Điều tra các vụ gây rối ở Bình Thuận:

Nói yêu nước sao lại đi đập phá?

Thứ Hai, 18/06/2018, 15:49
Công an tỉnh Bình Thuận đã làm rõ, trong số người quá khích tham gia gây rối, đập phá, hủy hoại tài sản… có nhiều thanh niên địa phương không có công ăn việc làm, nghiện hút và có tiền án tiền sự. Họ khai được người lạ cho tiền, cung cấp gạch và xăng để ném vào một số trụ sở, vào các cán bộ chiến sĩ Công an đang thực thi nhiệm vụ…


“Nói yêu nước sao lại đi đập phá?"

Chiều 14-6, ông Hồ Trung Phước, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận thừa nhận hiện tình hình tại địa phương đã "yên nhưng chưa ổn". Nhưng để các hoạt động và cuộc sống của người dân địa phương trở lại như bình thường thì cần có thêm thời gian.

Hiện trường vụ hủy hoại tài sản đêm 10-6 tại Bình Thuận.

Trong các vụ gây rối, phá hoại ở Bình Thuận, những đối tượng cần lên án và xử lý nghiêm khắc là những kẻ có mục đích xấu, cố ý kích động, xúi giục để những thanh niên bất hảo gây rối, đập phá, gây mất trật tự an ninh xã hội…

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo chính quyền các cấp ở địa phương tập trung làm tốt công tác nắm dân, bám địa bàn cơ sở, phối hợp cùng các cơ quan, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân không nghe theo sự kích động của các đối tượng phản động, tập trung lao động sản xuất để ổn định cuộc sống.

Tỉnh ủy cũng phân công cụ thể mỗi đồng chí trong Ban Thường vụ phụ trách một địa bàn "nóng" để kịp thời chỉ đạo sâu sát với cơ sở, cùng nhân dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự, nắm bắt diễn biến tâm lý người dân để nhanh chóng ổn định tình hình, kêu gọi người dân kịp thời tố giác tội phạm để bảo vệ cuộc sống bình yên ở mỗi khu phố, phường xã.

Tuyệt đa số người dân Bình Thuận đều chỉ mong một cuộc sống yên ổn để chú tâm làm ăn. Trong khi đó, một số nhóm thanh niên lại nghe thông tin không đúng trên mạng, đã kích động gây rối, làm mất an ninh trật tự tại địa phương, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Cụ Lương Thị Bởi ở TP Phan Thiết, ngoài tuổi 70, than thở: "Tôi nghe nói đám thanh niên biểu tình để phản đối chính sách của Nhà nước. Phản đối kiểu gì lại đi đập phá tài sản, tấn công Công an? Đó là điều không thể chấp nhận được, phải xử lý nghiêm minh". Cụ Bởi bán tạp hóa tại gia, không có điều kiện tham gia công tác xã hội. Nhưng theo cụ, muốn góp ý gì về chính sách với Đảng, Nhà nước thì trước hết mình phải hiểu bản chất của nó, không thể hùa theo đám đông rồi làm bậy, trái với quy định của pháp luật là được.

Ông N.T.Q., chủ nhà nghỉ Q.H. nằm trên đường Trần Hưng Đạo (TP Phan Thiết) xót xa: "Yêu nước" ở đâu chưa thấy mà ngay trước mắt, những kẻ phá hoại đã làm phương hại đến người dân lương thiện. Mấy ngày nay, nhà nghỉ của tôi rất ít khách du lịch đến thuê. Quán hải sản tươi sống của chị tôi chuyên bán cho du khách cũng ế ẩm. Chỉ riêng gia đình tôi đã thiệt hại như vậy, thử hỏi với nhiều nơi ở tỉnh Bình Thuận, con số thiệt hại còn lớn đến mức nào?".

Sau vụ việc có thể dễ dàng thấy được hậu quả, với hàng chục ô tô bị đập phá, đốt cháy, một số công sở bị phá hoại, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Hành vi của một số người dân Phan Rí Cửa gây tắc nghẽn Quốc lộ 1, không chỉ thiệt hại về kinh tế cho tỉnh, mà còn thiệt hại cho rất nhiều người tham gia giao thông. Còn nhiều hậu quả khác không thể thống kê cụ thể được. Nhiều hoạt động của địa phương bị đình trệ, nhịp sống sinh hoạt, làm ăn bình thường bị đảo lộn, hình ảnh địa phương, đất nước bị xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế, và nhất là bị kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc tình hình, chống phá đất nước…

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thân, Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện cơ quan Công an đang tập trung điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh những đối tượng cầm đầu, chủ mưu, những kẻ đã phá hoại tài sản Nhà nước, phá rối an ninh trật tự... Cơ quan Công an đã kêu gọi người dân cần đề cao cảnh giác trước những thông tin xuyên tạc, kích động, lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, không để chính bản thân mình là những người dân Việt Nam yêu nước lại trở thành nạn nhân của các đối tượng phản động.

Vạch mặt các thế lực chống đối

Lấy cớ phản đối dự thảo Luật Đặc khu, trong hai ngày 10 và 11-6, các phần tử phản động đã cấu kết với một số đối tượng bất hảo, kích động, xúi giục, lôi kéo nhiều người dân tham gia gây rối, hủy hoại tài sản công, phá rối an ninh trật tự, gây hậu quả nghiêm trọng tại TP Phan Thiết và huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận)...

Thành phố Phan Thiết, Bình Thuận đã yên bình trở lại.

Hầu hết các đối tượng có hành vi xúi giục, kích động và ném đá, bom xăng vào lực lượng làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự và đốt phá, tấn công một số trụ sở công quyền tại tỉnh Bình Thuận đều có tuổi đời còn khá trẻ, hoàn toàn không hiểu biết gì về Luật Đặc khu cũng như các vấn đề thời sự khác.  Họ chỉ nghe theo sự xúi giục và được cho tiền để thực hiện các hành vi sai trái. Qua điều tra, bước đầu cơ quan Công an đã vạch trần những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các đối tượng này. Một số đối tượng khai nhận, trong hai ngày gây rối, họ đã được cho tiền để thực hiện hành vi…

Em Lê Trần Thanh Nguyên (15 tuổi, ngụ TP Phan Thiết) khai nhận rằng mình được cho tiền để "trả công" việc ném đá vào Công an. Nguyên cũng chẳng biết người đó là ai.  "Có một người phụ nữ cho em 300 ngàn đồng và bảo khi nào có một tốp người đi qua, thấy họ làm gì thì cứ làm theo như vậy. Sau đó, em có đi theo tốp đông người đó và có người đã đưa gạch để em ném vào Công an 4 lần".

Trương Gia Quốc Huy (19 tuổi, phường Phú Trinh, TP Phan Thiết cũng hùa theo đám đông chỉ  để được quậy phá. Hỏi đến, Huy trả lời lí nhí: "Em có ném đá, hô hào kích động. Em thấy rất sai trái khi làm những hành động đó. Em xin Nhà nước khoan hồng cho em".

Ngô Văn Vũ (22 tuổi, xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc) tỏ ra ý thức hơn về việc đã làm, thừa nhận mình đã hành động rất quá khích: "Em có ném đá vào trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận và lấy cây sắt đập vào mấy chiếc xe, rồi châm lửa đốt xe. Em thấy hành vi của mình là sai trái, em mong được pháp luật khoan hồng"…

Khi chúng tôi hỏi chuyện, khá nhiều thanh thiếu niên khác cũng thừa nhận mình bị kích động làm theo đám đông, nhưng không hiểu sự việc cụ thể, mục đích cụ thể. Họ đã rất hối hận vì những hành vi phạm tội của mình.

Nguyễn Văn Khánh (31 tuổi, phường Phú Tài, TP Phan Thiết) đã ra trình diện cơ quan Công an ngay sau khi tham gia vụ phá phách. Theo lời Khánh thì tối mùng 10-6, sau khi tham gia gây rối trước trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận do bị kích động, xúi giục, Khánh trở về nhà ngủ, tỉnh bơ không suy nghĩ gì.  Hôm sau qua báo đài biết được hậu quả do mình góp phần gây ra quá nặng nề, Khánh mới phát hoảng, thấy hối hận về hành vi sai trái của mình. Ngày 12-6, Khánh đã tự ra cơ quan Công an tỉnh Bình Thuận trình diện và khai báo mọi hành vi.

Đại tá Đào Ngọc Nghĩa, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, cho biết: "Qua đấu tranh khai thác, một số đối tượng bị tạm giữ đã khai nhận rằng có một số người lạ mặt đưa tiền cho họ và kích động họ tham gia gây rối, đập phá. Những người lạ mặt này còn có động thái hướng dẫn số đối tượng này khi nào thấy những người khác có hành động đập phá… thì cứ làm theo. Nhận lời và nghe theo chủ yếu là đối tượng hình sự, xì ke, ma túy. Trước khi tham gia, nhiều thanh niên trong số này đã uống rượu, có những trường hợp khá say xỉn khi tham gia gây rối. Một số đối tượng lạ mặt đã mua xăng, gạch đá chở đến đổ đặt sẵn vào các vị trí thuận lợi cho các đối tượng quá khích tấn công lực lượng chức năng".

Thậm chí, theo điều tra của Cơ quan Công an, tại Phan Rí Cửa, có kẻ còn thuê chở đến đỗ ngay dải phân cách trên Quốc lộ 1 cả một xe tải đá xây dựng. Tại Phan Thiết, gạch đá cho đám thanh niên quá khích ném vào phá các trụ sở cơ quan được gom nhặt đóng thành bao chở đến bằng xe máy. Việc tấn công công an, đập phá rõ ràng không phải là hành vi bộc phát mà đã có sự tổ chức.

Tại buổi làm việc với Công an tỉnh Bình Thuận vào sáng 13-6, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã yêu cầu trong thời gian tới, Công an tỉnh Bình Thuận phải chủ động nắm chắc tình hình, tập trung điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm số đối tượng chủ mưu, cầm đầu, quá khích; vận động số đối tượng tham gia gây rối ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật; bảo vệ an toàn các mục tiêu trọng điểm về chính trị, kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Công an cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức đợt tuyên truyền vận động nhân dân không tham gia các hoạt động gây rối an ninh trật tự, cảnh giác trước các luận điệu xuyên tạc, kích động của các đối tượng phản động; phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và sự phối hợp của các lực lượng vũ trang để phát hiện kịp thời, ngăn chặn và tham gia xử lý, giải quyết tình hình phức tạp về an ninh trật tự…

Rõ ràng những gì đã xảy ra chẳng hề mang bóng dáng gì của cái gọi là lòng yêu nước. Mọi lý do đưa ra chỉ là cách biện minh để tiếp tục kích động chống phá của các đối tượng xấu. Người tham gia hầu như chẳng mấy ai hiểu gì về luật đặc khu, luật an ninh mạng, không hề có nhu cầu phản đối. Đó chỉ là hành động thiếu suy nghĩ, bị kẻ xấu lợi dụng để gây rối loạn xã hội, bất ổn. Họ cũng không ý thức được rằng hành vi của mình đang phục vụ cho mưu đồ chống phá sự lãnh đạo của Đảng, chống phá chế độ của các thế lực thù địch, phá hoại gây nhiều tổn hại, gây rối loạn an ninh, trật tự xã hội.

Một số tỉnh, thành khác cũng có sự tụ tập "phản đối", nhưng sau khi được giải thích, tuyên truyền, đám đông đã giải tán, không xảy ra những hành động quá khích gây hậu quả nghiêm trọng như ở Bình Thuận. Cơ quan  chức năng cũng đang tích cực điều tra. Việc những kẻ núp trong bóng tối kích động quần chúng sẽ bị vạch mặt và chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Báo CAND hỗ trợ Cán bộ chiến sĩ Công an bị thương khi làm nhiệm vụ

Trong hai ngày 13 và 14-6, Đoàn công tác của Báo CAND đã phối hợp cùng Công an tỉnh Bình Thuận đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận và Bệnh xá Công an tỉnh Bình Thuận thăm và động viên các  Cán bộ chiến sĩ (CBCS) Công an bị thương trong khi thi hành nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự đêm 10 và ngày 11-6-2018.

Đại diện Báo CAND và Công an tỉnh Bình Thuận trao tiền hỗ trợ cho các cán bộ, chiến sĩ bị thương.

Thượng tá Đặng Ngọc Như - Phó Trưởng Cơ quan đại diện Báo CAND tại TP Hồ Chí Minh đã gửi lời thăm hỏi, động viên của Ban Biên tập Báo CAND đến các CBCS bị thương nặng đang điều trị, đồng thời trao tiền hỗ trợ cho những CBCS bị thương ở các đơn vị, hỗ trợ 2 triệu đồng đối với CBCS bị thương nặng và 1 triệu đồng CBCS bị thương nhẹ. Tổng số tiền hỗ trợ của Báo là 30 triệu đồng. 


N.Như -P.Lữ - M.Hải
.
.