Ngăn chặn tội phạm - nhìn từ trách nhiệm của gia đình: Khi đắng cay tích tụ...

Thứ Ba, 31/12/2013, 10:45

Khi gia đình không yên ấm. Khi những đứa con ngày ngày chứng kiến cha đánh đập mẹ thì không chỉ tâm lý bị chấn động, không chỉ tinh thần bị tổn thương mà còn hơn thế, sự căm phẫn sẽ bị tích tụ để một ngày nào đó sẽ bùng phát. Khi ấy, gia đình sẽ rơi vào bi kịch xót xa và tủi hổ - bi kịch con giết cha, giống như tột cùng của sự phản kháng để bênh vực mẹ.

Không phải là dự đoán mà thực tế những vụ án đau lòng như thế đã xảy ra. Những người mẹ mà chúng tôi đã gặp ở tòa án, khi được hỏi, vì sao họ lại chịu cảnh sống chung với bạo lực lâu đến độ chỉ kết thúc khi án mạng xảy ra thì hầu hết họ đều có chung một câu trả lời: Muốn giữ cho các con có cha, cho nhà có nóc nên nhẫn nhịn chịu đựng mà không biết rằng đó là sự nhẫn nhịn tai họa. Bởi, nó đã là nguyên nhân gián tiếp dẫn tới những vụ án đau lòng này…

1. Trận đòn ấy chỉ là một trong rất nhiều trận đòn mà ông Bùi Tất Bật ở Đan Phượng, Hà Nội giáng xuống đầu vợ. Và, cũng không phải là lần đầu tiên bà Loan, vợ ông phải nhập viện vì những cú đấm, đá của chồng. Vợ chồng ở cùng quê, kinh tế không đến nỗi khốn khó, đã chung sống cùng nhau nhiều chục năm với 5 mặt con, đủ nếp đủ tẻ, cứ tưởng vợ chồng càng về già sẽ càng yêu thương nhau hơn. Nhưng không, mãi đến khi bà 54 tuổi, tóc trên đầu đã bạc mà đòn roi vẫn còn phải hứng chịu.

Ký ức kinh hoàng về những trận đòn của chồng khiến người đàn bà này vẫn bàng hoàng run rẩy khi kể lại tại phiên tòa sơ thẩm: "Tôi bị chồng đánh nhiều không kể xiết. Ngay một ngày trước khi xảy ra vụ án đau lòng này, ông ấy cũng chửi mắng tôi rất thậm tệ nhưng may là hôm đó tôi không bị ăn đòn vì các con trai con dâu biết chuyện nên xúm vào can ngăn bố".

Nhà có 5 con thì 4 anh chị đã thành gia thất nên ở riêng. Chỉ còn mỗi mình Bùi Tất Trung do còn độc thân nên sống cùng nhà với cha mẹ và bởi vậy, Trung là người chứng kiến nhiều nhất những trận đòn của cha trút lên thân thể yếu đau, già nua của mẹ. Bà Loan kể: "Mỗi lần thấy tôi bị đánh, cháu thương lắm nhưng cũng chỉ biết khóc thôi, chả biết làm gì khác".

Thương mẹ, giận cha, ngày lại ngày, tích tụ thành phẫn nộ khiến Trung, trong buổi chiều định mệnh ấy đã cầm dao sát hại cha. Trung khai, bị cáo vừa đi làm về thì nghe anh Tuận nói là mẹ đang phải nằm cấp cứu ở bệnh xá. Ra tới nơi thấy mẹ nằm bất tỉnh trên đầu bê bết máu. Được biết, mẹ ra nông nỗi đó là do trước đó đã bị cha vô cớ dùng gậy đập nhiều nhát vào đầu. Trung uất ức lao ra khỏi bệnh xá về nhà tìm cha.

Qua gian hàng thịt chó của anh trai Bùi Tất Tuấn, Trung vớ ngay một con dao nhọn lăm lăm trên tay. "Nhưng chưa kịp về đến nhà thì bị cáo đã gặp cha đi ngược đường, vì nóng giận không kiểm soát được nên bị cáo đã xuống tay".

Trung ra tòa, bà Loan khóc nhiều lắm. Bà hiểu rằng, tội lỗi của Trung bắt đầu từ chính bi kịch của gia đình bà. Trung bảo vệ mẹ, Trung đã giải quyết mối xung đột giữa cha và mẹ bằng cách thức tiêu cực. Nếu bà dũng cảm thoát ra khỏi cuộc hôn nhân địa ngục ấy thì biết đâu, Trung không trở thành kẻ tội đồ.

Bùi Tất Trung.

Nguyễn Phú Nguyên cũng giống như Trung. Trong ký ức của Nguyên về cha, ông Nguyễn Phú Bốn, hầu như không có gì ngoài những trận đòn roi kinh hoàng. Ở với chồng 23 năm nhưng có lẽ bà Kỳ, mẹ Nguyên chỉ hạnh phúc được vẻn vẹn có 1 năm, 22 năm còn lại là sống dở chết dở với những trận đòn dã man của chồng.

Ngay sau khi sinh đứa con gái đầu năm 1990 là bà bị ông Bốn bạo hành. Cứ rượu xong là ông về sinh sự với vợ để đánh. Bà đã nhiều lần phải ôm đứa con gái còn đỏ hỏn trên tay chạy trốn những trận đòn. Bà phải nấp sang nhà hàng xóm chờ chồng tỉnh rượu rồi mới dám về vì sợ trong cơn say, nhỡ mà ông phang nhầm vào đứa bé chứ thân bà thì bị đánh quen rồi.

Rồi sau khi bà sinh thêm Nguyên, những trận đòn roi cũng vẫn đều đặn giáng xuống thân thể yếu đau của bà, từ khi Nguyên còn đỏ hỏn. Lớn lên, biết nhận thức là Nguyên biết đến những trận đòn của cha với mẹ. Nguyên cũng như chị gái đã phải chạy trốn những trận đòn của cha ngay từ khi còn ở trên tay mẹ.

Nguyễn Phú Nguyên.

Sống giữa thời bình mà chạy loạn còn hơn thời chiến. Ba mẹ con lúc nào cũng trong tư thế chạy. Những người hàng xóm tốt bụng lúc nào cũng sẵn sàng mở cửa nhà để ba mẹ con vào lánh nạn. Cùng với mẹ, hai chị em Nguyên cũng phải chịu những trận đòn của cha. Chị Nguyên là con gái còn đỡ chứ Nguyên thì bị đòn ngay từ lúc bé tí tẹo.--PageBreak--

Gần 20 năm lớn lên cùng những trận đòn của cha, cho đến buổi trưa định mệnh ấy, trận đòn của ông Bốn giáng lên bà Kỳ chỉ giống như giọt nước làm tràn chiếc ly vốn đã rất đầy. Trưa ấy, sau khi rượu say, ông Bốn về nhà, thấy bà Kỳ đang nấu cơm trưa, như mọi lần say khác, ông đe: "Hôm nay, tao sẽ cho mày chết" rồi ngay lập tức chốt cửa lại để đập bà Kỳ liên tiếp bằng điếu cày.

Đúng lúc ấy thì Nguyên từ xưởng mộc đi về nhà tranh thủ ăn cơm trưa để chiều còn quay lại làm tiếp. Quá quen với những trận đòn của bố nên Nguyên chẳng nói năng gì mà lẳng lặng lấy nồi cơm ra ăn. Thấy thế, ông Kỳ quay sang ném nồi cơm ra hè làm cơm bắn tung tóe và đập tan hết thảy bát đĩa.

Thương con, bà Kỳ vừa khóc vừa nói: "Nó đi làm về mà lại không cho nó ăn". Và, chỉ đợi có thế, những trận mưa đòn lại trút lên cơ thể gầy yếu của bà. Nguyên thương mẹ, xông vào can cha và bị ông Bốn vụt điếu cày vào đầu. Lúc này, cơn tức giận lên đến đỉnh điểm, Nguyên giằng điếu cày vụt lại cha. Ông Bốn ngã, đầu đập xuống hè, bất động. Ông Bốn chết do vết thương quá nặng ở vùng não.

Phiên tòa xử Nguyên là phiên tòa nhiều nước mắt. Nguyên khóc, bà Kỳ khóc. Những người tham dự phiên tòa, không có quen biết với những người trong vụ án, cũng khóc. Những giọt nước mắt xót thương và nuối tiếc. Trả lời câu hỏi của luật sư rằng, vì sao bà nhẫn nhịn chịu đựng đòn roi trong ngần ấy năm trời thì bà Kỳ nói, trong nước mắt đắng cay, vì bà muốn giữ cha cho các con, bà không muốn gia đình phải tan vỡ.

Nhưng nhẫn nhịn chấp nhận bạo hành, bà có bao giờ nghĩ đến cảnh tượng đau lòng này, khi Nguyên phải ra trước vành móng ngựa vì tội sát hại cha; khi mà bà càng nhẫn nhịn thì Nguyên càng hận thù cha và hành vi tội lỗi của Nguyên xảy ra như một tất yếu xót xa.

Để bớt đi những vụ án đau lòng

(Trả lời phỏng vấn của Thạc sĩ Phạm Kim Ngọc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển với PV Chuyên đề ANTG)

PV: Có rất nhiều trường hợp con giết bố do chứng kiến cảnh bố bạo hành mẹ trong một thời gian dài. Sau đó đứa con một là bột phát hành động giết bố để bảo vệ mẹ, hai là lên kế hoạch sát hại với mục đích trả thù người bố. Để xảy ra bi kịch đó, trách nhiệm thuộc về những ai? Có phải hoàn toàn do người bố không?

Th.s Phạm Kim Ngọc: Theo tôi, để xảy ra bi kịch đó trách nhiệm không thuộc hoàn toàn về người gây bạo lực - ở đây là người bố. Mà còn thuộc về cả người mẹ - người chịu bạo lực. Bởi lẽ nguyên nhân nhiều đứa trẻ dám cầm dao giết chính bố đẻ của mình, phần lớn là để bảo vệ mẹ. Để "cứu" mẹ thoát khỏi con ác quỷ là bố. Nếu người mẹ có thể tự bảo vệ được bản thân, hoặc chí ít là có hành vi phản kháng lại, chứ không cam chịu bất lực thì có lẽ sẽ khác.

Ngoài ra, trách nhiệm thuộc về cả xã hội, cộng đồng. Xã hội Việt ta vẫn coi vấn đề bạo lực gia đình là chuyện thông thường, chuyện riêng của mỗi gia đình: "Đèn nhà ai nhà nấy rạng", sự can thiệp, lên án của cộng đồng, làng xóm, chính quyền địa phương chỉ mang tính chất nhất thời, mờ nhạt. Do đó, bạo lực gia đình vẫn có điều kiện tồn tại và phát triển.

PV: Thưa bà, nhìn từ góc độ tâm lý xã hội, đâu là nguyên nhân sâu xa của sự nhẫn nhục cam chịu đó?

Th.s Phạm Kim Ngọc: Theo tôi, để xảy ra những hệ quả nghiêm trọng như vậy là điều khó có thể tránh khỏi, khi mà ta đang sống trong một xã hội còn mang nặng định kiến về giới như hiện nay. Phàm đã là con người sinh ra, ai cũng có bản năng tự vệ, khả năng phản ứng lại khi cơ thể bị xâm phạm. Khi bị bạo hành, người phụ nữ được lựa chọn giữa ba giải pháp: một là chạy trốn, hai là vùng lên phản ứng lại, ba là im lặng.

Nhưng giải pháp chạy trốn và phản ứng lại thường ít được lựa chọn? Vì sao? Bởi nhận thức của chính bản thân của người phụ nữ còn mang tư tưởng "xấu chàng hổ ai", họ sợ "vạch áo cho người xem lưng", hay sợ hàng xóm, bạn bè chê cười… Nên lựa chọn thường được nhiều phụ nữ chọn là "một điều nhịn là chín điều lành".

Lâu dần, sự nhẫn nhịn tích tụ đến một mức độ nào đó cơ thể không kìm nén được nữa. Và đương nhiên sẽ dẫn đến những hành động phản ứng lại. Trong mắt người phụ nữ khi đó, bạo lực không khác gì con ác quỷ làm đau khổ cuộc đời họ và họ phải có nhiệm vụ tiêu diệt con ác quỷ đó. Điều đó lí giải cho việc có những người phụ nữ bình thường rất đỗi yếu đuối, hiền lành, không dám giết hại những con vật nhỏ lại có thể trở thành hung thủ giết người.

PV: Vậy để tránh xảy ra những bi kịch thương tâm: sát hại những người ruột thịt trong gia đình như vậy, bà có thể nêu ra một vài giải pháp để ngăn chặn mầm mống phạm tội ngay từ trong gia đình? Vợ chồng cần ứng xử với nhau ra sao khi có mâu thuẫn?

Th.s Phạm Kim Ngọc: Tôi không thể đưa ra lời khuyên cụ thể nào cho câu hỏi này cả. Bởi lẽ, "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", mâu thuẫn giữa các gia đình là không giống nhau. Có rất nhiều giải pháp nhưng tùy vào nhận thức của mỗi người, cần biết "mềm nắn rắn buông".

Khi chồng nóng thì vợ bớt lời, sau đó tìm cơ hội thích hợp khuyên lơn kết hợp với sự tư vấn từ bên ngoài để giải quyết mâu thuẫn. Ngược lại nếu người vợ cũng nóng tính thì chỉ "đổ dầu vào lửa". Nếu hai nỗ lực nhường nhịn và tư vấn hỗ trợ không thành công thì không còn cách nào khác, nạn nhân cần sáng suốt để có thái độ cầu viện trợ.

Rất nhiều người hiểu sai rằng bạo hành gia đình chỉ là vấn đề nội bộ, do đó nên đóng cửa nhà mà dạy nhau. Cần phải có tác động của xã hội thì bạo hành mới có thể chấm dứt. Một giải pháp nữa là thay đổi quan niệm của truyền thông đối với vai trò của hai giới. Từ trước đến giờ, khi đưa hình ảnh một người phụ nữ giỏi giang, lãnh đạo ngoài xã hội thì lúc nào cũng phải đưa thêm câu: "…dù vậy, chị vẫn rất đảm đang trong công việc nội trợ".

Thêm nữa, trong những vụ án xuất phát từ gia đình, tại sao khi đàn ông gây án, người ta thường lý giải rằng vì "nóng giận mất khôn". Khi phụ nữ gây án họ lại cho rằng ắt nguyên nhân sâu xa là do ngoại tình nên sát hại chồng? Bị cả dư luận lên án. Cần có cái nhìn công bằng và thấu đáo hơn về vai trò của đàn ông - phụ nữ trong xã hội.

Huyền - Huyền
.
.