“Ngáo đá” cướp ngân hàng: Cả bảo vệ lẫn nhân viên đều mất cảnh giác

Thứ Tư, 15/08/2018, 14:00
Vụ cướp “hi hữu” xảy ra tại phòng giao dịch chi nhánh số 24 của một ngân hàng trên đường Nguyễn Sơn, phường Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) xảy ra vào đầu giờ chiều 13-8. Đối tượng bị Công an quận Tân Phú khống chế tại chỗ là Đặng Hoàng Bách (23 tuổi, ngụ Tân Phú, tạm trú Bình Tân).

Ngoài ra, người dân xung quanh phát hiện còn 1 người khác chở đối tượng này đến ngân hàng thực hiện vụ cướp. Trong lúc gây án, Bách có biểu hiện bất thường, nghi sử dụng ma túy và đang phê thuốc. Do đó động cơ gây án của đối tượng đang được công an tập trung làm rõ.

Trong lúc phòng giao dịch đang hoạt động bình thường thì đối tượng lẻn vào, rút hung khí giấu trong người và đe dọa cướp tài sản. Khách hàng và nhân viên trong phòng giao dịch của ngân hàng này bị một phen hoảng loạn, nhiều người tháo chạy ra đường hô hoán.

Đối tượng dùng hung khí đe dọa một khách hàng, “xin đểu” một ít tiền, rồi yêu cầu nhân viên gom tiền cho mình. Vị khách bị đe dọa vội rút ra 700 ngàn đưa cho hắn. Trong khi đó một nhân viên ngân hàng giả bộ gom tiền nhưng bất thình lình bấm chuông báo động.

Hiện trường xảy ra vụ cướp.

Trong bộ dạng phê thuốc, đối tượng sau khi lấy được tiền từ vị khách đã không vội chạy thoát khỏi phòng giao dịch như thông thường mà đến ghế ngồi chờ... đếm tiền. Vụ cướp nhanh chóng được báo với Công an quận Tân Phú, đồng thời bảo vệ của phòng giao dịch tìm cách câu giờ để chờ công an đến. Công an quận Tân Phú nhanh chóng xuống hiện trường.

Một đoạn đường Nguyễn Sơn được phong tỏa để đón bắt đối tượng. Trong lúc đối tượng đang gật gù ngồi đếm tiền, các cán bộ chiến sĩ công an cùng bảo vệ ngân hàng đã ập đến, tước hung khí và khống chế đối tượng đưa về trụ sở.

Tại cơ quan điều tra, đối tượng chỉ khai mỗi tên Bách và năm sinh của mình. Những câu hỏi khác của điều tra viên, đối tượng đều tỏ ra ngơ ngáo. Đôi lúc Bách còn lảm nhảm cho biết không phải đi cướp để kiếm tiền mà đi cướp bởi vì muốn... ngồi tù.

Động cơ thực sự của Bách cần được làm rõ sau khi Bách tỉnh táo. Về chi tiết có người chở Bách đến điểm giao dịch của ngân hàng này thực hiện hành vi cướp, Công an quận Tân Phú phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hồ Chí Minh đang làm rõ.

Trở lại hiện trường vụ cướp, khu vực này có khá nhiều phòng giao dịch của các ngân hàng lớn đặt tại đây. Tại các phòng giao dịch đều có bảo vệ và hệ thống camera an ninh theo dõi. Tuy nhiên, tình huống cướp xông vào phòng giao dịch vẫn xảy ra. Theo một bảo vệ của chi nhánh ngân hàng vừa bị cướp, cửa phòng giao dịch luôn có bảo vệ trực, khi Bách đẩy cửa bước vào, bảo vệ hỏi thì Bách trả lời vào trong giao dịch nên bảo vệ không nghi ngờ. Vào được bên trong Bách mới rút dao trong người ra gằn giọng “cướp đây”.

Các tổ công tác khống chế đối tượng cướp tài sản tại phòng giao dịch.

Bảo vệ ngân hàng tiếp cận Bách, hỏi “giỡn hả?” thì Bách đập mạnh con dao xuống bàn la lớn “cướp!”. Lúc này mọi người trong phòng giao dịch mới hoảng hốt bỏ chạy tán loạn.

Những chi tiết khó tin này chứng tỏ một điều, dù có bảo vệ, có camera an ninh nhưng những người trong cuộc vẫn còn thái độ lơ là trong việc phòng, chống cướp giật, nhất là an ninh tại các điểm giao dịch chứa lưu lượng tiền lớn, đông người. Nếu như Bách là một đối tượng cướp giật chuyên nghiệp, không bị phê thuốc thì hậu quả từ vụ cướp này là rất khó lường. Cả tài sản và tính mạng của nhân viên cũng như của người vào ngân hàng giao dịch đều bị đặt vào tình trạng nguy hiểm.

Một cán bộ điều tra Công an quận Tân Phú cho hay, các đối tượng cướp, cướp giật thời gian gần đây rất liều lĩnh, manh động, đa phần các đối tượng đi cướp đều có tiền sử nghiện ma túy. Trong cơn phê thuốc lại có sẵn hung khí trong tay, chúng sẵn sàng hành động gây phương hại đến người đối diện để đạt được mục đích của mình. Các ngân hàng, nhất là các phòng giao dịch nhỏ có lượng khách đến giao dịch thưa hơn là điểm mà các đối tượng thường nhắm đến, bởi những nơi này hệ thống an ninh, bảo vệ sơ sài.

Nhiều bảo vệ chủ quan, ỷ lại vào hệ thống camera an ninh, điểm giao dịch thiếu hệ thống báo động, thiếu sự liên kết giữa phòng giao dịch và công an địa phương, rất lúng túng khi có sự cố hoặc bị cướp. Ngoài ra, bảo vệ tại các phòng giao dịch này thường có số lượng ít, không được trang bị phương án ứng phó với tình huống. Khi đối mặt với các vụ cướp, nhất là cướp có hung khí, bảo vệ của các phòng giao dịch thường lúng túng trong việc xử lý.

Đối tượng Bách thời điểm bị khống chế.

Để phòng tránh, phòng giao dịch của các ngân hàng cần tăng cường an ninh, tập huấn chống cướp cho bảo vệ để xử lý tình huống hiệu quả và an toàn cho chính mình và cho khách đến giao dịch. Bảo vệ và nhân viên cần bình tĩnh khi đối mặt với các vụ cướp, quan trọng nhất là có chuẩn bị sẵn phương án phối hợp với Cơ quan công an để khi xảy ra vụ việc, phương án phối hợp sẽ đem lại hiệu quả, giữ an toàn tài sản và tính mạng cho khách đến giao dịch, giữ bình yên cho xã hội.

Hàn Phi
.
.