TNGT hàng loạt: Phải xử lý nghiêm lái xe coi thường pháp luật

Thứ Ba, 22/03/2016, 12:00
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng trên khắp cả nước, bởi những chiếc xe điên, xe mất lái. Hậu quả của các vụ tai nạn thật nặng nề. Con số thương vong ngày càng tăng. Nguyên nhân ban đầu của các vụ tai nạn được kết luận phần lớn do xe mất thắng, mất lái. Có phải như thế không?


Tai nạn nối tiếp tai nạn

Tại đèo Thung Khe, Hòa Bình vào lúc 16 giờ 30 phút ngày 14-3, một chiếc xe bồn chở nhựa đường đã tông vào chiếc xe khách đi ngược chiều khiến 3 người chết, 26 người bị thương. Theo báo cáo của Công an tỉnh Hòa Bình, nguyên nhân xảy ra vụ TNGT do xe bồn mất lái, lật nghiêng dẫn đến va chạm với xe khách gây tai nạn. Trước đó nhiều vụ TNGT nghiêm trọng  liên tiếp xảy ra trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác khiến chúng ta phải giật mình, không chỉ ở con số thương vong…

Trung tá Trần Thái Bảo, Đội phó Đội Tuyên truyền, điều tra, xử lý vi phạm giao thông, Phòng CSGT Đường bộ - đường sắt, Công an TP HCM.

Điển hình là vụ tai nạn giao thông trên phố Ái Mộ, quận Long Biên, Hà Nội xảy ra sáng ngày 29-2. Chiếc xe Camry do Nguyễn Quang Vinh (39 tuổi) cầm lái vì phóng nhanh, vượt ẩu, không kiểm soát được tình huống đã gây ra cái chết thương tâm cho hai ông cháu đang chở nhau tới trường học và một người đi bộ. Người điều khiển xe trước đó có uống rượu. Hay như vụ tai nạn  trên đường Hồng Hà, (Hà Nội), một chiếc taxi 4 chỗ bất ngờ lao vào một cụ bà cùng một cháu bé đang đứng bên đường khiến cụ bà tử vong tại chỗ, cháu bé bị thương nặng, tài xế không có giấy phép lái  xe...

Xe điên, xe mất lái là cách gọi gán ghép cho những chiếc xe gây tai nạn, hầu hết do người điều khiển thiếu ý thức, liều lĩnh, coi thường tính mạng người khác, coi thường pháp luật. Tại TP Hồ Chí Minh, vào khoảng 7 giờ ngày 25-2 vừa qua, tại ngã tư gần Khu công nghiệp Vĩnh Lộc – Bình Tân đã xảy ra một vụ tai nạn liên hoàn khiến người dân vô cùng hoảng sợ.

Chiếc xe tải mang biển số 60S-2198 chạy với vận tốc cao từ hướng quận Bình Tân về quận 12, gần tới ngã tư có tín hiệu đèn đỏ, nhưng chiếc xe không dừng lại mà vẫn lao nhanh về trước, cuốn theo nhiều người và xe máy đang lưu thông cùng chiều. Vụ va chạm liên hoàn khiến 10 người bị thương. Giao thông bị ùn tắc vì lúc đó đúng vào giờ cao điểm người dân đi học, đi làm, nhiều người vô cùng hoảng loạn. Tài xế là Nguyễn Văn Quá, 29 tuổi, cho biết, khi thấy đèn đỏ đã cố đạp phanh nhưng chiếc xe không dừng lại theo ý muốn. Nguyên nhân vụ việc là do xe mất thắng?

Ngược thời gian, vào  lúc 11 giờ, ngày 17-2, chiếc xe tải mang biển số 61C-10661 do tài xế Nguyễn Thanh Tùng (28 tuổi, quê Thanh Hóa) điều khiển đang lưu thông trên đường Lê Đức Thọ, hướng từ quận 12 về quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, khi đổ dốc cầu Trường Đai đã đâm liên hoàn vào nhiều xe máy đi cùng chiều làm 2 người tử vong tại chỗ, một nạn nhân tử vong sau đó mấy ngày và 4 người bị thương nặng. Cơ quan chức năng ban đầu xác định, do chở quá tải trọng cho phép, di chuyển với tốc độ cao, tài xế mất kiểm soát dẫn đến tai nạn.

Không có giấy phép lái xe, bị tước giấy phép lái xe, điều khiển xe sau khi sử dụng rượu bia, chất ma túy… cũng là những nguyên nhân  dẫn đến tai nạn. Nhưng hầu hết những vụ TNGT nghiêm trọng trên đều có dòng lý giải nguyên nhân “là do xe mất lái”. Vậy có phải thực sự là do xe mất lái?

“Mất lái” nghĩa là gì?

Anh Hùng, một tài xế xe khách, ngụ quân Thủ Đức, người đã từng gặp “sự cố nghề nghiệp”, cho biết, những vụ xe mất lái rất nhiều trường hợp do tài xế ngủ gục, hay còn gọi là ngủ trong tâm thức.

Hiện trường vụ tai nạn trên cầu Trường Đai, TP HCM.

Như vụ TNGT ở Gò Vấp xảy ra ngày 17-2 vừa qua rất có thể lúc đó tài xế ngủ trong tâm thức, khi xe xuống dốc xỉa vô lề, tài xế giật mình xử lý không kịp nên xảy ra tai nạn. Hoặc lúc lao lên vỉa hè do lực tác động mạnh khiến rôtin (có người gọi là thước ngắm) rơi ra, làm thay đổi hướng lái, cho nên khi khám nghiệm hiện trường, kiểm tra xe cộng với lời khai của một số nhân chứng và tài xế cơ quan điều tra kết luận xe mất lái?

Tình trạng mất lái thực sự chỉ có thể do rớt đầu rôtin vì thời gian vận hành lâu không bảo dưỡng thường xuyên, đầu bạc đạn bị mòn hoặc bể bạc đạn chữ thập của cốt tay lái mới gây ra mất lái.

Nhưng cả hai trường hợp trên nếu xảy ra thì người điều khiển xe rất dễ phát hiện, người mới vào nghề cũng biết. Chỉ cần xe chuyển động với vận tốc thấp là biết ngay, bởi tay lái quơ dữ lắm. Ngoài ra nó còn phát ra tiếng kêu, tài xế không thể không biết. Hầu hết tài xế không chạy xe trong  trường hợp có sự cố trên. Nếu trong trường hợp xe mất lái thật, là người có kinh nghiệm, tài xế sẽ dồn về số thấp và phanh đứng xe, tai nạn có xảy ra cũng bớt nghiêm trọng hơn.

Hiện nay, đa số xe tải sử dụng thắng hơi, khi gặp sự cố, người điều khiển phương tiện giao thông  dồn số, đạp thắng kết hợp kéo lốc kê và tắt máy, đảm bảo xe sẽ dừng ngay, chắc chắn sẽ giảm thiểu thiệt hại. Bởi vậy, khó mà đổ cho mất lái được!?

Anh Trung, 44 tuổi, ngụ xã Tam Phước, TP Biên Hòa, Đồng Nai, người đã có 22 năm kinh nghiệm, từ lái xe khách đến xe container, kể cả xe chuyên dụng, cho biết thêm về nguyên nhân xe mất lái: về kỹ thuật, khi bơm trợ lực mất hiệu lực khiến cho tay lái khó điều khiển. Vỏ (lốp) xe cũng là một nguyên nhân gây mất lái.

Bởi theo quy chuẩn, khi sử dụng được khoảng 40 ngàn kilômet thì phải thay vỏ, tuy nhiên vì chút lợi nhỏ, cắt giảm chi phí, nhiều chủ xe, kể cả tài xế biết vỏ xe đã hết hạn sử dụng nhưng lại “quên” đi động tác này. Ngoài ra cơ sở hạ tầng (tình trạng đường sá) kém chất lượng cũng dẫn đến tai nạn. Nhưng nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn vẫn là do con người.

Cùng một nhận xét như anh Hùng, các vụ tai nạn do xe mất lái vẫn là do tài xế chạy xe trong tình trạng ẩu thả, buồn ngủ, say rượu, nghiện hút (chủ yếu rơi vào trường hợp tài xế chạy xe đường dài)… Để hạn chế tai nạn, trước hết người điều khiển phương tiện cần phải tỉnh táo, trước khi cho xe lăn bánh cần kiểm tra các thông số kỹ thuật, kiểm tra vỏ, bánh xe, hạn chế chở quá tải… Nếu gặp sự cố cần phải bình tĩnh xử lý tình huống v.v…

Anh Vũ, chủ gara Thành Phát, ở quận 8 TP Hồ Chí Minh thì khẳng định nguyên nhân xảy ra tai nạn do mất lái chỉ là cách nói chung chung. Về kỹ thuật, với các dòng xe hiện nay, khi chuyển động, nhờ có trợ lực tài xế dễ dàng điều khiển. Khi lỏng tay lái, vô-lăng sẽ tự trả về vị trí ban đầu. Còn như nếu thước ngắm bị hỏng khi đó bánh xe quay về hướng nào thì xe sẽ lao về hướng đó, nhưng chỉ cần ngồi lên xe là biết ngay. Do vậy, khi lên xe người điều khiển phương tiện cần kiểm tra kỹ các thông số kỹ thuật, chắc chắn sẽ hạn chế được những vụ tai nạn đáng tiếc.

Phải nghiêm khắc với tài xế cẩu thả

Trao đổi với chúng tôi về nguyên nhân của những vụ tai nạn do xe mất lái, Trung tá Trần Thái Bảo, Đội phó Đội Tuyên truyền, điều tra, xử lý vi phạm giao thông, Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, trong quá trình điều tra giải quyết các vụ TNGT, cơ quan chức năng đều tiến hành giám định kỹ thuật, kiểm tra hệ thống lái và phanh… để đưa ra kết luận chính xác, khách quan.

Từ kết quả giám định, cơ quan chức năng đã nêu ra một số nguyên nhân dẫn đến sự cố mất lái gây TNGT cơ bản sau: Thứ nhất, hệ thống lái một số phương tiện không đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật, khi tham gia giao thông dẫn đến tai nạn giao thông. Thứ hai, tình trạng sức khỏe của người điều khiển phương tiện không đảm bảo, mệt mỏi, ngủ gật khi đang lái xe hoặc đã uống rượu bia, sử dụng các chất kích thích làm giảm khả năng tập trung điều khiển phương tiện cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự cố mất lái. Thứ ba, người điều khiển phương tiện chạy quá nhanh, khi xảy ra những tình huống bất ngờ (người đi bộ qua đường, các phương tiện khác chuyển hướng đột ngột…) không làm chủ được tay lái dẫn đến tai nạn.

Trong các vụ TNGT, khi có dấu hiệu nghi vấn người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia hoặc chất ma túy, lực lượng CSGT phối hợp với các đơn vị chức năng đều tiến hành kiểm tra nồng độ cồn, chất ma túy… Căn cứ vào kết quả kiểm tra, tùy theo tính chất mức độ vi phạm cơ quan chức năng sẽ có các biện pháp xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trước mắt, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt tiếp tục duy trì phối hợp với các lực lượng chức năng khác, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt sẽ tăng cường xử lý các lỗi vi phạm là nguyên nhân chính gây ra TNGT như: vi phạm tốc độ, sử dụng rượu bia khi lái xe... Siết chặt việc quản lý, không cấp phép cho các phương tiện không đảm bảo an toàn về mặt kỹ thuật lưu thông. Không cấp phép cho những người có biểu hiện thiếu hành vi kiểm soát… nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho mọi người tham gia giao thông.

Mặt khác, tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, tổ chức đoàn thể tuyên truyền vừa đảm bảo người dân nắm vững các quy định pháp luật giao thông, vừa mang tính chất cảnh báo, răn đe giáo dục, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người dân khi tham gia giao thông. Trung tá Trần Thái Bảo cho biết.

Muốn lập lại trật tự an toàn giao thông, nhất thiết phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các ban ngành, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Cần quản lý chặt chẽ từ con người đến phương tiện. Xử lý thật nghiêm những kẻ coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người tham gia giao thông mới mong hạn chế được  “xe điên”, “xe mất  lái” hiện đang trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của người tham gia giao thông.

Bùi Đức Hà
.
.