Người phụ nữ tiết lộ kẻ giết Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme

Thứ Tư, 19/09/2012, 12:05

Một nguồn tin gây chấn động công luận châu Âu và thế giới trong những ngày gần đây, khi nhà văn Thụy Điển nổi tiếng Gunnar Wall, tác giả của nhiều đầu sách điều tra hình sự về cái chết của cố Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme (1927-1986) tiết lộ thông tin mới nhất rằng, 26 năm trước vị chính khách kỳ cựu đã bị một doanh nhân đồng hương ám hại.

Người cung cấp thông tin cho G. Wall là bà Eva Louise Rausing (1964-2012), vợ quá cố của tỉ phú Anh gốc Thụy Điển Hans Kristian Rausing, người thừa kế Tập đoàn đa quốc gia Tetra Pak đứng đầu thế giới về bao bì thực phẩm đóng gói, với tài sản trị giá gần 2,5 tỉ USD. Bà E. Rausing 48 tuổi mang quốc tịch Mỹ đã qua đời vào đầu tháng 5 vừa qua. 2 tháng sau, tỉ phú H. Rausing bị tuyên phạt 10 tháng tù giam nhưng cho hoãn thi hành án trong 2 năm vì tội không chịu mai táng người đã chết.

Vụ này từng gây xôn xao dư luận xứ sương mù, khi một trong những người giàu nhất Vương quốc Anh đã âm thầm sống cùng xác vợ hơn 2 tháng liền, bất chấp thi thể của vợ bị phân hủy trong tòa lâu dài trị giá 70 triệu bảng ở quận Belgravia, khu thượng lưu nằm ở phía tây London.

Trước đó E. Rausing đã gửi loạt thư điện tử cho G. Wall, khởi sự từ tháng 6/2011 dưới tiêu đề "Tôi biết kẻ giết Olof Palme". Qua đó bà kể rằng: “Một doanh nhân Thụy Điển giàu có đã đứng đằng sau vụ ám sát, bởi lo sợ chính sách kinh tế của Chính phủ do O. Palme đứng đầu sẽ tác động xấu đến công việc kinh doanh của mình; thậm chí phu nhân tỉ phú còn nói rằng, bà biết chỗ giấu khẩu súng đã bắn nạn nhân đúng 1/4 thế kỷ trước. Trong e-mail cuối cùng, E. Rausing nửa đùa nửa thật: "Ngài hãy hứa với tôi rằng, sẽ điều tra vụ này đến cùng nếu ngộ nhỡ đột nhiên tôi phải chết!... Nói giỡn cho vui chứ tôi hy vọng chuyện bất hạnh ấy không xảy ra sớm!".

"Thoạt tiên thấy e-mail từ bà E. Rausing gián đoạn tôi cũng không bận tâm mấy - G. Wall nói với báo giới - Nhưng cái chết với nhiều uẩn khúc xảy ra ngay sau đó đã buộc tôi phải công bố nguồn tin động trời do người vừa quá cố tiết lộ". Đồng thời G. Wall cũng cho biết thêm nội dung của một bức e-mail được gửi đi từ hộp thư của E. Rausing, trong đó bà thổ lộ kế hoạch thông báo cho giới hữu trách ở Stockholm những tình tiết về thủ phạm giấu mặt, bởi E. Rausing từng 3 lần gửi thư cho kẻ chủ mưu giết O. Palme khuyên hắn nên tự giác ra đầu thú nhưng không có hồi âm.

Hiện trường vụ ám sát cố Thủ tướng O. Palme 26 năm trước.

Còn theo nhật báo Expressen phát hành tại Stockholm dẫn nguồn tin thân cận với Viện Công tố Thụy Điển, thì E. Rausing đã thử liên lạc với các nhà điều tra ở Stockholm ngay từ năm 2010, nhưng họ không coi trọng thông tin do bà cung cấp.

Vào ngày 28/8 vừa qua, đại diện Cơ quan Cảnh sát Hoàng gia Anh cho biết, đã gửi đến Cảnh sát Thụy Điển những nội dung chứa trong máy tính cá nhân của E. Rausing, tái khẳng định nguồn tin của G. Wall. Đồng thời tỉ phú H. Rausing cũng được Scotland Yard triệu tập thẩm vấn, nhằm xác định xem vợ ông lúc sinh thời có tiết lộ với chồng thông tin về kẻ chủ mưu sát hại O. Palme hay không. Tạm thời danh tính kẻ ám hại cố Thủ tướng Palme hơn 1/4 thế kỷ trước chưa được tiết lộ nhằm phục vụ công tác điều tra.

Cái chết của Thủ tướng O. Palme là vụ án hình sự bí hiểm nhất trong lịch sử tư pháp Thụy Điển thời hiện đại. Suốt hơn 2 thập niên qua, nhiều tổ chức quá khích đã được liệt vào dạng nghi vấn như đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở Thổ Nhĩ Kỳ, Cảnh sát Nam Phi dưới thể chế Apartheid… thậm chí cả Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), hay Cơ quan Mật vụ Nam Tư trước đây…

Một đầu sách của tác giả G. Wall về vụ giết O. Palme.

Theo tổng hợp của tờ báo buổi sáng hàng đầu Thụy Điển Dagens Nyheter, thì tính đến nay đã có cả thảy 130 cá nhân đứng ra nhận mình là thủ phạm ám sát Thủ tướng O. Palme, nhưng chẳng có trường hợp nào là đáng tin cả. Duy nhất vào năm 1988, theo nhân chứng, Lisbet Palme - phu nhân Thủ tướng Thụy Điển, tên tội phạm đường phố Christer Pettersson đã bị kết án chung thân về tội cố sát O. Palme.

Nhưng chỉ một năm sau, Tòa Phúc thẩm Stockholm đã tuyên bố tha bổng vì thiếu bằng chứng thuyết phục, nhất là khẩu súng lục hiệu Magnum từng nhả đạn vào nạn nhân đã không thể tìm thấy để xác định dấu vân tay. C. Pettersson 41 tuổi, một kẻ nghiện chất kích thích và ưa gây sự, từng có tiền án về tội giết người đã được bồi thường 50.000 USD vì bị tù oan trong vụ Palme.

Lúc sinh thời Thủ tướng O. Palme là một chính khách nổi danh trên trường quốc tế, với quan điểm tiến bộ như chỉ trích kiệt liệt cuộc chiến phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam, đấu tranh chống lại chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, hay đứng ra làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột dai dẳng giữa Iran và Iraq… khiến nhiều kẻ muốn trừ khử ông vì đã "ngáng đường" chúng. Được biết, vào giữa năm 2010 Chính phủ Thụy Điển đã hủy bỏ thời hiệu 25 năm điều tra các vụ án mạng, do vậy vụ sát hại cố Thủ tướng O. Palme vẫn được tiếp tục xúc tiến

Q.Phú (theo The Guardian)
.
.