Ngăn chặn nạn giả danh Công an

Thứ Ba, 17/12/2019, 09:58
Nắm được điểm yếu của các nạn nhân thường lo lắng, mất bình tĩnh khi có sự cố phải làm việc với lực lượng công an, một số đối tượng lừa đảo, cướp giật tài sản, các đối tượng thường giả danh Công an, Cảnh sát hình sự để phạm tội, chiếm đoạt tài sản của người dân.


Các đối tượng này còn đầu tư, trang bị các công cụ gần giống của lực lượng Công an (từ thẻ ngành, súng, còng số 8 và trang phục) để người dân rơi vào bẫy.

Thực tế, những nạn nhân bị lừa đảo, hoặc bị cướp đều có dính líu đến các vấn đề luật pháp nên nghe các đối tượng xưng Cảnh sát hình sự hay Công an đều không đủ bản lĩnh để yêu cầu kiểm tra lại mà răm rắp tuân theo. Vì tâm lý này mà nhiều nạn nhân dính bẫy, tội phạm vẫn có đất diễn…

Nhóm "Biệt đội chuột leng" sa lưới

Một băng nhóm giả danh Cảnh sát hình sự gây ra 20 vụ cướp tài sản vừa bị Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá khiến nhiều người ngỡ ngàng. Đa phần các đối tượng là sinh viên, đang có tiền đồ phía trước nhưng chỉ vì muốn kiếm tiền một cách bất chính mà vi phạm pháp luật. Đối tượng cầm đầu là Trịnh Minh Vương, sinh năm 1995, ngụ quận 9, chủ của một cửa hàng buôn bán thức ăn cho chó mèo. Thu nhập từ công việc này thấp, thời gian rảnh rỗi nhiều nên Vương thường hay lên mạng xã hội xem tin tức. 

Trên các trang mạng Vương thấy nhiều người rao bán xe gắn máy không giấy tờ. Vương biết đây là hàng gian, người bán sẽ có tâm lý sợ công an bắt quả tang.

Nghĩ đây là cơ hội kiếm tiền của mình, Vương đã đặt làm giả CMND Công an, đặt trên mạng mua quân phục, còng số 8, roi điện, máy bộ đàm và một khẩu súng rulo bắn đạn cao su. Để thao tác cho đúng với "chất" của một Cảnh sát hình sự thật, Vương bỏ thời gian đi theo các tổ Cảnh sát hình sự để xem các chiến sĩ cảnh sát hình sự tổ chức xử lý đối tượng, xử lý tình huống. Sau đó, Vương tụ tập nhóm anh em (đa phần là sinh viên) nói ra ý định của mình và được 7 đối tượng đồng ý.

Tháng 4-2019, Vương đặt tên cho nhóm là "Biệt đội chuột leng". Dưới sự chỉ đạo của Vương hằng ngày nhóm đối tượng này lên mạng tìm kiếm thông tin những người buôn bán xe không rõ nguồn gốc sau đó liên lạc với họ bày tỏ ý định muốn mua xe. 

Một thành viên trong nhóm đứng ra trực tiếp tìm điểm hẹn. Khi giao dịch giữa hai bên đang diễn ra thì Vương cùng những đối tượng còn lại xuất hiện, xưng là Cảnh sát hình sự(!), dùng súng đe dọa đưa cả người mua và bán xe về trụ sở, sau đó uy hiếp cướp tài sản. Không chỉ cướp xe gắn máy, nhóm của Vương còn uy hiếp nạn nhân lấy luôn điện thoại di động và buộc họ rút toàn bộ tiền trong thẻ ATM ra giao cho chúng.

Anh N.V.N (sinh năm 2002, quê ở Đồng Nai) một nạn nhân của các đối tượng giả danh cảnh sát hình sự cho biết, do cần tiền nên anh rao bán chiếc xe Winer trên mạng. Nhóm của Vương vào hỏi và hẹn giao xe ở khu vực Suối Tiên, quận 9. Khi anh N. và người bạn đến giao xe nhận tiền thì bị nhóm này xưng là Cảnh sát hình sự ập đến, nói xe anh N. là xe gian. Chúng khống chế đưa N và người bạn đến Khu Công nghệ cao sau đó cướp chiếc xe.

Tương tự, N.V.B. (sinh năm 1999, quê ở Lâm Đồng) sau khi rao bán xe trên mạng thì được nhóm của Vương đặt mua. B. điều khiển xe đến điểm hẹn là cầu Phú Mỹ, quận 7 giao. Nhóm của Vương xuất hiện, xưng Cảnh sát hình sự và cho rằng B. bán xe gian, nếu không muốn ngồi tù thì phải chi 7 triệu đồng. B không có tiền mặt. Nhóm Vương ép anh B đi rút tiền từ thẻ ATM đưa cho chúng. Lấy tiền xong các đối tượng này cướp luôn xe, chở anh B đến khu vực vắng vẻ rồi thả xuống.

Đến khi bị Phòng Cảnh sát hình sự bắt giữ, nhóm của Vương đã thực hiện hơn 20 vụ giả danh cảnh sát hình sự cướp tài sản trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai. Công an đã  thu giữ thẻ ngành giả, quân phục Cảnh sát, roi điện, còng số 8, bộ đàm, súng rulo bắn đạn cao su mà nhóm này sử dụng.

Cần xử lý nghiêm việc kinh doanh quân trang, quân dụng giả

Việc quân trang quân dụng thuộc ngành Công an được bán đầy rẫy trên các trang mạng xã hội, không được kiểm soát chặt chẽ đã tạo điều kiện dễ dàng cho nhiều đối tượng, sử dụng giả danh gây mất lòng tin của người dân đối với ngành. Chúng còn sử dụng các bộ trang phục này để đi lừa đảo, vòi vĩnh các cửa hàng buôn bán.

Trần Thanh Thảo (sinh năm 1987, ngụ phường 11, quận Bình Thạnh) không nghề nghiệp ổn định lại đang mắc nợ tín dụng đen 30 triệu đồng, không thể chi trả. Trong lúc bí, Thảo nảy ra sáng kiến mạo danh công an để lừa đảo. 

Sau khi điều khiển xe dạo quanh nhiều con đường trên địa bàn phường 1, quận Tân Bình, để ý số điện thoại ghi trên biển hiệu của các hàng quán, ghi chép cẩn thận và tìm hiểu những người chủ của các chủ tiệm này. Thảo về nhà gọi điện thoại. Do lực lượng Công an tại các phường thường công khai danh tính và số điện thoại cán bộ chiến sĩ nên Thảo tìm đến Công an phường 1, quận Tân Bình tìm hiểu sau đó ghi chép thông tin của cán bộ chiến sĩ tại Công an phường.

Nhóm đối tượng giả danh cảnh sát hình sự để chiếm đoạt tài sản của những người buôn bán xe trên mạng xã hội.

Nạn nhân đầu tiên của Thảo là anh T.P.H., sinh năm 1980, quản lý tiệm giày trên đường Nguyễn Trọng Tuyển, phường 1, quận Tân Bình. Thảo nhắn tin cho anh H yêu cầu anh H. phải gọi điện cho anh Công - Phó Công an phường 1, quận Tân Bình (tên Công là do Thảo tự xưng) để bàn về vấn đề PCCC của cửa hàng. Sợ bị phạt anh H. ngay lập tức gọi lại số điện thoại xưng là Công, Công an phường vừa nhắn cho mình. 

Thấy "cá cắn câu", Thảo nói phường sắp kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy các cửa hàng buôn bán trên đường Nguyễn Trọng Tuyển, yêu cầu anh H phải lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy và tập huấn chữa cháy cho nhân viên trong cửa hàng với chi phí là 3,5 triệu đồng. Anh H đồng ý. Sau khi nhận được tiền thấy dễ ăn, Thảo tiếp tục gọi điện kêu anh H gởi 2 triệu để "chi phí cho đoàn kiểm tra". Sinh nghi, anh H gọi điện lên Công an phường kiểm tra thì phát hiện không có đợt kiểm tra phòng cháy chữa cháy nào. 

Tuy nhiên anh H. vẫn vờ đồng ý giao tiền cho Thảo. Tuy lừa đảo với số tiền không lớn nhưng Thảo vẫn thực hiện rất tinh vi. Thảo không trực tiếp đến nhận tiền mà thuê một người xe ôm với giá 50 ngàn đồng đến nhận tiền từ anh H.. 

Các đối tượng giả danh Cảnh sát hình sự thường trang bị các công cụ  hỗ trợ giống như của công an để lòe người dân.

Bằng chiêu thức này Thảo tiếp tục xưng là Phó Công an phường lừa cửa hàng Đào Hải Sản trên đường Phạm Văn Hai chiếm đoạt 4 triệu đồng và một con tôm hùm Alaska trị giá 1,2 triệu đồng. Khi định tiếp tục vụ khác, Thảo đã bị Công an quận Tân Bình bắt giữ.

Dịp cuối năm người dân hay các doanh nghiệp thường tất bật công việc để tạo thêm thu nhập lo cho một cái Tết chu đáo nên thường hay mất cảnh giác. Những người kinh doanh nhỏ lẻ trong dịp cuối năm này vì không muốn ảnh hưởng đến công việc của mình nên khi bị các đối tượng xưng là công an hỏi thăm thường có tâm lý muốn giải quyết nhanh để không bị rắc rối. Họ dễ rơi vào bẫy của các đối tượng giả danh.

Có những đối tượng thực hiện hành vi giả danh của mình bằng hình thức tự xưng nhưng cũng có nhiều đối tượng giả danh công an một cách bài bản khó phát hiện. Nguyễn Huỳnh Bảo Thuyên (sinh năm 1984, ngụ quận 1, TP Hồ Chí Minh) làm nghề buôn bán bất động sản. Trong một lần tranh chấp đất đai tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, Thuyên đã bị Công an huyện Thống Nhất khởi tố về hành vi "hủy hoại tài sản". 

Từ vụ án này, Công an huyện Thống Nhất phát hiện Thuyên đã giả danh Công an trong một thời gian khá dài. Khám xét nơi ở của Thuyên tại Bình Thạnh, cơ quan điều tra thu giữ 7 bộ quân hàm công an nhân dân (trong đó có 1 bộ cấp thiếu tướng, 1 bộ cấp đại tá, 1 bộ cấp thượng tá và 4 bộ cấp trung tá); 3 cặp ve hàm; 6 dây thắt lưng công an; 4 mũ kepi Công an nhân dân (1 mũ cấp tướng, 2 mũ cấp sĩ quan và 1 mũ đại lễ); 1 bộ đồ cảnh sát và 1 áo an ninh dành cho sĩ quan; 2 bảng tên Công an nhân dân có cả chức vụ giám đốc và cán bộ và 6 còng số 8.

Thuyên khai để tạo uy tín trong làm ăn Thuyên thường xuyên xưng mình công tác tại Bộ Công an. Những người làm ăn chung với Thuyên tuyệt đối tin tưởng vì Thuyên thường đi xe ô tô gắn biển xanh, trên xe lúc nào cũng quân tư trang của công an. Với vỏ bọc này mà nhiều phi vụ làm ăn của Thuyên thành công đem về cho Thuyên một khối tài sản lớn.

Một cán bộ điều tra thuộc Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, các đối tượng giả danh công an thường nghiên cứu nắm rất rõ các qui định cũng như thao tác khi tiếp xúc với người vi phạm của những cán bộ chiến sĩ công an nên khi nạn nhân đối mặt với những đối tượng này thường có tâm lý sợ sệt và dễ nhầm lẫn. Ngoài ra, trước khi thực hiện hành vi giả danh, các đối tượng thường khoe ra công cụ hỗ trợ như súng, còng số 8, bộ đàm để nạn nhân hoang mang. Sau khi "bắt" được tâm lý của nạn nhân, các đối tượng giả danh mới giở hành vi đe dọa. Những nạn nhân từng có hành vi vi phạm pháp luật sẽ có tâm lý sợ sệt hơn so với những người khác, dễ dàng làm theo chỉ dẫn của các đối tượng.

Việc giả danh công an để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người dân là hành vi phạm tội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của lực lượng Công an nhân dân. Vì vậy, bên cạnh việc xử lý nghiêm của cơ quan chức năng, người dân phải hết sức cảnh giác. Khi nghi vấn đối tượng giả danh công an, người dân cần bình tĩnh gọi điện hoặc đến Công an phường xác minh rõ ràng, để tránh rơi vào "bẫy". Thời điểm cận tết, người dân cần tỉnh táo hơn, nhất là người đi làm về khuya ở các khu vực đường  vắng người qua lại.

Mạnh Đức
.
.