Các ngôi sao màn bạc tố cáo người quyền lực bậc nhất Hollywood

Thứ Ba, 17/10/2017, 09:40
Mới đây, Harvey Weinstein - con người quyền thế của nghệ thuật thứ bảy - lại gây nên một cơn địa chấn, nhưng không phải bằng một siêu phẩm mà bằng bê bối quấy rối tình dục hàng chục nữ diễn viên, nhân viên trong suốt 3 thập kỷ.

Kinh đô điện ảnh Hollywood từng ví von Harvey Weinstein là “Bố già màn bạc” quả không ngoa vì ông là một trong những nhà sản xuất phim thành công và quyền lực nhất Hollywood.

Tính đến nay Harvey Weinstein đã chỉ đạo sản xuất trên 300 bộ phim, trong đó có rất nhiều phim không chỉ thành công về mặt thương mại mà còn là những kiệt tác điện ảnh được bảo chứng bằng các đề cử hoặc giải thưởng Oscar danh giá như “Shakespeare in Love”, “The Lord of the Rings”, “Gangs of New York”, “The English patient”, “Kill Bill”, “The Kings speech”…

Mới đây, con người quyền thế của nghệ thuật thứ bảy lại gây nên một cơn địa chấn, nhưng không phải bằng một siêu phẩm mà bằng bê bối quấy rối tình dục hàng chục nữ diễn viên, nhân viên trong suốt 3 thập kỷ.

“Bố già màn bạc” nghiện mátxa!

Tạo nên cơn địa chấn này là tờ The New York Times với bài phóng sự điều tra đăng tải ngày 5-10 của hai nữ phóng viên Jodi Kantor và Megan. Hàng loạt nữ diễn viên tên tuổi của Hollywood xuất hiện trong phóng sự đặc biệt này ở tư thế là nạn nhân của “Bố già màn bạc”: từ Ashley Judd, Rose McGowan cho tới những người mẫu, trợ lý, đồng nghiệp...

Harvey Weinstein có hối thì cũng đã muộn.

Theo nội dung bài báo, 13 phụ nữ khác nhau đã tố cáo Weinstein đã có hành vi gạ gẫm trao đổi tình dục hoặc ép buộc phải mátxa cho ông ta tại phòng riêng trong tình trạng không quần áo từ năm 1990 tới năm 2015.  Hai nữ phóng viên của The New York Times ngay lập tức được đông đảo đồng nghiệp trên toàn nước Mỹ “ngả mũ” vì đây là “câu chuyện mà chúng tôi đã không ngừng theo đuổi”.

Lúc đầu, Harvey Weinstein còn chối quanh và lớn tiếng cho biết sẽ kiện tờ The New York Times 50 triệu USD do bị “bôi nhọ thanh danh”. Tuy nhiên, sau khi bài báo được đăng tải, hàng loạt nhân chứng và nạn nhân khác của Weinstein đã lên tiếng xác thực các hành vi xấu xa buộc ông ta phải thừa nhận trước giới truyền thông: “Tôi công nhận cách ứng xử của mình với những đồng nghiệp trong quá khứ đã gây ra nhiều tổn thương và tôi cảm thấy vô cùng ân hận. Dù đang cố gắng để trở nên tốt hơn nhưng tôi biết mình còn phải đi một chặng đường dài”.

Ngày 8-10, Harvey Weinstein đã nhận được thông báo từ ban Giám đốc Công ty The Weinstein mà ông ta là đồng sáng lập: Bị sa thải khỏi vị trí giám đốc! Sau khi bê bối tình dục được đăng tải trên nhiều trang tin trong nước Mỹ và quốc tế, 3 thành viên của hội đồng quản trị (không nêu tên) của The Weinstein Company cũng đã đệ đơn xin từ chức.

Harvey Weinstein sinh năm 1952. Năm 1979, Weinstein cùng em trai tên là Robert (còn được gọi là Bob Weinstein) lập ra Hãng phim Miramax, tên ghép từ tên riêng của bố mẹ họ - Miriam và Max. Đến năm 1993, họ bán hãng phim cho Tập đoàn Disney và lập ra The Weinstein Company vào năm 2005. Miramax và The Weinstein đã cho ra đời nhiều bộ phim nổi tiếng như “Sex, Lies, and Videotape,” “The Crying Game” hay “Pulp Fiction”. Weinstein vươn đến danh tiếng và quyền lực bằng cách tìm kiếm các phim nghệ thuật kinh phí thấp, phát hành, biến chúng thành những tác phẩm được công chúng yêu thích và hốt bạc.

Những nữ minh tinh trong số phụ nữ tố cáo Harvey Weinstein.

Thông qua việc này, Weinstein cũng giúp dòng phim độc lập có tiếng nói mạnh mẽ hơn ở Hollywood. Nói về sự nghiệp của một nhà sản xuất, người ta thường gắn tên họ vào một vài bộ phim thật nổi tiếng. Còn với Weinstein thì thật khó làm như vậy, bởi gắn với tên ông có quá nhiều phim nổi tiếng, trong đó có cả những tác phẩm được giới phê bình đánh giá cao về mặt nghệ thuật. Điển hình là việc Weinstein từng nhận giải Oscar cho vai trò sản xuất bộ phim “Shakespeare in Love” (Shakespeare đang yêu) và còn thành công trong vai trò nhà sản xuất nhạc kịch với nhiều vở diễn đình đám.

Từ năm 1990, năm nào hãng phim của anh em nhà Weinstein cũng có ít nhất một phim được đề cử các giải Oscar cho phim hay nhất, phục trang hay quay phim và mang về ít nhất một chiến thắng lớn.

Đáng nhớ nhất là năm 2003, những bộ phim của hãng nhận được đến 40 đề cử, trong đó chiếm 3 trên 5 đề cử phim hay nhất. Đó là 3 phim “Gangs of New York” (băng đảng New York), “Lord of The Rings: The Two Towers” (Chúa tể những chiếc nhẫn - hai tòa tháp) và “Chicago”. Kết quả, Chicago giành giải. Vì thế, được có mặt trong bất kỳ xuất phẩm nào của hãng phim của nhà sản xuất Harvey Weinstei cũng là niềm vinh dự cho các diễn viên, đặc biệt những diễn viên trẻ đang ấp ủ hoài bão danh vọng.

Rất biết tận dụng vị thế là một trong những nhà sản xuất nổi tiếng về chuyện “càn quét” các giải thưởng của Viện Hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ và trong tốp đầu “đại gia” Hollywood, Weinstein đã gạ gẫm nhiều nữ diễn viên, nữ nhân viên làm việc cho mình quan hệ tình dục, nếu không được đáp ứng, ông ta tìm cách quấy rối và thậm chí còn dùng lời xúc phạm họ. Điều đáng nói là Weinstein đã kết hôn và có đến 5 người con.

Hơn 20 năm trước, Harvey Weinstein mời nữ diễn viên Ashley Judd tới khách sạn Peninsula Beverly Hills để “bàn bạc công việc”. Nhưng chẳng có công việc nào cả, nữ diễn viên trẻ được dẫn lên phòng riêng của Weinstein, ông ta nói cô đợi trong vài phút rồi xuất hiện với… độc chiếc áo choàng tắm và yêu cầu cô mátxa cho ông ta hoặc xem ông “tắm nuy”.

Ashley Judd kể lại: “Tôi đã rất phẫn nộ, nhưng rồi cố gắng kiềm chế để rời khỏi căn phòng đó và tránh mặt Harvey vì khi đó ông ta là người có quyền lực trong ngành phim”. Năm 2014, Harvey Weinstein đã mời Emily Nestor, một nhân viên làm việc tạm thời tại hãng phim tới đúng phòng khách sạn đó nhưng với lời đề nghị táo bạo hơn: nếu chấp nhận quan hệ tình dục, cô sẽ được nâng đỡ trong sự nghiệp. Sang năm sau, một nữ trợ lý khác bị ông chủ ép phải mátxa cho ông ta khi toàn thân không có gì che chắn.

Trong một bức thư gửi lên ban giám đốc hãng phim, nữ nhân viên Lauren O' Connor miêu tả cô trợ lý đã “òa khóc và hoảng sợ” trước hành động của ông chủ. Sau khi Lauren kể ra vô số hành vi lạm dụng tình dục của Harvey Weinstein với đồng nghiệp, cấp dưới và các nữ diễn viên, cô kết luận: “Công ty này là ổ nhện độc đối với phụ nữ”.

Nhưng khi đó, quyền lực quá lớn của Harvey Weinstein khiến Lauren không dám công khai lên tiếng về những hành vi bỉ ổi mà cô đã phải chứng kiến quá lâu vì “tôi là một phụ nữ mới 28 tuổi đang cố gắng kiếm sống và tạo dựng sự nghiệp”.

Ngôi sao Angelina Jolie kể trên The New York Times: Sự việc xảy ra vào cuối những năm 1990 khi cô cùng Harvey Weinstein đi quảng bá phim Playing by Heart. Harvey tán tỉnh và dụ dỗ cô trong phòng khách sạn nhưng cô đã từ chối thẳng thừng.

“Tôi đã có một trải nghiệm tồi tệ với Harvey Weinstein thời còn trẻ vì vậy tôi đã chọn cách không bao giờ làm việc với ông ấy nữa. Tôi cũng cảnh báo các diễn viên khác khi họ làm cùng ông ấy. Hành vi này đối với phụ nữ ở bất kỳ lĩnh vực nào trên thế giới đều không thể chấp nhận được”.

Chủ nhân giải Oscar Gwyneth Paltrow cho biết, cô bị Harvey Weinstein quấy rối năm 22 tuổi khi ông mời cô đóng chính trong bộ phim “Emma”. Trước khi phim bấm máy, Harvey đã gọi Gwyneth đến phòng ông ta tại khách sạn Peninsula Beverly Hills để “bàn công việc”, thực chất cũng là gạ cô vào phòng ngủ với yêu cầu mátxa. Cô đã như hóa đá trước “lời đề nghị khiếm nhã” như thế và đứng phắt lên.

Cô nhớ là Weinstein đã buông lời đe dọa sẽ sa thải cô nếu cô kể chuyện này cho bất kỳ ai. Đem chuyện này kể cho bạn trai của cô khi ấy là Brad Pitt, chàng diễn viên trẻ lập tức gặp Weinstein để cảnh cáo ông ta một cách cứng rắn.

Từ đó, Harvey Weinstein không dám “động đến” Gwyneth Paltrow nữa và còn mời cô thủ vai chính trong “Shakespeare in Love”. Cô đoạt giải Oscar nữ diễn viên chính xuất sắc nhất với phim này và đây có thể xem là trường hợp hiếm hoi của một người từng biết “tẩy” của Weinstein nhưng vẫn tiếp tục hợp tác đúng nghĩa trên phương diện công việc.

Trên trang Eonline, Kathy DeClesis, trợ lý của em trai Harvey Weinstein từ những năm 1990 xác nhận việc từng có một cô gái trẻ bất ngờ bỏ việc tại công ty sau một buổi gặp gỡ Harvey, rồi sau đó bặt tăm luôn.

Kathy DeClesis cho rằng, Harvey Weinstein đã nhiều lần dùng tiền để mua lấy sự im lặng của các nạn nhân và người trợ lý này đã ít nhất 7 lần đứng ra dàn xếp với các nạn nhân sau khi sếp của anh bị tố cáo, đặc biệt là khoản bồi thường trị giá 100.000 USD với nữ diễn viên Rose McGowan. Tuy bồi thường nhưng Harvey Weinstein vẫn không chịu thừa nhận tội lỗi mà chỉ coi đó như khoản chi để “tránh việc kiện tụng ồn ào không đáng”.

“Làm việc cho Weinstein được trọng dụng và hậu đãi”

Quả thật, Harvey Weinstein rất biết chứng tỏ sức ảnh hưởng và uy quyền không chỉ trong lĩnh vực điện ảnh, mà điện ảnh thường phải quan hệ như môi với răng với giới truyền thông nên Weinstein phát triển một mối quan hệ vững mạnh bằng cách cung cấp cho họ những thông tin và trích dẫn tuyệt vời để viết báo. Vì vậy ông ta được xem là nhân vật của giới điện ảnh được xuất hiện và trích dẫn “lời vàng ngọc” nhiều nhất trên mặt báo.

Ngoài ra, Weinstein còn mời chào cánh nhà báo những hợp đồng viết sách hấp dẫn mà ai cũng mơ ước. Nói cho công bằng thì Weinstein cũng rất giỏi trong việc hậu đãi các tài năng để họ yên tâm cống hiến - không phải thân xác - cho ông.

Gwyneth Paltrow, người đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc với “Shakespeare in love”, từng nói: “Làm việc cho Weinstein được trọng dụng, có rất nhiều ưu đãi hậu hĩnh”. Trong giới điện ảnh hào nhoáng nhưng đầy cạnh tranh khắc nghiệt, Weinstein là nhà sản xuất và phát hành tầm cỡ, nâng đỡ hàng loạt dự án nghệ thuật. Trớ trêu là bản thân Harvey Weinstein là người ủng hộ nữ quyền ở Hollywood và từng quyên góp đáng kể cho các quỹ từ thiện của các cựu Tổng thống Obama và Clinton!

Hôm 9-10, một loạt các ngôi sao nổi tiếng tại Hollywood đã lên tiếng chỉ trích hành động của Harvey và đứng về phía những nạn nhân của ông ta. Các nam diễn viên nổi tiếng như Leonardo DiCaprio, Ben Afleck tuyên bố sẽ “cạch mặt” nhà sản xuất đầy quyền lực này. Nữ diễn viên gốc Nam Phi Charlize Theron cho biết, cô không bất ngờ trước những lời cáo buộc dành cho Harvey.

Ngôi sao gốc Nam Phi viết: “Mặc dù tôi chưa từng trải qua những chuyện tương tự như thế này nhưng tôi không ngạc nhiên. Kiểu văn hóa này vẫn luôn tồn tại, không chỉ tại Hollywood mà còn trên khắp thế giới. Nhiều người đàn ông quyền lực đã có kiểu hành động như vậy khá lâu rồi. Chúng ta không thể đổ lỗi cho các nạn nhân. Những người phụ nữ dám lên tiếng về hành vi xâm hại tình dục đều rất dũng cảm. Nhiều người trong số các nạn nhân còn rất trẻ, mới bắt đầu khởi nghiệp, họ không có cách nào để chống lại một người đàn ông đầy quyền lực như vậy. Nếu họ lên tiếng, họ sẽ bị hạ bệ, và đó là dấu chấm hết cho sự nghiệp của họ. Vì vậy, đây là một bước tiến tích cực nhằm thay đổi nền văn hóa này, và những cô gái trẻ cần biết rằng, họ có một hệ thống những sự ủng hộ sẵn sàng chia sẻ với những gì họ đang trải qua. Tôi chỉ muốn nói rằng, tôi muốn ủng hộ các bạn”.

Nữ diễn viên kỳ cựu Cate Blanchett từng giành giải Oscar và từng cộng tác với Weinstein trong vài bộ phim cũng chia sẻ với tờ “Variety” rằng, một người đàn ông lợi dụng quyền lực và vị trí của mình để tấn công tình dục phụ nữ cần phải bị lên án. “Thiên nga Australia” Nicole Kidman cũng đồng quan điểm này khi phát biểu trên tờ “People”: “Là người của công chúng, tôi hoàn toàn hoan nghênh những người phụ nữ dám lên tiếng chống lại hành vi xâm hại tình dục tại nơi làm việc”.

Trên tờ Huffington Post, nữ minh tinh gạo cội Meryl Streep gọi những phụ nữ tố cáo Harvey Weinstein là anh hùng và chia sẻ: “Tin tức đáng hổ thẹn về Harvey Weinstein gây hoảng sợ cho tất cả những người từng được ông ấy đỡ đầu, cũng như những người có mục đích tốt và xứng đáng mà ông ấy từng giúp đỡ”.

Cần biết rằng, Meryl Streep đã đóng vai chính trong bộ phim do công ty của Weinstein sản xuất - “The Iron Lady” (Bà đầm thép - nói về cuộc đời cố nữ Thủ tướng Anh Margaret Thatcher) - và bà đã đoạt giải Oscar nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho vai diễn này.

Hiếu Thảo (tổng hợp)
.
.