Nasir Abbas tham gia xóa bỏ tư tưởng khủng bố

Thứ Sáu, 28/03/2008, 15:00
Nasir Abbas bước nhanh qua những cánh cổng cao màu xám của nhà tù Cipinang (Jakarta, Indonesia), rồi chạy như ma đuổi vào bên trong để tránh cơn mưa bão buổi chiều.

Với gương mặt để râu tỉa cánh kiến và cách ăn mặc rất trau chuốt, người đàn ông 38 tuổi nọ rất dễ bị nhầm với một luật sư bận rộn đang trễ giờ hẹn với một khách hàng đang ngồi tù. Thật ra, là một chuyên gia vũ khí có những mối quan hệ mật thiết với tổ chức du kích Hồi giáo khu vực Jemaah Islamiah, Nasir Abbas đang trên đường đến thăm lại nhóm đồng nghiệp cũ - những phiến quân đang thụ án trong nhà tù này vì một số tội danh liên quan đến khủng bố.

Abbas tâm sự: “Đó là những người bạn và học trò của tôi. Tôi từng đào tạo một số người như họ... Tôi hầu như đã ghé thăm tất cả các trại giam có phạm nhân thuộc các vụ án khủng bố”.

Nhưng Abbas không có mặt tại đây để bàn với họ những âm mưu tấn công mới, mà ông luôn đến thăm để thuyết phục họ noi gương mình và từ bỏ ý định bạo loạn. Abbas nói: “Chúng ta không nên giết hại người dân lành vô tội. Đến nay, tôi hoàn toàn nhận thức được sự lầm đường, lạc lối của những người bạn mình và tự nguyện đứng ra khuyên nhủ họ. Sứ mệnh của tôi lúc này là đả thông tư tưởng cho họ”.

Suốt 5 năm nay, Abbas thầm lặng cộng tác với Cảnh sát Indonesia trong chiến dịch quan trọng - xóa bỏ tư tưởng cực đoan của những người từng cộng tác với bọn khủng bố - nhằm vào các trại giam trong xứ.

Đó quả là một sự “lột xác đổi đời” đối với một người từng huấn luyện các chiến binh tử vì đạo tại Afghanistan, từng chiến đấu trong những khu rừng heo hút tại Philippines... Abbas thú nhận chính ông đã đào tạo những kẻ đánh bom một hộp đêm trên bán đảo Bali của Indonesia năm 2002, giết chết 202 người vô tội.

Em gái ông lấy chồng là Mukhlas, 1 trong 3 tên khủng bố sắp bị xử tử vì vai trò của chúng trong cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng nói trên. Abbas không bao giờ đồng ý với chuyện giết thường dân. Ông chỉ biết huấn luyện họ thành chiến binh, nhưng những việc làm của họ khiến sau này ông cảm thấy hối lỗi vì kiến thức của ông bị họ sử dụng sai mục đích. Thành thử, ông tự nguyện đi tìm và thuyết phục họ cải tà quy chính, xem đó là trách nhiệm và cũng là sứ mệnh cho khoảng đời còn lại trong cuộc đời của ông.

Ông thừa biết công việc thầm lặng của mình chắc chắn là nguy hiểm. Một số người gọi ông là kẻ phản bội và bất trung bất tín, và bản thân ông thường xuyên nhận được nhiều lời nhắn dọa giết chết vì chuyện này. Ông chấp nhận đối mặt với nguy hiểm, quyết không vì sợ hãi mà chùn bước. Kết quả chứng tỏ công việc của ông thực sự hiệu quả, tạo sự chuyển biến đáng kể trong những nhà giam từng được gọi là “vùng đất tuyển của chủ nghĩa cực đoan”.

Ông nhớ lại, ban đầu thường họ nghi ngại khi tiếp xúc với ông, sau quen dần đến nỗi ngày nào cũng có người mới đến làm quen và trò chuyện cùng ông. Người bạn tù cũ Slamat, kẻ từng thụ án 3 năm vì lập kế hoạch cho một vụ đánh bom, khen ngợi Abbas: “Anh ấy không là người phản bội, anh ấy đang giúp bạn bè của mình. Anh giúp cho mọi người nhận thức rõ hơn rằng bạo lực và khủng bố là kẻ thù của nhân loại”.

Trong nhà tù Cipinang không phải ai cũng ủng hộ chính kiến của Abbas. Chẳng hạn như Pa Adung hiện thụ án 7 năm tù giam vì tội chứa chấp một tên chế tạo bom và không khai báo với cảnh sát. Ông ta thường buông ra những lời mỉa mai, rằng Abbas là kẻ lôi kéo những người trong cuộc thánh chiến (jihad) phản bội lại chính nghĩa Hồi giáo bằng thứ niềm tin “sặc mùi đôla” và tiếp tục “giăng bẫy” mới cho những người thiếu niềm tin vào jihad.

Người phát ngôn của Cảnh sát Indonesia, Bambang Kuncoko, xác nhận rằng nằm trong chiến dịch “xóa bỏ tư tưởng cực đoan của những người từng cộng tác với bọn khủng bố”, Chính phủ Indonesia thường giúp gia đình những tên phiến quân đang cải tạo bằng cách tìm việc làm và hỗ trợ thu nhập cho họ.

Sidney Jones, một chuyên gia hàng đầu về tổ chức khủng bố Jemaah Islamiah, cho biết chương trình này thể hiện rõ bản tính nhân đạo của Chính phủ Indonesia, như gia đình những kẻ cực đoan đang thụ án được trợ cấp gạo và tiền học phí (cho con họ). Chính phủ không tranh cãi suông về tôn giáo với họ, mà còn làm thay đổi tư tưởng của họ thông qua trợ giúp thiết thực về kinh tế.

Ông thừa biết những kẻ theo chủ nghĩa cực đoan rất dữ tợn, vậy không nên làm điều gì đó khiến họ nổi giận, mà phải cố hiểu họ. Chẳng qua, họ là người lầm đường, lạc lối mà thôi. Chính phủ Indonesia dường như rất hài lòng với những thành quả gặt hái được từ việc cộng tác với Abbas. Ông Kuncoko nói: "Chúng tôi hy vọng năm nay sẽ không đối mặt với hành vi khủng bố nào nữa trên đất nước mình”

L.Đ. (tổng hợp)
.
.