Những "chuột chũi" trong lực lượng cảnh sát Ấn Độ

Thứ Sáu, 07/01/2005, 07:28

Cả đơn vị 152 thuộc lực lượng Cảnh sát dự bị trung ương Ấn Độ (CRPF) đóng tại Slinaga, thủ phủ vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát đang chìm trong giấc ngủ bỗng bị đánh thức bởi loạt tiếng súng nổ. Hạ sĩ Samarendra Deka tay lăm lăm khẩu tiểu liên đang bắn loạn xạ vào giường ngủ của đồng đội.

Khi thấy mọi người kéo đến, Samarendra Deka liền chĩa nòng súng tấn công ra ngoài. Sau khi khuyên giải không có kết quả, để tránh tổn thất, lực lượng vệ binh của Đơn vị 152 đã áp sát, bắn hạ kẻ giết người sau một cuộc đấu súng diễn ra ngắn ngủi.

Tại hiện trường đêm 27/11/2004, ngoài xác của kẻ gây án còn có 7 nhân viên CRPF xấu số bị thiệt mạng trong đó có Đại đội trưởng Đại đội 6, chỉ huy trực tiếp của Samarendra Deka. Hầu hết những nạn nhân đều là người vùng Bara Mulla Jamu Kashmir. Kẻ sát nhân Samarendra Deka (23 tuổi), được tuyển dụng vào lực lượng CRPF hơn một năm trước và từng có nhiều thành tích nổi bật.

Sau khi vụ việc xảy ra, CRPF lập tức thành lập tổ điều tra nguyên nhân và kết luận, Samarendra Deka mắc bệnh tâm thần và gây ra vụ thảm sát trong tình trạng mất điều khiển tâm lý. Đồng đội của Samarendra Deka ở Đại đội 6 cho biết, trước thời điểm xảy ra vụ án 3 ngày, Samarendra Deka bị phát hiện vắng mặt trong một buổi điểm danh thường lệ và đã bị cấp trên phạt lao động công ích 3 ngày. Mọi người cho rằng, rất có thể do bất mãn với hình phạt nên trong phút mất bình tĩnh, Samarendra Deka đã gây ra tội ác nghiêm trọng.

Tổ chức khủng bố ULFA lộ diện

Tưởng như sự việc kết thúc tại đó nhưng ngày 15/12/2004, trên tờ India Express, Paresh Barua, thủ lĩnh tổ chức khủng bố cực đoan Mặt trận thống nhất Asamu (ULFA) cho biết, Samarendra Deka chính là một điệp viên của ULFA cài cắm trong đơn vị cảnh sát quốc gia để thực hiện một vụ tấn công cảm tử.

Sau “chiến công” này, Samarendra Deka đã được ULFA truy phong là “liệt sĩ”. Theo Paresh Barua thì Samarendra Deka là một thành viên chính thức của Tổ chức ULFA từ năm 1996, vào tháng 4/2003 anh ta đã thâm nhập thành công vào nội bộ CRPF và trở thành một nhân viên tình báo quân sự nằm vùng của ULFA.

Paresh Barua tiết lộ, hiện nay ULFA còn có 150 “điệp viên” như Samarendra Deka đang cài cắm ở rất nhiều đơn vị an ninh quan trọng của Ấn Độ như lực lượng An ninh biên phòng (CRPS), lực lượng Tuần tra quốc gia (IBSF). Chỉ cần nhận được mệnh lệnh của Paresh Barua, các “chuột chũi” này sẽ thực hiện các vụ tấn công cảm tử vào nhân viên an ninh cảnh sát nhà nước. Paresh Barua còn phẫn nộ cho biết, họ đã “tương kế tựu kế” thành công trước kế hoạch “dùng người Asamu trị người Asamu” của chính quyền trung ương.

Các quan chức an ninh Ấn Độ đã hoàn toàn phủ nhận những lời phát biểu trên của Paresh Barua và cho rằng, đây là một tin đồn bịa đặt nhằm làm mất uy tín của cơ quan cảnh sát vì kết luận điều tra của Cơ quan CRPF cho thấy, trước khi nổ súng bắn vào đồng đội, Samarendra Deka đã có những biểu hiện của bệnh tâm thần. Hơn nữa, việc tuyển chọn nhân viên rất kỹ càng, chỉ có những người lý lịch trong sạch mới được phép trở thành nhân viên CRPF.

Tuy nhiên, theo tờ India Express, lãnh đạo CRPF đang nghiêm túc xem xét kỹ nội vụ sự kiện này. Có nhiều dấu hiệu cho thấy lời tuyên bố của Paresh Barua là có căn cứ vì đã xảy ra hai vụ tương tự trong nội bộ CRPF vào các năm 1999 và 2001. Để đề phòng bất trắc, tất cả các đơn vị thuộc CRPF đã được lệnh rà soát kỹ lại tổ chức biên chế để phát hiện “chuột chũi”.

Trước đây, nhằm thực hiện kế hoạch chống ly khai, bạo động, khủng bố ở bang Asamu và vùng Jamu Kashmir, chính quyền trung ương đã  “dùng người Asamu trị người Asamu”, theo đó, nhiều đơn vị an ninh, cảnh sát bang được phép tuyển chọn thanh niên địa phương vào phục vụ.

Từ năm 2000 tới nay, chỉ tính riêng CRPF đã chiêu mộ được 15.000 nhân viên là người vùng Asamu và Jamu Kashmir, trong đó đã xây dựng được 1.000 nhân viên là “nòng cốt”. Nhiều khả năng các tổ chức khủng bố và chống đối vũ trang địa phương đã lợi dụng thời cơ này, cài cắm nhân viên vào chờ thời cơ chống phá.

Asamu là một bang nằm phía đông bắc Ấn Độ, nhiều năm nay liên tục xảy ra tình trạng lộn xộn như xung đột sắc tộc, bạo lực, khủng bố. Sau khi Ấn Độ giành được độc lập, nhiều nhóm vũ trang địa phương nổi lên chống chính phủ, trong đó điển hình là nhóm ULFA và “Bodo Tiger Liberation” luôn có chủ trương đòi ly khai khỏi Ấn Độ

Quốc Long (theo Cảnh sát hiện đại)
.
.