Tiếp tục xét xử đại án MobiFone mua AVG:

Ông Nguyễn Bắc Son bị đề nghị mức án tử hình

Thứ Bảy, 21/12/2019, 16:11
Trải qua quá trình tố tụng: điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo Nguyễn Bắc Son với cáo buộc giữ vai trò đứng đầu, hưởng lợi cao nhất trong thương vụ trái pháp luật MobiFone mua AVG.

Tại phiên xét xử, các bị cáo khai đưa tiền cho ông Nguyễn Bắc Son gồm: Phạm Nhật Vũ khai đưa 3 triệu USD, Lê Nam Trà đưa 700.000 USD, Cao Duy Hải đưa 200.000 USD nhưng hiện tại bị cáo Nguyễn Bắc Son mới chỉ nộp lại 600 triệu đồng. Dư luận vẫn đặt câu hỏi số tiền thực nhận của ông Nguyễn Bắc Son là bao nhiêu?

Mặc dù bị đề nghị mức án tử hình nhưng Nguyễn Bắc Son vẫn lúc nhớ lúc quên số tiền đã nhận, đã đưa cho ai và vẫn chưa nộp lại số tiền sai phạm.

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn bắc Son bị đề nghị mức án tử hình.

Ẩn số nhận hối lộ

Tại phiên xét xử sơ thẩm, khai báo trước hội đồng xét xử (HĐXX), Phạm Nhật Vũ khai đã gọi cho ông Nguyễn Bắc Son 85 cuộc điện thoại và 206 tin nhắn để trao đổi, liên hệ và đề nghị bị cáo Nguyễn Bắc Son chỉ đạo cấp dưới sớm thực hiện việc mua bán giữa MobiFone với AVG. Khi HĐXX hỏi về việc đã "đưa hối lộ" cho những ai sau khi thương vụ thành công, bị cáo Phạm Nhật Vũ cho biết, bán AVG xong đã đưa tiền 3 triệu USD cho bị cáo Nguyễn Bắc Son, đưa cho ông Trương Minh Tuấn là 200.000 USD.

Ngoài ra Vũ còn đưa tiền cho bị cáo Lê Nam Trà là 2,5 triệu USD, còn bị cáo Cao Duy Hải nhận 500.000 USD. Vũ cho biết, bị cáo đưa tiền vì muốn cảm ơn những người đã quyết định việc mua bán trong thương vụ này.

Trước đó, tại CQĐT, Nguyễn Bắc Son khai, sau hoàn thành thương vụ, Phạm Nhật Vũ đã đến nhà riêng và đưa cho Nguyễn Bắc Son số tiền 3 triệu USD; Nguyễn Bắc Son đã mang 3 triệu USD lên phòng làm việc tại tầng 2 cất giấu. Tiếp đó, toàn bộ số tiền 3 triệu USD, ông Nguyễn Bắc Son đưa cho con gái khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300.000 USD đến 400.000 USD, dặn không được gửi tiết kiệm, còn đầu tư vào đâu thì tùy.

Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Bắc Son còn thừa nhận đã nhận của Cao Duy Hải số tiền 200 triệu và số tiền 200.000 USD của Lê Nam Trà. Số tiền nhận từ Phạm Nhật Vũ là tiền bất hợp pháp nên ông Nguyễn Bắc Son đã nhiều lần viết đơn xin nộp lại, tuy nhiên Nguyễn Bắc Son không nhận được sự phối hợp của gia đình trong việc nộp lại số tiền nhận từ Phạm Nhật Vũ. Ông Nguyễn Bắc Son đề nghị được sử dụng số tiền 591 triệu đồng trong tài khoản tiền gửi tiết kiệm đứng tên Nguyễn Bắc Son để trả lại một phần số tiền đã nhận hối lộ.

Tại phiên xét xử, bị cáo Trương Minh Tuấn thừa nhận, sau khi thực hiện dự án, một dịp gần tết, bị cáo Vũ đến phòng làm việc, tặng lẵng hoa và gói quà. Khi bị cáo Tuấn mở gói quà ra thì thấy có 200.000 USD. Bị cáo Trà cũng khai, dịp gần tết, bị cáo Phạm Nhật Vũ đến cơ quan biếu gói quà tết, sau đó mở ra thì có 500.000 USD. Sau đó một thời gian, bị cáo Vũ lại đưa đến 2 triệu USD đựng trong 2 hộp giấy.

Sau khi nhận tiền từ bị cáo Vũ, bị cáo Trà cho biết đã 2 lần biếu Nguyễn Bắc Son với tổng số tiền là 700.000 USD. Bị cáo Cao Duy Hải khai nhận 500.000 USD từ bị cáo Phạm Nhật Vũ. Sau khi nhận 500.000 USD đã biếu ông Nguyễn Bắc Son 200.000 USD.

Tại phiên xét xử, khi được hỏi về số tiền 3 triệu USD mà bị cáo Phạm Nhật Vũ đã đưa, bị cáo Nguyễn Bắc Son bất ngờ phủ nhận rằng: “Tôi không nhận số tiền nào”(?!). Bị cáo Son giải thích do sức khỏe không tốt, tinh thần hoảng loạn nên đã khai nhận hối lộ với số tiền lớn nêu trên.

Sau lời khai của ông Son, HĐXX đã yêu cầu các bị cáo Lê Nam Trà, Cao Duy Hải đứng lên đối chứng. Cả ông Trà và ông Hải đều giữ nguyên lời khai của mình về việc đưa tiền cho bị cáo Nguyễn Bắc Son.

Các bị cáo tại phiên xét xử sơ thẩm.

Bức “tâm thư” và cái cúi đầu

Không chỉ phủ nhận số tiền đã nhận hối lộ bị các bị cáo khác khai nhận, bị cáo Nguyễn Bắc Son còn cho rằng, sở dĩ bị cáo thừa nhận số tiền trên là so sức ép từ CQĐT. Lúc này, chủ tọa lập tức công bố hồ sơ vụ án, bản tự khai cho hay bị cáo Son còn vẽ sơ đồ nơi bị cáo Vũ đến đặt tiền, hình dáng vali đựng tiền. Bị cáo Son giải thích làm vậy là "theo hướng dẫn của CQĐT"(?!).

Trước lời phản cung của bị cáo Son, đại diện VKS đề nghị xét hỏi ông Nguyễn Bắc Son. “Quá trình điều tra, CQĐT có thực hiện ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị cáo không?”. Bị cáo Son xác nhận máy ghi âm, ghi hình có hoạt động.

Đại diện VKS tiếp tục truy bị cáo về lời khai sau khi nhận 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ. Ông Son đã đưa tiền cho con gái và dặn con không được đầu tư vào đâu, không được gửi tiết kiệm. Bị cáo Son phủ nhận lời khai và cho rằng do tình hình sức khỏe của ông không tốt nên mới nói điều đó.

Ngay sau đó, HĐXX đã đọc lá thư bị cáo Nguyễn Bắc Son gửi từ trại tạm giam ra cho vợ, trong đó có đoạn: "Anh rất mong em và các con tha lỗi cho anh. Anh mong em vững vàng cáng đáng việc nhà. Anh rất đau khổ. Anh đã khai với CQĐT về việc nhận của Vũ 3 triệu USD".

Chủ tọa đặt câu hỏi: "Đây có phải lời của người thần kinh hoảng loạn không?". Bị cáo Son im lặng. HĐXX cho rằng bị cáo Son tỉnh táo để viết thư và nhận thức rõ ràng như vậy thì không thể nói là tâm thần hay bị hoảng loạn được.

Buổi sáng phản cung nhưng vào đầu giờ chiều ông Nguyễn Bắc Son lại bất ngờ xin gặp HĐXX để có điều muốn nói. Trước tòa, ông Son đã xin rút lại lời khai buổi sáng liên quan đến khoản tiền 3 triệu USD. Ông thừa nhận đã được Phạm Nhật Vũ đưa 3 triệu USD. Ông xin thay đổi chi tiết so với lời khai ở CQĐT trước đây, đó là ông không đưa khoản tiền 3 triệu USD cho con gái. Ông nói đã sử dụng chi tiêu cá nhân khoản tiền kể trên.

Đến chiều 18-12, trả lời trước tòa, ông Nguyễn Bắc Son nói muốn gặp gia đình để có ý kiến về việc khắc phục hậu quả và gặp luật sư để nói đã khai nhận, không cần luật sư bào chữa nữa. Chủ tọa cho biết để tạo điều kiện cho bị cáo Son gặp gia đình bàn việc khắc phục hậu quả, tòa nghỉ làm việc ngày 19-12. Phiên tòa tiếp tục vào sáng 20-12.

Bị cáo Nguyễn Bắc Son chưa nộp tiền nhận hối lộ

Sau một ngày tòa nghỉ tạo điều kiện để Nguyễn Bắc Son gặp gia đình bàn phương án khắc phục, luật sư của Nguyễn Bắc Son cho biết, cơ quan tố tụng đã cho Nguyễn Bắc Son gặp gia đình. Tuy nhiên, đến khi phiên tòa được mở lại, VKS công bố bản luận tội, Nguyễn Bắc Son vẫn chưa nộp thêm số tiền nhận hối lộ.

Theo đại diện VKS, Nguyễn Bắc Son, xuất phát từ động cơ tư lợi cá nhân, bất chấp tất cả quy định của pháp luật, bị cáo đã có hành vi định hướng, chỉ đạo quyết liệt cấp dưới thực hiện sai phạm trong mua cổ phần AVG. Bị cáo Son giữ vai trò đứng đầu, chỉ đạo mang tính quyết liệt buộc cấp dưới thực hiện. Bị cáo được hưởng cao nhất so với các bị cáo khác từ thương vụ mua bán trái pháp luật với mức hưởng hối lộ số tiền đặc biệt lớn.

Do đó, Nguyễn Bắc Son chịu trách nhiệm cao nhất, đứng đầu trong các bị cáo bị phát hiện. Đại diện VKS nêu rõ, hành vi phạm tội của bị cáo Son là đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến uy tín của cán bộ chân chính.

Việc bị cáo Son tại CQĐT thừa nhận hành vi phạm tội nhưng ra tòa lại phủ nhận, sau đó lại thừa nhận, cho thấy bị cáo chưa thực sự ăn năn, hối cải về hành vi của mình, chưa thấy rõ trách nhiệm, vai trò của mình đối với hậu quả vụ án, các bị cáo cấp dưới. Khoản tiền 3 triệu USD chưa được nộp lại. Do đó, dù bị cáo có tình tiết giảm nhẹ nhưng chưa thể được hưởng các tình tiết khoan hồng mà cần hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo Son. Nguyễn Bắc Son bị đề nghị tuyên án tử hình cho tội “Nhận hối lộ”.

Kịch bản nào?

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Cty TNHH Luật Trường Lộc) cho biết: “Nguồn gốc số tiền ông Nguyễn Bắc Son dàn xếp nộp lại sẽ "quyết định" ông có được hưởng tình tiết giảm nhẹ hay không”.

Trong vụ án này, tổng số tiền MobiFone đã thu lại là hơn 8.775 tỉ đồng, trong đó gồm số tiền gốc mà MobiFone đã thanh toán cho việc mua 95% cổ phần AVG là hơn 8.445 tỉ và các chi phí khác. MobiFone cũng đã trả lại 344,66 triệu cổ phần cho các cổ đông của AVG. Đối với các bị cáo nhận tiền bị truy tố tội nhận hối lộ, theo quy định của pháp luật thì khoản tiền đưa và nhận hối lộ sẽ bị tịch thu sung công, người nhận hối lộ còn có thể chịu phạt tiền hoặc tịch thu tài sản.

Quá trình thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone, 13 bị cáo ở mỗi vị trí, vai trò khác nhau tại Bộ Thông tin truyền thông, MobiFone và AMAX đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc đề xuất dự án đầu tư, đánh giá về tài chính, kinh doanh của AVG; thẩm định giá; sử dụng kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp trong đàm phán và quyết định giá mua cổ phần của AVG... gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng với tổng giá trị thiệt hại là hơn 6.590 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu ông Son giữ nguyên lời khai đã đưa tiền cho con gái và các cơ quan tố tụng chứng minh được điều này là đúng, kể cả cô này không thừa nhận, ông Son vẫn bị khép tội “Nhận hối lộ”. Theo Điều 354 Bộ luật Hình sự, với số tiền 3 triệu USD, cựu bộ trưởng phải đối mặt mức án cao nhất là tử hình. Bên cạnh đó, con gái ông Son có thể đối mặt việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” (Điều 323, Bộ luật Hình sự 2015).

Nếu Nguyễn Bắc Son thừa nhận hành vi nhận hối lộ 3 triệu USD song khai không đưa cho con gái mà bản thân tiêu gì cũng không nhớ, lại liên hệ gia đình khắc phục số tiền này thì "số phận pháp lý" lại theo hướng khác.

Theo khoản c Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 về hình phạt tử hình thì: Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành án tử hình với họ; khi đó, Chánh án TAND Tối cao chuyển hình phạt tử hình sang hình phạt tù chung thân.

Hướng dẫn thực hiện quy định này, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết 01/2016 trong đó, khoản 1 Điều 2 quy định người đã bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ và bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa thi hành án tử hình mà thuộc một trong các trường hợp sau đây thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân, gồm: Sau khi bị kết án, người bị kết án tử hình đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm; Sau khi bị kết án, người bị kết án tử hình đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và lập công lớn.

Mức án viện kiểm sát đề nghị:

Đối với nhóm tội vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, đại diện VKS đề nghị:

Nguyễn Bắc Son từ 16-18 năm tù. Trương Minh Tuấn từ 6-7 năm tù. Lê Nam Trà từ 7-8 năm tù. Cao Duy Hải từ 4-5 năm tù. Phạm Đình Trọng từ 5-6 năm tù. Võ Văn Mạnh từ 4-5 năm tù.

Hoàng Duy Quang (thẩm định viên Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX) từ 3-4 năm tù. Phan Thị Hoa Mai (Thành viên HĐTV MobiFone) từ 3 đến 3 năm 6 tháng tù. Phạm Thị Phương Anh (cựu Phó Tổng Giám đốc MobiFone) từ 2 năm 6 tháng - 3 năm tù. Hồ Tuấn (cựu Phó Tổng Giám đốc MobiFone) từ 2 năm 6 tháng - 3 năm tù. Nguyễn Đăng Nguyên (cựu Phó Tổng Giám đốc MobiFone) từ 2 đến 2 năm 6 tháng tù. Nguyễn Bảo Long từ 2 năm 6 tháng - 3 năm tù. Nguyễn Mạnh Hùng (cựu Phó Tổng Giám đốc MobiFone) từ 2 năm 6 tháng - 3 năm tù.

Đối với nhóm tội nhận hối lộ, đại diện VKS đề nghị: Nguyễn Bắc Son: tử hình. Tổng hợp hình phạt hai tội là tử hình. Trương Minh Tuấn: 8-9 năm tù. Tổng hợp hình phạt của hai tội từ 14-16 năm tù. Lê Nam Trà: 16-17 năm tù. Tổng hợp hình phạt của hai tội từ 23-25 năm tù. Cao Duy Hải: 11-12 năm tù. Tổng hợp hình phạt của hai tội từ 14-16 năm tù. Phạm Nhật Vũ từ 3-4 năm tù về tội đưa hối lộ.

Trần Tâm
.
.