Ngăn chặn con bạch tuộc “tín dụng đen”
- Dù khó khăn, doanh nghiệp cũng đừng mắc bẫy tín dụng đen!
- Nhóm “tín dụng đen” chém 2 vợ chồng trọng thương vì thiếu nợ 2,6 triệu đồng
- Từ Hà Nội vào Phú Quốc thuê nhà mở tín dụng đen
Số tiền thu lợi bất chính kếch sù, thậm chí còn "ổn định" và cao hơn nhiều so với bán heroin, thuốc lắc khiến các đối tượng không từ một thủ đoạn, hành vi nào.
Chính vì lẽ đó mà mặc dù trong năm 2019, Bộ Công an chỉ đạo các Cục nghiệp vụ, công an các tỉnh, thành liên tiếp mở các đợt cao điểm tấn công tội phạm "tín dụng đen", nhưng những kẻ cho vay nặng lãi còn trong bóng tối, chỉ co vòi một thời gian rồi tiếp tục hoạt động trở lại.
Ngưu tầm ngưu
Điều tra sơ bộ của Công an TP Hồ Chí Minh cho thấy có gần 600 đối tượng có dấu hiệu hoạt động cho vay nặng lãi khắp thành phố. Đồng hành là hàng ngàn đàn em, kẻ đòi nợ thuê hành xử theo "luật rừng", núp dưới danh nghĩa các công ty đòi nợ hoạt động có giấy phép. Hầu hết các đối tượng này đều đến từ các tỉnh, thành khác mà nhiều nhất là các tỉnh phía Bắc.
Họ như một bản sao của nhau về quá trình hình thành đường dây và hoạt động cho vay nặng lãi.
Nguyễn Bá Mẽ (sinh năm 1987), kẻ cầm đầu đến từ tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, tất cả các đệ tử của Mẽ gồm Trần Tuấn Anh (sinh năm 1987; 1 tiền án về tội cố ý gây thương tích), Phạm Văn Hùng (1998), Trần Văn An (1998), Vũ Huy Hoàng (1997) và Ngô Quang Chính (sinh năm 1992; 2 tiền án về "tội hủy hoại tài sản" và "cưỡng đoạt tài sản") thì đều có hộ khẩu thường trú tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Đây cũng là quê quán của B., một đối tượng cùng hùn vốn với Mẽ để cho vay nặng lãi nhưng chưa bị bắt.
Băng cho vay nặng lãi do Nguyễn Bá Mẽ cầm đầu bị bắt cùng tang vật. |
Giữa năm 2019, Mẽ móc nối với B. là giám đốc của một công ty TNHH chuyên về mua bán tài sản, cầm đồ có trụ sở đặt tại TP Thái Nguyên để hình thành đường dây cho vay nặng lãi hoạt động tại TP Hồ Chí Minh. Theo thỏa thuận, hai bên sẽ góp vào tổng cộng 3 tỷ đồng rồi thuê mặt bằng ở TP Hồ Chí Minh mở tiệm cầm đồ làm bình phong và giao cho Mẽ quản lý.
Để chống gian lận, B. đưa 5 "lính" của mình theo Mẽ vào Nam để cùng Mẽ vừa hoạt động cho vay vừa kiểm tra sổ sách, giấy tờ với mức lương từ 10-15 triệu đồng/ người/ tháng. Thi thoảng B. mới vào TP Hồ Chí Minh để nắm bắt tình hình, ăn chơi thác loạn một vài ngày rồi quay lại Thái Nguyên.
Tháng 8/2019, Mẽ thuê mặt bằng tại địa chỉ 399, đường Trần Văn Giàu, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân để mở tiệm cầm đồ 399, đăng ký là văn phòng đại diện cho công ty của B ở Thái Nguyên.
Giang hồ hiểm ác lại ở xứ lạ quê người, để phòng thân và hoạt động được trôi chảy, Mẽ tìm kiếm trên mạng mua 1 súng rulo giá 20 triệu đồng cùng hung khí gồm 3 áo giáp, 13 mã tấu, 1 dao tự chế, 21 ống tuýp sắt cắt nhọn mang về cất giấu tại tiệm cầm đồ. Nghiện ma túy và nhảy nhót ở vũ trường, quán bar nên Mẽ thường xuyên mua cùng lúc hàng chục triệu đồng ma túy đá để sử dụng dần…
Băng nhóm do Phạm Ngọc Hùng (sinh năm 1976) cầm đầu đến từ Hà Nội. Hùng thuê căn nhà trên đường Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận) rồi cùng 5 đồng bọn hoạt động tín dụng đen từ đầu năm 2019 tại nhiều địa bàn khác nhau ở TP Hồ Chí Minh.
Hàng ngày Hùng cử các "đệ tử" đi phát tờ rơi hoặc dán ở các cột điện để quảng cáo "cho vay tín chấp, lãi suất thấp, giải ngân trong ngày". Tuy nhiên, khi người có nhu cầu tìm đến, chúng "hét" với mức lãi suất từ 20-30%, nhưng do quá bí bách nên không ít người chấp nhận vay và thế chấp CMND, hộ khẩu, giấy đăng ký xe…
Kiểm tra nơi ở của Hùng, cơ quan công an thu giữ 6 bịch ma túy dạng viên, 0,5gram ma túy dạng bột, 1 súng rulo cùng 4 viên đạn, 1 còng số 8, 1 roi điện, 1 dùi cui và hàng trăm bộ hồ sơ cho vay.
Băng nhóm do Lê Ngọc Châu (1983) và Hồ Đức Khánh (1982) cầm đầu đến từ Hải Phòng hoạt động trên địa bàn quận 10. Một lần cùng đồng bọn bắt giữ con nợ đưa về nơi ở của mình để đánh đập, ép trả nợ và bị phát hiện, Châu bị bắt và nhận bản án 9 tháng tù giam. Cuối năm 2017, Châu ra tù nhưng vẫn "ngựa quen đường cũ", cấu kết với Khánh mở cơ sở cho thuê xe gắn máy ở quận 10 để làm bình phong hoạt động cho vay nặng lãi cho đến khi bị bắt lần tiếp theo vào năm 2019.
Lê Đức Thành đến từ TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Tháng 9/2018, Thành mang theo một số vốn vào TP Hồ Chí Minh, thuê trọ ở khách sạn Hà Mai (P.12, Tân Bình) và làm nhân viên phục vụ quán cà phê để "nắm bắt tình hình".
Sau nhiều ngày toan tính, Thành chuyển sang thuê phòng trọ nằm trên đường Thân Nhân Trung (P.13, Tân Bình) rồi rủ một người bạn cùng quê là Hà Mạnh Cường vào giúp sức cho mình. Một băng nhóm cho vay nặng lãi đã hình thành một cách đơn giản như vậy…
Nhiều chiêu giăng bẫy, chặt chém người vay
Vì là bản sao của nhau nên cách thức tiếp cận con mồi cũng như hình thức cho vay của các băng nhóm cũng na ná như nhau. Kẻ cầm đầu in danh thiếp, tờ rơi rồi giao đàn em phát cho người đi đường ở các giao lộ hoặc dán trên cột đèn, hộp điện, nhà chờ xe buýt… Đồng thời quảng cáo trên mạng xã hội facebook, zalo và trang web riêng do chúng tạo ra có tên miền liên quan đến chữ cho vay.
Các đối tượng được kẻ cho vay thuê đi đòi nợ. |
Hình thức cho vay cũng đều là tín chấp nhưng người vay phải thế chấp cho chúng giấy tờ tùy thân và giấy đăng ký các loại xe gắn máy, ôtô tùy theo mức vay bao nhiêu tiền. Lãi suất cũng vậy, 20%/tháng đối với vay góp (cộng cả vốn lẫn lãi chia rồi chia đều trong 30 ngày góp) và 20-45%/tháng đối với "đứng", tức tiền vốn đứng yên một chỗ, người nợ trả lãi hàng ngày. Thông thường, vay góp áp dụng cho khoản tiền nhỏ (từ 10-30 triệu đồng), còn vay "đứng" có khi lên đến hàng trăm triệu đồng.
Để đối phó với cơ quan Công an, kẻ cho vay không bao giờ thể hiện mức lãi trên sổ sách mà gộp tất cả vốn lẫn lãi vào rồi buộc nạn nhân ghi giấy nhận nợ trên tổng số tiền đó.
Cao tay hơn, băng nhóm của Lê Đức Thành còn sử dụng giấy tờ tùy thân giả đứng tên người cho vay để dễ dàng trốn chạy khi bị phát hiện. Thành yêu cầu người vay viết "Giấy biên nhận" với nội dung "Tôi có quen biết với anh Nguyễn Quang Trung (đây là tên giả do Thành tạo ra)… và mượn anh Trung với số tiền… Tôi cam đoan đến ngày… sẽ trả lại số tiền trên. Nếu sai tôi chịu phạt 50% trên số tiền đã mượn".
Sau đó, Thành tính lãi trước 10 ngày đối với vay "đứng" và 2-3 ngày đối với vay góp cộng với tiền phí dịch vụ là 10%/số tiền vay, còn lại bao nhiêu thì giao tiền mặt hoặc chuyển khoản cho con nợ.
Người vay có thể trả lãi, vốn bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản cho Thành. Nếu chậm trả lãi thì Thành và đồng bọn sẽ nhắn tin cho người vay nợ và người thân của họ để đe dọa giết chóc hoặc thuê con nghiện tạt mắm tôm, nước sơn… Chỉ với vài chục triệu đồng ban đầu, sau khoảng 11 tháng hoạt động, Thành đã thu về khoản lãi gần 450 triệu đồng.
Băng nhóm cho vay nặng lãi do Lê Anh Tuấn (sinh năm 1978 hộ khẩu thường trú ở Hà Nội) cũng vậy, chỉ với số tiền vốn 100 triệu đồng ban đầu, sau 4 tháng hoạt động, lãi mẹ đẻ lãi con, Tuấn thu về hơn 600 triệu đồng tiền lãi.
Để không bị "nợ xấu", Tuấn in sẵn mẫu hợp đồng vay tiền, ghi tổng số tiền vay và cả tiền lãi suất vào rồi cho người vay ký tên, lăn tay. Tuấn cho đàn em cầm mã tấu đến nhà quậy phá, chửi bới, đe dọa.
Ngoài ra, Tuấn còn ép buộc người vay phải đóng thêm tiền phạt từ vài trăm đến vài triệu đồng tùy theo số tiền vay.
Khi bị bắt giữ, cơ quan Công an thu giữ tại nơi ở của Tuấn hàng chục con dao tự chế, ống tuýt sắt cắt nhọn giống như băng của Nguyễn Bá Mẽ vừa bị bắt giữ. Loại hung khí tự chế đặc biệt nguy hiểm này hiện đang được các băng nhóm giang hồ thường sử dụng khi đụng trận. Loại hung khí này mà đâm vào thân người thì gần như nắm chắc cái chết vì vết thương sâu và mất nhiều máu.
Về băng nhóm của Nguyễn Bá Mẽ, trong 8 tháng hoạt động có 159 lượt người vay nợ (vay ít nhất 10 triệu đồng, nhiều nhất 300 triệu đồng) của băng nhóm này tổng số tiền khoảng 21 tỷ đồng. Với mức lãi suất từ 20-45% thì rõ ràng khoảng lãi mà Mẽ thu về là một con số rất khủng.
Do đàn em của Mẽ hung bạo, lăm le mã tấu, súng rulo trên tay khi đòi nợ nên rất ít người dám quỵt nợ bọn chúng. Nhiều người chỉ cần nghe bọn chúng dọa nạt thôi là đã phải gấp rút bán nhà trả nợ.
Nhiều giải pháp tấn công tội phạm cho vay nặng lãi
Từ đầu năm 2019, Ban Giám đốc công an TP Hồ Chí Minh từng bước tháo gỡ khó khăn và chỉ đạo công an các quận, huyện cùng các phòng nghiệp vụ đẩy mạnh công tác tấn công phòng ngừa tội phạm "tín dụng đen".
Đội 2 trước đây và Đội 4, Phòng CSHS bây giờ là đơn vị chủ công khám phá án cho vay nặng lãi đã liên tiếp xóa sổ nhiều băng nhóm cho vay nặng lãi quy mô lớn. Trong đó, băng cho vay nặng lãi qua app với lãi suất trên dưới 100%/tháng vừa bị triệt phá trong tháng 3 là một trong những chiến công của đơn vị này.
Để công tác triển khai đạt hiệu quả cao, bên cạnh biện pháp mạnh là phát hiện, triệt xóa thì công tác quản lý địa bàn, kiểm tra hành chính các cơ sở có khả năng biến tướng cho vay nặng lãi ( như tiệm cầm đồ, cho thuê xe…) để ngăn chặn từ khi mới manh nha cũng đang được công an thành phố đẩy mạnh thực hiện.
Đồng thời, tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, không nên vay tiền của các đối tượng cho vay nặng lãi, nhất là từ các thông tin ở "ngân hàng cột điện".
Song song đó, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện việc xử lý hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông, cây xanh nơi công cộng trên địa bàn thành phố, nhất là quảng cáo rao vặt cho vay tiền, làm bẩn phố phường.
Trong đó, giao Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm cung cấp thông tin chủ thuê bao có số điện thoại quảng cáo rao vặt không đúng nơi quy định để các đơn vị có cơ sở xử phạt theo quy định.
Từ năm 2018, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các tỉnh, thành cả nước mở nhiều đợt cao điểm tấn công tội phạm "tín dụng đen", nhưng việc khởi tố, bắt tạm giam các bị can còn khá hạn chế. Nguyên nhân là do luật chưa kín kẽ, trong khi tội phạm thì rất ranh ma, dùng nhiều thủ đoạn che giấu hành vi phạm tội của mình. Mặt khác, trong việc chứng minh nguồn thu lợi bất chính của đối tượng phạm tội vẫn chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan tố tụng nên việc áp dụng xử lý còn gặp nhiều khó khăn. |