Ngăn chặn tội phạm làm tiền giả

Thứ Sáu, 21/02/2020, 08:45
Trước đây, tiền giả thường được đưa vào Việt Nam từ ngoài biên giới, gây mất an ninh tiền tệ, phá hoại kinh tế. Nay các đối tượng tội phạm tinh vi và liều lĩnh hơn khi tự trang bị các thiết bị hiện đại sản xuất tiền giả và tiêu thụ ngay trong nước.

Thậm chí, tội phạm còn sử dụng tiền giả để lừa cả các đối tượng tội phạm khác trong các phi vụ mua ma túy, chất kích thích. Gần đây, đã có một số vụ in tiền giả bị phát hiện, đều do các con nghiện ma túy thực hiện với số lượng không lớn, hình thức tiêu thụ nhỏ lẻ...

Phá án ma túy, phát hiện đường dây làm tiền giả

Công an quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh khám phá, bắt giữ một đường dây mua bán ma túy và sản xuất tiền giả trái phép với quy mô lớn, thu giữ nhiều tang vật có liên quan. Đây được xem là chiến công xuất sắc của các tổ công tác bởi từ một vụ tàng trữ ma túy đã làm rõ đường dây sản xuất và tiêu thụ tiền giả gây ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà trong cả nước.

Vụ việc bắt đầu từ chiều 4-2, cảnh sát chống ma túy Công an quận Thủ Đức đã dừng xe của Trần Tiến Quang (còn gọi là “Cu Anh”, SN 1989, ngụ huyện Củ Chi, tạm trú quận 12), đang lưu thông trên đường 36, phường Linh Đông, quận Thủ Đức để kiểm tra hành chính. Trong túi áo của Quang, ngoài một ít ma túy, tổ công tác còn phát hiện 12 tờ tiền mệnh giá 500 ngàn đồng nghi là tiền giả.

Trước đó, Đội Cảnh sát ma túy đã phát hiện Quang là mắt xích trong một đường dây buôn bán ma túy đang hoạt động tại Thủ Đức và các quận huyện lân cận. Số ma túy trong người Quang, Quang khai mua để sử dụng. Riêng 12 tờ tiền giả, Quang khai mua của đối tượng tên Phạm Đức Huy (SN 1991, ngụ quận Bình Tân) với giá 2 triệu đồng để bán lại kiếm lời.

Tang vật các vụ sản xuất, lưu hành tiền giả do cơ quan công an phát hiện.

Từ chuyên án ma túy, Cơ quan cảnh sát điều tra đã khám phá ra một đường dây sản xuất tiền giả với quy mô lớn nên Công an quận Thủ Đức đã báo cáo vụ việc lên Công an TP Hồ Chí Minh để hỗ trợ điều tra phá án. Sau nhiều ngày lần theo đường dây sản xuất tiền giả, Công an quận Thủ Đức cùng Phòng An ninh kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh bắt thêm một số đối tượng liên quan.

Các đối tượng khai nhận mua lại số tiền trên của Trương Chí Cường (SN 1992, ngụ quận 6). Cường là đầu mối quan trọng trong đường dây sản xuất tiền giả. Trinh sát phải mất nhiều ngày điều tra mới bắt quả tang Cường đang giữ trong người 10 triệu đồng (mệnh giá 500 ngàn) tiền giả tại vòng xoay Phú Lâm (quận 6).

Cơ sở in tiền giả của Cường nằm tại một căn phòng trọ trên đường Hồng Bàng, phường 12, quận 6. Tại đây các tổ công tác thu giữ máy in, máy tính xách tay, phim nhựa, keo phủ, một số dụng cụ làm tiền giả và một lượng ma túy tổng hợp. Cường khai, khoảng tháng 5-2019, Cường quen với một số đối tượng sống ở Campuchia và các đối tượng này đã chỉ cách thức cho Cường làm tiền giả.

Là con nghiện, lại có chút kiến thức về tin học nên sau khi được “chỉ giáo”, Cường lên mạng tìm mua nguyên liệu, sau đó tải ảnh 2 mặt tờ tiền mệnh giá 500 ngàn đồng về. Cường dùng phần mềm chỉnh sửa rồi in ra. Để tờ tiền giống thật, Cường dùng keo phủ lên tấm phim, liên kết 2 mặt tờ tiền lại cho giống tiền thật. Tờ tiền đầu tiên sau khi “sản xuất” nhìn khá rõ nét, khó phân biệt đâu là thật, đâu là giả nên Cường tự tin đem đi sử dụng.

Sau khi tiêu xài trót lọt tờ tiền đầu tiên, Cường in hàng loạt tiền giả mệnh giá 500 ngàn và rao bán, với 1 triệu tiền thật đổi 3 triệu tiền giả. Để khuyến mãi cho khách quen, khi khách mua 3 triệu đồng tiền thật, Cường sẽ bán cho 10 triệu đồng tiền giả.

Đối tượng Huy cầm đầu đường dây sản xuất tiền giả ở Đắk Nông.

Cảnh giác với tội phạm làm tiền giả

Một cán bộ điều tra thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, cơ quan điều tra đã phát hiện nhiều vụ tiêu thụ tiền giả, các đối tượng trong các vụ án chủ yếu là mua tiền giả từ nước ngoài về sau đó đem bán lại kiếm lời, còn việc trực tiếp “sản xuất” tiền giả thì tại TP Hồ Chí Minh đây là lần thứ hai Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với công an các quận, huyện bắt quả tang và triệt phá.

Vụ đầu tiên được phát hiện là đường dây sản xuất tiền giả do Nguyễn Quang Bình (SN 1990) và Vũ Duy Phương (SN 1994, cả 2 cùng ngụ Gò Vấp) thực hiện. Hai đối tượng này cũng học cách làm tiền giả rồi mua máy in, các loại dụng cụ, nguyên liệu để chế tạo tiền giả, sau đó đem bán cho các đối tượng khác tiêu thụ và mua ma túy sử dụng. Việc sản xuất tiền giả ngay tại TP Hồ Chí Minh là hình thức mới của các đối tượng tội phạm. Đây là vấn đề rất đáng lưu tâm của Công an TP Hồ Chí Minh trong việc điều tra, xử lý và ngăn chặn loại hình tội phạm mới này.

Các đối tượng chính trong vụ sản xuất tiền giả đã bị khám phá đều là dân nghiện ma túy, có tiền án tiền sự về hành vi cướp giật, trộm cắp và sử dụng trái phép chất ma túy. Các đối tượng làm tiền giả đa phần có kiến thức về tin học, biết sử dụng các phần mềm kỹ thuật, tự học cách in, pha các nguyên liệu để cho ra lò các sản phẩm tiền giả giống như thật. Nếu như người tiêu dùng lơ là, chủ quan khi giao dịch tiền mặt sẽ dính bẫy.

Một số vụ tiêu thụ tiền giả đã diễn ra trót lọt với số lượng tiền tiêu thụ nhỏ, lẻ. Các đối tượng mua tiền giả bỏ lẫn với tiền thật để giao dịch hay mua bán trao đổi tại các vùng quê hẻo lánh, nơi người dân chưa có nhiều kiến thức phân biệt tiền giả hay thật, Chúng thường giao dịch vào lúc trời tối khiến nạn nhân khó có thể kiểm tra tiền giả hay thật, cũng không để ý.

Một đường dây sản xuất tiền giả với quy mô khá lớn khác cũng vừa được Công an tỉnh Đắk Nông khám phá với số tiền giả được in ra, đến thời điểm hiện nay, được ghi nhận là hơn 1 tỷ 750 triệu đồng. Trực tiếp sản xuất tiền giả là Nguyễn Đức Huy (ngụ tại TP Hồ Chí Minh, tạm trú Đắk Nông), đối tượng có 2 tiền án về tội “cướp giật tài sản”.

Nghiện ma túy nhưng không có tiền mua ma túy sử dụng nên sau nhiều ngày mày mò, Huy học được cách làm tiền giả và móc nối với một số đối tượng mua máy in, nguyên liệu về để làm. Chỉ từ tháng 7-2018 đến nay, Huy đã cùng đồng bọn in ra số tiền giả gần 2 tỷ đồng đem bán cho các đối tượng tiêu thụ, thu về hơn 560 triệu tiền thật. Để điều hành việc in ấn và giao dịch với các đối tượng có nhu cầu mua tiền giả, Huy đặt điểm in tiền tại một căn nhà trong con hẻm ngoằn ngoèo nhiều lối thoát.

Khi có người muốn mua tiền, Huy yêu cầu phải chuyển tiền thật vào tài khoản cho Huy sau đó mới đem tiền giả với số lượng mà “khách” đặt hàng vào bao nilon mờ bỏ dưới cột điện, bãi rác rồi nhắn tin vị trí cho người mua đến lấy. Mọi giao dịch giữa Huy và khách hàng đều bằng tên giả. Giá giao dịch là 1 triệu tiền thật đổi 3-4 triệu tiền giả nên có ngày Huy tiêu thụ cả trăm triệu đồng tiền giả.

Các đối tượng trong đường dây sản xuất tiền giả.

Luật sư Nguyễn Văn Trường - Văn phòng luật sư Trường, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, hành vi mua và bán tiền giả, không phân biệt giá trị lớn hay nhỏ đều có thể bị xử lý hình sự về tội “làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả” theo Điều 207 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Đã có rất nhiều vụ, các đối tượng mua bán tiền giả bị khởi tố, phải hầu tòa, tuy nhiên nguồn tiền giả này đều được mua bán từ các đối tượng nước ngoài, còn việc tự sản xuất tiền giả tại TP Hồ Chí Minh thì đây mới là những vụ đầu tiên, chưa xét xử. Thực tế cho thấy các đối tượng ngày càng tinh vi, liều lĩnh và người chịu thiệt hại không chỉ là các nạn nhân bị lừa đảo bằng giao dịch tiền giả, mà ngay cơ quan quản lý tiền tệ cũng bị ảnh hưởng.

Theo luật sư Nguyễn Văn Trường, dù tiền giả tinh vi đến đâu cũng chỉ giống về hình thức khi nhìn thoáng qua, không tinh xảo, không đủ các chế độ bảo mật như tiền thật nên dễ nhận biết nếu kiểm tra kỹ. Khi có nghi ngờ, người dân phải từ chối hoặc báo với cơ quan chức năng để xử lý. Thủ đoạn của các đối tượng ngày một tinh vi, đa dạng, nếu người tiêu dùng lỡ nhận phải tiền giả, vì xót của không báo cho cơ quan chức năng mà tiếp tục tìm cách tiêu thụ thì sẽ gây khó khăn cho các cơ quan chức năng chuyên trách, đồng thời góp phần tiếp tay cho tội phạm, tự biến bản thân thành người phạm tội.

Việc các đối tượng tự in tiền rồi sử dụng mua ma túy dễ dẫn đến mâu thuẫn và sự trả đũa giữa các ổ nhóm tội phạm. An ninh tiền tệ chú trọng đến tính bảo mật cao của tờ tiền đang lưu hành để các đối tượng làm giả dù tinh vi đến mấy cũng khó có thể làm giả. Tuy nhiên, công nghệ phát triển, tội phạm cũng qua đó mà nâng cao dần kỹ thuật in tiền giả khiến tiền giả ngày càng giống tiền thật, khó phân biệt bằng cách xem qua loa trong các giao dịch bình thường.

Người dân cần nâng cao cảnh giác khi thực hiện các giao dịch tiền tệ, với những tờ tiền có mệnh giá lớn cần kiểm tra kỹ, tránh rơi việc bị lừa đảo. Pháp luật không dung túng cho những hành vi này, đừng vì một chút lòng tham mà phải vướng vòng lao lý.

P.Tuyền
.
.