Sự thật về vụ 14 người dân bị "bắt cóc tống tiền"

Thứ Năm, 21/05/2009, 09:35
Trong tuần qua dư luận xôn xao khi nghe tin 14 người dân ở Hương Khê, Hà Tĩnh vào rừng đốn gỗ bị một nhóm người dùng súng khống chế bắt cóc để tống tiền. Nhiều người dân vùng biên giới Quảng Bình, Hà Tĩnh không dám lên nương, rẫy vì sợ bị bắt cóc... Nhóm phóng viên (PV) chúng tôi đã gặp gỡ những người dân cho rằng họ bị bắt cóc được thả về, đồng thời trao đổi ý kiến với một số ban, ngành chức năng địa phương để tìm hiểu sự thật.

Như phim hành động

Có mặt tại Hương Lâm, Hương Khê, Hà Tĩnh chúng tôi gặp được anh Dương Đình Nhu, Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Hồng Lĩnh... những người trở về sau vụ bị “bắt cóc tống tiền”.

Theo lời kể của các anh thì nhóm bắt cóc đã được trang bị đầy đủ súng ống, thao tác giống như trong một bộ phim hành động nước ngoài; 9 kẻ lạ mặt được trang bị 5 khẩu súng AK, 2 khẩu CKC và 1 khẩu B41. Sau khi khống chế 14 sơn tràng, chúng đã dẫn  giải họ vào rừng sâu rồi đưa sang biên giới nước bạn Lào. Lợi dụng bọn bắt cóc sơ hở, 3 sơn tràng đã trốn thoát. Sau mấy ngày bắt cóc, chúng thả cho 5 người về lấy 70 triệu kíp (tiền Lào) để chuộc người.  Đúng giờ hẹn, những người được thả về mang tiền đến thì chúng đã đưa con tin đi đâu mất dấu.

Nói chuyện với  anh Dương Đình Nhu nhớ lại: Sáng 23/4, anh cùng anh Nguyễn Văn Sỹ và Đinh Văn Tám vào khu vực rừng Khe Bộp thuộc bản Rào Tre dựng lán để khai thác gỗ. Trưa ngày 30/4, sau khi ăn cơm xong mọi người lăn ra ngủ. Bất ngờ xuất hiện một nhóm 3 người lăm lăm súng AK trên tay tiến đến gí súng vào nhóm thợ sơn tràng rồi bắt trói họ lại. Nhóm của anh Nhu chưa biết chuyện gì đang xảy ra thì bắt gặp các anh Dương Văn Toàn, Dương Văn Thanh, Dương Văn Thìn, Trần Văn Sỹ, Trần Văn Bích, Trần Khắc Lượng cũng đang bị trói chặt nằm dưới đất. Sau đó nhóm bắt cóc dẫn tất cả qua dốc khe Đãi vàng.

Tại đây, xuất hiện thêm 2 tên bắt cóc trang bị súng ống đã bắt thêm các anh Nguyễn Văn Tâm, Đinh Văn Hoàng, Nguyễn Văn Lĩnh, Phạm Xuân Trường và Trần Văn Duẩn. Lợi dụng chúng sơ hở, anh Sỹ và anh Toàn tự tháo dây chạy trốn thoát vào rừng, sau đó tìm đường trở về nhà. Đề phòng mọi người chạy trốn, chúng chặt cây rừng đẽo thành gông, kẹp chân mọi người lại.

Khoảng 5h sáng ngày 1/5, nhóm bắt cóc dẫn tất cả 12 người sang nước Lào và ngày 2/5, chúng thả cho 5 người là: anh Nhu, Lượng, Thanh, Tâm và Lĩnh về gom 70 triệu kíp (tương đương 155 triệu đồng) sang nộp cho chúng. Đồng thời, khi đi sang phải mua cho chúng 9 đôi dép rọ, 9 đôi tất, 3 cây thuốc lá Chợ Lớn, thuốc tây... Ngày 3/5, anh Phan Văn Trường, 1 trong 7 người ở lại được chúng giao đi cắt cỏ cho trâu, lợi dụng sơ hở anh đã trốn thoát.

Lãnh đạo Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh trao đổi với PV về vụ việc.

Vậy nhóm bắt cóc là ai? Ngay trên đường ra Hương Khê, Hà Tĩnh để tìm hiểu sự việc, chúng tôi đã đặt ra câu hỏi trên. Và khi tiếp xúc với những người tự nhận là bị bắt cóc thì câu hỏi chúng tôi đặt ra lại thêm nhiều nghi vấn.

Theo như lời kể của các nạn nhân thì nhóm bắt cóc chỉ có một động cơ là “bắt cóc tống tiền”. Được trang bị súng ống đầy đủ với đội hình 9 tên nhưng khi anh Nguyễn Văn Sỹ, Dương Văn Toàn bỏ chạy trốn chúng vẫn không hề đuổi theo hoặc manh động nổ súng. Tiếp đó, sau khi thả cho 5 người bị bắt cóc ra về lấy tiền chuộc, chúng còn dặn thêm phải mua dép rọ, tất, thuốc lá... điều này không phù hợp đối với một băng nhóm bắt cóc có tổ chức như chính những người bị bắt cóc kể lại. Và điều lạ lùng hơn, khi chúng đang giữ 7 con tin để đòi tiền chuộc ngay tại sào huyệt của chúng nhưng anh Phan Văn Trường được chúng giao đi cắt cỏ cho trâu vẫn bỏ trốn được về nhà.

Băng rừng đi tìm câu trả lời...

Đồn Biên phòng 575 Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Tĩnh nằm sát bản Giằng của xã Hương Lâm (huyện Hương Khê). Trời mưa to, con đường xuyên rừng vào đồn như chiếc bẫy giương lên để bổ xuống những ai vượt qua. Chiếc môtô quăng quật bò qua dốc Cổng Trời rồi dốc Hai Tầng, mất gần hơn tiếng đồng hồ chúng tôi cũng đã có mặt ở cổng đồn.

Trung tá Phan Duy Vỵ, Chính trị viên Đồn Biên phòng 575 cho biết, nhận được thông tin từ trinh sát địa bàn báo cáo về vụ việc một số người dân ở các xã Hương Lâm, Hương Liên... bị bắt, Đồn Biên phòng đã tập trung lực lượng nhằm nhanh chóng làm sáng tỏ. Trước hết, chúng tôi khẩn trương xác minh trên địa bàn các địa phương có đối tượng nào đi khỏi nơi cư trú lâu ngày, hoặc có những hiện tượng bất minh không.

Về công tác ngoại tuyến, trong ngày 4/4, Đồn tổ chức một tổ công tác đặc biệt gồm 5 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) khẩn trương sang Đồn Công an 515 (Khăm Muộn - Lào) đóng tại bản 1, huyện Na Cai nhằm phối hợp xác minh. Tại Đồn Công an 515, tổ công tác đã đề nghị phía bạn thẩm tra xác minh những vấn đề: lực lượng bạn trong thời gian đó có đi tuần tra biên giới và có bắt giữ đối tượng nào không? Xác minh lực lượng dân quân các bản, lực lượng kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Na Cai có tuần tra bắt giữ người? Xác minh các đối tượng khác trên địa bàn có những biểu hiện bất minh?...

Với tinh thần hợp tác cao, lực lượng Đồn Công an 515 đã triệu tập các trưởng bản 1, 2, 3 Na Cai cùng tham gia thực hiện xác minh theo yêu cầu. Hôm sau, phía bạn cho biết trên địa bàn không có vấn đề gì xảy ra và không có việc bắt giữ người của Việt Nam. Tuy nhiên, một trưởng bản đã cung cấp thông tin: cách đó khoảng 10 ngày, lực lượng bộ đội và dân quân tại bản Cu Ne (xã Tơng, huyện Na Cai), có thực hiện đi tuần tra biên giới, song chưa rõ có bắt giữ người Việt Nam. Do địa bàn Cu Ne ở cách xa (đi đến đó khoảng 2-3 ngày đường và không thuộc phạm vi của Đồn Biên phòng 575) nên tổ công tác phải nhờ phía bạn tiếp tục xác minh thêm thông tin.--PageBreak--

Lãnh đạo Đồn Biên phòng 575 cũng cho chúng tôi biết: “Trong thời gian qua, công tác tuần tra biên giới, giữ gìn an ninh trật tự luôn được chú trọng, việc phối hợp với lực lượng vũ trang nước bạn tiến hành song phương kiểm tra khu vực biên giới cũng được thực hiện tốt và không có vấn đề gì xảy ra. Vì vậy, khó có thể xảy ra trường hợp các đối tượng mang theo vũ khí xâm nhập vào địa bàn, lãnh thổ Việt Nam để bắt người, đòi tiền chuộc...

Cùng nguồn tin từ Đồn Công an 515 cung cấp cho chúng tôi được biết, ngay sau khi nhận được thông tin từ lực lượng Biên phòng Hà Tĩnh, Đồn 515 đã tiến hành nhiều biện pháp nghiệp vụ để xác minh sự việc và ban đầu có thông tin hé mở: Vào thời gian xảy ra vụ việc, lực lượng Bộ đội thuộc Huyện đội Na Cai (Lào) phối hợp cùng dân quân tuần tra biên giới đã phát hiện một số người dân thường Việt Nam sang khai thác gỗ trái phép trên khu vực biên giới, không có giấy tờ tùy thân nên đoàn công tác đã bắt và tạm giữ đưa về huyện để xử lý. Sau đó 6 người trong số bị bắt đã được cho trở về Việt Nam, còn lại 6 người hiện đang được tạm giữ. Việc xử lý những người còn lại thuộc thẩm quyền cấp trên...

Sáng ngày 14/4, chúng tôi đã trực tiếp làm việc với Đại tá Hoàng Thỏa, Trưởng phòng Trinh sát Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Tĩnh vừa có chuyến công tác tại huyện Na Cai trở về cách đó mấy giờ đồng hồ. Đại tá Hoàng Thỏa cho biết: từ biên giới Cha Lo (Quảng Bình) đoàn công tác đi gần 100 km vào đến huyện Na Cai. Tại đây đoàn đã gặp 6 người dân đang bị Cơ quan quân sự huyện Na Cai tạm giữ. Tất cả mọi người đều mạnh khỏe.

Trung úy Túc Ta Phai Nha Lạt, Phó chỉ huy quân sự huyện Na Cai cho biết những người này đã bị lực lượng tuần tra biên giới của Đồn Biên phòng Cù Ne (Khăm Muộn) bắt giữ tại khu vực biên giới giữa Khăm Muộn và Hà Tĩnh. Sau đó đồn đã bàn giao số người bị tạm giữ lại cho Cơ quan Quân sự huyện Na Cai xử lý theo thẩm quyền.

Những người bị tạm giữ được trả về kể lại sự việc.

Được biết, đoàn tuần tra biên giới của lực lượng biên phòng Cù Bai có Thiếu úy Bun Tha Li là tiểu đội trưởng và Bun Lợt Phi tiểu đội phó. Hiện tại một đoàn công tác của Cơ quan quân sự huyện Na Cai do Trung tá Khăm Phong, Chính ủy quân sự huyện dẫn đầu đang đến vùng xảy ra việc bắt giữ để xác minh cụ thể vụ việc này.

Đại tá Nguyễn Trọng Thường, Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Tĩnh trong buổi làm việc với chúng tôi đã khẳng định không hề có việc bắt cóc tống tiền xảy ra tại vùng biên giới thuộc huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) như một số thông tin đã nêu. Mà chỉ có vụ việc lực lượng tuần tra biên giới của nước bạn Lào đã bắt giữ một số người dân xã Hương Lâm, Hương Liên... sang khai thác gỗ trái phép tại khu vực biên giới.

Theo thông tin của trinh sát BĐBP thì trong quá trình bắt giữ đó, lực lượng chức năng của Lào cũng không đánh đập hay bỏ đói người dân. Mặt khác về phía BĐBP Hà Tĩnh không lập chuyên án và cũng không có các tổ thực hiện giải cứu con tin như một số thông tin đã đưa ra mà chúng tôi thành lập 2 đoàn công tác sang phối hợp cũng cơ quan chức năng của bạn làm rõ những vấn đề có liên quan đến vụ bắt giữ người.

Hiện nay, chúng tôi cùng với lực lượng của bạn đang tiến hành xác minh cụ thể địa điểm mà phía bạn đã thực hiện việc bắt giữ để có cơ sở trong việc xử lý vấn đề này. Hiện tại, còn lại 6 người dân xã Hương Lâm, Hương Liên... đang bị Huyện đội Na Cai (Khăm Muộn - Lào) tạm giữ. Làm việc với đoàn công tác của BĐBP Hà Tĩnh, ông Liêng Khăm Phong Thai, Phó chủ tịch huyện Na Cai cho rằng sẽ sớm xác minh cụ thể vụ việc và có thể bàn giao 6 người này cho Đồn Biên phòng 575 của BĐBP Hà Tĩnh...

Được biết, BĐBP Hà Tĩnh cũng đã thành lập một tổ công tác hơn mười cán bộ đến khu vực biên giới nơi xảy ra vụ bắt giữ người Việt Nam của lực lượng Biên phòng Cù Ne. Tại đây, tổ công tác của BĐBP Hà Tĩnh cùng tổ công tác của cơ quan quân sự huyện Na Cai sẽ phối hợp cùng làm rõ một số vấn đề có liên quan đến vụ việc

Trao đổi qua điện thoại, Thiếu tướng Võ Trọng Việt, Phó Tư lệnh BĐBP cho biết: Sau khi nhận được báo cáo của BĐBP Hà Tĩnh về vụ việc bắt cóc tống tiền xảy ra tại Hương Khê, chúng tôi đã nhận định không có thể xảy ra việc một nhóm người trang bị vũ khí hạng nặng có thể xâm nhập sâu vào lãnh thổ Việt Nam để thực hiện việc bắt người tống tiền.

Khu vực biên giới Việt - Lào luôn được lực lượng vũ trang 2 nước song phương tuần tra kiểm soát chặt chẽ và giúp đỡ nhân dân trong khu vực phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Chúng tôi chỉ đạo Bộ chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh có ý kiến đề nghị các cơ quan thông tin cần có định hướng trong việc phản ánh đúng bản chất sự việc

S.Lam - T.Phùng - A.Bình
.
.