Thổi phồng giá trị cổ phiếu để chiếm đoạt tiền bạc tại Công ty Bia Guiness

Thứ Sáu, 05/10/2007, 18:00
Guinness là công ty chuyên sản xuất bia đen nổi tiếng trên thế giới được thành lập vào năm 1759 bởi Arthur Guinness tại thành phố Dublin của Cộng hòa Ireland. Chỉ 10 năm sau khi thành lập, Guinness đã xuất khẩu mẻ bia đen đầu tiên và cho đến nay, công việc kinh doanh vẫn liên tục phát triển với doanh thu hàng năm đạt đến con số 2 tỉ bảng Anh.

Thế nhưng, vào năm 1986, Công ty Guinness gặp phải tai tiếng khi xảy ra vụ án thổi phồng giá trị cổ phiếu để chiếm đoạt tiền bạc với số lượng lớn của Ernest Saunders, Gerald Ronson, Jack Lyons và Anthony Parnes, còn được báo chí gọi là “Vụ án bè lũ 4 tên tại Công ty Guinness”.

Vào thời kỳ đó, Saunders là Giám đốc điều hành của Công ty Guinness từ năm 1981 còn Gerald Ronson là một doanh nhân, vốn là người thừa kế của Tập đoàn Heron chuyên kinh doanh sản phẩm chế biến từ dầu mỏ rất có tên tuổi tại Anh.

Trong khi đó, Parnes là một triệu phú phất lên nhờ biết đầu tư kịp thời vào lĩnh vực mua bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, còn Lyons là một người chuyên "vận động hành lang" do quen biết nhiều nhân vật có thế lực ở Anh, trong đó có cả Thủ tướng Margaret Thatcher.

Điểm đặc biệt là cả 4 nhân vật này đều là người Anh gốc Do Thái và thông qua hoạt động của Hội Ái hữu Anh - Do Thái, có trụ sở đặt tại thủ đô London mà gặp gỡ và quen biết lẫn nhau.

Năm 1985, nhằm mở rộng và phát triển kinh doanh, ban lãnh đạo Công ty Guinness quyết định mua lại công ty sản xuất rượu Distillers. Vào thời kỳ đó, Distillers là một trong những thương hiệu hàng đầu của ngành sản xuất rượu thế giới, có cơ sở sản xuất đặt tại Scotland với sản phẩm đặc trưng và nổi tiếng là rượu whisky.

Nếu mua được Distillers thì Guinness sẽ trở thành một tập đoàn sản xuất bia rượu hùng mạnh có thể sánh ngang các đối thủ nặng ký là Tập đoàn Heineken của Hà Lan và Budweiser của Mỹ. Thế nhưng chủ trương này đã bị Saunders, Ronson, Lyons và Parnes lợi dụng để chiếm đoạt tiền bạc.

Ernest Saunders.

Là Giám đốc điều hành Công ty Guinness nên Saunders được giao nhiệm vụ lập kế hoạch mua lại Công ty Distillers.

Tuy nhiên, Saunders chưa vội triển khai ngay kế hoạch này mà gặp gỡ với Ronson, Lyons, Parnes và Ivan Boesky, Giám đốc Ngân hàng Leu, có trụ sở đặt tại thành phố Genève của Thụy Sĩ, để bàn cách chiếm đoạt tiền bạc của Công ty Guinness bằng biện pháp thổi phồng giá trị cổ phiếu của Công ty Distillers bằng cách dùng tiền của Ngân hàng Leu chi cho Ronson, lấy danh nghĩa Tập đoàn Heron, và Parnes, lấy danh nghĩa Tập đoàn Burton, tranh nhau mua cổ phiếu của Công ty Distillers, nhằm đẩy giá trị cổ phiếu của công ty sản xuất rượu này liên tục tăng trên thị trường chứng khoán London.

Riêng nhiệm vụ của Lyons là dựa vào mối quan hệ quen biết với các quan chức trong nội các chính phủ của Thủ tướng Thatcher để tác động đến thương vụ mua lại Công ty Distillers của Công ty Guinnness.

Vào tháng 6/1986, khi giá trị cổ phiếu của Công ty Distillers tăng ngất ngưởng ở mức 12,1 bảng Anh/cổ phiếu, bỗng Saunders quyết định chi 2,7 tỉ bảng Anh để mua lại Công ty Distillers.

Giải thích cho việc làm này của mình trước báo giới, Saunders cho biết là phải tung tiền mua ngay do lo ngại giá trị của Công ty Distillers còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Công ty Guinness đã khôn ngoan khi chỉ chi 2,7 tỉ bảng để có thể sở hữu được Công ty Distillers trong khi Tập đoàn Heineken cũng đang toan tính mua lại công ty sản xuất rượu này.

Ngược lại, nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng, Công ty Guinness đã quá phiêu lưu khi bỏ ra một số tiền lớn để mua trên giá trị thực tế của Công ty Distillers vào thời điểm tháng 6/1986.

Thế nhưng trong khi thị trường rượu bia thế giới còn chưa yên ắng sau thương vụ thôn tính Công ty Distillers của Công ty Guinness thì đến tháng 8/1986, giá trị cổ phiếu của  Distillers, lúc này đã trở thành thành viên của Công ty Guinness, cứ giảm dần do một số nhà đầu tư liên tục bán một lượng lớn cổ phiếu ra thị trường.

Những nhà đầu tư này thực chất là Ronson, Parnes và Lyons đã tung cổ phiếu của Công ty Distillers ra mà bọn họ mua gom với giá rẻ trước thời điểm Công ty Guinness chưa mua lại Công ty Distillers rồi bán lại khi giá trị cổ phiếu của Distillers đang còn ở mức cao, một mặt để thanh toán tiền vay đến hạn của Ngân hàng Leu trước đó và cũng để thu về được một khoản lợi nhuận lớn lên đến 55 triệu bảng Anh.

Và do giá trị cổ phiếu của Công ty Distillers cứ giảm dần nên giá trị thực tế của công ty này được đánh giá chỉ còn 1,8 tỉ bảng và đã khiến cho Công ty Guinness phải thiệt hại 900 triệu bảng.

Đợi mọi việc sau khi đã đâu vào đó, Saunders, Ronson, Lyons và Parnes cùng nhau chia chác số tiền kiếm lợi được thông qua thương vụ mua lại Công ty Distillers của Công ty Guinness, trong đó không quên dành phần để thưởng công cho Boesky, Giám đốc Ngân hàng Leu.--PageBreak--

Vào tháng 12/1986, Bộ Thương mại và Kỹ nghệ Anh (DTI) quyết định thanh tra toàn bộ thương vụ mua lại Công ty Distillers của Guinness để cố tìm xem nguyên nhân tại sao chỉ trong một thời gian ngắn giá trị cổ phiếu của Công ty Distillers lại tăng nhanh rồi tụt giảm chóng vánh khiến cho Công ty Guinness phải chịu thiệt hại gần 1 tỉ bảng.

Do là người quyết định vội vàng chi một số tiền lớn để mua lại Công ty Distillers, mặc cho khuyến cáo của nhiều nhà chuyên môn, nên Saunders bị quy trách nhiệm trong vụ thiệt hại của Công ty Guinness.

Bí mật điều tra về các giao dịch tài chính cá nhân của Saunders, các điều tra viên của Cơ quan Chống gian lận tài chính trực thuộc DTI phát hiện có nhiều khoản tiền lớn, có món lên đến 7,8 triệu bảng được chuyển đến từ Thụy Sĩ vào tài khoản của Saunders tại Anh rồi sau đó được Saunders chuyển đến một tài khoản mở khác tại một ngân hàng ở thành phố Dublin của Cộng hòa Ireland.

Nghi vấn đây là những số tiền bất minh nên Saunders bị gọi thẩm vấn. Trước nguy cơ bị xử tội nặng nếu không thú nhận nên Saunders đã thành thực khai báo hành vi phạm tội của mình với sự cộng tác của Ronson, Parnes và Lyons có sự giúp đỡ đắc lực của Ngân hàng Leu.

Bị bắt giữ sau đó, cả Ronson, Parnes và Lyons đã thú nhận việc làm sai trái của mình để cùng Saunders chia chác số tiền 55 triệu bảng thu lợi được thông qua phi vụ mua bán cổ phiếu của Công ty Distillers nhưng thực chất đó là số tiền mà bọn họ đã chiếm đoạt một cách gián tiếp của Công ty Guinness.

Vào tháng 8/1999, Tòa án Old Bailey ở thủ đô London đã tuyên phạt Ernest Saunders 5 năm tù giam và 7 triệu bảng  về các tội chủ mưu lừa đảo, có hành vi tẩy rửa tiền, Gerald Ronson 1 năm tù giam và 5 triệu bảng về tội lừa đảo, Anthony Parnes 30 tháng tù giam và 3 triệu bảng về tội lừa đảo, Jack Lyons 24 tháng tù cho hưởng án treo và 4 triệu bảng về tội lợi dụng ảnh hưởng để lừa đảo.

Riêng Ivan Boesky, Giám đốc Ngân hàng Leu, kẻ tiếp tay đắc lực cho vụ lừa đảo, vì là công dân Thụy Sĩ nên bị xử phạt vắng mặt 18 tháng tù giam và 3 triệu bảng và bị phát lệnh truy nã quốc tế.

Sau vụ án này, nhằm ngăn ngừa các hành vị thổi phồng giá trị cổ phiếu để trục lợi cùng các hành vi phạm tội khác xảy ra trên thị trường tài chính, Bộ Tài chính Anh quyết định thành lập một đơn vị đặc biệt chuyên kiểm tra, giám sát để phát hiện các hành vi gian lận như trường hợp xảy ra tại Công ty Guinness vào năm 1986

V.H. (theo Crime Magazine)
.
.