Nở rộ lừa đảo bán hàng công nghệ cao

Thứ Ba, 06/11/2012, 15:05

Trò lừa đảo bán hàng "hi-tech" (hàng công nghệ cao như điện thoại di động, laptop…) dường như đang lan tràn với tốc độ chóng mặt tại Hà Nội và nhiều vùng lân cận. Và "độc chiêu" của chúng là bán hàng "xịn" giá "bèo" (hàng tốt, chất lượng cao mà lại rẻ bất ngờ, rẻ dưới mức bình thường).

I. Vừa rời khỏi cây ATM, Nguyễn Thắng (sinh viên năm thứ nhất Trường đại học Quốc gia Hà Nội) bỗng "vấp" phải một phụ nữ đi bộ ngược chiều. Người phụ nữ mặc bộ đồ bình dân, trông hơi quê mùa níu Thắng lại để "nhờ tắt hộ chiếc điện thoại Iphone". Chị ta kể, giọng run run: "Cái điện thoại này chị nhặt được của một ông to béo, đi ôtô đánh rơi ở cổng bệnh viện. Từ sáng tới giờ chuông cứ reo liên tục mà chị không dám trả lời, cũng không biết tắt đi ở chỗ nào cả".

Vốn vừa rời quê lên Hà Nội học, nên Thắng cũng chỉ biết IPhone qua tivi, qua mạng Internet chứ đã sờ vào lần nào. Loay hoay một hồi mới tắt được. Người phụ nữ kia đề nghị: "Thực ra chị cũng không muốn lấy cái điện thoại này đâu. Nhưng nếu nghe máy người ta lại tưởng mình trộm cắp thì chết. Vả lại chị cũng cần tiền. Con gái chị vừa bị tai nạn giao thông phải nhập viện. Hay là em mua giúp chị đi, chị bán rẻ cho".

Nghe bùi tai, Thắng đồng ý mua chiếc điện thoại với giá 3 triệu đồng - là số tiền bố mẹ vừa gửi lên cho Thắng để nộp học phí, và tiền ăn của cả tháng. Ngoài ra Thắng còn biếu thêm chị ta 50 ngàn để mua sữa cho cháu bé. Chẳng ngờ, sau khi mang ra cửa hàng để nhờ cài phần mềm, người chủ cửa hàng đưa trả lại ngay: "Chú em trông bảnh bao đẹp trai thế này mà dùng hàng "phếch" (fake: hàng nhái) à? Cái điện thoại này bộ nhớ nhỏ lắm, có tải được cái gì đâu".

"Em… em tưởng đây là iPhone xịn?" - Thắng ngỡ ngàng. Người chủ cửa hàng rút ngay trong túi quần một chiếc Iphone trông "khôn" hơn của Thắng rất nhiều bảo: "Đây mới là iPhone xịn, chú ạ! Thế con này chú mua bao nhiêu tiền?". "Dạ 3 triệu anh ạ". Người chủ cửa hàng cười phá lên: "Bó tay với chú em. Con này ngày xưa anh bán khối ra. 800 ngàn/cái là hết cỡ". Thắng nghe xong mà không tin vào tai mình.

Thúy, nhân viên một công ty truyền thông có thói quen mua hàng "online". Một bữa Thúy đọc được trên một trang rao vặt: "Mình đang cần tiền để trang trải một số công chuyện nên bán lại gấp chiếc điện thoại Samsung Galaxy Note. Máy của bạn gái dùng nên máy còn mới lắm, đầy đủ hộp phụ kiện theo máy đúng hàng chính hãng. Máy không có một vết trầy xước gì cả, mấy bạn cứ yên chí, mình bảo đảm là máy còn zin 99%. Giá chỉ có 5,7 triệu đồng thôi (rẻ bằng một nửa so với giá trị thực). Anh/chị nào muốn sở hữu chiếc điện thoại mới này thì hãy liên hệ nhanh nha vì mình đang cần tiền gấp: 09891186xx gặp Phúc".

Sau khi liên lạc với Phúc, Thúy được hướng dẫn đến một con ngõ ngoằn ngoèo trên phố Hào Nam. Tại đây, sau khi chờ 30 phút thì một thanh niên trông dáng vẻ bảnh bao, người đeo lủng lẳng nhẫn, dây chuyền, xích… bằng vàng mang hàng ra. Người thanh niên vừa đưa hàng vừa giục: "Chị xem nhanh nhé, vì cũng có một khách ở Khâm Thiên đang giục em mang hàng cho họ xem. Em thấy chị nhiệt tình mua, lại "đặt gạch" trước nên em mang cho chị xem trước. Chứ bên kia trả em hẳn 7 triệu cơ".

Nhìn chiếc Galaxy Note mới cáu, còn nguyên hộp có tem chống giả của Samsung, số Imei trùng khớp với phiếu bảo hành, thẻ Club, tem phân phối chính hãng của FPT, chị Thúy phấn khởi móc ví trả 5,7 triệu và mời thanh niên này vào quán cà phê gần đó uống nước tiện thể hỏi cách sử dụng. Nhưng viện lý do "em phải về chăm con, có gì chị cứ gọi alô cho em" rồi cậu ta vội vã quay ra. Khi về nhà chị Thúy mới tá hỏa vì chiếc điện thoại đời mới cảm ứng cực "lởm", chạm mãi mà không thấy chạy. Các chức năng chơi game thì giật đùng đùng; chụp ảnh xấu không thể tả. Lúc này mang ra hiệu chị mới ngã ngửa phát hiện đấy là hàng nhái của nước ngoài, giá chưa đến 3 triệu đồng. Gọi vào số máy của Phúc thì…ò í e.

Tuấn Anh, chủ một cửa hàng sửa chữa điện thoại trên phố Huế cho chúng tôi biết, hiện trên thị trường hễ có chiếc điện thoại nào "hot" là chỉ dăm bữa nửa tháng sau lập tức sẽ có điện thoại nhái y chang, với giá chỉ bằng một nửa thậm chí bằng 1/3 giá chính hãng. Trong số những thương hiệu di động hiện nay, "dế" của Samsung (trước đây là Nokia) là bị làm giả nhiều nhất sau đó là tới iPhone, HTC….

Cũng theo Tuấn Anh, có một kịch bản mà bọn lừa đảo ưa dùng hơn cả là nhằm vào những người nhẹ dạ và ham của rẻ, ít có kinh nghiệm sử dụng các sản phẩm điện thoại cao cấp như iPhone, Samsung Galaxy... Kẻ lừa đảo thường vào vai người lao động như buôn đồng nát, bán vé số, bông tăm, kẹo cao su hoặc công nhân, dọn nhà giúp việc… ở quê ra thành phố, tình cờ nhặt được chiếc điện thoại xịn nhưng không biết cách tắt máy, nhưng thực chất là hàng iPhone nhái của Trung Quốc, giá chỉ vài trăm ngàn đồng.

Nạn nhân được chọn để lừa thường là người chưa quen thuộc với các dòng điện thoại đắt tiền như iPhone, có thể là sinh viên trông hơi lơ ngơ, người bán hàng, người có tuổi… Kẻ lừa đảo thường tiếp cận nạn nhân bằng cách nhờ tắt giúp nguồn vì máy cứ đổ chuông liên tục, hoặc nhờ định giá chiếc điện thoại này vì vừa nhặt được, gia đình nghèo lại đang có người ốm nên muốn bán khoảng 1-2 triệu để có chút tiền trang trải thuốc men…

Do bị lừa bởi vẻ nhà quê, thật thà chất phác cùng hoàn cảnh kể lể khó khăn của các "nữ quái lừa" này, nhiều người cả tin đã mất oan hàng triệu đồng. Kẻ lừa đảo ra vẻ lấm lét sợ sệt, dấm dúi đưa iPhone cho nạn nhân xem qua rồi cầm lại ngay vì "sợ bị người mất máy tìm thấy, đòi lại". Cá biệt có những nạn nhân trong người không có đủ tiền liền đi "vay nóng" khắp nơi để mua bằng được chiếc điện thoại mà sau này mới phát hiện ra là hàng "rởm".

Chiêu lừa đảo này được phát hiện đầu tiên ở TP HCM, sau đó bắt đầu lan ra Hà Nội, Ninh Bình, Hà Nam… Đồng nghiệp của chúng tôi ở một báo điện tử cho biết đã có rất nhiều nạn nhân của trò lừa đảo trên phản ánh lên báo để làm bài học cảnh giác cho người khác.

Cư dân mạng khuyến cáo về những trò lừa đảo bán hàng hi-tech.

II. Với những người "gà" (kém hiểu biết) về đồ công nghệ cao, các đối tượng sẽ thường áp dụng những chiêu trên. Còn với những người có hiểu biết thì các đối tượng lại có nhiều chiêu trò tinh vi hơn.

Chính Tuấn Anh cũng từng là nạn nhân một vụ lừa đảo, mà cho đến giờ nghĩ lại vẫn còn bàng hoàng không tin nổi sự thật phũ phàng. Đó là cái dạo cậu mới mở cửa hàng được một thời gian nên rất chiều khách, thường tự đi giao hàng tận nơi miễn phí. Một buổi chiều, Tuấn Anh vừa giao hàng cho khách và đi bộ về cửa hàng thì gặp một cô gái rất xinh đẹp, ăn mặc cũng khá mát mẻ. Cô gái đi lướt qua Tuấn Anh rồi quay lại thỏ thẻ giọng oanh vàng: "Anh ơi cho em nhờ một chút".

Tuấn Anh quay lại thì cô ta lấy trong túi xách ra một chiếc điện thoại Mobiado rồi năn nỉ "anh mua giùm em đi, em đang có việc gấp cần tiền". Sau kiểm tra máy thấy đúng hàng chuẩn, cuộc ngã giá bắt đầu. Đầu tiên cô gái đòi 15 triệu đồng (Mobiado chính hãng giá khoảng 20 triệu đồng). Sau một hồi cò kè bớt một thêm hai, cuối cùng cô gái đồng ý để lại cho Tuấn Anh giá 10 triệu đồng. Cậu ta vừa nhét chiếc điện thoại mua được với giá hời vào túi quần, nhưng đến lúc đếm tiền đưa thì cô gái lại đòi thêm 5 triệu nữa.

Tuấn Anh định mắng cho cô ta một trận, nhưng vì nể "người đẹp" nên đành cố nhịn đòi lại tiền, đồng thời trả lại máy cho cô ta. Và cái bẫy được sập xuống khi Tuấn Anh vừa quay đi thì cô gái gọi lại, đưa máy cho Tuấn Anh và đồng ý 10 triệu đồng. Vì đã kiểm tra kỹ rồi nên Tuấn Anh đưa tiền cho cô gái rồi đi về cửa hàng gấp vì có khách hàng gọi xem máy. Về đến nhà, giở máy ra thì Tuấn Anh mới ngã ngửa người khi phát hiện món hàng thực ra là Mobiado hàng fake (trị giá khoảng 4-5 triệu đồng).

Chiếc điện thoại di động Mobiado "nhái" (giá hơn 1 triệu đồng) sẽ được các đối tượng lừa đảo rao bán với giá hàng chục triệu đồng.

Thậm chí, bọn lừa đảo còn làm giả cả giấy tờ để thực hiện âm mưu của chúng. Anh Nguyễn Long đọc trên mạng thấy một cô gái bán một chiếc Macbook pro với giá chỉ bằng một nửa giá thị trường. Liên hệ mua bán, cô gái tiết lộ vì là "hải quan sân bay" nên có rất nhiều nguồn hàng giá rẻ. Để làm tin cô ta còn cho Long xem chiếc thẻ ngành qua webcam.

Sau khi chiếm được lòng tin của Long, cô gái đòi Long gửi tiền rồi mới chuyển hàng. Cẩn thận, Long chỉ gửi một nửa tiền khi nào nhận được hàng thì sẽ gửi nốt. Sau khi gửi cho cô ta 10 triệu đồng, Long nhận được chiếc Macbook pro nhái. Chỉ có vỏ giống Macbook, còn cấu hình bên trong thì còn tệ hơn những chiếc laptop giá rẻ mà trên thị trường bán với giá 3-4 triệu đồng.

Chưa hết, có những đối tượng thậm chí còn làm giả cả giấy tờ của các công ty chuyển phát nhanh xác nhận đã chuyển hàng để thúc giục người mua chuyển tiền cho chúng. Nếu ai không kiểm tra kỹ lưỡng thì sau khi chuyển tiền, người bán lập tức sẽ "im thin thít và lặn mất tăm".

Bên cạnh đó, chiêu nhờ vận chuyển hàng hộ cũng là một trong những thủ đoạn mới của các đối tượng lừa đảo. Cách đây chưa lâu, Công an phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) đã phát hiện, bắt giữ một đối tượng lừa đảo hàng hi-tech với thủ đoạn khá tinh vi.

Quách Trung Kiên - học sinh một trường THPT đang đứng ở cổng trường thì một thanh niên đi xe máy dừng lại làm quen. "Người này cầm trên tay chiếc túi nilon, trong có 3 máy khoan hãng Makita và đặt vấn đề thuê em giao đến một nhà dân ở đường Thanh Niên, nhận về 12 triệu tiền hàng. Xong việc sẽ trả công 800.000 đồng…".

Không một chút nghi ngờ Kiên đồng ý đặt cọc túi xách trong có chiếc máy tính xách tay Macbook pro với giá hơn 20 triệu đồng. Chờ Kiên đi khỏi, đối tượng phóng xe tẩu thoát. Ngay trong buổi chiều, Công an phường Trúc Bạch đã tổ chức điều tra bắt giữ đối tượng nghi vấn khi hắn đang lang thang trên đường Trần Nhật Duật, thu giữ tang vật.

Đối tượng lừa đảo chiếm đoạt máy tính bị Công an phường Trúc Bạch phát hiện, bắt giữ.

Đối tượng là Trần Quang Oánh (36 tuổi, ở huyện Thường Tín, Hà Nội). Oánh khai rằng hắn mua máy khoan Trung Quốc với giá 150.000 đồng/chiếc ở quê, mục đích mang lên các quận nội thành lừa đảo những người nhẹ dạ để chiếm đoạt tài sản.

Một số kinh nghiệm chống lừa đảo khi giao dịch trên mạng:

- Kiểm tra kỹ thông tin xác nhận đảm bảo như địa chỉ, số điện thoại, email người bán. Tốt nhất là nên mua bán tại địa điểm đảm bảo như nhà riêng, nơi tạm trú, tránh giao dịch ngoài đường.

- Nếu ở xa cần vận chuyển phải chọn những đơn vị có tên tuổi, đảm bảo mới tiến hành chuyển hàng/tiền.

- Chú ý khi giao dịch với những thành viên hay nick mới đăng ký.

- Cảnh giác với những mặt hàng giá trị nhưng giá rẻ bất ngờ.

- Liên tục cập nhật thông tin danh sách lừa đảo tại các diễn đàn.

Minh Tiến
.
.