Những kẻ cướp mạo danh "Hoạn Thư"

Thứ Tư, 27/09/2017, 16:52
Gần đây, trên đường phố đang rộ lên một chiêu thức cướp mà người đi đường dù có phát hiện cũng không mấy khi can thiệp hay giúp đỡ nạn nhân. Đó là chiêu thức giả đánh ghen của các "hoạn thư" giả…


1. Bọn cướp quá chuyên nghiệp, lên kế hoạch bài bản khiến chị D. (25 tuổi, ngụ Bình Chánh không kịp trở tay, chỉ biết ôm đầu chịu đòn mà không thể nhờ người xung quanh giải cứu. Thậm chí người chứng kiến còn dè bỉu cái tội "cướp chồng người" mà chị D. tự dưng bị đeo vào cổ.

Một tối đầu tháng 9, chị D. đi xe máy đến gần cầu Hòa Thới 1, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh thì bất ngờ có một nhóm người đuổi theo quát nạt buộc chị dừng xe. Hai nam, 3 nữ trên xe hùng hổ dựng chân chống sáp vào. Ba đối tượng nữ hung hăng đấm đá, giật tóc và luôn mồm chửi chị: "Mày cướp chồng tao hả?".

Nhiều vụ dàn cảnh đánh ghen cướp tài sản ngoài đường nhưng người dân thờ ơ vì các đối tượng diễn quá sâu.

Chị D. không hiểu chuyện, chỉ cố phân bua rằng họ đã nhìn lầm người. Nhóm cướp lao vào giằng chiếc ĐTDĐ trị giá hơn 10 triệu đồng, túi xách tay có một số tiền mặt và giấy tờ tùy thân của chị rồi tẩu thoát. Chúng còn ngoái lại dằn mặt: "Bỏ, chừa nha mày".

Sắm vai "Hoạn Thư" đi cướp không mới. Nạn nhân đa phần là phụ nữ, dáng bề ngoài hiền lành. Khi gặp nạn, họ cứ ngỡ mình bị "đánh ghen" lầm và ra sức thanh minh mà ít khi chú ý đến việc bảo vệ tài sản mang theo. Các băng nhóm này bộ dạng thường hung dữ, "diễn" vai "Hoạn Thư" rất ngọt. Các đối tượng nữ thường lao vào đánh đấm, la hét, tỏ vẻ giận dữ, bực tức khi bị "cướp chồng", khiến nạn nhân xanh mặt. Chúng còn mang theo đồ nghề rất hợp với một vụ đánh ghen thực sự như kéo, dao lam, axit…

Trên mạng xã hội vẫn đang truyền lan một clip "đánh ghen" ở đường Phạm Văn Đồng (TP Hồ Chí Minh). Một cô gái trẻ đi xe tay ga trong đêm bị 2 đối tượng đạp ngã xe. Một đối tượng hùng hổ bước xuống lao vào đấm đá không cho nạn nhân mở lời. Qua những câu chửi rít qua kẽ răng của đối tượng, người dân nghĩ rằng cô gái bị người chồng đánh ghen vì dám hẹn hò với bạn trai quen trên mạng xã hội.

Không một ai can ngăn vì cho rằng đó là chuyện riêng của vợ chồng người ta. Cô gái bị đánh đau quá chỉ biết khóc mới có một người đàn ông bước đến can ngăn. Kẻ sắm vai chồng lấy điện thoại của cô gái rồi lên xe bỏ đi. Cô gái nức nở cho hay không biết người đàn ông đánh mình là ai!

2. Tự dưng thành kẻ "cướp chồng người khác", "đi theo trai" bị chồng phát hiện, bị đánh giữa đường, bị "thu hồi tài sản", nạn nhân thường bị người đi đường dửng dưng, dè bỉu. Họa hoằn có người định can ngăn nhưng họ thường bị đe dọa, cũng chẳng ai dám sốt sắng, chỉ tặc lưỡi "chuyện của người khác mình xía vào làm gì?".

Nghiện game, nhóm đối tượng dàn cảnh đánh ghen cướp tài sản.

Một lần đi trên đường Nguyễn Trãi (quận 5) anh Thành (ngụ Q.6) phát hiện có  một nhóm phụ nữ vây quanh một cô gái trẻ chửi bới, đánh đập. Anh Thành dừng xe can ngăn thì bị nhóm người phụ nữ chửi bới, đe dọa. Lát sau có thêm  nhiều người chạy đến, nhóm người này mới bỏ đi. Lúc đó anh mới biết cô gái tự dưng bị đánh, bị vu là cướp người yêu người khác. Cũng may nhiều người cùng can thiệp nên các đối tượng chưa cướp được gì.

Sử dụng chiêu thức đánh ghen để cướp tài sản thường những đối tượng cướp chuyên nghiệp. Nhưng cũng có những đối tượng tay mơ làm liều. N.T.N.N., 20 tuổi  (ngụ quận 11) đã sớm rời bỏ gia đình tụ tập sống bầy đàn, nghiện hàng đá nặng. Công viên, khách sạn là nơi N. và nhóm bạn coi là nhà.  Trong một lần đói thuốc, N nghĩ đến người yêu cũ N.H.P.T., cũng là một con nghiện hàng đá.

Theo kế hoạch, N. sẽ vào vai chính hẹn anh T. ra nói chuyện để các đối tượng khác giả đánh ghen xông vào cướp xe máy và ĐTDĐ. Nhóm N. đem cầm "chiến lợi phẩm" được 800 ngàn mua hàng đá rồi vào khách sạn phê. Anh T. đến công an trình báo. Chỉ vài giờ sau, cả nhóm N. phải xộ khám.

 Nguyễn Thị Tuyết Huyền (18 tuổi, ngụ Dĩ An, Bình Dương) cũng bỏ nhà theo bạn sống lang thang, nghiện game nặng. Hết tiền, Huyền nghĩ ngay đến người bạn trai cũ là Đ.X.N. (24 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh) nên rủ đồng bọn lên kế hoạch cướp. Huyền chủ động gọi điện rủ anh N. lên Dĩ An, gặp nhau tại cổng nghĩa trang trong khu phố Thống Nhất "tâm sự".

Khi anh N. đến thì 5 đối tượng trong nhóm Huyền phục sẵn xông vào đánh xỉu tại chỗ, cướp xe tay ga cùng 3 triệu đồng. Tiền cướp được và bán chiếc xe anh N cả nhóm chia nhau nướng vào game cho đến khi bị bắt.

Trò cũ đang rộ lên, đa phần đều thực hiện phạm tội trót lọt, một cán bộ Phòng PC45 Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo: Khi rơi vào các trường hợp tương tự, người bị hại cần bình tĩnh, không tỏ ra sợ sệt, yếu đuối, bởi nếu tâm lý của nạn nhân như vậy sẽ khiến người đi đường lầm tưởng các nạn nhân là người có lỗi thật nên bàng quan không trợ giúp. Khi bỗng dưng bị đánh ghen bất ngờ nạn nhân nên truy hô để mọi người xung quanh biết mình bị cướp để được họ hỗ trợ.

Người đi đường khi phát hiện các vụ việc như trên cũng cần hỏi thăm, giúp đỡ nạn nhân trước khi các đơn vị chức năng có mặt tại hiện trường. Dù nạn nhân không bị cướp nhưng kiểu bạo hành nhiều người đánh một người thì người dân cũng không nên bàng quan. Ngoài việc nhanh chóng gọi điện báo ngay với lực lượng chức năng, người chứng kiến cũng nên ghi nhận biển số xe, đặc điểm của các đối tượng để cơ quan chức năng có cơ sở điều tra, xử lý.

Mạnh Đức-Văn Hào
.
.