Phải xử lý tận gốc hành vi dâm ô trẻ em

Thứ Hai, 26/08/2019, 21:37
Ngày 23-8, Tòa án nhân dân (TAND) quận 4, TP Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa sơ thẩm thứ hai, xét xử vụ án cựu Viện phó VKSND TP Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh về tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi", sau thời gian trả hồ sơ điều tra bổ sung. Phiên tòa lần này được xử kín như lần trước nhưng vẫn thu hút được sự quan tâm của dư luận.


Những nghi án dâm ô trẻ em

Gần đây, nhiều bị can tội liên quan hành vi dâm ô trẻ em bị bắt tạm giam như cựu Hiệu trưởng Đinh Bằng My, nguyên Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn,  Phú Thọ; bị can Ngô Ngọc An (sinh năm 1956) ở quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh...

Nổi bật hơn cả vẫn là vụ "nựng" trẻ em của Nguyễn Hữu Linh. Vụ án được dư luận quan tâm bởi ông Linh nguyên là người làm trong ngành Tư pháp. Ngày 21-4,  ông Nguyễn Hữu Linh bị khởi tố về tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi". Nếu bị kết tội, ông Linh sẽ phải đối mặt với bản án từ 6 tháng đến 3 năm tù về tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi" theo Khoản 1 điều 146 Bộ luật Hình sự.

Nguyễn Hữu Linh đến tòa sáng 23-8.

Trong phiên xử kéo dài gần 2 giờ, Hội đồng xét xử (HĐXX) cho rằng, các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án chưa đủ chứng minh hành vi phạm tội của Nguyễn Hữu Linh nên trả hồ sơ điều tra bổ sung. Trong phiên xét xử ngày 23-8, TAND quận 4, TP Hồ Chí Minh đã tuyên án 18 tháng tù giam đối với Nguyễn Hữu Linh.

Tại Trà Vinh, theo đơn tố cáo của anh Sơn C., khoảng 20 giờ ngày 3-2-2019, gia đình anh đi lễ An vị Phật (theo nghi lễ Phật pháp của người Khmer) tại nhà của một người quen.

Khoảng 22h20' Thạch Ch., thầy giáo dạy tiếng Khmer cho con anh, nhắn tin vào điện thoại của anh (do con gái anh Sơn C. giữ), kêu bé ra ngoài. Sơn Thị Bé Th., con gái anh Sơn C. đã làm theo. Mãi không thấy con gái quay lại, người nhà anh đã tỏa ra đi tìm nhưng không thấy, liên lạc điện thoại cũng không được.

Rất lâu sau con trai anh Sơn C mới phát hiện Bé Th. Đang đứng cùng Thạch Ch. Khi được anh trai dẫn về nhà thì Bé Th. trong tình trang hoảng loạn, sợ hãi, tinh thần không ổn định.

Gặng hỏi, Bé Th mới kể lại rằng Thạch Ch. dẫn bé tới khu vực vắng người, cây cối rậm rạp và thực hiện hành vi dâm ô với cháu, ôm, kéo áo, sờ soạng, hôn hít từ mặt xuống ngực. Bé Th. vùng vẫy đẩy Thạch Ch. ra đúng lúc anh trai cháu tìm tới.

Theo anh Sơn C., có thể biết người thân của bé đi tìm, thấy động nên Thạch Ch. mới chịu buông Bé Th ra. Khi xảy ra vụ việc Sơn Thị Bé Th. mới 13 tuổi.

Gần đây hơn, ngày 29-7, Công an huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Hoàng Long (tên thường gọi Dũng "lò rèn", 55 tuổi, ngụ xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình) để điều tra về hành vi "dâm ô đối với người dưới 16 tuổi".

Xử chưa hiệu quả

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV vừa qua, chương trình giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em được các đại biểu tranh luận gay gắt. Gần 80% đại biểu Quốc hội đồng ý thông qua.

Tuy ý kiến thống nhất, việc thực hiện trong thực tế vẫn còn cứng nhắc, tính hiệu quả chưa cao… do vậy cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể và một giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn "những bàn tay bẩn" có hành vi dâm ô đối với trẻ em.

Có ý kiến cho rằng quý một đứa trẻ mà hôn lên má nó mà cũng phạm tội dâm ô trẻ em thì chẳng ai dám yêu trẻ con nữa.

Nhưng với những đứa trẻ không phải là người thân thì sao? Hành vi ôm ấp, hôn hít trẻ em quá mức bình thường thì không thể chấp nhận được, nhất là khi không có sự giám sát của người lớn, hoặc sự phản ứng mạnh mẽ của đứa trẻ... có thể cấu thành tội dâm ô trẻ em? Vấn đề cũng đặt ra, hành vi dâm ô trẻ em có chống được không? Chống bằng cách nào?

Theo ông Phạm Anh Thắng, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại TP Hồ Chí Minh, chúng ta đang có hành lang pháp lý đầy đủ, có hành lang bảo vệ nhưng phải chăng vì chúng ta đang thờ ơ với thói hư tật xấu?

Có lẽ đã đến lúc chúng ta phân biệt lại "sự cưng nựng" với hành vi dâm ô. Hiện nay, trẻ em thật sự đang thiếu sự trang bị những kiến thức, bài học đạo đức, nhân cách bên cạnh kỹ năng phòng tránh dâm ô, xâm hại...

Khoản 1 điều 146 Bộ luật Hình sự quy định tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi" bị phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù. Luật thì vậy nhưng phải dựa trên nhiều yếu tố, từ kết quả điều tra tới các tình tiết tại phiên xử... rồi cách vận dụng điều luật mỗi nơi mỗi khác, nên khó có thể đưa ra kết luận cuối cùng.

Theo luật sư Vũ Phi Long, nguyên Phó Chánh án tòa hình sự, TAND TP Hồ Chí Minh, hiện Tòa án nhân dân Tối cao có đưa ra Dự thảo nghị quyết hướng dẫn chi tiết về các hành vi được xác định là dâm ô, cùng các biện pháp xử lý hành vi dâm ô đối với trẻ dưới 16 tuổi.

Một luật sư nhấn mạnh: "Trước hết cần trang bị cho các em kiến thức về hành vi dâm ô, để các em tự bảo vệ mình. Chúng ta có nhiều cơ quan đoàn thể, tổ chức bảo vệ trẻ em, nhưng vẫn chưa đủ đem lại sự an toàn cho các cháu. Kể cả việc có đưa các vụ việc trên ra xử lý cũng chỉ là giải pháp "cắt phần ngọn". Cần phải có một khung pháp lý cụ thể, rõ ràng cùng với mức án đủ sức răn đe, lúc đó mới hy vọng "nhổ tận gốc" hành vi dâm ô đối với trẻ em".

Đức Hà
.
.