Sau 10 năm, vẫn chưa rõ thủ phạm đích thực ám sát cố Thủ tướng Israel Y.Rabin

Thứ Hai, 07/11/2005, 09:05

Ngày 4/11/2005 là tròn một thập niên sau vụ ám sát bi thảm Thủ tướng Israel, Yitzhak Rabin, người từng được trao giải Nobel hòa bình 1994. Cảnh sát Israel đã tống giam kẻ nhận mình đã ám sát ông Rabin nhưng thực ra cho tới nay, người ta vẫn hoài nghi về thủ phạm đích thực của vụ ám sát này.

Gập ghềnh nẻo sống

Ông Rabin sinh ngày 1/3/1922 tại Jerusalem. Thuở nhỏ, cậu bé Yitzhak lớn lên cùng những bạn đồng lứa người Arab nên khá thông tạo tiếng Arab. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, năm 1941, Rabin đã gia nhập lực lượng tự vệ Do Thái Palmach để phòng ngừa trường hợp quân phát xít Đức tấn công vào vùng đất Palestine. Tới năm 32 tuổi, ông đã mang quân hàm tướng trên vai.

Tháng 1/1964, ông Rabin được cử giữ chức Tổng tham mưu trưởng Quân đội Israel, chức vụ cao nhất trong hệ thống tướng lĩnh nước này. Chính tướng Rabin đã chỉ huy cuộc chiến tranh 6 ngày (tháng 6/1967) mang lại chiến thắng vang dội cho quốc gia Do Thái.

Tuy nhiên sau đó ông Rabin lại chuyển sang ngành ngoại giao. Từ mùa xuân năm 1968, ông là đại sứ Israel tại Washington. Trong 5 năm, ông đã giúp cho quan hệ hai nước trở nên gần gụi chưa từng thấy. Các nhà quan sát cho rằng, có vẻ như ông thiên về "lục địa mới" hơn "lục địa cũ". Tới tháng 6/1974, ông Rabin đã lên thay bà Golda Meir làm Thủ tướng Israel sau khi gắn bó số phận chính trị của mình với đảng MAPAI, về sau đổi tên thành Likud (Công đảng).

Vốn là một quân nhân, ông đã không khéo léo trong các mâu thuẫn nội bộ của chính đảng mà mình phò tá nên chỉ tới tháng 4/1977 đã phải rời khỏi ghế Thủ tướng sau khi bùng nổ vụ tai tiếng về việc vợ ông dường như có 2 nghìn USD trong tài khoản riêng ở một ngân hàng Mỹ, điều mà theo luật pháp Israel là cấm kỵ đối với các viên chức nhà nước và người thân của họ.

Tuy nhiên, một nhân vật tài năng như Rabin thì không thể được ngồi nghỉ ngơi lâu. Trong suốt một thời gian dài sau đó, ông đã giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, có lúc rất quyết liệt trong việc triển khai các chiến dịch quân sự nhưng có lúc lại như tỉnh trí và hiểu rõ rằng, không thể dùng bạo lực để chấm dứt cuộc xung đột Trung Đông. Vì thế nên chính ông năm 1989 đã trình kế hoạch đàm phán hòa bình với người Palestine trước Chính phủ Israel...

Tới tháng 6/1992, thêm một lần trở thành Thủ tướng Israel, ông Rabin lại kiên trì hơn với quan điểm không thể nói chuyện với hơn 2 triệu người Palestine ở Trung Đông bằng tiếng nói của vũ khí. Tất nhiên, vị tướng quân lão luyện này không phải là người thích "chơi mềm" nhưng khác nhiều tướng lĩnh Do Thái, ông hiểu rằng Israel không thể mãi mãi sống trong tình trạng chiến tranh với người Palestine. Ngày 13/9/1993, Thủ tướng Rabin và lãnh tụ Palestine, Yasser Arafat, đã cùng nhau ký hiệp định hòa giải tại Washington.

Phẩm chất chính yếu mà xã hội Israel đánh giá cao nhất trong tính cách ông Rabin là sự tin cậy. Ông là người được đồng bào Do Thái của mình cho là nhân vật luôn dám nhìn thẳng vào sự thật và dám nói ra sự thật, dù gian khó thế nào.

Cái chết bất ngờ

Mặc dù phiên tòa xét xử tên Amir đã được coi như hoàn tất từ lâu, nhưng cho tới nay vẫn còn không ít câu hỏi chưa có lời giải đáp về vụ ám sát ông Rabin.

Ngày 4/11/1995, tại Quảng trường Các vị hoàng đế ở Tel Aviv (nay đổi tên là Quảng trường Yitzhak Rabin), đã diễn ra buổi mít tinh ủng hộ hòa bình với sự tham gia của cả trăm nghìn người. Sau khi phát biểu xong, ông Rabin rời lễ đài đi xuống chỗ đậu cỗ xe Cadillac bọc thép của mình. Tất cả những cảnh này đã được Rony Kempler, nhân viên Viện Công tố Israel ghi hình lại. Trên băng còn thấy rõ hình một người nào đó đã đi lại gần Thủ tướng từ phía sau. Đó là Yigal Amir, một thanh niên cuồng tín theo tư tưởng cực hữu. Hắn chìa tay phải ra và bóp cò súng.

Tuy nhiên, khi khám nghiệm tử thi, bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện Ichilov, nơi người ta đã đưa ông Rabin đang hấp hối tới, lại khẳng định rằng, Thủ tướng bị một vết thương nặng ở ngực, làm tổn thương mạch máu trong vùng tim và thương tổn xương sống. Thế nhưng, theo cuốn băng đã ghi, tên Amir bắn ông Rabin vào lưng(?)

"Tính theo số lượng rất lớn bụi thuốc súng và độ dài đáng kể của vết rách, phát đạn ấy có thể được xác định như cú bắn trực diện ở cự li gần" - chuyên gia về đạn đạo đã nhận định như vậy tại phiên tòa xử tên Amir. Theo cuốn băng, Amir đã nhằm vào ông Rabin từ khoảng cách 2m(?)

Chiếc xe Cadillac chở ông Rabin đã bị thương tới bệnh viện sau 20 phút xảy ra vụ ám sát. Trong khi đó khoảng cách từ Quảng trường Các vị hoàng đế tới bệnh viện chỉ đi mất cùng lắm là hơn 1 phút. Người cầm lái hôm đó là Menahem Damti, tài xế được coi là giỏi nhất Israel, từng lái xe cho không chỉ một đời Thủ tướng quốc gia Do Thái. Vì sao lại có sự chậm trễ như thế? Bản thân Damti biện bạch rằng ông ta đã bị nhầm đường(?)

"Chỉ mình tôi giết ông Rabin thôi!" - tên Amir đã hét toáng lên như thế ở tòa án mỗi khi luật sư bào chữa định phản bác ý kiến này hay ý kiến khác của công tố viên buộc tội. Theo giả thuyết chính thức, Thủ tướng Rabin đã bị hạ sát bởi hai viên đạn, còn Yoham Rubin, vệ sĩ của ông bị một viên đạn làm bị thương. Tuy nhiên, trong ổ đạn 9 viên của Amir còn lại 8 viên. Như vậy là tên này mới chỉ bắn một viên. Thế hai viên đạn nữa từ đâu ra?

Trong cuốn băng mà Kempler ghi lại, chiếc xe Cadillac đang đứng chờ ông Rabin đã được mở toang cả bốn cửa. Cánh cửa đầu tiên được đóng lại là cánh cửa ngoài cùng bên phải, mà lại đóng vào từ bên trong. Tiếp theo, Damti ngồi vào ghế tài xế đã đóng cánh cửa trước bên trái. Rồi ông ta nghiêng người ra bên phải và kéo cánh cửa bên trước bên phải vào. Cuối cùng, viên cận vệ bị thương ngồi vào phía sau từ bên trái, cạnh ông Rabin. Hoá ra là, người bắn trực diện ông Rabin ở cự ly gần là người đã ngồi sẵn trong xe Cadillac, lúc xe đã chuyển bánh rời khỏi Quảng trường Các vị hoàng đế. Đó chính là kết luận của Barri Hamish, tác giả cuốn sách "Ai đã giết Yitzhak Rabin?".

Cách đây không lâu, mẹ của tên Amir đã tuyên bố rằng con trai bà ta đã bị "thí thân".

Sự thật cuối cùng thế nào? Câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ sau 10 năm ông Rabin tử nạn

Hoàng Thái Quốc
.
.