Cứ hai lần trong tuần, ngày thứ Hai và thứ Sáu, người Haiti lũ lượt đổ về Ouanaminthe, thành phố sát biên giới Haiti, để mua hàng hóa. Vào những ngày đó họ không bắt buộc phải xuất trình giấy tờ tùy thân. Và chính sự qua lại biên giới một cách hỗn loạn như thế này đã tạo một vỏ bọc lý tưởng cho hoạt động buôn bán trẻ em phát triển rầm rộ.
Renel Costume, thanh tra Đội bảo vệ trẻ vị thành niên (BPM) của Haiti, nhấn mạnh: "Chúng tôi có vấn đề rất nghiêm trọng vào những ngày họp chợ. Người ta tự do qua lại biên giới không có sự kiểm soát và bọn buôn bán trẻ em đã lợi dụng điều đó để hoạt động. Trước khi xảy ra động đất, Cảnh sát Haiti không lo lắng gì đến loại tội phạm này. Nhưng từ vài tháng nay, 8 nhân viên dân sự của BPM được giao nhiệm vụ canh gác ở 4 trạm biên giới chính của Haiti. "Nhưng như thế rõ ràng là chưa đủ", Costume nói.
Năm 2000, Quỹ thiếu nhi Liên Hiệp Quốc UNICEF đã tài trợ cho Cảnh sát Haiti để thành lập BPM. Từ 8 giờ sáng, dưới cái nắng oi bức, hai nhân viên BPM chất vấn những người lớn có dắt theo trẻ em tại 1 trong 2 chiếc cầu ở Ounaminthe. Nhân viên BPM không thể làm việc ở cả hai chiếc cầu cùng một lúc vì thiếu quân số. Cũng vì nhân viên không mang súng cho nên người ta không có tâm lý sợ hãi. Nhân viên Fredlin Vincent hỏi giấy tờ tùy thân của một bà mẹ trẻ đang che dù đỡ nắng cho đứa con trai của mình. Người phụ nữ có vẻ bồn chồn đưa ra cuốn sổ khám bệnh của Bệnh viện Dajabon và nói có cuộc hẹn khám bệnh. Một người đàn ông người Dominican được cho là cha của đứa bé đang đứng ở đằng xa.
"Những người có vẻ bồn chồn lo lắng sẽ bị chú ý đặc biệt, vì thường họ là những kẻ đáng ngờ nhất", nhân viên Vincent nói. Cuối cùng nhân viên cho phép cặp vợ chồng và đứa bé 22 tháng tuổi đi qua. Mới đây Vincent đã lật tẩy một tên buôn người tự xưng là cha của một bé gái đi kèm theo. Khi được tra hỏi, bé gái 6 tuổi nói người đàn ông đi cùng là cha của mình nhưng lại không biết tên của ông ta. Thậm chí người đàn ông cũng không xuất trình được giấy khai sinh của đứa bé.
Cảm thấy bị lộ tẩy, người đàn ông đề nghị với nhân viên kiểm tra: "Hãy để cho tôi bán đứa bé rồi tiền lời sẽ chia đôi". Người đàn ông bị bắt, còn bé gái được giao cho một tổ chức Công giáo từ thiện để chăm sóc và tìm kiếm gia đình của nó. Chỉ trong một ngày người ta đã tìm ra mẹ của bé gái được biết tên là Angelica.
Mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em Haiti bị đưa bất hợp pháp vào lãnh thổ Cộng hòa Dominican. Sau đó các em nhỏ bị ép buộc đi ăn xin, làm gái mại dâm hay trở thành nô lệ làm việc nhà, theo điều tra mới đây của UNICEF. Sau thảm họa động đất ngày 12/1/2010 giết chết khoảng 300.000 người và đẩy 1,5 triệu người vào cảnh màn trời chiếu đất, UNICEF bắt đầu gióng lên hồi chuông báo động: sự mở cửa biên giới vì lý do nhân đạo đã tạo cơ hội vàng cho bọn người đưa trẻ em trái phép sang Cộng hòa Dominican.
Nhưng cho dù biên giới Dominican đóng lại sau đó, nhiều gia đình Haiti rơi vào nghèo khổ cùng cực sau động đất chấp nhận phó thác đứa con rứt ruột đẻ ra của mình cho bất cứ người nào bởi vì họ không còn gì để nuôi sống chúng. Khoảng 40% số trẻ em Haiti sống trong cảnh cùng khốn sau thảm họa động đất kinh hoàng.
9 tháng sau động đất, không phải 2.000 mà là đến 7.000 trẻ em Haiti trở thành nạn nhân của bọn buôn người và bị đưa sang Cộng hòa Dominican, theo tổ chức nhân quyền Mạng biên giới Jeannot Succes. Thực tế này đã gây lo lắng cho Gallianne Palayret, chuyên gia về bảo vệ trẻ em của UNICEF. Ông nói: "Nhiều đứa trẻ bị đưa sang Cộng hòa Dominican sau động đất, nhưng người ta lại không có đủ dữ liệu để chứng minh các em là nạn nhân của bọn buôn người". Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) cùng chia sẻ sự lo lắng này.
|
Em gái Haiti 14 tuổi Wiseline (ngồi ngoài) bị đưa trái phép sang Cộng hòa Dominican. |
Rodrigue Joseph, chuyên gia chống buôn bán trẻ em của IOM, nói: "Người ta biết rằng những gia đình người Dominican đến Ouanaminthe để tìm mua những đứa trẻ. Các em trở thành món hàng để mua bán". Sau động đất, Cảnh sát Haiti đã giữ lại 4.000 đứa trẻ tại các trạm gác chính ở biên giới Haiti, trong số đó 82 em có lẽ là nạn nhân của bọn buôn người. Nhưng đó chỉ là bề nổi của tảng băng.
Cuộc chiến chống buôn người càng trở nên phức tạp hơn khi mà chỉ có 40% trẻ em Haiti có giấy khai sinh - theo đánh giá của Ramsay Ben-Achour, Giám đốc phụ trách sứ mạng Haiti của Heartland Alliance, một tổ chức của Mỹ lần đầu tiên cắt đặt người gác biên giới để chặn bắt bọn buôn người vào nhiều tuần sau động đất. Nói thật khôi hài, nhưng sự thật là chính những nhân viên của Heartland Alliance đã huấn luyện Cảnh sát Haiti phương pháp dò tìm bọn buôn người. Nhà nước Haiti có vẻ như không đủ khả năng để chống lại bọn buôn trẻ em Haiti.
Về lý thuyết, Cảnh sát Haiti sẽ giao cho Viện Phúc lợi xã hội và nghiên cứu của Haiti (IBESR) những đứa trẻ được giữ lại tại biên giới. Nhưng trên thực tế, IBESR chỉ là "vỏ sò trống rỗng" ở vùng ngoại ô Port-au-Prince. Bởi vì thông thường những đứa trẻ bất hạnh này được giao cho những gia đình khá giả ở thủ đô Port-au-Prince nhận nuôi dưỡng.
Bà Marie Carmel Dejean, Giám đốc bảo trợ xã hội của IBESR, cho biết bà cảm thấy bất lực vì thiếu kinh phí hoạt động. Bà nói: "Sau động đất, người ta nhìn thấy trẻ em Haiti được đưa sang những gia đình ở Colombia, Venezuela hay ở quốc gia nào đó thuộc Nam Mỹ với lý do là đoàn tụ gia đình. Nhưng liệu có phải các em là nạn nhân của bọn buôn người? Người ta không biết đích xác những gì đã diễn ra"