Mỹ: Bộ Tư pháp khởi kiện ngăn chặn vụ sáp nhập AT&T và Time Warner

Thứ Tư, 29/11/2017, 20:27
Thương vụ hãng viễn thông khổng lồ AT&T mua lại Công ty truyền thông Time Warner với giá 85,4 tỷ USD đang có nguy cơ bị đình lại sau khi Bộ Tư pháp Mỹ đệ đơn phản đối hôm 20-11.

Nhiều tờ báo Mỹ nhận định, việc Bộ Tư pháp khởi kiện AT&T để ngừng việc mua lại Time Warner tạo cơ hội cho cuộc chiến pháp lý mang tính lịch sử với người khổng lồ về viễn thông. Nó cũng có thể gây ra một “cơn nhức đầu mới” cho Tổng thống Donald Trump, người có những tuyên bố công khai từ khi còn tranh cử tổng thống rằng ông có thể can thiệp vào quyết định của Bộ Tư pháp Mỹ trong thương vụ này nếu đắc cử.

Theo tờ NBC News, Bộ Tư pháp Mỹ đang tranh cãi rằng AT&T sẽ sử dụng các sản phẩm của Time Warner để buộc các công ty truyền hình trả tiền phải trả "hàng trăm triệu USD mỗi năm cho việc tiếp sóng chương trình của Time Warner.

“Việc một công ty sáp nhập kiểu đó sẽ khiến họ giữ quyền thống trị trong công nghiệp giải trí, chèn ép các đối thủ bằng cách buộc họ phải chi mỗi năm hàng trăm triệu USD để có thể phổ biến các nội dung trên một loạt mạng lưới truyền thông rộng khắp của Tập đoàn Time Warner như đài CNN, kênh truyền hình HBO và các kênh giải trí TNT và TBS”, một quan chức cấp cao trong Bộ Tư pháp Mỹ nói. Vì thế, Bộ này đã quyết định nộp đơn kiện hãng AT&T lên tòa án liên bang ở Washington.

Việc hợp nhất phần nội dung của Time Warner với năng lực phổ biến nội dung của Tập đoàn viễn thông AT&T (gồm Internet, mạng không dây và dịch vụ truyền hình vệ tinh của Direc TV) được cho là sẽ làm giảm tính cạnh tranh cũng như không khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo.

Lý lẽ mà Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra được trích dẫn từ các tài liệu của AT&T và đơn vị truyền hình vệ tinh DirecTV mô tả mô hình truyền hình trả tiền truyền thống như là một "con bò sữa" và "con ngỗng vàng" khiến khách hàng luôn đối mặt với nguy cơ bị tăng giá.

Đơn khiếu nại dài 23 trang của Bộ Tư pháp Mỹ cũng nhấn mạnh, thỏa thuận mua bán này sẽ làm chậm chuyển đổi ngành công nghiệp truyền hình sang video trực tuyến và các mô hình phân phối mới khác. Vì thế, trong khi vẫn thiếu một giải pháp thích hợp giúp ngăn chặn hoàn toàn thiệt hại mà thương vụ sáp nhập có thể gây ra, phương án hành động duy nhất phù hợp lúc này với Bộ Tư pháp là đề nghị thẩm phán liên bang ra phán quyết cấm triệt để thương vụ này.

Trong khi đó, một số hãng thông tấn lớn của Mỹ, trong đó có tờ Wired, đã có nhiều bài viết mổ xẻ về sự bất cập, cái lợi và cái hại từ thương vụ sáp nhập này. Theo Wire, năm 2015, AT&T đã chi tới 49 tỷ USD để thâu tóm DirecTV và trở thành nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền lớn nhất Mỹ.

Còn lần này, thương vụ mua lại Time Warner với giá trị 85,4 tỷ USD (và nếu cộng cả điều khoản mua lại toàn bộ cổ phiếu và các khoản nợ của Time Warner thì giá trị hợp đồng lên tới 108,7 tỷ USD) của AT&T là một động thái táo bạo chưa từng có của một hãng viễn thông nhằm nắm quyền kiểm soát mảng nội dung trực tuyến đang thu hút ngày càng cao số lượng người xem.

Dịch vụ trực tuyến là một cách AT&T muốn đảm bảo rằng các khách hàng trẻ tuổi (chiếm phần lớn tổng số khách hàng của hãng cũng như Time Warner) vẫn sẽ trung thành với hãng. Hiện Time Warner đang sở hữu một mảng kinh doanh với những thương hiệu truyền thông "siêu khủng" gồm HBO, CNN, Warner Brothers, DC Comics, TBS, TNT, Cartoon Network và quyền phát sóng với nhiều sự kiện thể thao trực tiếp.

Có Time Warner, nghĩa là AT&T sẽ có thêm vô số nội dung về truyền thông và khiến hãng này trở thành đối thủ lớn của Comcast, chủ sở hữu NBC Universal, cũng như nhà mạng lớn nhất nước Mỹ, Verizon, các đối thủ đang nổi lên như Netflix, Amazon vả cả những "ông lớn" như Facebook, Google.

Theo nhiều nhà phân tích, với việc ngăn cản thương vụ thâu tóm trên, Bộ Tư pháp Mỹ đã cho thấy một trong những nỗ lực mạnh mẽ nhất để ngăn chặn tình trạng độc quyền kể từ khi cơ quan này ngăn cản thương vụ AT&T mua lại T-Mobile vào năm 2011. Từ đó đến nay AT&T không ngừng cố gắng mở rộng quy mô bằng cách thâu tóm nhiều đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn trong lĩnh vực viễn thông.

Thương vụ AT&T và Time Warner đã thu hút sự quan tâm của báo giới và dư luận. Ảnh: CNN.

Trước đây, dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, Bộ Tư pháp Mỹ không chấp nhận cho AT&T mua lại T-Mobile bởi lo ngại khi cạnh tranh giảm đi, giá dịch vụ trên thị trường sẽ tăng lên. Tất nhiên về phía mình, AT&T phản đối phán quyết của Bộ Tư pháp Mỹ.

Còn lần này, AT&T khẳng định liên minh giữa AT&T và Time Warner sẽ giúp tạo ra một công ty mới đủ khả năng cạnh tranh với nhiều công ty Internet cực lớn hiện nay như Facebook hay Google trong lĩnh vực quảng cáo số và dịch vụ trực tuyến. Không chỉ có vậy, thương vụ sẽ giúp tạo ra một công ty mạnh trong dịch vụ video và quảng cáo, vẫn theo lập luận của AT&T.

Theo AT&T, thỏa thuận này là một cách để cạnh tranh với các công ty công nghệ mới nổi như Netflix Inc và Amazon.com Inc của Prime Video. Luật sư David McAtee của AT&T nói rằng việc sáp nhập theo chiều dọc, giữa các công ty với các bước khác nhau trong chuỗi cung ứng, được thông qua một cách thường xuyên và “không có lý do hợp pháp nào để đối xử khác biệt trong sự sáp nhập”.

Một đại diện khác của AT&T còn tự tin cho rằng, thẩm phán sẽ bác bỏ đơn kiện của Bộ Tư pháp Mỹ.

Trong khi đó, những người ủng hộ người tiêu dùng và một số chính trị gia của đảng Dân chủ hoan nghênh vụ kiện như là một cú đánh mạnh vào các phương tiện truyền thông. Liên minh người tiêu dùng, một nhóm vận động phản đối thỏa thuận cho biết, "lý do chính đáng" để ngăn chặn thỏa thuận là bảo vệ người tiêu dùng, nhưng được gọi là báo cáo về áp lực chính trị liên quan.

AT&T là nhà cung cấp dịch vụ mạng điện thoại di động lớn thứ 2 và dịch vụ truyền hình cáp lớn thứ 3 của Mỹ. Trong năm 2015, doanh thu của AT&T đạt 147 tỷ USD và Time Warner là 28 tỷ USD. Trước khi đến với AT&T, Time Warner từng từ chối lời đề nghị sáp nhập từ hãng 21st Century Fox vào năm 2014 với giá thời điểm đó là 75 tỷ USD.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi còn là ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa đã bày tỏ sự phản đối của mình với tuyên bố là ông sẽ ra lệnh hủy bỏ thương vụ nếu có quyền làm điều đó.

Châu Anh
.
.