Nga: Xét xử vụ bán bí mật quân sự cho tình báo nước ngoài

Thứ Tư, 30/05/2012, 09:30

Tòa án khu vực Sverdlovsk, Nga vừa đưa ra phán quyết về bản án 8 năm tù đối với Alexander Gniteev, nhân viên thuộc Liên hiệp Sản xuất khoa học Semikhatov, bị buộc tội hợp tác với cơ quan tình báo nước ngoài. Tay kỹ sư người Nga trên đã bị cáo buộc về tội phản bội tổ quốc, chuyển giao cho tình báo nước ngoài công nghệ độc nhất vô nhị về hệ thống điều khiển tên lửa đạn đạo “Bulava”, một công nghệ chưa hề được ứng dụng trong các hệ thống tên lửa tương tự của phương Tây.

Theo Hãng tin RIA Novosti, Tòa án khu vực Sverdlovsk hôm 18-5 vừa qua đã chính thức thừa nhận Alexander Gniteev có tội danh phản bội tổ quốc, kèm theo đó là bản án 8 năm tù theo chế độ cấm cố. Ngoài ra, tòa cũng tuyên phạt Gniteev khoản tiền nộp phạt 100 ngàn rúp, cũng như quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú trong vòng một năm kể từ khi mãn hạn tù. Phiên tòa đã được quyết định xử kín, do có liên quan đến nhiều thông tin quân sự chiến lược được xếp vào loại bí mật quốc gia.

Vụ án trên do Cơ quan An ninh liên bang  Nga (FSB) trực tiếp đảm trách việc điều tra. Thông báo chính thức của đại diện FSB ghi rõ: "Kết quả điều tra cho thấy,  Gniteev theo chỉ thị của các cơ quan đại diện tình báo nước ngoài đã tiến hành thu thập và chuyển giao cho họ nhiều thông tin mật, trong đó có những thông tin tầm bí mật quốc gia, về các phát minh trong lĩnh vực chế tạo tên lửa".

Dù các nhà chức trách từ chối đưa ra thông tin chi tiết hơn, nhưng theo Hãng tin Interfax, đây là vụ chuyển giao tài liệu mật liên quan đến hệ thống điều khiển loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm hiện đại nhất của Nga. Các điều tra viên đã thu thập được đầy đủ bằng chứng về tội danh nghiêm trọng của tay kỹ sư biến chất trên.

Mức độ phức tạp của vụ án gián điệp trên còn được khẳng định với sự tham gia chỉ đạo trực tiếp của Viện Kiểm sát Liên bang Nga. Theo đánh giá của Victor Esin, cựu Tổng tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược Nga, nếu như Gniteev quả thật đã giao cho tình báo nước ngoài những dữ liệu về hệ thống "Bulava", hậu quả trên thực tế sẽ rất nghiêm trọng.

"Các cơ quan mật vụ phương Tây có thể quan tâm nhiều tới hệ thống điều khiển tên lửa Bulava, cụ thể là quá trình điều khiển cơ động đầu đạn trong quỹ đạo bay, do các hệ thống tên lửa Trident-2 và Minuteman-3 của Mỹ vẫn chưa thể triển khai được thuật toán trên" - ông Victor Esin giải thích.

Bulava được phóng từ tàu ngầm.

Cũng theo lời chuyên gia này, nếu như người Mỹ nắm được thông tin về hệ thống điều khiển "Bulava", họ sẽ có thể cài đặt những thuật toán tương tự vào các hệ thống chống tên lửa, hệ thống phát hiện cảnh báo để dễ dàng tính toán quỹ đạo tên lửa của Nga. Một mặt, điều này có thể cho phép giúp nâng cao hiệu quả hệ thống phòng thủ chống tên lửa của họ, mặt khác có thể sao chép và ứng dụng thuật toán tương tự trong các vũ khí hiện đại của mình.

Trong trường hợp xấu nhất, theo như ý kiến của ông Esin, nếu thông tin về hệ thống điều khiển tên lửa bị rơi vào tay cơ quan tình báo nước ngoài, phía Nga sẽ buộc phải thay đổi các cách tiếp cận, nghiên cứu xây dựng những thuật toán mới phức tạp hơn, và điều này chắc chắn đòi hỏi phải mất thêm ít nhất vài năm.   

Tên lửa đạn đạo "Bulava-30" (theo mã phân loại của NATO là SS-NX-30) là loại tên lửa nhiên liệu rắn 3 tầng mới nhất của Nga được thiết kế để bố trí trên các tàu ngầm. Tên lửa có thể mang một vài đầu đạn hạt nhân dẫn hướng riêng, có khả năng thay đổi quỹ đạo cả về độ cao và hướng bay, tiêu diệt các mục tiêu trong vòng bán kính tới 8.000 km. Tổ hợp tên lửa "Bulava" được dự tính sẽ là nền tảng của lực lượng hạt nhân chiến lược Nga trong vòng 30-40 năm tới, chính vì vậy bất cứ một cơ quan mật vụ nào cũng đều quan tâm đến các thông tin về dự án này.

Có tổng cộng 650 cơ sở công nghiệp của Nga đã tham gia vào việc thiết kế và chế tạo "Bulava". Trong dự án này, việc xây dựng hệ thống điều khiển là mục tiêu chủ chốt, do đây chính là bộ não của tên lửa đạn đạo từ thời điểm bắt đầu được phóng cho tới khi chia tách đầu đạn để tấn công các mục tiêu. 

Mô hình tên lửa "Bulava".

Đó là lý do khiến bất kỳ một vụ rò rỉ thông tin nào liên quan đến quá trình chế tạo và sản xuất hàng loạt hệ thống "Bulava" đều là một mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia. Tất nhiên, các cơ quan mật vụ của những cường quốc hạt nhân như Anh và Mỹ đều đặc biệt quan tâm đến bất cứ một dữ liệu nào về tên lửa "Bulava".

Trong lĩnh vực an ninh này, mối đe dọa không chỉ khởi phát từ bên ngoài, mà rất có thể từ nội bộ. Ví dụ rõ ràng nhất là trường hợp của  Igor Dudnik, sĩ quan tham mưu của Quân đoàn tên lửa Orenburg, kẻ đã thu thập được một số lượng đáng kể thông tin tuyệt mật về quân đoàn, về các vị trí phóng, về hệ thống điều hành tác chiến và sau đó tìm cách chuyển giao cho các nhân viên Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) tại Đại sứ quán Mỹ ở Moskva. Nhờ một chiến dịch được đạo diễn khôn khéo, Dudnik cuối cùng đã được "giúp" móc nối không phải với một nhân viên CIA, mà là một nhân viên phản gián Nga. Kết quả là Dudnik đã bị bắt quả tang cùng với bản án 12 năm tù giam

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.