Những vụ trộm tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng

Thứ Sáu, 31/03/2006, 07:21

Bọn trộm không ngại dùng súng, máy bay trực thăng, cần trục để trộm những bức tranh hay những món đồ cổ quý  trị giá từ 1 triệu tới cả trăm triệu USD tại các bảo tàng lớn trên thế giới.

Vụ trộm ở Mỹ năm 1911

Charles Wrightsman, doanh nhân dầu lửa người Mỹ đã mua bức tranh “Chân dung  Bá tước Wellington” với giá 392.000 USD  của Goya vào năm 1961. Sau đó ông mang bức tranh về Mỹ ủng hộ chính phủ, treo ở Bảo tàng tranh quốc gia Mỹ. Một thời gian sau đó bức tranh đã bị đánh cắp và được chuộc lại. Tên trộm đã bị bắt.

Vụ trộm tại Italia năm 1975

Italia được xem là ngôi nhà của những tác phẩm nghệ thuật kinh điển, đắt giá, tuy nhiên, đây cũng là xứ sở của những tên trộm tranh. Hai bức tranh của họa sĩ nổi tiếng  Piero della Francesco là “Chúa bị hành hình” và bức “Khoảng lặng” của Raphael đã bị đánh cắp tại Bảo tàng Ducal ở vùng Urbino.

Đây được xem là vụ trộm của thế kỷ. Những tên trộm địa phương đã thắng lớn từ việc bán những bức tranh này ra thị trường thế giới. Khi được phát hiện ở Locarno, Thụy Sĩ, năm 1976 thì một số bức đang bị phá hủy và phải chờ thời gian phục chế.

Vụ trộm ở Pháp năm 1985

9 bức tranh đắt giá, trong đó có những bức tranh nổi tiếng như: “Những người tắm vùng Renoir”, “Ấn tượng Monet”, “Viễn Đông Levant” đã bị đánh cắp tại Bảo tàng Marmottan ở Paris. Nhóm tội phạm hành động trực tiếp thừa nhận vụ trộm này, nhưng nhiều bức tranh nổi tiếng đã được bán sang Nhật, trong đó có bức “Corot” đã rơi vào tay trùm găngxtơ Nhật Shuinichi Fujikuma. Tên này đã từng bị bắt ở Pháp năm 1978 về tội buôn bán ma túy.

Vụ trộm tại Mexico năm 1985

Lợi dụng sự mất cảnh giác của 8 nhân viên bảo vệ Mexico tại Bảo tàng quốc gia trong Lễ Giáng sinh, 140 tác phẩm nghệ thuật bằng vàng, của các bộ lạc cổ xưa như Maya, Aztec, Zapotec, Miztec đã bị lấy mất. Tổng giá trị của những tác phẩm nghệ thuật trên lên tới 20 triệu USD. Đây là bài học cảnh tỉnh cho công việc bảo vệ những tác phẩm nghệ thuật ở các nước.

Vụ trộm tại Hà Lan năm 1988

Bảo tàng nổi tiếng Kroller-Muller tại Otterlo của Hà Lan cũng đã bị bọn trộm lấy đi các bức tranh quý giá của Van Goghs như “Hoa hướng dương”, “Những người thợ dệt”, “Những người ăn khoai tây”. Chỉ một thời gian sau những bức tranh này đã bị copy trộm, sau đó 5 trong số 10 bức của Van Goghs được bán với giá 53,9 triệu USD. Còn 2 bức bọn trộm đòi chuộc với giá 2,5 triệu USD, nhưng cảnh sát đã bí mật cài bẫy tóm gọn cả bọn.

Bức "Bão trên biển Galiee".

Vụ trộm tại Mỹ năm 1990

Vào lúc nửa đêm, hai tên trộm trong trang phục cảnh sát đã bí mật đột nhập vào Bảo tàng Isabella Stewart Gardner  Boston đòi kiểm tra. Bọn chúng còng tay và  khống chế người bảo vệ. Sau đó chúng đã lấy đi các bức tranh quý: “Buổi hòa nhạc” của Vermeer, “Bão trên biển Galilee” (tranh được vẽ trên tàu thủy của quân đội Mỹ); “Chez Tortoni” của Degas. Một số đồ dùng như cốc chén bằng vàng của Trung Quốc, cột cờ thời Napoléon cũng bị bọn trộm cuỗm đi. Giá trị tài sản bị trộm là hơn 300 triệu USD.

Năm 1997, bảo tàng treo giải thưởng từ 1 - 5 triệu USD cho những ai tìm được số tang vật bị mất. William P. Youngworth III, nhân vật chuyên buôn bán đồ cổ nói rằng, sẽ mách nước cho các nhà điều tra tên một nhân vật đang giữ bức tranh có tên “Bão trên biển  Galilee”. Tuy nhiên, nhân vật đang giữ bức tranh trên có tên là Connor đòi tiền chuộc. Do không thỏa thuận được cuối cùng Connor bị bắt trong khi tranh vẫn không tìm được.

Vụ trộm tại bảo tàng quốc gia Kuwait

Tại đây, cất giữ nhiều đồ cổ của thế giới Hồi giáo và của gia đình quý tộc Al Sabah trong những năm 70-80 của thế kỷ XX, cùng với nhiều bức tranh cổ Ba Tư quý giá của nhiều họa sĩ có tên tuổi lẫn không đề tên đã bị bọn trộm đục tường mang đi trên những chiếc xe tải. Hiện nay, hy vọng tìm thấy những đồ vật quý trên là rất khó, chúng đã được tẩu tán đi đâu không rõ.

Vụ trộm tại Hà Lan tháng 4/1991

Đã có 4 người đàn ông Hà Lan bị bắt khi trộm hơn 20 bức tranh của Van Goghs tại Bảo tàng Stedelijk ở Amsterdam. 3 trong 4 bức tranh bị đánh cắp đã bị hư hỏng nặng.

Bức tranh "Tiếng thét".

Vụ trộm tại Scotland năm 2003

Bọn trộm đã lọt vào lâu đài Drumlanrig của nhà Công tước Buccleuch lấy đi nhiều bức tranh quý, trong đó có bức đắt giá của Leonardo da Vinci vẽ cách đây hơn 500 năm trị giá 50 triệu USD. Công tước Buccleuch được xem là nguời giàu có nhất Scotland với lâu đài nghệ thuật Drumlanrig trị giá 716 triệu USD, trong đó đáng chú ý là bức tranh “Người phụ nữ già đang đọc” hay bức “Chân dung ngài Holbein”.

Vụ trộm tại Na Uy tháng 8/2004

Tại Bảo tàng quốc gia Na Uy, bức tranh “Tiếng thét” nổi tiếng nhất thế giới vẽ theo trường phái hiện thực đã bị bọn trộm lấy đi sau khi chúng dùng súng đe dọa tính mạng của những người bảo vệ. “Tiếng thét” trị giá 74,5 triệu USD, nhưng bảo tàng vẫn không bán, vì thế nó được xem là bức vô giá. Sau khi lấy trộm, bọn tội phạm trốn biệt tăm, vì thế không hy vọng gì bức tranh trở về

Văn Nguyễn (theo Forbes)
.
.