Nghiêm trị đối tượng chống người thi hành công vụ

Thứ Tư, 31/07/2019, 15:35
Giải pháp cho vấn nạn chống đối, manh động hành hung cán bộ… theo các chuyên gia, nằm trong tay chính lực lượng thực thi công vụ trên đường và sự nghiêm trị của pháp luật.

Liên tiếp trong những ngày qua, hình ảnh Cảnh sát giao thông (CSGT) bị tấn công tại nhiều địa phương là tâm điểm của dư luận. Từng nhiều lần đồng hành với họ trong các cuộc chốt chặn vây bắt thủ phạm gây trọng án bỏ trốn, chúng tôi thấu hiểu những nguy cơ thường trực đe dọa sự an toàn của đồng đội khoác trên người quân phục màu nắng.

Giải pháp cho vấn nạn chống đối, manh động hành hung cán bộ… theo các chuyên gia, nằm trong tay chính lực lượng thực thi công vụ trên đường và sự nghiêm trị của pháp luật.

Những hành động thách thức pháp luật

Ngày 27-7, một clip ghi hình chiếc xe chở gỗ lậu 12 chỗ đâm thẳng vào xe CSGT đang chốt chặn, bất chấp hiệu lệnh dừng xe, khiến một CSGT bị hất từ thành xe ra xa đã khiến dư luận bất bình, phẫn nộ. Người bị nạn là Đại úy Nguyễn Đức Nhã, tổ CSGT Công an huyện Krông Chro, tỉnh Gia Lai ngay lập tức được đưa đi cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương.

Thượng úy Nguyễn Quốc Đạt bị tài xế Đoàn Văn Chuyên điều khiển xe ôtô đâm thẳng vào người và kéo lê dưới gầm xe 20m.

Trước đó, hình ảnh Thượng úy Nguyễn Trọng Quý (cán bộ Đội CSGT - Công an huyện An Lão, Hải Phòng) bị hất tung lên không trung sau cú đâm xe máy trực diện của đối tượng Đỗ Văn Thắng vào ngày 9-7 đã gây shock khi đoạn clip ghi lại khoảnh khắc kinh hoàng đó được phát tán trên mạng.

Để chống đối việc bị xử lý vi phạm không đội mũ bảo hiểm, đối tượng Thắng đã đâm thẳng xe đang chạy với tốc độ "bàn thờ" vào chiến sỹ này. Hậu quả làm nạn nhân phải nhập viện trong cơn nguy kịch, với đa chấn thương, xuất huyết não, gãy xương cánh tay…

Có thể nói hình ảnh đó không chỉ mang tính biểu tượng về sự hiểm nguy đang rình rập lực lượng CSGT khi thực hiện nhiệm vụ, mà còn là minh chứng rõ ràng nhất về thái độ bất tuân và khinh nhờn phép nước của một bộ phận người tham gia giao thông hiện nay.

Vụ này khiến tôi liên tưởng đến trường hợp Trung tá Trần Văn Vang (cán bộ Cục CSGT) hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vào năm 2016. Hôm đó, Trung tá Vang ra tín hiệu dừng xe đối với 2 nam thanh niên không đội mũ bảo hiểm, đi vào đường cao tốc. Bất tuân hiệu lệnh, tên cầm lái đã đâm thẳng xe vào anh Vang khiến anh bị đập đầu xuống đường, hy sinh trên đường đưa đi cấp cứu.

Tình trạng người điều khiển phương tiện lao thẳng xe vào cán bộ CSGT không còn là chuyện mới. Mấy năm trước, tài xế Đoàn Văn Chuyên đã bị Công an TP Hà Nội khởi tố về tội Giết người, khi anh ta điều khiển xe ô tô đâm thẳng vào Thượng úy Nguyễn Quốc Đạt (Đội Cảnh sát giao thông số 5) và kéo lê nạn nhân đi khoảng 20m dưới gầm xe.

Trước đó, chiếc ô tô tải do Chuyên điều khiển va chạm giao thông với chiếc Toyota Vios tại ngã ba Sài Đồng - Quốc lộ 5 (Long Biên, Hà Nội), Thượng úy Đạt phát hiện sự việc nên ra hiệu lệnh dừng xe giải quyết.

Tài xế Chuyên không chấp hành và lái chiếc xe tải đâm thẳng vào cán bộ CSGT đang đứng phía trước, bất chấp khả năng cán chết người tưởng như "mười mươi". Nạn nhân được đưa cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương, quần áo rách tả tơi.

Một hành vi chống đối CSGT khá phổ biến khác, đó là dùng vũ lực tấn công lại họ khi phương tiện đã bị chặn lại để kiểm tra. Mới đây nhất, đối tượng Nguyễn Quang Hùng (sinh năm 1965, trú ở phường Văn Quán, Hà Đông) đã điên cuồng dùng gạch tấn công Đại úy Mai Hùng Sơn (cán bộ Đội CSGT số 7, Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội) gây thương tích nặng.

Đại tá Nguyễn Văn Viện, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội thăm hỏi, tặng quà Đại úy Mai Hùng Sơn.

Kết quả điều tra xác định, khoảng 19h ngày 26-7-2019, Hùng cùng 1 cháu nhỏ ngồi sau xe máy do một phụ nữ cầm lái đi trên đường Nguyễn Trãi (thuộc địa phận phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội).

Khi đi đến đoạn đường gần Học viện ANND, chiếc xe bị tổ công tác Đội CSGT số 7 chặn lại để kiểm tra, vì lỗi người trên xe không đội mũ bảo hiểm. Hùng lập tức chống đối, liên tục lăng mạ, chửi bới tục tĩu rồi nhặt hòn gạch bên đường đập vào đầu Đại úy Mai Hùng Sơn khi anh đang lúi húi ghi biên bản, gây rách da, chảy nhiều máu. 

Việc bất tuân, chống đối hay tấn công, gây thiệt hại đối với cán bộ, chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ trên đường, ngoài việc xâm hại tính mạng, sức khỏe của họ, cản trở hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, còn tạo ra những hệ lụy rất xấu.

Khi sự uy nghiêm của pháp luật bị đe dọa, phép nước bị khinh nhờn, chà đạp bởi những hành động "coi trời bằng vung", sẽ tạo hiệu ứng tâm lý xã hội tiêu cực mang tính lây lan bởi đặc tính bắt chước.

Những hành vi "vô pháp, vô thiên" nếu diễn ra hằng ngày, ở mọi lúc, mọi nơi mà không được ngăn chặn, tất yếu sẽ gây mất lòng tin vào nhà nước và pháp luật, cổ vũ cho thái độ khinh mạn, ích kỷ, sống trên luật pháp của một bộ phận dân cư.

Cần nghiêm trị hành vi chống người thi hành công vụ

Theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức (Phó cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an) thì tình trạng chống đối người thi hành công vụ có nguyên nhân xuất phát từ cả hai phía, CSGT và người vi phạm. Nếu CSGT thực hiện đúng quy trình xử phạt, giải thích đúng và có hướng dẫn cụ thể cho người vi phạm thì người dân sẽ tự giác chấp hành.

Lái xe chở gỗ lao thẳng vào chốt chặn của CSGT ở huyện Chro, tỉnh Gia Lai khiến Đại úy Nguyễn Đức Nhã bị thương.

Phân tích về lỗi chủ quan trong một số sự việc vừa xảy ra, Trung tá Trần Phong (Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội) cũng cho rằng có sự hạn chế về kỹ năng xử lý tình huống của nạn nhân.

Anh nói: "Vi phạm không đội mũ bảo hiểm của lái xe chỉ phạt hành chính, chứ không phải tội phạm nên CSGT không nhất thiết phải ra giữa đường chặn đầu xe, khi phương tiện đang di chuyển với tốc độ cao. Làm như vậy sẽ gây nguy hiểm cho chính mình và cho người điều khiển. Có nhiều phương án xử lý trong tình huống này. Chẳng hạn như "rải quân" ở các vị trí, khoảng cách hợp lý. Khi phát hiện vi phạm, cán bộ chốt đầu tuýt còi, ra tín hiệu từ xa để tài xế đủ không gian, thời gian dừng phương tiện. Nếu xe di chuyển tốc độ cao, chưa kịp dừng hoặc cố ý không dừng, cán bộ có thể báo cho đồng nghiệp chốt phía sau để có thời gian tài xế giảm tốc độ, hoặc Cảnh sát dừng xe an toàn. Ngoài ra, việc ghi hình, phạt nguội cũng có thể áp dụng trong xử lý mà không nhất thiết phải ra giữa đường để dừng xe".

Nhìn nhận những nguy cơ đe dọa sự an toàn đối với lực lượng CSGT đến từ chính những "lỗ hổng" trong văn hóa ứng xử với người vi phạm, luật sư Lê Hồng Hiển (Đoàn luật sư Hà Nội) nói: "Từng cán bộ CSGT cần phải tự ý thức bảo vệ sự an toàn tính mạng, sức khỏe cho mình. Việc dừng xe, kiểm tra xử lý phương tiện của CSGT phải tuân thủ đúng quy trình, quy tắc an toàn. Trong đó, tôi nghĩ thái độ ứng xử với dân của CSGT rất quan trọng. Làm tốt điều này sẽ tháo ngòi nổ cho những xung đột không đáng có giữa các bên. Ngành CSGT nên thường xuyên tập huấn bồi dưỡng các kỹ năng làm việc cho CBCS khi làm nhiệm vụ".

Để ngăn chặn vấn nạn tấn công CSGT, theo Luật sư Đỗ Quốc Quyền (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) thì một giải pháp quan trọng đó là tăng cường tính răn đe của pháp luật đối với hành vi này.

Ông nói: "Luật pháp là công cụ hữu hiệu nhất để bảo vệ mọi người, kể cả với người thi hành công vụ. Cần sử dụng tối đa công cụ này để người lính ra đường làm nhiệm vụ được an toàn".

Vẫn theo ông Quyền, mọi hành vi tấn công lại CSGT đều phải bị xử lý về hình sự. Đặc biệt, với tất cả những vụ đâm xe ô tô vào CSGT, hất họ lên nắp ca pô rồi tiếp tục bỏ chạy với tốc độ cao, đánh võng lạng lách để làm văng người xuống đất, vì tính chất đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng người thi hành công vụ, cần phải khởi tố hình sự về hành vi Giết người. Có như vậy mới đủ tính răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.

"Việc xử lý nghiêm khắc mọi hành vi tấn công, chống đối CSGT là cần thiết, nhưng điều quan trọng nhất là phải làm sao để không một hành vi chống người thi hành công vụ nào thoát khỏi bị trừng trị. Tôi biết trên thực tế, chỉ có những vụ chống đối, tấn công CSGT gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người thi hành công vụ thì mới bị xử lý hình sự, còn thì thường chỉ giải quyết bằng biện pháp hành chính, hoặc không xử lý.

Chưa hết, việc xử lý hành vi chống đối, tấn công CSGT, nhiều khi chịu sự tác động can thiệp từ "n" các mối quan hệ. Áp lực đối với cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết vụ việc không phải là nhỏ, và đã có những vụ việc bị "chìm xuồng" do bên vi phạm bồi thường hay xin lỗi, phía "bị hại" cũng dễ dàng thông cảm, bỏ qua… Chính điều này làm cho luật pháp bị xem thường. Tôi nghĩ cứ làm rốt ráo, xử án điểm vài vụ chống đối, tấn công CSGT, sẽ tác động mạnh tới ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông" - Luật sư Quyền tư vấn.

Trung tá Trần Phong nêu quan điểm: "Theo tôi, giải pháp căn cơ cho vấn nạn này là phải nâng cao ý thức pháp luật cho người dân, bằng việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với các hình thức phù hợp với từng đối tượng tuyên truyền.

Bên cạnh đó, cần sửa đổi các quy định của pháp luật về xử lý đối với hành vi chống người thi hành công vụ, tăng mức hình phạt, đảm bảo đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm và tăng thẩm quyền cho người thi hành công vụ được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để bảo vệ mình trong những trường hợp, tình huống cụ thể; trang bị công cụ bảo vệ và vũ khí trấn áp phù hợp cho CSGT để xử lý những trường hợp côn đồ. Ngoài ra, nên thường xuyên tổ chức những khóa đào tạo kỹ năng xử lý tình huống, văn hóa ứng xử và võ thuật cho CSGT, để hoàn thành nhiệm vụ và tự bảo vệ mình".

Thống kê từ hoạt động xét xử cho thấy, trong số những vụ án "Chống người thi hành công vụ" đã xảy ra, số vụ có bị hại là… CSGT luôn chiếm tỷ lệ cao nhất. Số liệu của Cục CSGT cho thấy một thực tế đáng lo ngại. Từ năm 2017 đến nay, cả nước đã xảy ra 107 vụ tấn công CSGT, làm 4 cán bộ hy sinh, 26 người bị thương.

Chỉ tính trong Quý 1-2 năm 2019, đã có 11 vụ tấn công CSGT, với 1 cán bộ hy sinh, 3 người bị thương. Lực lượng chức năng đã bắt giữ 14 đối tượng về hành vi chống người thi hành công vụ.

Điều này phản ánh một thực tế, đó là hành vi chống trả, tấn công lại CSGT đã vượt qua mức cảnh báo "đáng lo ngại", mà trở thành một vấn đề xã hội đáng báo động. Có nhận thức đúng thực trạng, mới có thể xây dựng lên hệ thống các giải pháp phòng ngừa nhằm ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn nhức nhối này.

Đào Trung Hiếu
.
.