Những chiến công của lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao

Thứ Năm, 23/07/2015, 23:05
Được thành lập từ tháng 2/2010, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) hiện là lực lượng non trẻ nhất của Bộ Công an. Từ quân số chỉ vỏn vẹn 37 cán bộ chiến sĩ (CBCS) ban đầu, đến nay C50 đã xây dựng đội ngũ vững mạnh, là đơn vị mũi nhọn trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm công nghệ cao đang có xu hướng toàn cầu hóa.

Trong 5 năm qua, ngoài việc làm tốt công tác tham mưu, Cục C50 đã phát hiện, xác minh, điều tra và chỉ đạo hệ lực lượng tại địa phương (gồm các phòng, đội Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) điều tra gần 1.500 đầu mối vụ việc liên quan đến công nghệ cao. Trong đó đã điều tra, làm rõ và chuyển cơ quan điều tra các cấp khởi tố hơn 320 vụ, hơn 1.100 bị can; chuyển cơ quan thanh tra chuyên ngành các cấp xử phạt hành chính hàng trăm vụ, thu hồi tiền và hàng ngàn máy tính xách tay, điện thoại di động, linh kiện điện tử, hàng hóa, máy móc… trị giá hàng trăm tỉ đồng.

Nhân kỷ niệm 53 năm Ngày truyền thống Lực lượng Cảnh sát nhân dân 20-7 và 70 năm Ngày thành lập Công an nhân dân Việt Nam 19-8, Chuyên đề ANTG xin giới thiệu một số chiến công xuất sắc của Lực lượng Cảnh sát  phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

BÀI I: ĐÁNH SẬP HÀNG LOẠT SÀN VÀNG "ẢO"

Từ tháng 8/2010, việc kinh doanh vàng tài khoản bị cấm ở Việt Nam dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, bất chấp quy định của pháp luật, nhiều sàn vàng vẫn tiếp tục được mở ra, thu hút một lượng lớn người dân tham gia. Không chỉ kinh doanh trái phép, các sàn vàng bất hợp pháp này với những mánh lới nhằm đoạt tiền của khách hàng đã đẩy nhiều người dân thiếu hiểu biết vào cảnh trắng tay, gây thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng cho nhà đầu tư.

Đây là loại tội phạm mới, phương thức thủ đoạn mới, chưa có tiền lệ nhưng với nỗ lực của Lực lượng Cảnh sát công nghệ cao,  từ cuối năm 2014 đến nay, một loạt sàn vàng bất hợp pháp như VGX, Khải Thái, BBG, HGI, IG, 24 Gold… đã bị triệt phá, góp phần làm lành mạnh thị trường thương mại điện tử còn rất mới mẻ tại Việt Nam.

Tháng 9/2014, VGX là sàn vàng đầu tiên bị C50 Bộ Công an triệt phá. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Vũ Đức Hiếu (SN 1984), Giám đốc Công ty CP Đầu tư VGX, kẻ điều hành sàn vàng "ảo" bất hợp pháp này.

Kết quả khai thác cơ sở dữ liệu hệ thống MT4 (phần mềm dùng để giao dịch đặt lệnh mua, bán sản phẩm hàng hóa trực tuyến) của sàn VGX xác định: VGX bắt đầu hoạt động kinh doanh từ cuối năm 2012. Đến thời điểm Cơ quan Công an triệt phá (26/9/2014), có 6.505 tài khoản đã đăng ký, trong đó người nộp tiền nhiều nhất vào tài khoản để tham gia giao dịch là hơn 5,4 tỉ đồng. Chỉ có 638 tài khoản tham gia giao dịch có lãi (chiếm 9,8%), còn lại là các tài khoản bị lỗ. Tổng số tiền nhà đầu tư nộp vào tài khoản của công ty để tham gia giao dịch khoảng 200 tỉ đồng, trong đó Công ty VGX thu lời khoảng trên 30 tỉ đồng.

Theo các trinh sát Phòng 2 C50, trên thế giới, những người tham gia đầu tư thương mại điện tử như  chứng khoán, vàng, ngoại tệ… rất có hiểu biết về những lĩnh vực này. Họ tham gia kinh doanh dài hạn chứ không "lướt sóng" như những nhà đầu tư của Việt Nam. Chính vì tâm lý muốn lãi nhanh, các nhà đầu tư tại Việt Nam đã bị các đối tượng lập sàn vàng trái phép lôi kéo mở tài khoản để rồi người lãi thì ít mà phần lớn lâm vào cảnh trắng tay.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân trong lĩnh vực thương mại điện tử, sau sàn vàng VGX, nhiều sàn vàng bất hợp pháp khác vẫn tiếp tục được mở ra với những "biến thể" mới nhằm chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư như hoạt động lừa đảo, huy động vốn trái phép dẫn đến mất khả năng thanh toán, chủ sàn vàng can thiệp vào các phần mềm giao dịch theo hướng có lợi cho mình…

Điển hình như vụ triệt phá sàn vàng Khải Thái hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Kẻ "sáng lập" ra sàn vàng bất hợp pháp này là Hsu Ming Jung, còn gọi là SAGA (SN 1975), quốc tịch Trung Quốc. Từng tham gia một số sàn vàng trái phép tại TP HCM với vai trò nhân viên tư vấn, sau khi đã tích lũy được kinh nghiệm và những mánh lới chiếm đoạt tiền của khách hàng, cuối năm 2011, SAGA rủ Phạm Kiện Trung (SN 1984), người cùng làm tại sàn vàng ra Hà Nội thành lập Công ty TNHH Tư vấn và đầu tư Khải Thái (Công ty Khải Thái) nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức huy động vốn đầu tư kinh doanh vàng tài khoản.

Ban đầu Phạm Kiện Trung giữ chức Giám đốc điều hành cho Công ty Khải Thái. Sau một thời gian, Trung tách ra làm ăn riêng, thành lập Công ty TNHH Tư vấn đầu tư 24 Gold Duệ Bác kinh doanh vàng tài khoản (công ty này cũng bị C50 triệt phá sau sàn vàng Khải Thái).

Sau khi Phạm Kiện Trung tách ra làm ăn riêng, SAGA thuê Nguyễn Mạnh Linh (SN 1987, ở Nho Quan, Ninh Bình) làm Giám đốc đại diện pháp luật với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Thực chất, SAGA đứng phía sau điều hành toàn bộ hoạt động của sàn vàng Khải Thái.

Để thu hút các nhà đầu tư, SAGA đã tạo vỏ bọc hoành tráng cho sàn vàng Khải Thái như thuê trụ sở chính và các chi nhánh rộng hàng nghìn mét vuông tại các cao ốc có vị trí đắc địa nhất Hà Nội như tầng 18 tòa nhà Charmvit - Trần Duy Hưng; tầng 11 tòa nhà PlasChem - Nguyễn Văn Cừ, tầng 18 tòa nhà Lotte - phố Liễu Giai… Công ty liên tục tuyển hàng trăm nhân viên và cộng tác viên được giao nhiệm vụ lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia ủy thác đầu tư để hưởng lãi suất 3-3,5%/tháng tương đương 36-42%/năm và giới thiệu người khác ủy thác đầu tư để hưởng hoa hồng.

Cơ quan Công an đọc lệnh bắt, khám xét đối với Hsu Ming Jung tức SAGA, kẻ "sáng lập" sàn vàng Khải Thái hoạt động lừa đảo.

Đặc biệt, giống như hoạt động kinh doanh đa cấp, để tạo động lực cho mạng lưới nhân viên và cộng tác viên, Khải Thái có cơ chế thưởng tiền và hiện vật như điện thoại di động đắt tiền, xe máy SH cho nhân viên khi giới thiệu được nhà đầu tư. SAGA đã vẽ ra một kịch bản với các nhà đầu tư rằng tiền ủy thác sẽ được công ty kinh doanh vàng tài khoản tại Quảng Đông, Hồng Kông - Trung Quốc và đầu tư vào các dự án  xây dựng khách sạn, nhà ở.

Trước sự cố nhiều sàn vàng bị đánh sập, SAGA trấn an nhà đầu tư rằng công ty có một đội ngũ chuyên gia kinh tế cao cấp có nhiệm vụ kinh doanh hộ các nhà đầu tư nên dù không hiểu biết về kinh doanh vàng thì nhà đầu tư cứ yên tâm ủy thác tiền.

Một tháng trước khi bị bắt giữ, SAGA còn bày ra một kịch bản tổ chức hội thảo giới thiệu dự án xây dựng "Khách sạn tình yêu" lớn nhất tại Việt Nam nhằm mục đích lừa đảo, móc thêm tiền của nhà đầu tư. Hội thảo được tổ chức quy mô rầm rộ với 1.500 nhà đầu tư tham gia, thuê địa điểm tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. SAGA "mời" một đoàn "chuyên gia" gồm hơn 10 người từ Trung Quốc sang, thuê khách sạn 5 sao cho đoàn "chuyên gia" ở để dự hội thảo.

Trong buổi hội thảo, SAGA cho trình chiếu một bản slide 3D về dự án "Khách sạn tình yêu" cao tầng với thiết kế ôtô chạy thẳng vào… phòng ngủ, không cần gửi  trong hầm trông giữ xe như những cao ốc thông thường khác. Tuy nhiên dự án này được xây dựng ở đâu thì SAGA lờ đi không đề cập đến…

Bị mê hoặc bởi  lãi suất ủy thác quá lớn và hoa hồng cao như vậy nên người dân không nghi ngờ về những dự án "trên trời" mà SAGA vẽ ra, thi nhau nộp tiền đầu tư mà không hề tìm hiểu về hoạt động của công ty. Thực tế sau khi thu tiền của nhà đầu tư, Công ty Khải Thái không có bất kỳ hoạt động đầu tư, kinh doanh gì. Tiền do người dân đến công ty nộp để ủy thác đầu tư hoặc chuyển qua tài  khoản đều bị SAGA chiếm đoạt, chi tiêu cá nhân. Khi nhân viên thắc mắc, SAGA tuyên bố rằng tiền của công ty là tiền của… SAGA.

Thượng úy Lê Anh Tuấn, Phó trưởng phòng 2 C50 cho biết, ngày 1/10/2014, khi tiến hành bắt, khám xét khẩn cấp đối với SAGA, trong số 57 tỉ đồng tang vật thu giữ thì chỉ riêng tại nơi ở của SAGA tại tòa nhà Keangnam, Cơ quan Công an đã thu  khoảng hơn 40 tỉ đồng tiền mặt được nhồi chặt trong 2 két sắt cỡ lớn. Với số tiền khách hàng đã nộp khoảng trên 400 tỉ đồng, SAGA đã dùng để trả lãi cho các nhà đầu tư trước, trả lương thưởng cho nhân viên và chi phí hoạt động của công ty. Còn lại SAGA chiếm hưởng.

Cơ quan công an cũng thu giữ 3 ôtô Mercedes do SAGA mua từ tiền của nhà đầu tư. Đến nay, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố  bị can về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Vào ngày 16/1/2015, C50 - Bộ Công an phối hợp Công an Hà Nội đã liên tiếp triệt phá sàn vàng trái phép  HGI (địa chỉ 172 Ngọc Khánh), bắt khẩn cấp 6 đối tượng giữ vai trò chủ chốt.  Bên cạnh việc kinh doanh vàng tài khoản bất hợp pháp, từ tháng 5/2012 đến khi bị triệt phá, HGI đã tổ chức huy động vốn dưới dạng hợp đồng ủy quyền, ủy thác đầu tư với tỉ suất lợi nhuận cao hơn lãi suất ngân hàng.

Tuy nhiên sau khi nhận tiền ủy thác lên đến 270 tỉ đồng của trên 3.000 nhà đầu tư, dàn lãnh đạo của HGI đã dùng số tiền này để mua 5 hecta đất tại Phú Quốc với giá 10 tỉ đồng, xây dựng một xưởng gốm 20 tỉ đồng và trả lương, thưởng, kinh phí hoạt động của công ty. Khi Cơ quan Công an đánh sập một loạt sàn vàng trái phép như VGX, Khải Thái, các nhà đầu tư đến HGI rút tiền nhưng HGI không trả được.

Ngoài kinh doanh vàng trái phép, khi triệt phá  sàn vàng HGI, Cơ quan Công an đã làm rõ việc các đối tượng đã sử dụng công nghệ  cao để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư. Trong quá trình khách hàng giao dịch hàng hóa (vàng, bạc, dầu, ngoại tệ) thông qua phần mềm MT4 của Công ty HGI, nhiều nhân viên kỹ thuật khai nhận được sự chỉ đạo của lãnh đạo công ty yêu cầu can thiệp vào hệ thống phần mềm để hủy các giao dịch của nhà đầu tư.

Những chiêu trò chiếm đoạt tiền của khách hàng hết sức tinh vi cũng đã được C50 Bộ Công an phối hợp Công an Hà Nội vạch trần khi triệt phá sàn vàng "ảo" IG của Công ty cổ phần kinh doanh trang sức vàng quốc tế IG (địa chỉ tầng 8 tòa nhà 165 Thái Hà, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) vào ngày 6/2/2015. Cơ quan công an đã đồng loạt khám xét 5 địa điểm là nơi làm việc và nhà ở của các đối tượng chủ chốt của Công ty IG, thu giữ tang vật gồm 1,49 tỉ đồng tiền mặt, 1.025 tỉ đồng tiền trong tài khoản, 276 lượng vàng miếng SJC, 8kg vàng trang sức các loại, 35 máy tính xách tay, 6 CPU, 1 sổ đỏ, 2 hợp đồng công chứng chuyển nhượng nhà đất cùng nhiều giấy tờ liên quan.

Theo khai nhận của các đối tượng là lãnh đạo "chóp bu" của IG, nhiều lần chúng  can thiệp vào máy chủ  để điều chỉnh lệnh nộp, rút tiền của khách hàng. Nếu khách hàng thắng với số lượng ít, chúng để cho khách rút tiền. Nếu khách thắng với số tiền lớn, chúng can thiệp kỹ thuật để đánh sập mạng rồi tự tạo thông báo về nguyên nhân sập là do khách quan.

Với một loạt vụ triệt phá sàn vàng trên, hiện hoạt động kinh doanh vàng tài khoản đã chấm dứt, không còn công khai như trước. Qua các vụ án này, Lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng khuyến cáo người dân cảnh giác trước những loại hình kinh doanh chưa được pháp luật cho phép. Trước khi góp vốn đầu tư, phải tìm hiểu kỹ về hoạt động của công ty, tổ chức mà mình định góp vốn.

Ngày 3/6 vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi thư khen CBCS Cục C50. Trong thư, Chủ tịch nước viết: "…Tôi hết sức vui mừng được biết Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tuy mới được thành lập trong những năm gần đây, lực lượng không nhiều, nhưng đã có quyết tâm cao, nỗ lực vượt qua khó khăn, tập trung trí tuệ, tìm tòi giải pháp, kiên trì đấu tranh và lập được nhiều chiến công xuất sắc trong trực tiếp thực hiện và chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao các địa phương thực hiện thành công nhiều chuyên án, khởi tố hàng trăm vụ án với nhiều bị can, làm rõ giá trị tài sản phạm tội hàng nghìn tỉ đồng…

Tôi nhiệt liệt biểu dương và khen ngợi các đồng chí đã nối tiếp được truyền thống vẻ vang của Công an nhân dân, giữ gìn bình yên cuộc sống cho nhân dân, làm tốt nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc gia trên một mặt trận mới, góp phần cho sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước thêm vững chắc, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng và Nhà nước, với sự tin yêu của nhân dân"…

Hương Vũ
.
.