Nhận diện tội phạm "Cổ cồn trắng"

Thứ Sáu, 04/04/2008, 17:00
Tội phạm cổ cồn trắng" còn gọi là "Tội phạm công ty" - Đó là loại tội phạm có mặt hàng ngày hàng giờ ở các công ty xuyên quốc gia, đến các công ty nhỏ chỉ có vài nhân viên. Đây là kết luận rút ra từ các công trình nghiên cứu tội phạm liên quan đến các công ty kinh doanh.

Những năm gần đây ngày càng xảy ra nhiều vụ “mờ ám”, “gian lận”... ở những công ty lớn đã có thương hiệu nổi tiếng thế giới, chẳng hạn như các công ty: Enron (Mỹ), Siemens (Đức), Total (Pháp)... Cho dù ở những công ty này hiếm thấy những vụ ăn cắp vặt, thế nhưng mỗi khi xảy ra lại thường là các vụ án rất lớn, có thể dẫn tới khuynh gia bại sản cho chủ công ty.

Theo những số liệu mới nhất (tính đến cuối năm 2007), số thiệt hại trung bình hàng năm của công ty các nước phương Tây do “tội phạm công ty” gây ra lên tới gần 6% doanh số.

Công trình nghiên cứu của Công ty nghe nhìn Ernst & Young (viết tắt là E&Y) do cựu nhân viên CIA David Stalba chủ biên (ông là một chuyên gia phát hiện và điều tra nổi tiếng những gian lận trong thực hiện Chương trình của Liên Hiệp Quốc “Đổi dầu lấy lương thực”), cho biết hiện có tới 65% số vụ án trên khắp thế giới mà E&Y đã tiến hành điều tra đều liên quan tới tệ nạn tham nhũng và hối lộ của nhân viên công ty.

Ông cũng cho biết thêm, cách đây 5 năm, loại “tội phạm công ty” này mới chỉ ở mức 15-20%.

Theo số liệu của Hiệp hội Chuyên gia đấu tranh chống bịp bợm - gian lận của Mỹ, trong năm 2006 chỉ riêng tội phạm này đã gây thiệt hại cho các công ty hơn 5% doanh thu, nghĩa là hơn 650 tỉ USD. Còn ở Anh chỉ số đó cũng không kém phần "ấn tượng" - 160 tỉ USD.

Các công trình nghiên cứu cho thấy có tới gần 80% số nhân viên các công ty phương Tây luôn sẵn sàng ăn cắp khi có cơ hội; 10% thì ở mọi lúc mọi nơi đều tìm cách ăn cắp mà không cần chờ đợi điều kiện thuận lợi; như vậy chỉ còn 10% số nhân viên thực sự trung thực và trong sạch.

Tệ hại hơn nữa, có tới 2/3 số nhân viên nếu không ăn cắp được thì tìm cách phá hoại.

Riêng ở Nga, theo chuyên gia nổi tiếng đấu tranh chống tội phạm kinh tế Ural Suleimanov, thì tình hình có hơi khác ở phương Tây một chút: 65% số nhân viên công ty tiềm ẩn khả năng ăn cắp, nhưng chỉ có 25% đã tham gia ăn cắp và cũng chỉ có 10% thực sự trong sạch.

Các nhân viên công ty Nga không ham thích làm sai lệch quyết toán tài chính, thế nhưng lại rất hay chiếm dụng tài sản công ty (44%), nhận hối lộ và bớt công quỹ (34%).

Riêng ở nước Nga, theo ông Sergei Martynov – Trưởng ban thanh tra Tổng Công ty Năng lượng than Sibir (SUEK), loại “tội phạm công ty” còn nặng nề và phổ biến.

Hàng năm những “bàn tay bẩn” tại các công ty trên khắp đất nước Nga đã gây thiệt hại gần 3 nghìn tỉ rúp (tương đương gần 120 tỉ USD). Có điều khác biệt giữa Nga với các nước phương Tây là ở chỗ tại các công ty Nga tất cả các cấp, các khâu của công ty, nhân viên đều có thể tham nhũng và hối lộ, nghĩa là số vụ nhiều nhưng thường thì mỗi vụ không lớn lắm. Trong khi đó, tại các nước phương Tây, chỉ các nhân viên cao cấp và trọng trách của các công ty mới có cơ hội và điều kiện để tham nhũng và nhận hối lộ. Bởi thế, khái niệm “Tội phạm cổ cồn trắng” xuất hiện đầu tiên ở phương Tây.

Công trình điều tra, nghiên cứu 360 vụ “tội phạm công ty” trên khắp thế giới do E&Y tiến hành trong năm 2007 cho thấy tất cả thủ phạm đều thuộc giới mày râu, ở lứa tuổi từ 36 - 55 tuổi. Về chức vụ, phần lớn là tổng giám đốc hoặc giám đốc tài chính, kế toán trưởng...

Mỗi con sâu này làm thiệt hại của công ty hàng năm trung bình khoảng 1,3-1,4 triệu USD và thường thì phải 2-3 năm sau, chủ công ty mới có thể phát hiện. Trong 360 vụ án đó thì các nhân viên manager là thủ phạm 49%, các nhân viên cấp trung gian (phòng, ban) gây ra 26% số vụ khác, 14% số vụ - thủ phạm là nhân viên cấp thấp. Nhưng cũng có tới 11% số vụ, thủ phạm lại là những thành viên hội đồng giám đốc của công ty.

Trước tình trạng tội phạm công ty ngày một gia tăng, năm 2002, Quốc hội Mỹ đã phải ban hành một đạo luật đặc biệt với mong muốn hạn chế và dần dần đẩy lùi tội phạm này.

Công ty Truyền thông WorldCom là nơi đầu tiên phải hứng chịu sự trừng phạt nghiêm khắc theo đạo luật đó: Ban lãnh đạo công ty bị kết tội “gian lận trong báo cáo tài chính”, cựu Tổng giám đốc và là người sáng lập Công ty Bernie Ebbers phải chịu mức phạt 25 năm tù giam, Giám đốc tài chính Scott Sallivan bị tù 5 năm, Kế toán trưởng và Thanh tra trưởng của công ty cùng chung số phận phải ngồi sau song sắt.

Các ngân hàng định giá cổ phiếu của WorldCom sai lệch, không tương xứng với thị trường trước khi đem bán cũng phải chịu hình phạt nghiêm khắc: Ngân hàng JPMorgan Chase bị phạt 2 tỉ USD, Citigroup phải hoàn trả các nhà đầu tư 2,65 tỉ USD, còn Bank of America bị phạt 460,5 triệu USD.

Ngoài ra, những người đã gây ra hậu quả này (Ban lãnh đạo Công ty WorldCom) phải bồi thường thiệt hại 750 triệu USD, số tiền đó nộp vào quỹ của công ty sau khi công ty được tổ chức lại. Năm 2007, một nhân viên manager của Công ty Siemens (Đức) cũng bị tòa án trừng trị về tội đưa hối lộ và phải nộp phạt 38 triệu euro.

Đương nhiên, việc phát hiện và điều tra các vụ mờ ám, gian lận, tham ô, hối lộ... ở những công ty lớn thường không dễ dàng, trong nhiều trường hợp phải theo dõi cả quá trình vài ba năm, thậm chí hàng chục năm. Bởi thế, các công ty càng lớn, công tác an ninh kinh tế càng phải được đề cao.

Thông thường, công ty nào cũng có “đường dây nóng” và thường xuyên tiến hành kiểm tra. Cho đến nay, mọi công trình nghiên cứu trong lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm kinh tế, cũng như kinh nghiệm quản lý công ty của các ông chủ lớn đều khẳng định rằng “kiểm tra thường xuyên là vũ khí hiệu nghiệm nhất”.

Ngoài kiểm tra thường xuyên, cảnh báo cũng là một trong những biện pháp rất hiệu quả. Cảnh báo hoàn toàn không phải chỉ là sự nhắc nhở, mà đây là cả một chương trình hoàn chỉnh gồm 5 phần: Đánh giá những khả năng có thể xảy ra tội phạm ở công ty, cảnh báo về những khả năng đó, phát hiện, thông tin (đường dây nóng) và điều tra.

Thực hiện chương trình này tại các nước phương Tây rất tốn kém - giá dịch vụ trả dao động từ 100  đến 700 USD/giờ/cho một nhân viên điều tra kinh tế. Bởi vậy, chỉ những công ty lớn, lợi nhuận nhiều mới có thể sử dụng loại dịch vụ đó.

Thế nhưng, một khi đã nảy sinh nghi ngờ, tiến hành kiểm tra và điều tra nghiêm túc, có kết luận cụ thể dựa trên những bằng chứng xác thực, thì phần lớn các vụ việc đều được chuyển sang tòa án và xử công khai theo luật

Ngô Gia Sơn (Theo Itoghi)
.
.