Ngăn chặn xuất cảnh trái phép trá hình du lịch

Thứ Ba, 20/10/2020, 11:58
Thời gian gần đây, tình hình xuất cảnh trái phép dưới nhiều hình thức như đi du lịch rồi trốn lại nước bạn hay xuất khẩu lao động chui… qua cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (Cảng Tân Sơn Nhất) TP Hồ Chí Minh diễn biến khá phức tạp. Có nhiều thủ đoạn xuất cảnh trái phép: sử dụng hộ chiếu, thị thực giả, sử dụng hộ chiếu của người khác, giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được cấp hộ chiếu, thị thực… gây ra nhiều hệ lụy.


Thu lợi tiền tỉ từ hành vi bất hợp pháp

Ngày 29/9/2020, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an có kết luận điều tra, đề nghị truy tố Trần Thị Lệ Oanh (sinh năm 1979) và Nguyễn Thị Mỹ Phượng (sinh năm 1985, cùng trú phường 11, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) về hai tội "Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép" và "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức". Ba đối tượng còn lại gồm Vũ Hồng Tiến (1979), Lê Văn Đại (1987) và Nguyễn Văn Tiến (1990), đều trú tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) bị truy tố về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".

Cầm đầu đường dây là Trần Thị Lệ Oanh. Oanh cùng 4 đối tượng trong đường dây đã sử dụng hàng trăm tài liệu giả trong hồ sơ xin cấp thị thực để lừa dối Tổng Lãnh sự quán Úc tại TP Hồ Chí Minh nhằm đưa người trái phép sang Úc bằng hình thức đi du lịch. 

Đến nay Tổng Lãnh sự quán Úc đã cấp thị thực nhập cảnh Úc cho 28 trường hợp trong số này, trong đó 20 trường hợp sử dụng thị thực được cấp xuất cảnh trái phép qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất, 8 người còn lại không xuất cảnh. Thời hạn xuất cảnh theo thị thực đã hết, chỉ có 10 người nhập cảnh trở lại Việt Nam, còn lại vẫn đang cư trú bất hợp pháp tại Úc. 

Đối tượng Trần Thị Lệ Oanh (bên trái) và Nguyễn Thị Mỹ Phượng.

Oanh từng kinh doanh trong lĩnh vực tư vấn du học, du lịch nên biết rõ các quy định của Tổng Lãnh sự quán Úc về điều kiện để công dân Việt Nam được xét cấp thị thực du lịch, du học Úc. Oanh cũng nắm được nhu cầu xuất cảnh đi Úc với mục đích công khai là đi du lịch, du học và nhiều trường hợp sang Úc rồi trốn ở lại...

Năm 2008, Oanh thành lập và là Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn du học, du lịch Châu Đại Dương tại quận Phú Nhuận. Sau đó, Oanh câu kết với các mắt xích thực hiện hành vi phạm tội. Nguyễn Thị Mỹ Phượng là đồng phạm giúp Oanh dàn xếp cho hai người xuất cảnh trái phép. Phượng còn cung cấp 69 giấy tờ, tài liệu giả để làm hồ sơ ở Tổng lãnh sự quán Úc tại TP Hồ Chí Minh.

Tương tự, những đối tượng khác giúp Oanh mua 89 con dấu (trong đó 36/89 con dấu là dấu giả) mang tên một số doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng, trung học dạy nghề, bệnh viện. Sử dụng dấu giả, các đối tượng làm ra 160 tài liệu giả mạo danh 20 cơ quan, tổ chức. Oanh bổ sung số giấy tờ này vào hồ sơ xin thị thực Úc. Ngoài ra, đường dây này còn làm giả 234 con dấu của nhiều cơ quan chính quyền, tổ chức để làm giả giấy tờ cung cấp cho Phượng, Oanh đi làm thủ tục…

Ngày 18/9/2020, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài", và chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh tiếp tục điều tra, xử lý. Vụ thứ hai, khi điều tra, xác minh việc hai công dân bị phía Mỹ trục xuất về Việt Nam do nhập cảnh trái phép vào Mỹ, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã bước đầu làm rõ đường dây tổ chức cho người Việt Nam trốn đi Mỹ.

Vụ thứ ba, các đối tượng phạm tội đã bị truy tố. Ngày 15/9/2020, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Nguyễn Việt Đức (sinh năm 1978, quê TP Hà Nội), Trần Văn Danh (sinh năm 1989, ở TP Hồ Chí Minh) mỗi người 10 năm tù, Lê Đình Hồng Nguyên (sinh năm 1983, vợ "hờ" của Đức) 6 năm tù về tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài. Bảy bị cáo khác bị phạt từ 3 năm án treo đến 8 năm tù về các tội Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài. 

Đường dây này đã đưa hàng trăm người trốn đi Đài Loan - Trung Quốc (chủ yếu để ở lại làm việc "chui") qua Cửa khẩu Tân Sơn Nhất. Nguyễn Việt Đức là kẻ cầm đầu. Lợi dụng Đài Loan có chính sách thúc đẩy du lịch bằng cách cấp visa Quan Hồng miễn phí, Đức cùng vợ "hờ" là Nguyên lập ra Công ty CP Du lịch Vui Funny Tour, giao người khác đứng tên giám đốc công ty. Công ty này tìm kiếm đối tác là những công ty du lịch ở Đài Loan, xin bảo lãnh trong việc xét duyệt vào danh sách công ty du lịch Việt Nam có giấy phép xin cấp visa Quan Hồng.

Chương trình visa Quan Hồng được Đài Loan áp dụng từ năm 2015, nhằm đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực nhập cảnh dành cho các đoàn khách từ 5 người trở lên đến từ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Du khách có thể được cấp visa qua mạng mà không phải chứng minh tài chính nếu đi theo "tour" của các công ty du lịch đã được Cục Du lịch Đài Loan kiểm chứng chất lượng. Chính sách nới lỏng này đã bị một số tổ chức, cá nhân lợi dụng, tổ chức đưa người Việt Nam đi Đài Loan để trốn ở lại lao động trái phép.

Các bị cáo trong đường dây đưa hàng trăm người trốn đi Đài Loan (Trung Quốc) do Nguyễn Việt Đức cầm đầu.

Cuối năm 2018, Đức và Nguyên gặp Trần Văn Danh, giám đốc một công ty du lịch ở TP Hồ Chí Minh. Ba người thống nhất phân công Danh tìm kiếm khách hàng có nhu cầu xuất cảnh sang Đài Loan và khách hàng có ý định trốn ở lại. Vợ chồng Đức sẽ lo thủ tục visa Quan Hồng và tổ chức xuất cảnh bằng hình thức đi du lịch. Quen biết rộng, Danh nhanh chóng thiết lập đường dây môi giới với 3 đối tượng khác. Nhiều đầu mối đã giúp Danh kết nối với 131 khách hàng đang tìm cách nhập cảnh Đài Loan  để ở lại lao động "chui".

Nhận khách hàng do Danh giới thiệu, vợ chồng Đức sang Đài Loan  tìm gặp một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Đức dùng pháp nhân Công ty Vui Funny Tour tổ chức các đoàn khách đi tour, đối tác bên Đài Loan hỗ trợ làm visa. Đối với những khách có nhu cầu ở lại, các đối tượng lập danh sách, chỉ đặt vé máy bay chiều đi. Chỉ trong ngày 23/12/2019, Đức cùng đồng phạm đã tổ chức ba đoàn du lịch "trá hình" với 128 khách. Trước đó hai ngày, nhóm người này cũng đã đưa 20 người đi Đài Loan với thủ đoạn tương tự…

Đấu tranh với thủ đoạn du lịch để trốn ở lại nước ngoài trái phép

Theo Trung tá Phan Huy Văn, Phó Trưởng Công an Cửa khẩu Cảng Tân Sơn Nhất, cửa khẩu này là nơi có lưu lượng hành khách xuất nhập cảnh cao nhất cả nước và ngày càng gia tăng: Năm 2016 là 9,8 triệu lượt và đến năm 2019 là 14,0 triệu lượt. 

Từ năm 2016 đến nay, tình hình xuất nhập cảnh trái phép tại Cửa khẩu Tân Sơn Nhất ngày càng gia tăng cả về số vụ, số đối tượng và đa dạng về quốc tịch. Công an Cửa khẩu Tân Sơn Nhất đã phát hiện, tiếp nhận, điều tra xử lý 309 vụ với 452 đối tượng, trong đó có 187 vụ với 262 người Việt Nam vi phạm pháp luật liên quan đến xuất nhập cảnh, quá cảnh trái phép.

Tình hình xuất nhập cảnh trái phép tại Cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất gia tăng cả về số vụ, số đối tượng

Trung tá Phan Huy Văn cho biết, đối tượng sử dụng giấy tờ giả xuất cảnh chủ yếu là người trong độ tuổi lao động ở các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ. Họ thông qua đường dây tổ chức nhập cảnh trái phép hoặc lợi dụng con đường du lịch để trốn ở lại cư trú trái phép tại các nước phát triển như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc... để tìm việc làm.

Trong những năm gần đây, người dân trong nước có nhu cầu xuất cảnh ra nước ngoài lao động còn cao, trong đó có nhiều trường hợp không đủ điều kiện để lao động ở các nước phát triển. Do đó, các đối tượng, đường dây trong nước thường câu kết với các đối tượng ở nước ngoài lợi dụng con đường du lịch để tổ chức cho người Việt Nam xuất cảnh đến các nước Đông Nam Á, Trung Quốc... Sau đó cho sử dụng hộ chiếu, giấy tờ giả hoặc đi đường bộ, đường biển nhập cảnh trái phép vào châu Âu, Úc, Mỹ... thu lợi bất chính số tiền rất cao. Các đối tượng còn lợi dụng phương thức này để dụ dỗ những người nhẹ dạ, cả tin, thiếu thông tin để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buôn bán người...

COVID-19 với chính sách phong tỏa, hạn chế nhập cảnh đã giúp hạn chế việc xuất nhập cảnh trái phép. Tuy nhiên, thời gian tới, khi dịch bệnh được khống chế, các nước mở cửa trở lại thì vấn đề di cư bất hợp pháp sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.

Trung tá Phan Huy Văn cho biết, Công an Cửa khẩu Tân Sơn Nhất tiếp tục tăng cường công tác nghiệp vụ cơ bản, chủ động nắm tình hình, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hành khách xuất nhập cảnh, đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về xuất nhập cảnh cho hành khách, các phương thức, thủ đoạn đưa người xuất nhập cảnh trái phép. Công an cũng tập huấn kỹ năng phát hiện hộ chiếu, giấy tờ giả cho nhân viên các đơn vị tại địa bàn nhằm chủ động đấu tranh, phòng chống xuất nhập cảnh trái phép. 

Cục Quản lý xuất nhập cảnh cũng sẽ phối hợp với công an các đơn vị, địa phương tiếp tục quyết liệt triển khai đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, ngăn chặn việc đưa người Việt Nam xuất cảnh trái phép, người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trái phép.

UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân khẩn trương phối hợp với Công an, Bộ đội Biên phòng điều tra, truy tố, xét xử vụ án tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Các vụ án liên quan phải bảo đảm không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội…

Phú Lữ
.
.