Những bi kịch mang tên ADN: Khi cơn cuồng ghen lấn át lòng tin
- Bắt giữ đối tượng sát hại vợ và con trai 2 tuổi
- Những bi kịch mang tên ADN: Bản giám định nghiệt ngã
Vụ án rúng động dư luận
Cuối tháng 8/2020, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã có kết luận điều tra về vụ án giết người xảy ra trên địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội) vào tháng 5/2020.
Vụ án này từng khiến dư luận xôn xao khi người chồng đang tâm cướp đi sinh mạng của cả vợ lẫn cậu con trai. Nguyên nhân ban đầu được cho là do người vợ không chung thủy. Song kết luận của cơ quan công an chỉ rõ, đó chỉ là những nghi ngờ thiếu cơ sở.
Trở lại vụ án, sáng 2/5/2020 người dân ở khu vực ngõ phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ) giật mình khi nghe những tiếng hét thất thanh phát ra từ ngôi nhà trong ngách 378/65.
Ít phút sau, họ thấy một người đàn ông chạy vọt ra ngõ. Trong căn nhà, chị Dương Khắc H. (sinh năm 1999, thường trú tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) và cháu Quách Phú Th. (sinh năm 2018) đang nằm trong vũng máu. Dù lực lượng cấp cứu nhanh chóng có mặt, song đã không thể cứu được tính mạng cho hai mẹ con.
Đối tượng Quách Văn Nam. |
Kết quả điều tra ban đầu của cơ quan Công an cho thấy khoảng 7 giờ cùng ngày, Nam và vợ nảy sinh mâu thuẫn. Nguyên nhân là do từ năm 2019, Nam phát hiện tin nhắn đến điện thoại của chị H. có nội dung thông báo chuyển tiền từ ngân hàng. Nam căn vặn thì chị H. giải thích là nhà mạng nhắn nhầm.
Từ đó, Nam thường xuyên hục hặc với vợ. Không biết do ai trêu đùa mà Nam nghĩ rằng cháu Th. không phải là con đẻ của mình.
Mâu thuẫn ngày càng trầm trọng, khi Nam đề nghị với vợ đưa cháu Th. đi xét nghiệm ADN nhưng chị H. không đồng ý. Cuộc sống ngày một bức bối, dẫn đến kết cục bi thảm.
Thân hình gầy gò, khuôn mặt cũng không đến nỗi "hổ báo" - chẳng ai có thể ngờ được Quách Văn Nam lại có thể ra tay một cách nhẫn tâm, tàn độc đến như thế. Được biết, Nam sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khá éo le. Nam chào đời một thời gian thì người bố bỏ đi, chỉ còn bà H. (mẹ Nam) tần tảo nuôi nấng con trai bằng những gánh hàng ve chai. Sức học của Nam cũng không bằng người ta.
"Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nó cũng biết thân biết phận không đua đòi bạn bè mà chí thú làm ăn. Năm 2017 thằng Nam dẫn người yêu (là chị H.) về nhà giới thiệu với mẹ và ít lâu sau thì xin cưới. Năm 2018, cháu Th. ra đời khiến tôi hết sức vui mừng phấn khởi. Chẳng ngờ được rằng vợ chồng nó lại nảy sinh mâu thuẫn, rồi dẫn đến kết cục đau đớn quá..." - bà H tâm sự với chúng tôi mà nước mắt lưng tròng.
Về phía gia đình bị hại, ông Dương Khắc L. - bố đẻ của chị H. chia sẻ, từ nhỏ đến khi lấy chồng, H. là đứa con ngoan, đến tuổi xây dựng gia đình thì chỉ có duy nhất một bạn trai là Quách Văn Nam. Hàng xóm và khu chợ đều biết cháu nó hiền lành, gia đình không có điều tiếng gì. Cháu tôi ngày nào cũng dẫn bé Th. đi ăn sáng, ai ai cũng khen thằng bé ngoan, vậy mà..."
Người thân của chị H. cho biết thêm. Từ cuối năm 2019, chị H. và cháu bé chủ yếu ở nhà bố mẹ đẻ. Mọi sinh hoạt đều do ông bà ngoại chu cấp. Cháu bé đi học tại nhà trẻ gần nhà. "Khoảng tháng 4/2020 chồng nó sang xin phép để đưa 2 mẹ con về bên kia ở cùng, không ai ngờ rằng vụ án mạng xảy ra", ông L. đau xót.
Còn theo điều tra của cơ quan công an, từ khi lấy vợ và có con, Nam luôn thể hiện mình là một người chồng người cha có trách nhiệm. Nam không có nhiều tật xấu ngoài việc thích uống rượu. Khoảng đầu năm 2019, Nam phát hiện trong điện thoại di động của vợ mình có tin nhắn báo chuyển khoản 3 triệu đồng, sự việc lặp đi lặp lại vài tháng sau đó.
Bị chồng tra hỏi, chị H. cũng chỉ biết giải thích là nhà mạng chuyển nhầm. Cho rằng lý do vợ đưa ra không thuyết phục, Nam bắt đầu nảy sinh nghi ngờ vợ có người đàn ông khác và cháu bé không phải là con đẻ của mình. Để giải tỏa mối hoài nghi này, bị can đã nói chuyện với gia đình vợ muốn đưa cháu bé đi giám định ADN nhưng gia đình không đồng ý. Từ đó dẫn tới vợ chồng phát sinh mâu thuẫn.
Ngày 14/3/2020, Nam đến gia đình vợ thuyết phục đưa vợ, con về sinh sống cùng. Chị H. đã đồng ý và đưa cháu bé về nhà chung sống với Nam tại Thụy Khuê. Những tưởng Nam đã thay đổi, song trong thời gian chung sống, giữa hai vợ chồng tiếp tục phát sinh nhiều mâu thuẫn về kinh tế và Nam vẫn nghi ngờ vợ có người đàn ông khác.
Nam và vợ từng có những phút giây hạnh phúc, song sự thiếu tin tưởng nhau đã cướp đi tất cả. |
Khoảng 7 giờ ngày 2/5/2020, từ căn phòng nhỏ của vợ chồng Nam phát ra những âm thanh cãi vã, xé toạc không gian yên bình buổi sớm của khu phố. Lúc này, Nam đề nghị ly hôn nhưng chị H. không đồng ý. Một lúc sau, Nam lấy rượu, uống được 2 ngụm và nói: "Giờ chúng mình giải thoát cho nhau, em có tương lai của em, anh có tương lai của anh". Chị H. nói: "Đi lấy giấy ly hôn ra đây". Hai bên tiếp tục cãi chửi và thách thức nhau.
Không hiểu "ma xui quỷ khiến" thế nào, Nam vào bếp lấy con dao phay rồi quay trở lại vào trong phòng, đứng phía sau lưng chị H. đang ôm cháu bé... Những nhát dao oan nghiệt đã cướp đi sinh mạng cùng lúc của cả hai mẹ con chị H.
Sau khi gây án xong, Quách Văn Nam đi xe máy sang nhà mẹ đẻ nói: "Con vừa giết vợ con rồi, giờ con lên phường đầu thú". Nam để xe máy ở nhà mẹ đẻ rồi đi bộ đến đồn công an. Trên đường đi, Nam nảy sinh ý định tự tử nên đã mua 1 gói thuốc chuột với giá 50 ngàn đồng của một người bán hàng rong. Nhưng do đi đến gần Công an phường nên Nam đi vào đầu thú và từ bỏ ý định tự tử.
Và người đàn ông này đã đau đớn đến tận cùng khi mà kết luận giám định pháp y về ADN của Trung tâm giám định pháp y Hà Nội, kết luận: "...Quách Văn Nam và nạn nhân cháu bé có quan hệ huyết thống Cha - Con".
Chỉ vì thiếu lòng tin với vợ mà Nam đã gây ra tội lỗi không thể tha thứ. Và, theo như một số chuyên gia tại Trung tâm Phân tích và công nghệ di truyền thì trong xã hội hiện đại, đời sống vật chất, tinh thần của con người được nâng cao. Song, sự chung thủy, cảm thông, yêu thương và đặc biệt là lòng tin giữa các cặp vợ chồng lại có phần giảm.
Bằng chứng là có rất nhiều thanh niên, trung niên đến đề nghị được xét nghiệm để xác định xem có đúng cháu bé là con đẻ của anh ta (ông ta) hay không. Và sau khi có kết quả thì thường là những cơn giận cố kiềm chế mà chỉ một cái liếc mắt cũng có thể đoán được.
Chúng ta đang mất đi lòng tin?
Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Phân tích và công nghệ di truyền chia sẻ với chúng tôi, bản thân việc xét nghiệm ADN chắc chắn không phải là nguyên nhân làm mất đi hạnh phúc của các gia đình. Bởi hạnh phúc gia đình chỉ có được khi mỗi thành viên trong đó có lối sống lành mạnh, thủy chung, trong sáng. Và khi niềm tin yêu giữa mỗi con người với nhau là trọn vẹn thì họ không có những bí mật "chết người" để mà nhờ đến ADN "giải mã".
Bà Nga nhớ lại ít năm trước từng phải tiếp một vị khách ngoài ba mươi tuổi với thái độ hết sức giận dữ. Người đàn ông đó nói trung tâm nổi tiếng thế này sao lại làm ăn bậy bạ, khi hai người chẳng thân thiết gì bỗng nhiên trung tâm kết luận là cha con (!?) Hỏi ra mới biết người đàn ông tên Huy đó được vợ lấy mẫu tóc của chồng và một đứa trẻ đưa đến để xét nghiệm cha con. Kết quả cho thấy chồng cô và đứa trẻ có mối quan hệ huyết thống với nhau.
Qua trò chuyện, bà Nga được biết chị Hằng (vợ anh Huy) trên đường đi làm đã bị một người phụ nữ dẫn theo một đứa trẻ chặn lại và đòi được nói "chuyện trọng đại". Trong buổi nói chuyện, người phụ nữ lạ mặt khẳng định với chị Hằng đứa trẻ là con của chồng chị. Để khẳng định lời mình nói là thật, người phụ nữ kia nhổ vài sợi tóc trên đầu con mình và khuyên chị Hằng nên xét nghiệm ADN giữa cháu bé và chồng chị để tìm ra sự thật.
"Tại trung tâm, chồng chị Hằng một mực khẳng định anh chưa bao giờ phản bội vợ và không tin ở kết quả xét nghiệm ADN. Qua một hồi trao đổi, tôi mới biết được anh ta có một cậu em sinh đôi. Tôi thuyết phục anh ta về nói chuyện với em trai và đưa mẫu tóc của người em để xét nghiệm lại" - bà Nga kể. Kết quả xét nghiệm đúng như bà Nga dự đoán, anh Huy và người em là một cặp sinh đôi cùng trứng. Gien của họ trùng nhau hoàn toàn.
Còn theo chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa, trong hơn 30 năm trong vai trò tư vấn hôn nhân gia đình, ông thường xuyên nhận được những tâm sự cũng như tư vấn về chuyện ngoại tình. Đặc biệt, có những người với vẻ đau đớn muốn xin lời khuyên từ chuyên gia về việc "tôi có nên lấy mẫu để đi xét nghiệm ADN hay không?".
"Trong hầu hết các ca tư vấn, tôi đều cố gắng tìm hiểu xem hoàn cảnh gia đình, tình cảm của hai bên ra sao và cố hết sức để vun vén, làm cho các bên hiểu nhau và có thể hàn gắn được tình cảm. Tôi luôn gợi trước viễn cảnh nếu như "sự thật" được phơi bày thì lúc đó họ sẽ cảm thấy như thế nào? Có còn đủ tình yêu để có thể tha thứ cho người vợ hay không? Và liệu họ đã chuẩn bị những ứng xử nhân văn với đối phương?"- ông Hòa kể.
Đồng quan điểm với bà Nga, ông Hòa cũng cho rằng những bi kịch sau các cuộc xét nghiệm ADN trong xã hội hiện nay thể hiện sự thiếu tin tưởng lẫn nhau trong gia đình. Qua nhiều ca tư vấn, ông Hòa nhận thấy cánh đàn ông luôn muốn biết sự thật, và đa phần không chấp nhận chuyện nuôi con "tu hú". Nếu như khi sự thật được phơi bày thì con đường mà họ lựa chọn thường là ly hôn.
Với một số những người phụ nữ không chung thủy, thì họ phải là người biết rõ đứa con trong bụng hoặc đứa con đang nuôi là của ai. Nhưng chính họ lại không dám đối mặt với thực tế. Họ im lặng, cố tình giấu đi sự thật với mong muốn được đến đâu hay đến đấy. Nhiều người còn nghĩ chồng mình không biết nên mặc kệ. Họ cũng tưởng rằng bí mật ấy chỉ mình họ biết. Nhưng "cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra".
"Và sau những kết quả xét nghiệm ADN, có những đứa trẻ đang sống yên bình dưới mái nhà có cả mẹ cả cha, bỗng nhiên bị chối bỏ. Có những vụ ly dị diễn ra sau đó. Có những người đàn ông lấy cớ hết niềm tin để tìm đến những người phụ nữ khác một cách... công khai. Có những đôi vợ chồng tiếp tục cắn răng sống cùng nhau, nhưng không khí gia đình không bao giờ còn được như xưa nữa. Lòng tin - đó là điều mà con người trong xã hội hiện đại cần phải giữ gìn" - chuyên gia này khẳng định.