Ngồi tù vì tội ăn cắp sách cổ

Thứ Ba, 27/07/2010, 23:45

Ngày 20/7 vừa qua, một cựu sinh viên Đại học Cambridge bị lĩnh án tù 3 năm rưỡi vì tội đã cả gan ăn cắp những cuốn sách cổ quý hiếm trong các thư viện nổi tiếng trên thế giới.

William Jacques -  41 tuổi được gán cho biệt danh là "Tom Raider" sau khi ăn cắp những cuốn sách thuộc hàng quý hiếm trị giá tổng cộng 1 triệu bảng Anh trong thập niên 90 thế kỷ trước, đã chu đáo thảo ra một "bảng danh sách mua sắm của kẻ cắp" bởi vì hắn không hề muốn từ bỏ cuộc sống tội phạm của mình.

Theo hồ sơ của tòa Southwark Crown, William Jacques sử dụng tên giả là Santoro để đăng ký vào thư viện Lindley của Hội Hoàng gia nghề làm vườn ở London và sau đó âm thầm nhét những cuốn sách có giá trị cao vào trong áo vét đang mặc trên người rồi nhanh chân lẩn ra ngoài. Thẩm phán Michael Holland nói William Jacques đã phạm vào tội "phá hoại những bộ phận thuộc di sản văn hóa được bảo quản trong những thư viện này".

Jacques đã chôm chỉa một cách có hệ thống 13 tập từ điển bách khoa thực vật học thế kỷ XIX trong thư viện của Hội Hoàng gia nghề làm vườn. Nhân viên quản lý thư viện chỉ bắt đầu nghi ngờ "Santoro" khi nhận thấy những cử chỉ khác thường của hắn ta trong 3 tháng đầu năm 2007.

Khi "Santoro" bị bắt giữ ngay tại thư viện trong tháng 4/2007, cảnh sát tìm thấy trong người hắn một "bảng danh sách mua sắm của kẻ cắp" trong đó ghi chép hơn 70 tựa sách quý hiếm, giá trị của chúng trên thị trường Mỹ và những thứ khác. Bộ sưu tập văn hóa của Hội Hoàng gia nghề làm vườn bao gồm những cuốn sách và tạp chí về nghề làm vườn từ năm 1514 vốn rất quý hiếm.

Mưu đồ bất lương đầu tiên của William Jacques bị đưa ra ánh sáng vào tháng 2/1999, khi một sinh viên tên là Carl Williams mua một cuốn sách khó hiểu tựa là "Pure Logic And Quality" của tác giả William Jevons với giá 120 bảng Anh ở Hội chợ đấu giá sách Bloomsbury (BBA) ở London. Carl Williams mang quyển sách đến gặp các chuyên gia ở Pickering & Chapman và giám đốc điều hành nơi đây thấy nghi ngờ do những con dấu xác minh nguồn gốc đóng trên cuốn sách đã bị ai đó cắt mất.

Một cuộc điều tra được tiến hành ngay sau đó phát hiện cuốn sách xuất phát từ gian hàng của Jacques trong hội chợ. Sau khi các nhà đấu giá trên toàn châu Âu được cảnh sát cảnh báo về những nghi ngờ xung quanh hành vi của Jacques, vài công ty này mới chợt nhận ra có lẽ họ cũng từng là nạn nhân của Jacques.

Trước tiên, nhà đấu giá nổi tiếng Christie's ở London nhận ra công ty từng trải qua 9 lần giao dịch sách khác nhau với William Jacques kể từ tháng 10/1996. Ở Berlin, Công ty Galerie Gerda Nassenge phát hiện họ từng mua nhiều cuốn sách quý từ Jacques, phần lớn trong số đó là những tập sách pamphlet (sách nhỏ bìa mỏng mang tính thời sự) thời Cách mạng Đức. Trong khi đó Thư viện London cũng từng sở hữu bộ sưu tập pamphlet như thế. Và ở Munich, Công ty Zisska & Kistner khám phá họ đang sở hữu 13 tựa sách nằm trong bảng danh sách cảnh báo của cảnh sát đang chuẩn bị để đấu giá trong thời gian tới.

Ngoài ra, công ty này cũng có nhiều văn hóa phẩm bị đánh cắp từ Thư viện Đại học Cambridge, tương tự trường hợp của BBA. Tuy nhiên, phần lớn những tác phẩm bị mất cắp sau đó thu hồi lại được, trong số đó có thể kể những cuốn sách cổ quý giá như là "Sidereus Nuncius" của Galileo xuất bản năm 1610 và có giá 180.000 bảng Anh; "Astronomia Nova" của Kepler xuất bản năm 1609, giá 75.000 bảng Anh; 2 bản sao tác phẩm "Principia Mathematica" của Isaac Newton xuất bản năm 1687, giá 135.000 bảng Anh.

Tổng cộng William Jacques đã đánh cắp những cuốn sách lịch sử giá trị hơn 1 triệu bảng Anh từ các thư viện của Anh trong thập niên 90. Lần "ăn hàng" đầu tiên của William Jacques - khoảng 500 cuốn sách cổ và pamphlet cực hiếm từ Thư viện Anh (British Library), Thư viện Đại học Cambridge và Thư viện London vào khoảng giữa tháng 10-1996 và tháng 5/1999 - là một trong những vụ đánh cắp được coi là lớn nhất trong loại tội phạm này trong lịch sử tư pháp nước Anh.

Động cơ của William Jacques chỉ thuần túy là do lòng tham, nhưng hành động của hắn ta đã hủy hoại những bộ sưu tập quý giá của các thư viện nổi tiếng và gây tổn hại cho các tác phẩm có giá trị cao với ý đồ che giấu nguồn gốc của những văn hóa phẩm này. Thậm chí bản án 4 năm tù - do thẩm phán Tòa Guildhall Crown ở Middlesez tuyên án trong tháng 5/2002 - cũng không đủ sức răn đe khiến cho hắn từ bỏ con đường phạm pháp.

Trong những cuộc hỏi cung của Cảnh sát Anh, William Jacques nói hắn thu thập và sửa chữa những cuốn sách quý như là một thú vui. Nhưng những cuộc điều tra cho thấy Jacques đã chuyển 360.000 bảng Anh vào 3 tài khoản ngân hàng mang tên hắn ở một nước Mỹ Latinh và hắn đã bay đến đây trong thời gian được đóng tiền bảo lãnh tại ngoại phục vụ điều tra. Sau này Jacques khai với cảnh sát rằng, hắn đã cất giấu cẩn thận những cuốn sách cổ quý hiếm trong những két sắt gửi ở nhiều chi nhánh ngân hàng nằm rải rác khắp nước Anh.

Theo những chỉ dẫn của Jacques, các thám tử đã truy tìm lại được khoảng 60 cuốn sách cất trong những két sắt an toàn mang tên "Jacques" tại các ngân hàng ở Cambridge, New York và London. Họ cũng tìm lại được rất nhiều những trang sách đã ố vàng với những lỗ trống cho thấy hình dấu của thư viện đã bị cắt ra, và những tấm nhãn sở hữu sách đóng dấu "ex libris" - tiếng Latinh có nghĩa là "của thư viện..." - đựng trong một két sắt an toàn của ngân hàng.

Vì một lý do nào đó - mà có lẽ chỉ có hắn mới biết được - William Jacques rời đảo Caribê, nơi không có hiệp ước dẫn độ với Anh, để trở về Anh. Jacques bị bắt ngay sau đó và bị tuyên án 3 năm rưỡi tù giam sau 2 năm điều tra vất vả của cảnh sát. Jacques còn phải bồi thường thiệt hại cho các thư viện và chi phí điều tra với số tiền tổng cộng 310.000 bảng Anh. Nhưng cho đến bây giờ mọi người vẫn không hiểu được Jacques đã làm cách gì để đưa được những cuốn sách cổ cực kỳ quý giá như thế ra khỏi khuôn viên các thư viện một cách hết sức dễ dàng?

Thanh Phong (tổng hợp)
.
.