Vụ Công ty 1-5 bán đất "ma" thu hơn 300 tỉ đồng:

Nam Đàn Plaza không phải dự án chung cư

Thứ Năm, 29/04/2010, 11:17

Thời gian qua, vụ Công ty Cổ phần Xây dựng và dịch vụ 1-5 chỉ bằng một hợp đồng góp vốn không còn giá trị nhưng đã thu được hơn 300 tỉ đồng của hàng trăm khách hàng gây xôn xao dư luận. Điều đáng nói là trong cuộc họp với khách hàng ngày 22/4, ông Lê Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty 1-5 còn mời gọi nhà đầu tư chuyển vốn sang dự án Nam Đàn Plaza...

Nam Đàn Plaza là tổ hợp khách sạn, văn phòng cho thuê

Trong bản báo cáo và thông báo số 74/2009/CV gửi các cơ quan chức năng, báo chí và khách hàng, ông Lê Hòa Bình khẳng định Công ty 1-5 là một trong những cổ đông góp vốn chính thức vào dự án Nam Đàn Plaza với diện tích 10.000m2 gồm 2 tòa nhà 39 và 44 tầng và tổng mức đầu tư 3.900 tỉ đồng. Vì vậy, "trong trường hợp khách hàng muốn chuyển vốn đầu tư sang một dự án khác thì Công ty 1-5 sẽ ưu tiên chuyển quyền tham gia đầu tư vào dự án Nam Đàn Plaza 44 tầng tại đường Phạm Hùng. Dự án đã giải phóng xong mặt bằng, có giấy phép xây dựng và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có tổng mức đầu tư 3.900 tỉ đồng với giá tính theo giá gốc của dự án...".

Tại cuộc họp tổ chức chiều 22/4, dù rất nhiều quan tâm tới dự án này, như đây là dự án văn phòng hay chung cư cao cấp, nếu đồng ý chuyển vốn sang thì giá sẽ là bao nhiêu một mét vuông... thì không ai trả lời. Vì vậy, sau hội nghị khách hàng, rất nhiều nhà đầu tư đã yêu cầu được rút vốn.

Vậy thực chất dự án Nam Đàn Plaza là dự án gì? Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án Nam Đàn Plaza với diện tích gần 10.000m2 nằm ngay mặt đường Phạm Hùng (quận Cầu Giấy) đã từng được Công ty Cổ phần bất động sản Điện lực dầu khí (PVPower Land) và Công ty xuyên Thái Bình Dương làm lễ khởi công từ tháng 1/ 2008. Theo công bố của chủ đầu tư thời điểm đó thì đây là tổ hợp gồm: khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng, khu vui chơi giải trí, mua sắm cao cấp. Tổng vốn đầu tư dự án là 1.500 tỉ đồng và sẽ hoàn thành vào quý IV-2010.

Nam Đàn Plaza hiện vẫn là khu đất trống.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi ngày 26/4 thì hiện trên khu đất đã được rào "kín cổng cao tường" này chưa hề có công trình gì mà chỉ ngổn ngang một đống các khối bê tông của máy đóng cọc.

Theo thông tin chủ đầu tư hiện nay công bố thì công trình này gồm 2 tòa tháp: Tháp A: khu văn phòng: 44 tầng; tháp B: khu văn phòng: 39 tầng; khối đế: bán lẻ, ngân hàng: 6 tầng; nhà hàng: 1 tầng. Chủ đầu tư: Công ty Cổ phần dịch vụ xuyên Thái Bình Dương; cổ đông sáng lập gồm PV Power Land, VNPT Land, VietSan Investment, ông Nguyễn Minh Quý và ông Nguyễn Tiến Cường.

Trả lời thắc mắc của chúng tôi vì sao công trình đã khởi công từ tháng 1/2008 nhưng cho tới nay vẫn chưa có gì, ông Đào Duy Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty PVPower Land, cho biết, dự án Nam Đàn Plaza là tổ hợp khách sạn, văn phòng cho thuê và trung tâm thương mại chứ không phải là chung cư cao cấp. Sau khi điều chỉnh thiết kế, vốn đầu tư của dự án đã lên tới 4.000 tỉ đồng. Trong khi đó khu vực Mỹ Đình hiện đã có quá nhiều văn phòng cho thuê.

Không những thế, do các ngân hàng hạn chế tín dụng cho các dự án bất động sản nên rất khó huy động vốn, đã khiến doanh nghiệp phải tính toán lại. Bởi nếu đi vay vốn ngân hàng thì ngay cả trong điều kiện thuận lợi nhất, khi hoàn thành dự án này, riêng tiền lãi ngân hàng đã lên tới trên 1.000 tỉ đồng. Và như vậy việc đầu tư sẽ không hiệu quả. Vì thế, dù là một cổ đông sáng lập nhưng PVPower Land cũng đã tính tới phương án thoái vốn, bán cổ phần tại dự án này.   

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đức Phú - Giám đốc sàn Công ty Cổ phần Bất động sản Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT Land) cho biết, tại dự án Nam Đàn Plaza, VNPT Land có 14% cổ phần. Đây là dự án tổ hợp khách sạn, văn phòng vốn đầu tư 3.900 tỉ đồng. Đây sẽ là dự án tốt đối với nhà đầu tư có tiềm lực mạnh. Nhưng VNPT Land thấy rằng với tình hình kinh tế như hiện nay, khi mà việc vay vốn từ ngân hàng rất khó (mà cũng không thể huy động được vốn từ dân vì đây không phải dự án chung cư) thì việc tham gia đầu tư vào dự án này là không khả thi. Vì vậy, VNPT Land đã bán cho Công ty 1-5 toàn bộ 14% cổ phần có tại dự án Nam Đàn Plaza.

Theo ông Phú thì trước khi bán cổ phần cho Công ty 1-5, VNPT Land đã kiểm tra số tiền có trong tài khoản của Công ty 1-5 tại Ngân hàng Viettinbank. Tuy nhiên, hiện Công ty 1-5 mới chỉ thanh toán cho VNPT Land có 50% giá trị của số cổ phần của VNPT Land thì xảy ra chuyện, hóa ra  số tiền trên không phải tiền công ty có mà do huy động vốn của dân.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi liệu có thể chuyển đổi mục đích từ xây dựng khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại sang nhà chung cư được hay không (bởi chỉ có như vậy mới có thể huy động vốn của dân chứ không ai dại gì đi góp vốn cho dự án khách sạn, văn phòng), ông Phú cho rằng, nếu chuyển đổi được như vậy thì quá tốt và là điều ông mơ ước từ lâu mà không làm nổi, "cho tới thời điểm này thì đây vẫn là dự án khách sạn, văn phòng cho thuê mà thôi".

Vì vậy, hiện tại VNPT Land đang rất muốn trả lại tiền. "Cách đây vài ngày, VNPT Land đã đưa ra phương án là trả lại tiền cho Công ty 1-5 nhưng họ chưa muốn nhận lại. Quan điểm của chúng tôi là trả lại tiền cho Công ty 1-5 để tìm đối tác khác bán hết cổ phần tại Nam Đàn Plaza chứ không muốn dây dưa với một doanh nghiệp như vậy sẽ ảnh hưởng tới uy tín của một doanh nghiệp thuộc tập đoàn lớn như VNPT. Lần này có lẽ chúng tôi sẽ tìm một đối tác nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh" - ông Phú khẳng định.

Bài học từ "vụ 1-5"

Lâu nay, chuyện mua bán nhà, đất trên giấy đã trở thành chuyện thường ngày ở thị trường bất động sản Việt Nam. Người ta có thể giao cho nhau cả chục tỉ đồng mà chỉ căn cứ vào một tấm bản đồ chẳng có tí giá trị pháp lý nào.

Tháng 7/2009, Công an Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam Lê Hồng Bàng, Giám đốc Công ty CP Sàn bất động sản Việt Nam vì hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" số tiền tới trên 350 tỉ đồng của 600 khách hàng từ việc bán nhà tại dự án "ma" khu nhà ở Phương Đông. Cho tới thời điểm này, vụ án đó vẫn chưa thể kết thúc điều tra vì những kẻ cầm phần lớn số tiền này đã cao chạy xa bay.

Sở dĩ những kẻ lừa đảo có thể dễ dàng huy động được hàng trăm tỉ đồng như vậy bởi thực tế thị trường bất động sản hiện nay ngoài việc thiếu minh bạch thông tin thì một lý do nữa là "tâm lý đám đông" của các nhà đầu tư đã trở thành cơ hội cho kẻ lừa đảo lợi dụng, chỉ cần tổ chức cho "quân xanh quân đỏ" tung tin, thổi giá là nhiều người sẵn sàng đổ tiền vào vì lo "không mua nhanh sẽ hết".

Người xưa có câu "ai nên khôn mà chẳng dại một đôi lần", nhưng nếu chẳng may "dại" khi đầu tư nhầm dự án "ma" thì có nguy cơ sạt nghiệp. Vì vậy, từ những vụ việc này, lời cảnh báo với những người có "máu đất cát" là cần tỉnh táo khi có ý định đầu tư. Đối với đất dự án khu đô thị mới, cần yêu cầu người bán cung cấp các văn bản pháp lý gồm: Quyết định giao đất; giấy phép đầu tư của UBND tỉnh, thành phố (đối với dự án có vốn nước ngoài). Các quyết định phê duyệt quy hoạch tỉ lệ 1/500; thiết kế cơ sở. Giấy phép xây dựng. Giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền (nếu không phải mua trực tiếp của chủ đầu tư) bán hàng. Các phiếu thu, hóa đơn thực hiện nghĩa vụ tài chính (nếu có).

Đối với chung cư cần phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê đất (đối với các dự án trong khu đô thị mà chủ đầu tư chung cư là nhà đầu tư thứ cấp); Giấy phép xây dựng (đây là giấy tờ quan trọng quyết định tới tiến độ dự án); các phiếu thu, hóa đơn liên quan đến thuế sử dụng đất và các thuế liên quan

Nguyễn Thiêm
.
.