Phiên tòa xử bầu Kiên và đồng phạm:

Sẽ xử thế nào nếu ông Giá tiếp tục vắng mặt?

Thứ Bảy, 24/05/2014, 10:30

Ngày 20/5, Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội đã mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án "Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép, trốn thuế, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Trong phiên tòa này, ông Trần Xuân Giá tiếp tục vắng mặt vì lý do sức khỏe.

Ông Giá bị cáo buộc gây thiệt hại cho ACB hơn 1.406 tỉ đồng 

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Tối cao cáo buộc hành vi thống nhất và ban hành chủ trương ủy thác cho nhân viên ACB gửi tiền vào Vietinbank của các bị can Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải, Nguyễn Đức Kiên là làm trái quy định tại Điều 106 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và gây thiệt hại cho ACB số tiền 718,908 tỉ đồng.

Hành vi ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của các bị can Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải và hành vi tổ chức thực hiện việc đầu tư cổ phiếu Ngân hàng  ACB của bị can Nguyễn Đức Kiên là làm trái quy định tại Điều 29, Quyết định 27/2007/QĐ-BTC ngày 24/4/2007 của Bộ Tài chính đã gây thiệt hại cho ACB 687,723 tỉ đồng.  

Vì vậy, cáo trạng của Viện KSND Tối cao kết luận hành vi của các bị can Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lý Xuân Hải, Nguyễn Đức Kiên, Huỳnh Quang Tuấn phạm vào tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Trong đó, bị can Trần Xuân Giá với tư cách là Chủ tịch HĐQT ACB, có nhiệm vụ đưa ra các chủ trương định hướng hoạt động kinh doanh của ACB theo quy định của pháp luật, là người quản trị cao nhất của ACB và biết rõ các quy định của Nhà nước về kinh doanh tiền tệ, chứng khoán nhưng ông Trần Xuân Giá đã chủ trì việc thống nhất đề ra chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trái quy định của pháp luật gây thiệt hại cho ACB hơn 1.406 tỉ đồng.  

Sau khi phiên tòa sơ thẩm lần đầu phải hoãn vì sự vắng mặt của ông Trần Xuân Giá, cuối tháng 4, cơ quan tố tụng đã bắt tạm giam 4 bị can đang tại ngoại trong vụ án này là: Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang và Huỳnh Quang Tuấn.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần này, thẩm phán Nguyễn Hữu Chính, Phó chánh án TAND TP Hà Nội, làm chủ tọa phiên tòa.

Thẩm phán dự khuyết là ông Nguyễn Xuân Hùng và bà Phan Thanh Huyền.

Người giữ quyền công tố tại tòa là kiểm sát viên Đào Thịnh Cường và Đỗ Thị Thu Yến. Kiểm sát viên dự khuyết là ông Nguyễn Sinh Sáng và bà Nghiêm Ngọc Hương.

Bầu Kiên nổi bật giữa các bị cáo.

Tòa đã cho triệu tập 82 đơn vị và các cá nhân là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Trong số các cá nhân được triệu tập đến tòa có Huỳnh Thị Huyền Như, bà Đặng Ngọc Lan, vợ bầu Kiên...

TAND TP Hà Nội còn cho mời đại diện Ngân hàng Nhà nước; đại diện Vụ Pháp chế và Vụ Quản ký Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT); đại diện Vụ pháp chế, Bộ Công thương; Tổng cục Thuế; Sở KH-ĐT Hà Nội, TP HCM; đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước….

Có thể tách vụ án được không?

Trước khi phiên tòa sơ thẩm được mở lại, luật sư Lưu Tiến Dũng, luật sư bào chữa cho ông Trần Xuân Giá cho biết tình trạng sức khỏe của ông Giá vẫn chưa thể tham dự phiên tòa từ ngày 20/5/2014 theo giấy triệu tập của TAND TP Hà Nội.

Kết luận của Hội đồng chuyên môn của Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương chiều ngày 14/5 cho thấy, thể trạng sức khỏe của ông Giá còn rất yếu, chưa thể tự đi lại được, hay bị choáng và rối loạn tiêu hóa.

Bà Lan, vợ bầu Kiên cũng bị triệu tập đến tòa.

Ngoài ra, ông Giá còn đang phải điều trị kháng sinh khoảng 1 tháng nữa để chữa nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Bệnh phì đại tiền liệt tuyến của ông Giá vẫn còn nặng và vẫn chưa loại trừ được khả năng ung thư.

Theo luật sư Lưu Tiến Dũng, ông Giá luôn khẳng định mong muốn là phải được xét xử có mặt ông để bảo đảm quyền tự bào chữa mà Hiến pháp quy định. Vì vậy mà ngày 4/5, khi bệnh tình xấu đi, ông Giá đã đề nghị Tòa án cân nhắc thời gian mở lại phiên tòa vào thời điểm thích hợp, lúc ông đã hồi phục sức khỏe đủ để tham dự phiên tòa để có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nhưng TAND TP Hà Nội đã quyết định xét xử bắt đầu từ ngày 20/5. Trong trường hợp này, không có cách nào khác là ông Giá phải cố gắng nâng cao sức khỏe để có thể xuất hiện tại tòa từ ngày 20/5 theo giấy triệu tập tại tòa, hoặc ít nhất là từ ngày bắt đầu xét xử tội danh liên quan đến ông.

Luật sư Phạm Thanh Tùng, Văn phòng luật sư Phạm Hoàng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng trong trường hợp này phiên tòa phải hoãn vì theo quy định tại Điều 187 Bộ luật Tố tụng hình sự, bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án; nếu vắng mặt không có lý do chính đáng thì bị áp giải theo thủ tục quy định tại Điều 130 của Bộ luật này; nếu bị cáo vắng mặt có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên tòa. Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo khác thì Hội đồng xét xử (HĐXX) tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm - Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh,  trong trường hợp bị cáo Trần Xuân Giá vì sức khỏe rất kém, đang nằm viện (không đủ năng lực hành vi) để tham gia phiên tòa, nếu HĐXX xét thấy không có căn cứ xét xử vắng mặt bị cáo Trần Xuân Giá thì ra quyết định trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát, Cơ quan điều tra để ra quyết định tách vụ án hình sự đối với bị can Trần Xuân Giá để khi nào đủ điều kiện thì phục hồi đưa ra xét xử sau theo qui định của pháp luật.

"Trong thực tế xét xử, trường hợp bị cáo Trần Xuân Giá vắng mặt vì lý do bệnh hiểm nghèo (không đủ năng lực hành vi) để tham gia xét xử, cũng giống như trường hợp vụ án có nhiều bị cáo nhưng đến khi xét xử sơ thẩm thì bỏ trốn. Trong trường hợp này, Tòa án sẽ trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát, Cơ quan điều tra để ra quyết định tách vụ án và tạm đình chỉ bị can để khi nào bắt được sẽ xét xử sau" - luật sư Nguyễn Anh Thơm phân tích.

Dự kiến, phiên tòa sẽ kéo dài trong nửa tháng và kết thúc vào ngày 6/6

Tân Lương
.
.