốc.

Thượng tá Hoàng Ngọc Mạnh, Phó trưởng phòng Phòng chống tội phạm ma túy, Bộ đội biên phòng Nghệ An thông tin thêm, mỗi vụ mua bán người trót lọt, các đối tượng nhận được khoản tiền lên đến khoảng 300 triệu đồng sau khi đã trừ tất cả các khoản chi phí.

Chính vì vậy, loại tội phạm này dù đã bị lực lượng chức năng đánh mạnh nhưng vẫn lén lút hoạt động, với các chiêu thức ngày càng tinh vi và liều lĩnh. Để chung tay giảm thiểu bớt hệ lụy từ tội phạm mua bán người, trong những năm gần đây, công tác tuyên truyền, cảnh báo kết hợp đấu tranh mạnh mẽ trên nhiều phương diện đối với tội phạm mua bán người đã được triển khai đồng bộ. Cùng với đó, nhiều hoạt động mang tính chất chung tay, cảnh báo đã được tổ chức để nâng cao cảnh giác cho nhân dân, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, cùng xa, vùng biên giới.

Thiện Thành
.
.