Những chuyện đau lòng trong gia đình: Đâu là nguyên nhân?
Có rất nhiều vụ trọng án liên quan đến huyết thống xảy ra trong thời gian vừa qua, anh sát hại em trai ở Bình Thuận, em sát hại anh trai ở Kiên Giang. Rồi cả chuyện anh giật “vợ hờ” của em để rồi trở thành hung thủ trong một vụ trọng án chấn động cả nước ở phường Cầu Kho, quận 1. TP HCM…
Tiền nhân đúc kết: “Anh em như thể tay chân” hay “Quyền huynh thế phụ”. Có bậc làm cha làm mẹ nào mà không ao ước con cái hòa thuận, anh em yêu thương lo lắng cho nhau. Đó chính là tài sản lớn nhất, là sự phụng hiếu lớn nhất mà tất cả những người làm cha mẹ luôn mong muốn được sở hữu, được nhìn thấy.
Chúng tôi không chuyển tải lại bạn đọc bức tranh đời sống đầy buồn bã ấy thêm một lần nữa. Chúng tôi chỉ cố lý giải nguyên nhân những câu chuyện đau lòng này dưới góc nhìn của hai chuyên gia tâm lý và xã hội học uy tín là Phó Giáo sư - Tiến sĩ (PGS-TS) Huỳnh Văn Sơn và Tiến sĩ Xã hội học Trương Văn Vỹ.
PGS-TS Huỳnh Văn Sơn: "Những giá trị đạo lý cần được tuân thủ"
Phóng viên (PV): Thưa PGS, khi một vụ trọng án xảy ra đều để lại cho chúng ta những cảm giác hết sức buồn bã, đau lòng. Bởi sau mỗi vụ việc đều là những bi kịch cho cả hai phía. Thế nhưng, khoảng thời gian hơn tháng trở lại đây đã xuất hiện hàng loạt vụ việc liên quan đến huyết thống. Thú thật, chính tôi cũng cảm thấy bất an, vì chưa bao giờ tôi có thể hình dung ra cảnh nạn nhân của một vụ trọng án lại là anh hay em ruột của hung thủ. Cảm giác của PGS như thế nào khi đọc được những tin tức như vậy trên truyền thông ạ?
PGS-TS Huỳnh Văn Sơn: Thực ra mỗi người dân Việt đều rất trân trọng gia đình. Một trong những sự gắn kết đặc biệt về mặt huyết thống lại luôn là yếu tố có sức ảnh hưởng đặc biệt với người Việt. Bản thân tôi rất trân trọng gia đình Việt, văn hóa Việt nên tôi cảm thấy đó là một nỗi đau rất khủng khiếp. Tôi tự vấn rằng tất cả giá trị cốt lõi về huyết thống như: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, hay “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau…” xem ra chúng có phần nào bị mai một!
Về mặt chuyên môn, tôi lại suy nghĩ về những trách nhiệm khác. Trách nhiệm giáo dục gia đình, trách nhiệm giáo dục cộng đồng, trách nhiệm bảo vệ người thân… Và đặc biệt tôi cảm thấy xung đột và những nguy nan khi xử lý xung đột thậm chí liên quan đến tính mạng không chừa một ai. Chính trách nhiệm sâu xa này mới cần xem như là hệ lụy nếu chúng ta không tích cực giải quyết.
PV: Thưa PGS, như vụ việc nghi can Đặng Văn Tuấn giết người rồi phân xác nạn nhân nhằm phi tang. Nạn nhân có thể là vợ hờ của Tuấn. Theo Cơ quan CSĐT thì Tuấn sát hại vợ hờ khi phê ma túy đá. Tuy nhiên, trước khi sử dụng ma túy đá rồi gây tội ác, Tuấn đã có hành động không thể chấp nhận được đó chính là “cướp cô vợ hờ này từ chính người em ruột của mình”… Quan điểm cá nhân, tôi cho rằng chuẩn mực đạo đức cơ bản nhất của con người đã bị vi phạm rất nghiêm trọng trong trường hợp này. Quan điểm của PGS ra sao?
PGS-TS Huỳnh Văn Sơn: Tôi cho rằng đây là vấn đề khá nhạy cảm cần chờ sự kết luận của những cá nhân và ban ngành có trách nhiệm. Thế nhưng có hai vấn đề tôi có thể chia sẻ dựa trên những giả định.
Thứ nhất, việc rủ rê chính những người thân, người quen hay thậm chí là những người có một mối quan hệ thân tình ở mức độ nhất định với chúng ta đó là một tội ác lan tỏa. Tội ác này có sức ảnh hưởng và lan tỏa đặc biệt mà con người đôi lúc thiếu cả sự kiểm soát.
Thứ hai, việc giả định nếu có mối quan hệ "cướp tay" của những người vợ - chồng từ người thân một cách quá vô tư thì đó là sự lệch chuẩn về hành vi của con người. Sự lệch chuẩn đó có thể phân tích trên hành vi lệch chuẩn và hành vi lệch chuẩn xã hội là một biểu hiện của sự xuống dốc về đạo đức con người giữa cuộc sống và hơi thở hiện đại hôm nay.
Những trăn trở trên thực sự lớn khi chúng ta nhìn sâu hơn dưới góc độ gia đình, văn hóa gia đình, đạo đức…
PV: Và dưới góc độ là chuyên gia tâm lý, ông lý giải ra sao về vụ việc vợ chồng em ruột sát hại vợ chồng anh ruột nhằm chiếm đoạt 3.000m2 đất do cha mẹ để lại ở Kiên Giang?
PGS-TS Huỳnh Văn Sơn: Ở câu chuyện này, chúng ta có thể nhận thấy đó là sự "tham lam" đến mức vô cảm, sự "cạn tình"…
Rõ ràng, chúng ta đều trân trọng mạng sống của mình thì việc trân trọng mạng sống của người cùng huyết thống cũng chẳng thấp hơn. Việc sống cho mình đòi hỏi mỗi người cần nỗ lực. Nhưng chỉ biết đến mình để rồi cưỡng đoạt và thậm chí cuối cùng để đoạt mạng chỉ vì tài sản thì xem chừng quá tàn nhẫn… Vì hơn ai hết, chúng ta khó có thể vui khi người thân bị ta vô tình giẫm đạp, làm đau. Nhưng nếu đó là sự chủ động, là sự nóng nảy quá trớn hay thậm chí là stress thì đó là biểu hiện của sự tham lam, ích kỷ và quá tệ!
PV: Liệu có bi quan không khi cho rằng mối quan hệ gia đình ở thời điểm này đã không còn bền chặt như xưa, thưa PGS?
PGS-TS Huỳnh Văn Sơn: Tôi cho rằng đây là một nhận định có lý dù rằng cơ sở dữ liệu cần chứng minh. Thực ra, trên bình diện chuyên môn cũng như góc nhìn thực tiễn chúng ta nhận thấy thời gian quá gấp rút, cái khó của việc làm, cái vất vả của việc sống đủ đầy… làm người ta có lúc quên hẳn quan hệ gia đình. Mà đôi lúc chẳng thấy cái cần nhất là gia đình và đại gia đình thì người ta có thể dễ dàng ứng xử hay thậm chí là hành xử rất ngô nghê…
PV: Thưa PGS, có lẽ từ lâu rồi chúng ta hay phớt lờ những dấu hiệu báo động về sự xuống cấp đạo đức. Như, thầy hiệu trưởng mua dâm nữ sinh, đổi tình lấy điểm… Chính vì phớt lờ những dấu hiệu về việc xuống cấp đạo đức này, đã kéo theo hệ lụy bằng những vụ việc đớn đau mà chúng ta đã chứng kiến. PGS nghĩ thế nào?
PGS-TS Huỳnh Văn Sơn: Thực ra cần nhìn nhận thẳng thắn là chúng ta có nhiều cuộc thi hay cuộc biểu diễn A, B, C đều đi theo một hướng là quyết định, quyết định mà không nhất thiết phải lý giải. Vì thế lâu dài nó quyết định hành vi của đứa trẻ.
Mặt khác, mỗi môn học đều cố gắng hết sức thì kết quả học tập sẽ khá. Tuy nhiên, sao con người có thể kiểm soát hay bao phủ tất cả. Và chúng ta có thể chấp nhận sự tương đối. Nói cụ thể là mình rất có trách nhiệm với chính mình và cả cộng đồng.
Tuy nhiên, chúng ta cần rõ ràng về trách nhiệm của những người chịu trách nhiệm. Việc đằng sau thì chẳng thấy gì nhưng phía trước thì oang oang cũng chưa hẳn tích cực. Sự đồng bộ hóa cho từng câu chuyện hay vấn đề sẽ được cân nhắc mà thôi.
![]() |
Đặng Văn Tuấn - kẻ cướp người tình của em ruột rồi sau đó ra tay sát hại trong vụ án giết người phân xác chấn động cả nước vừa diễn ra. |
PV: Quan điểm của PGS như thế nào về việc gia đình chính trong mối quan hệ huyết thống?
PGS-TS Huỳnh Văn Sơn: Gia đình điểm tựa. Ngày xưa và giờ có thể khác nhau nhưng chắc chắn những giá trị đạo lý là những giá trị cần được tuân thủ. Với người Việt hôm nay, dù có nhiều giá trị truyền thống đã thay đổi nhưng quan hệ huyết thống mãi là quan hệ không phải chỉ là máu thịt mà còn là quan hệ mang tính tinh thần, tâm linh.
Mặt khác, gia đình là chiếc nôi để con người hoàn thiện mình. Có thể không phải lúc nào cũng thế nhưng chắc chắn rằng chiếc nôi ấy, câu hát ấy và những dữ liệu chắt chiu sẽ là hành trang không thể thiếu trong cuộc đời của mỗi người. Dù có sóng gió, có xung đột nhưng chắc hắn gia đình là chiếc nôi an toàn với những tâm hồn còn rung động.
PV: Liệu có giải pháp nào mang tính giáo dục giúp cá nhân hạn chế tư duy bạo lực trong cách hành xử nói chung, cũng như trong mối quan hệ giữa những thành viên trong gia đình với nhau nói riêng?
PGS-TS Huỳnh Văn Sơn: Tôi cho rằng những giải pháp giáo dục cộng đồng là rất cần thiết. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải có những chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam trường tồn cùng năm tháng. Ở đây không phải là sự ngợi ca mà là hành động để bảo vệ gia đình của chính mình. Khi trẻ em từ nhỏ đã yêu quý gia đình của mình, thần tượng gia đình và người cha - người mẹ, người anh - chị của mình thì gia đình trở nên vô cùng quan trọng.
Mặt khác, cần có những tuyên truyền mang tính hệ thống về việc bảo vệ hạnh phúc cho mình và những người thân. Song song là việc đưa luật phòng chống bạo lực gia đình trở nên gần gũi và sát sườn hơn với quần chúng và đi sâu vào thực tiễn. Đặc biệt, hãy tôn vinh những giá trị tốt đẹp ngay trong quan hệ gia đình, với chính người thân yêu, cùng huyết quản thì mới giúp con người có những hành xử nhân văn trong cuộc sống…
PV: Rất cảm ơn PGS vì cuộc trao đổi này!
Tiến sĩ Trương Văn Vỹ - Chuyên gia xã hội học tội phạm: “Nền tảng giáo dục từ gia đình là quyết định”
Bây giờ trường hợp anh em trong gia đình "tương tàn" nhau rất nhiều, theo tôi tất cả cũng xuất phát từ lợi ích mà thôi. Trong xã hội học có nói mọi hành động của con người đều xuất phát từ lợi ích, lợi ích càng lớn người ta lại càng cố gắng hành động. Và thực tế là có rất nhiều câu chuyện “huynh đệ tương tàn” cũng vì mâu thuẫn lợi ích mà ra. Đơn giản như trong quá trình gia đình chia gia tài, đất đai nhưng không đồng đều nên dẫn đến mâu thuẫn về tài sản, lợi ích và dẫn đến xung đột gia đình khi không giải quyết được.
Có những tình cảm rất lớn lao, như tình cảm gia đình, huyết thống nhưng nếu không dung hòa được lợi ích thì anh em rồi cũng có thể dễ dàng thành kẻ thù của nhau thôi. Anh em có lợi thế là hay ở gần nhau, bên nhau từ nhỏ, cùng cha mẹ nên phải thấu hiểu nhau nhưng thực ra là anh em trong nhà rất khác biệt. Mỗi người đều có sự khác biệt về tính cách, dẫu có tình cảm anh em, huyết thống nhưng trước tình trạng sợi dây tình cảm gia đình trong xã hội ngày nay đang ngày càng yếu dần đi.
Vì thế, khi phát sinh mâu thuẫn, nhất là mâu thuẫn lợi ích thì chuyện anh em ra tay với nhau là hoàn toàn có thể xảy ra. Ngày xưa có sự gia trưởng trong gia đình, cha nói con phải nghe. Nhưng bây giờ mọi người trở nên bình đẳng với nhau, nên mâu thuẫn xảy ra mà thiếu người hòa giải, phân xử. Đó cũng là nguyên nhân gây bi kịch càng nhiều.
Còn nói về lý do sợi dây tình cảm gắn kết các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo thì có vô vàn lý do trong bối cảnh của xã hội ngày nay. Cha mẹ thì lo bươn chải với cơm áo gạo tiền; gia đình bây giờ lại có xu hướng sinh con cách xa nhau, thậm chí đến cả chục năm. Những đứa trẻ đó thì vẫn là anh em của nhau đấy nhưng lại khó chơi được với nhau… Mối quan hệ gia đình lỏng lẻo cũng xuất phát từ vấn đề kinh tế mà ra cả.
Rồi bây giờ, cha mẹ không thường xuyên quan tâm đến con cái, họ cứ phó mặc cho nhà trường và nghĩ lo cho chúng đầy đủ về vật chất là đủ rồi. Nhưng đó là một quan niệm sai lầm mà ít ai chịu nhận ra. Nhà trường chỉ dạy kiến thức chuyên môn, có chăng thì thầy cô giáo chỉ có thể khuyên nhủ vài điều; còn sự giáo dục của xã hội thì ngày càng mong manh hơn, bởi xã hội có nhiều thành phần, biết con bạn sẽ gặp phải những đối tượng nào đây! Vì thế, nền tảng giáo dục từ gia đình sẽ quyết định cho việc hình thành nhân cách một con người