Nữ văn sĩ chống ngược đãi bị tấn công

Thứ Sáu, 24/08/2007, 09:15
Nữ văn sĩ Bangladesh, Taslima Nasrin bị một nhóm người tấn công. Nhóm này gồm 3 nhà lập pháp người Hồi giáo đứng đầu cùng khoảng 100 người xông vào Câu lạc bộ Báo chí, dùng ghế, các bó hoa ném vào người bà, xô ngã bàn ghế và la ó sỉ nhục.

Vụ tấn công nữ văn sĩ Bangladesh, Taslima Nasrin diễn ra hôm 9/8 tại Câu lạc bộ Báo chí ở Hyderabad, một thành phố phía nam Ấn Độ. Nhóm tấn công do 3 nhà lập pháp người Hồi giáo đứng đầu, gồm khoảng 100 người xông vào câu lạc bộ dùng ghế, các bó hoa ném vào người bà, xô ngã bàn ghế và la ó sỉ nhục Taslima Nasrin.

Nasrin đến câu lạc bộ này để tổ chức công bố cuốn sách mới nhất của bà, một tiểu thuyết đã được dịch sang ngôn ngữ Telugu mang tên: "Sodh" (tên tiếng Anh “Getting Even”, tạm dịch: “Đòi sự công bằng”), thì các nhà hoạt động thuộc đảng MIM (Majlis Ittehadul Muslimeen), một đảng phái chính trị Hồi giáo xông vào hội trường, tấn công nhà văn và các phóng viên ảnh.

Các nhà tổ chức đã đẩy lùi cuộc tấn công và Nasrin đã thoát nạn ra khỏi địa điểm này một cách an toàn dưới sự bảo vệ an ninh chặt chẽ. Tuy nhiên, một số người trong đó có cả nhà báo Innaiah Narisetti và một vài phóng viên ảnh bị thương nhẹ. Cảnh sát đã bắt giữ gần 100 người tham gia vụ tấn công này.

Nhiều người cho rằng, các thành viên Quốc hội chính là những người đã làm mũi nhọn cho cuộc tấn công nữ văn sĩ Nasrin, một người được biết đến với những tác phẩm kích thích nhiệt huyết đấu tranh đòi quyền bình đẳng, chống sự ngược đãi phụ nữ trong cộng đồng Hồi giáo cũng như  những quan điểm cấp tiến của bà về đạo Hồi, chống đối sự áp bức một thiểu số không phải đạo Hồi  trong các tầng lớp Hồi giáo.

Theo một số hãng tin, các thành viên MIM muốn Nasrin phải rời khỏi Hyderabad ngay lập tức nếu không họ kiên quyết tấn công đến cùng: “Bà ấy là kẻ thù của người Hồi giáo, bà ấy là nốt đen của những người theo đạo Hồi. Chúng tôi không thể chấp nhận một con người chống lại Hồi giáo”.

“Chúng tôi phản đối Taslima Nasrin vì các tác phẩm của bà ấy nhạo báng Hồi giáo. Chúng tôi muốn chính quyền Ấn Độ trục xuất bà trở về Bangladesh”, Ahmad Pasha Quadri, một trong những nhà lập pháp nói.

Sinh ra trong một gia đình Hồi giáo ở Bangladesh nhưng hơn một thập niên, Nasrin phải sống xa quê hương, chủ yếu là định cư ở phương Tây. Nasrin trốn khỏi Bangladesh năm 1994 vì lúc đó các thành phần cực đoan Hồi giáo luôn đe dọa sẽ giết bà sau khi một tờ báo trích dẫn lời phát biểu của bà cho rằng cần phải thay đổi sách kinh Coran của Hồi giáo, cho người phụ nữ nhiều quyền hơn.

Tác phẩm "Meyebela" ("Thời niên thiếu của tôi") của Nasrin.
Bà kiên quyết từ chối đưa ra ý kiến cá nhân nhưng vẫn phải đối mặt với những lời đe dọa bị giết chết từ những phần tử quá khích người Hồi giáo ở Bangladesh nơi mà một trong những tác phẩm của bà, cuốn “Lajja” (Sự hổ thẹn) bị cấm lưu hành.

Vào thời điểm “cao trào” của những tranh cãi gay gắt giành quyền bình đẳng cho phụ nữ, một số giáo sĩ Hồi giáo đã đưa ra lệnh treo cổ bà và treo tiền thưởng 500.000 rupi (khoảng 12.350 USD) nếu ai giết được bà.

Năm 2004, chính quyền Bangladesh ra lệnh cấm cuốn sách xuất bản bằng tiếng Bengal của bà có tên “Shei Shab Andhakar” (tên tiếng Anh: “Those Dark Days” - “Thời đen tối”) vì cho rằng nội dung chỉ trích Hồi giáo và giáo đồ Muhammad. Tuy nhiên, Quốc hội châu Âu đã trao tặng cả giải thưởng Sakharov vì tự do tư duy năm 2004 cho Nasrin.

Sau khi rời Bangladesh, Nasrin sang sống ở Thụy Điển trong nhiều năm và cuối cùng đến định cư tại thành phố Calcutta, phía đông Ấn Độ. Bà sống ở đây được 2 năm và bà đang xin Chính phủ Ấn Độ quyền cư trú chính thức lâu dài để trở thành công dân Ấn Độ, nhưng Ấn Độ vẫn đang thận trọng trước khi quyết định vì phải thăm dò mọi phản ứng từ hơn 160 triệu người Hồi giáo.

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho tờ Times New sau khi sự cố xảy ra, Nasrin nói: “Tôi tin vào dân chủ và tôi tin vào quyền tự do tư tưởng. Những người tấn công tôi hôm nay chỉ là một phần thiểu số, tôi có sự hậu thuẫn và đồng tình, thông cảm của đại đa số”.

Ông Mriya Ranjan Dasmunsi, Bộ trưởng Thông tin và Phát thanh Truyền hình, nói: “Chúng tôi kiên quyết mạnh tay với bất kỳ cuộc tấn công nào đối với bất kỳ người nào mang bất kỳ quốc tịch gì ở Ấn Độ”. Ông cho rằng một điều công bằng hợp lý là nếu ai muốn đưa ra những phản đối thì nên làm theo cách dân chủ chứ không nên làm theo kiểu tấn công cá nhân

Ánh Vân (theo AP, The Hindu, BBC)
.
.