Nỗi đau của cô bé trong nghi án bị đốt ở Long An

Thứ Năm, 10/11/2011, 13:45

Cuối tuần, nhà báo Mai Lan ở Đài Truyền hình Việt Nam gọi điện thoại cho tôi, bảo rằng: "Chị định xuống Tân Hưng, Long An thăm bé gái bị đốt cách đây gần hai năm, trong nghi án cưỡng hiếp đốt người, em đi cùng chị không?". Tôi nhận lời mà không cần suy nghĩ.

Ngồi với tôi trên chiếc xuồng máy cũ, trên đường vào nhà chị, chị kể: ngày anh chị mới lấy nhau, nghèo nên bám mặt vào các gạc ba của cây tràm tìm tổ ong mật bán. Ngày nào trời thương thì kiếm được chừng hai tổ, bán được vài mươi nghìn. Ngày nào không may, hai vợ chồng nhìn nhau thở dài quay xuồng về túp lều rách nát… Anh bị ong "đánh" (chích, đốt) đến sưng vù mặt mũi là chuyện vẫn thường xảy ra. Nhìn chồng mặt mày sưng húp, không nhíu nổi mắt để nhìn xuống mâm cơm, nước mắt chị cứ lăn dài trên má. Chị nghĩ, phải làm sao để con cái sau này được ăn học đàng hoàng, tránh được cái khổ như anh chị. Vậy mà, tai ương có buông tha chị đâu...

Nhà nghèo vận rủi

Xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An mùa này nước cao quá nửa thân cây tràm. Những nóc nhà tranh ngập ngụa trong nước… Nước màu đùng đục, không khí vô cùng buồn bã. Cô bé bị đốt chưa đến 15 tuổi, có tên là Ngô Thị Bé Hiệp, năm mà Hiệp bị xô vào đống rơm trong nghi án ấy, Hiệp mới 13 tuổi. Cha của Hiệp là anh Ngô Văn Tâm, 39 tuổi, nét khắc khổ in hằn trên khuôn mặt, dáng người gầy gò, đen nhẻm, ngay cả nụ cười cũng nhọc nhằn. Nhìn anh như đã ngoài ngũ tuần. Mẹ của Hiệp là chị Võ Chị Cúc, cũng như chồng, chị già hơn rất nhiều so với cái tuổi 39 của mình.

Biết là có đoàn nhà báo từ Sài Gòn xuống, ngay từ tờ mờ sáng, anh chị đã đánh ghe máy ra quốc lộ, ngồi ké quán cà phê bên đường để đón khách. Chị vừa nói vừa kéo áo lau nước mắt, bảo với tôi là cả đêm qua chị không ngủ được. Mỗi lần có nhà báo về, là chị lại lâm vào tình trạng ấy. Hy vọng cứ được thắp lên rồi tàn lụi dần.

Chị thương bé Hiệp con chị đến đau lòng, nhưng chị không biết làm sao. Đời anh chị đã xác xơ, không lẽ đến đời của bé Hiệp con chị, cũng phải lâm vào cảnh xơ xác.

Tôi nghe hết câu chuyện của chị, buồn đến rũ người. Lặng im, không biết nên nói gì. Tiếng ghe máy phành phạch, trời trưa chói nắng, cái máy đuôi tôm bắn một ít nước vào người, tự dưng lại thấy lành lạnh. Lạnh người vì câu chuyện của chị chứ không phải vì những yếu tố ngoại cảnh khác.

Năm chị 20 tuổi, thì chị gặp anh. Chị lấy nghề làm thuê để phụ cha mẹ nuôi đàn em nheo nhóc. Anh cũng lấy nghề làm mướn đỡ đần gia đình. Cái nghèo gặp nhau như duyên như nợ từ tiền kiếp, anh chị lấy nhau với của nả để dành được là mảnh đất con con giữa đồng, đủ để lợp mấy tấm lá dừa nước làm chỗ chui ra chui vào. Gọi đấy là cái chòi, cái lều hay cái nhà đều được. Tính người vùng sông nước bao giờ cũng đơn giản...

Anh chị nhà nghèo túng do đông con. Hiệp là con thứ hai.

19 năm thành chồng thành vợ, cái nghèo vẫn cứ bám theo anh chị dai dẳng. Chị biết, để thoát khỏi cảnh khổ như anh chị, con cái cần được học hành. Chị đi róc vỏ cây tràm thuê, ngày được 20 nghìn. Anh làm mướn được khoảng chừng ấy tiền. Rảnh rỗi thì đi lưới thêm con cá, kiếm ong... Nhưng con chị đều được đến trường. Cái học trong tâm thức của chị là điều gì đó thiêng liêng lắm, chị tự luận từ chính bản thân của vợ chồng mình. Anh không biết chữ, chị cũng vậy. Lên Cơ quan điều tra để làm việc, vụ án liên quan đến bé Hiệp anh chị đều lăn tay, điểm chỉ.

Căn nhà nát của gia đình bé Hiệp.

Chị đủ nhận thức để biết rằng, không học là sự thua thiệt không gì có thể bù đắp được.

Hơn 15 phút ngồi xuồng máy, là đến nhà chị. Căn nhà nước ngập gần chạm nóc. Phía chái hiên trước chật xuồng, bà con xóm giềng nghe tin có nhà báo xuống làm việc về vụ bé Hiệp, vừa thương vừa mừng cho vợ chồng chị nên kéo lại rất đông. Mỗi người góp một chuyện, chuyện nào cũng có cái kết, đại loại, các cô chú làm ơn giúp đưa vụ việc ra ánh sáng, hai năm rõ mười, trắng là trắng đen là đen, chứ kiểu này bà con nghèo chúng tôi uất ức quá.

Trong căn nhà của chị, tài sản lớn nhất ngoài cái tủ thờ cẩn xà cừ giả, có lẽ là cái bình ắc-quy đã ngập dưới nước và cái tivi trắng đen 14 inch. Loại tivi mà chắc là cả nước chỉ còn vài cái thôi. Nắng trưa chiếu qua lỗ trống hoác trên bức vách bằng dừa nước rọi sáng cả một góc nhà.

Bé Hiệp, con gái chị ngồi trước mặt tôi, chuẩn bị kể về ngày bạc phận nhất cuộc đời mình. Nước mắt tôi cứ ầng ậng.

Chuyện đời bi thảm quá.

Oan án miền tây

Hiệp, nghỉ học đã gần hai năm. Kể từ sau cái ngày Hiệp bị đẩy vào đống rơm đang bốc lửa ngùn ngụt. Không phải đẩy một lần, mà đẩy đến hai lần.

Hiệp, giờ khuôn mặt chằng chịt những vết sẹo lồi do di chứng của lần bị bỏng ấy để lại. Cánh tay trái của Hiệp đỏ ửng, sẹo kéo dài từ bả vai cho đến gần lòng bàn tay. Chuyện tế nhị, nên mãi sau khi đưa Hiệp lên Sài Gòn nhờ bác sĩ chẩn đoán, nhà báo Mai Lan mới kể với tôi rằng, chị nhìn phần ngực của bé Hiệp mà muốn ngất xỉu. Sẹo đã phủ toàn bộ phần ngực trái của Hiệp....

So với các bạn cùng trang lứa, Hiệp đi học trễ hai năm. Cha Hiệp nói với tôi, tại hồi 6 tuổi, Hiệp bị bệnh nên đi học muộn. Ngày Hiệp bị nạn, Hiệp đang học lớp 5.

Trưa hôm đó, mẹ Hiệp đi cắt lúa giúp cho người anh rể thứ sáu. Cha Hiệp ở nhà trông đứa em út vừa 2 tuổi. Hiệp, mượn đôi dép nhựa của người dì gần nhà mang đi học. Trường cách nhà Hiệp cũng không bao xa.

Bình thường, Hiệp thương đứa em út của mình lắm. Thế nên, gần đến trường nghĩ rằng chưa đến giờ vào lớp, Hiệp băng đồng quay lại nhà chơi với em thêm một chút.

Trưa miền quê, đường mòn... tịnh không một bóng người. Băng qua cánh đồng có ụn rơm đang âm ỉ cháy, Hiệp nghe có tiếng ai đó gọi mình. Ngoảnh đầu nhìn, Hiệp nhận ra đó là ông hàng xóm bạn của ba Hiệp. Vừa gọi, ông vừa đưa tay vẫy Hiệp lại gần. Tự dưng, Hiệp sợ... Không hiểu sao Hiệp lại sợ. Hiệp cắm đầu bỏ chạy. Vừa chạy, Hiệp vừa biết phía sau có ai đó đang đuổi theo mình.

Vòng tay của người lớn siết chặt Hiệp, rồi bất thần bế thốc Hiệp. Hiệp nhận ra người đang bế thốc mình, Hiệp hoảng loạn la lớn: "Cứu con với cha ơi, cứu con với cha ơi… Bác ơi, bác làm gì con vậy, bác ơi". Không có ai đáp lại tiếng cầu cứu của Hiệp. Gã đàn ông đang bế Hiệp có lẽ sợ chuyện bại lộ, nên quẳng Hiệp vào đống rơm đang âm ỉ bốc khói. Nóng, đau đớn, Hiệp vụt chạy ra khỏi đống rơm. Lại có ai đó đẩy Hiệp vào đống rơm thêm lần nữa... Lần này, đống rơm đã nuốt trọn một nửa bên trái người của Hiệp.

Hiệp kêu khóc khản giọng, cái nóng làm Hiệp không thể phản ứng gì ngoài kêu khóc. Cô bé khốn khổ làm dịu cái nóng bằng cách đầm mình xuống con kênh bên cạnh, vừa đầm, vừa thút thít.

Mãi một lúc sau, Hiệp mới thất thểu đi về phía nhà mình. Vừa đi, vừa thảng thốt gọi: "Cha mẹ ơi, cha mẹ ơi…". Cha Hiệp, đang ẵm đứa em út Hiệp ngồi uống trà bên nhà hàng xóm, nghe tiếng con gọi hốt hoảng chạy đến.

Bé Hiệp và giọt nước mắt lăn dài của mẹ.

Anh Tâm cha Hiệp kể, khi nhìn thấy Hiệp, anh không còn nhận ra Hiệp nữa. Vết bỏng trên khuôn mặt con gái mình đã tích nước, nứt nẻ. Mũi Hiệp như bị nứt ra làm đôi, khuôn mặt cháy đen, quần áo tả tơi. Mà có đau đớn nào hơn không, khi cánh tay Hiệp co quắp, bọng nước do bỏng chảy xệ quá cổ, máu ứa ra hòa lẫn với nước rỉ xuống con đường trưa. Anh không biết làm gì, vừa ẵm con chạy về nhà, vừa khóc.

Chị Cúc đang cắt lúa ngoài đồng, láng giềng tất tả chạy ra cho chị hay: "Con Hiệp nhà mày bị phỏng, chắc sắp chết rồi". Chị, áo quần lam lũ, mồ hôi ướt người, quẳng liềm chạy vội về với con. Chị nói, ban đầu chị chỉ tưởng Hiệp bị bỏng nước cơm hay bỏng lửa do bất cẩn thôi. Nhưng khi về đến nhà, thấy Hiệp, chị đau như có ai đó đang xé đôi người chị ra.

Hiệp, nằm trong lòng chị để được đưa đến trung tâm y tế. Hiệp nhìn chị, nước mắt chảy ra, Hiệp mê sảng: "Mẹ ơi, mẹ cứu con. Con đau quá mẹ ơi"… Nước mắt mặn chát một trưa tháng 3/2010. Nghe đến đây, tôi phải tìm cách làm gián đoạn câu chuyện, bởi tôi không thể nghe thêm được.

Tôi vẫn nghĩ, mình viết báo, gặp nhiều nỗi bất hạnh, biết nhiều phận người cơ cực. Nhưng chưa có câu chuyện nào khiến tôi đau đớn đến vậy. Cứ lởn vởn trong đầu vụ cánh đồng Nọc Nạn.

Miền Tây ơi, nắng trưa nay gay gắt thế, cuộc đời buồn bã thế…

Hiệp được chuyển viện nhanh chóng, để gần nửa khuya cùng ngày, Hiệp nhận được sự chăm sóc của các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng I. Nhiều tháng được sự chữa trị tận tình, Hiệp về quê với hình hài sẹo dọc ngang lồi lõm.

Tôi nhớ thời điểm đó, vụ án của Hiệp là vụ được giới truyền thông phản ánh nhiều nhất. Thậm chí, có một đồng nghiệp đang công tác ở một tờ báo lớn thực hiện nhiều bài viết liên tiếp, nhưng tiếc là, những cơ quan, đơn vị có chức năng giải quyết ở Long An đã không quan tâm đến điều ấy.

Cho đến giờ, Hiệp vẫn nói về người đàn ông mà Hiệp dám chắc là kẻ đã gây ra tai họa cho mình. Và cũng cho đến giờ, mỗi lần soi gương là Hiệp lại khóc. Cha mẹ Hiệp, đêm ngồi nhìn Hiệp ngủ, nước mắt cũng nhạt nhòa.

Nhà Hiệp nghèo quá, quanh năm chỉ thắp đèn dầu. Từ ngày Hiệp bị nạn đến giờ, cha mẹ Hiệp bấm bụng mua cái bình ắc-quy để thắp điện và sử dụng thêm cây quạt để Hiệp ngủ được tròn giấc.

Rồi mỗi lần gom góp được chừng 100 nghìn, cha Hiệp lại bao xe ôm lên Cơ quan Công an tỉnh Long An hỏi về vụ việc của Hiệp. Lần nào cũng như lần nấy, cha Hiệp đều trở lại nhà với câu nói mang theo là: "Chúng tôi đang điều tra''.

Còn người đàn ông mà Hiệp dám chắc là thủ phạm, tuyên bố gần như cả xóm biết: "Nó thưa đến đâu, tui đi hầu đến đó. Coi ai mạnh hơn ai". Người dân quê nghèo vẫn hiểu, ông có thân thích ở xã, ông có quyến thuộc ở huyện, ông có cả người quen ở tỉnh. Người ấy có xa lạ gì với gia đình Hiệp đâu. Trước đây thi thoảng, cha Hiệp vẫn sang nhà ông ấy ngồi chuyện phiếm, đám chạp gặp nhau vẫn vui vẻ cụng ly…

Nhiều người thương chuyện của Hiệp, viết giúp cho cha mẹ Hiệp cái đơn khiếu nại. Cũng đã gửi đi chỗ này, chỗ kia. Cũng đã nhận được phiếu báo nhận đơn, công văn chuyển đơn. Mà kỳ lạ quá, đâu vẫn còn nằm yên ở đấy.

Mọi thứ lặng im đến đáng sợ, chỉ có những vết sẹo trên người cô bé chưa đầy 15 tuổi, trong gia đình nghèo túng là còn hiện hữu.

Sự im lặng ngấm ngầm vô cảm, giả mà người thân của sự im lặng ấy cũng bị như bé Hiệp, tôi không biết họ sẽ phản ứng ra sao(?!).

Chiều, anh Tâm lái xuồng máy đưa chúng tôi ra lại quốc lộ để ngược về Sài Gòn. Chuyến xe có thêm hai thành viên mới, là mẹ Hiệp và Hiệp. Nhà báo Mai Lan đã liên hệ từ trước với các bác sĩ để đưa Hiệp lên Sài Gòn thăm khám.

Nhà báo Mai Lan, vừa gặp Hiệp đã khóc. Nói chuyện với Hiệp, khóc tức tưởi. Mắt khi nào cũng đỏ hoe. Chị hỏi tôi: "Làm sao có thể như vậy được hả em?''. Tôi lặng im, bởi biết trả lời như thế nào.

Chia tay cha và em để lên Sài Gòn, dẫu có vài ngày thôi, nhưng Hiệp cũng khóc. Mẹ Hiệp khóc theo, rồi đến nước mắt của ba Hiệp. Tôi nói với chị Cúc rằng, mình đi đợt này là để xem có thể giúp bé Hiệp làm thẩm mỹ lại khuôn mặt không mà, chị nín đi, đừng khóc nữa.

Chị trả lời: "Chị mừng quá, chỉ khóc thôi à em''. Lúc trên xuồng máy, tôi có biếu chị ít tiền, thưa với chị là để hai mẹ con sinh hoạt trong vài ngày ở Sài Gòn. Đến khi ra quốc lộ, chuẩn bị lên xe, chị chia tiền ra, nhét lại một khoản vào tay chồng, chị nói khẽ, tui đi mấy ngày, mình ở nhà chăm con cẩn thận.

Anh không nhận số tiền trên, bảo mình mang theo lo cho con. Tui lo được chuyện ở nhà mà... Mắt lại đỏ hoe.

Căn nhà rách mem lập lờ trên nước ấy, có những phận người đang chờ công lý.

Họ chỉ muốn, trắng là trắng, đen là đen... Liệu, đòi hỏi đó có gì là quá đáng không (?).

Đã không có sự bình yên trong cái gia đình nghèo ấy kể từ trưa ngày 22/3/2010

Ngô Nguyệt Hữu
.
.