Tấn công mạnh tội phạm đường phố
- Tặng bằng khen cho 3 người dân dũng cảm truy bắt nhóm cướp giật tài sản
- Nổ súng khống chế tên cướp giật Iphone 11 Pro Max
- Ổ nhóm chuyên trộm cắp, cướp giật sa lưới
Những vụ cướp manh động
Trần Gia Đức (sinh năm 1988, ngụ Tân Phú) vừa bị Công an quận Bình Tân bắt giữ khi đang lẩn trốn trong khu nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Đức là "nhân vật chính" trong đoạn clip đăng tải trên mạng xã hội (facebook) khi cướp chiếc Iphone 6 plus của chị T.K.H (sinh năm 2002, quê Đồng Nai) sau đó kéo lê chị H. trên đường khoảng 500m. Đức nghiện ma túy nặng, từng có 2 tiền án về tội cướp giật tài sản và trộm cắp tài sản.
Tại cơ quan điều tra Đức khai do không có tiền mua ma túy sử dụng nên dạo quanh các tuyến đường trên địa bàn quận Bình Tân tìm kiếm "con mồi". Đến đường số 12, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, thấy chị H. đi bộ sử dụng điện thoại nên Đức vòng xe lại giật. Chị H. bám vào cản baga để giữ xe Đức lại. Đức vẫn tăng ga bỏ chạy và kéo lê chị H. trên đường. Khi chị H. văng ra được bên ngoài thì người đầy vết thương, lóc da gót chân, mông. Đức đem chiếc điện thoại đi bán được 1,2 triệu đồng mua ma túy sử dụng.
Hình ảnh đối tượng Trần Gia Đức kéo lê cô gái sau khi cướp điện thoại. |
Đại tá Nguyễn Nhật Thành - Trưởng Công an quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh cho biết, trên địa bàn quận gần đây xảy ra nhiều vụ án cướp, cướp giật tài sản. Nạn nhân đa phần đem theo tài sản một cách hớ hênh, dễ làm các đối tượng nảy sinh lòng tham. Dư luận không chỉ bức xúc với hành vi của tội phạm mà còn lên án sự hớ hênh của chủ tài sản. Cán bộ chiến sĩ Công an quận Bình Tân phải liên tục đeo bám các vụ án, triệt phá các băng nhóm, đối tượng để không gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự chung trên địa bàn.
Đối tượng Trần Gia Đức bị bắt khi lẩn trốn ở nghĩa trang. |
Nhiều vụ các đối tượng giật tài sản khiến nạn nhân bị bất ngờ, không tự chủ được nên văng lên cao rồi đập đầu xuống đất, có trường hợp bị chấn thương sọ não. Đa phần các đối tượng gây án tuổi đời còn khá trẻ, có đối tượng dù gây án nghiêm trọng nhưng vẫn chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Đ.A.K. và N.H.L.T. (cùng sinh năm 2004, ngụ Bình Chánh) bị Công an Bình Tân bắt khi gây ra vụ cướp giật giỏ xách hôm 24/10 tại đường liên khu 4-5, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân khiến chị T.N.T. (sinh năm 1980) bị văng lên cao rồi té đập đầu xuống đường. Trong giỏ xách của chị T. có 2 phong bì (mỗi phong bì 1 triệu đồng) và 500 ngàn đồng tiền mặt, một chiếc điện thoại. Số tiền này chị T. chuẩn bị cùng chồng đi mừng đám cưới ở Đồng Nai.
Bốn đối tượng Cao Văn Dũng Liêm (sinh năm 1998), Lê Quang Vinh (sinh năm 1999, cùng ngụ huyện Bình Chánh), Lê Hoàng Phúc và Phùng Minh Tiến (cùng sinh năm 1999, ngụ quận Bình Tân) thực hiện vụ giật giỏ xách của chị N.B.D.L. (sinh năm 1981, ngụ Bình Tân) trên đường số 3, phường Bình Hưng Hòa B. khiến chị L. bị chấn thương sọ não. May mắn con gái chị, 13 tuổi đi cùng chỉ bị thương nhẹ. Các đối tượng này thấy chị B. để giỏ xách hớ hênh trước xe gắn máy lưu thông trên đường nên tổ chức cướp.
Không "tạo điều kiện" cho tội phạm
Mặc dù liên tục có những bài viết cảnh báo, nhưng ngoài đường phố bất cứ lúc nào mọi người cũng có thể nhìn thấy người dân sử dụng điện thoại một cách vô tư. Đây là thói quen khó bỏ. Anh Nguyễn Tấn Thành, một người hành nghề xe ôm ở quận 6 nhận xét: "Nhiều trường hợp vừa điều khiển xe máy trên đường vừa bấm điện thoại để trả lời tin chat trên facebook, hay vừa đi bộ vừa cắm đầu vào điện thoại nhưng không phải là giải quyết việc quan trọng mà chỉ để lướt facebook hoặc xem… youtube. Có nhiều người đeo túi xách giá từ vài triệu cho đến cả trăm triệu đồng ngoài đường chỉ để… khoe mẽ, trong khi đang điều khiển xe tay ga đắt tiền, cốp xe rộng rãi. Nếu không bị cướp thì cũng bị tai nạn giao thông bởi họ chỉ chúi đầu vào điện thoại. Chỉ một phút mất cảnh giác mà đánh đổi tài sản, có khi là cả tính mạng. Mọi người nên xem lại hành vi của mình!".
Nạn nhân chuẩn bị đi ăn đám cưới bị 2 đối tượng nhỏ tuổi giật túi xách khiến nạn nhân đập đầu xuống đường. |
Nhiều người than thở về tình trạng cướp giật lộng hành, tội phạm trẻ hóa, manh động… và đổ lỗi cho lực lượng công an không giữ gìn được an ninh trật tự. Tuy nhiên, đó là đánh giá thiếu khách quan. Bởi nhìn vào thực tế, chính sự chủ quan, mất cảnh giác của người dân đã tạo điều kiện phát sinh tội phạm, tạo thuận lợi cho đối tượng gây án.
Linh Hana (một DJ có tiếng tại TP Hồ Chí Minh) kể, khoảng 2h sáng 7/11, sau khi tan làm, Linh đứng trước một con hẻm trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 10 chờ một số người bạn để về chung. Trong lúc đứng chờ, Linh lấy điện thoại iPhone 11 Pro Max ra sử dụng.
Một đối tượng đi trên xe máy áp sát, giật. Theo quán tính, Linh truy hô và chụp vào đuôi xe của đối tượng. Đối tượng tăng ga bỏ chạy kéo Linh đi một đoạn hơn 3m. Đau quá Linh buông tay. Cả người Linh bị trầy xước, khắp vùng bụng, ngực, 2 cánh tay, đầu gối. Trong lúc bấn loạn, Linh chỉ nhìn thấy đối tượng mặc bộ đồ xe ôm công nghệ.
Các đối tượng giật giỏ xách ở Bình Tân khiến nạn nhân bị chấn thương sọ não. |
Những đoạn clip được đăng tải, nạn nhân đa phần đều là phụ nữ. Họ bị các đối tượng cướp giật hất tung lên cao rồi rơi xuống đất hay bị kéo lê trên đường. Anh Huỳnh Hữu Trọng, nhà quận 3 lắc đầu: "Cướp giật ngày càng manh động.
Tuy nhiên tôi không khuyến khích chuyện những nạn nhân bị mất tài sản, tiếc của bám vào đuôi xe của các đối tượng để bị kéo lê trên đường. Khi các đối tượng đã cố tình cướp thì việc nắm đuôi xe của các đối tượng chỉ khiến các nạn nhân bị thương tích. Nếu ai rơi vào trường hợp bị cướp, cần bình tĩnh ghi nhận đặc điểm, phương tiện của đối tượng để có thể khai chi tiết khi trình báo với công an. Đừng liều mạng hành động như vậy. Nếu giữ được đối tượng thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Các đối tượng này liều lĩnh thường thủ theo hung khí, có thể tấn công lại mình. Tài sản mất có thể làm kiếm lại được, nhưng tính mạng, sức khỏe bị ảnh hưởng!".
Theo luật sư Nguyễn Văn Trường - Văn phòng Luật sư Trường, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, những vụ cướp mà các đối tượng manh động, kéo lê nạn nhân trên đường, trong thời gian qua xảy ra khá nhiều. Vì muốn thực hiện hành vi của mình mà các đối tượng bất chấp hậu quả. Các đối tượng gây án có tuổi đời khá trẻ, lười lao động, nghiện ma túy. Hành vi cướp giật tài sản đã rõ ràng. Tuy nhiên việc kéo lê nạn nhân trên đường gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng cũng là một yếu tố để xem xét, tăng nặng hình phạt. Nhiều trường hợp các đối tượng còn phải bị xem xét thêm hành vi "cố ý gây thương tích".
Một điều đáng ghi nhận là các vụ phạm pháp hình sự trong thời gian qua mà dư luận quan tâm, bức xúc đều được Công an TP Hồ Chí Minh và Công an các quận huyện truy xét và nhanh chóng khám phá, bắt giữ các đối tượng. Thượng tá Thái Thanh Xuân - Trưởng phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, Công an TP Hồ Chí Minh đã tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp tấn công, trấn áp mạnh các loại tội phạm, không để tội phạm có điều kiện hoạt động gây phức tạp, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Số vụ phạm pháp hình sự được kéo giảm.
Trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm (từ 30/9 đến ngày 31/10), các đơn vị đã khám phá nhanh 268/363 vụ phạm pháp hình sự, bắt 545 đối tượng (so với thời điểm này năm ngoái đã kéo giảm 5,47%, án cướp tài sản giảm 5,88%, án cướp giật giảm 19,12%, án trộm cắp giảm 16,85%). Các vụ án rất nghiêm trọng, vụ án được dư luận quan tâm đều được các đơn vị khẩn trương truy xét, khám phá ngay khi xảy ra, được người dân đánh giá cao.
Thiếu tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, các đơn vị đã thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, nhất là công tác điều tra đã có chuyển biến tích cực, tình trạng cướp giật, trộm cắp tài sản nơi công cộng được kéo giảm, đấu tranh triệt phá nhiều vụ án được nhân dân khen ngợi, đánh giá cao.
Trong những tháng cuối năm 2020, Thiếu tướng Lê Hồng Nam yêu cầu các đơn vị tập trung xử lý tin báo về tội phạm, tăng cường truy bắt các đối tượng truy nã. Các đơn vị phối hợp chặt chẽ trong công tác nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả điều tra, xử lý; điều chỉnh, bổ sung lực lượng điều tra viên cho phù hợp với tình hình thực tế công tác tại từng đơn vị; tăng cường công tác kiểm tra hành chính; đánh giá tình hình tội phạm cướp giật trong thời gian qua để có giải pháp xử lý, nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự xã hội.