Thủ đoạn của bọn buôn người dụ dỗ phụ nữ vượt biên bán bào thai

Thứ Sáu, 21/12/2018, 07:04
Thời gian gần đây, tại một số huyện biên giới, miền núi của tỉnh Nghệ An xảy ra tình trạng tội phạm mua bán người dụ dỗ một số phụ nữ dân tộc thiểu số đang mang thai ra nước ngoài để bán thai nhi.

Năm 2018, Công an Nghệ An phát hiện 16 vụ mua bán người, giải cứu 40 nạn nhân. Trong đó, có những vụ bán cả mẹ lẫn con theo hình thức những người phụ nữ miền núi có thai từ 6-8 tháng bị đưa sang Trung Quốc, khi sinh con ra bị bán từ 60-80 triệu đồng.

Tuy hiện tượng này không phổ biến nhưng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về một thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người. Chúng tôi đã tới các địa bàn xảy ra tình trạng này và ghi nhận được những thực tế đau lòng.

Tình trạng mua bán bào thai diễn ra ở các bản của người Khơ Mú (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An).

Những vụ việc đau lòng

Lữ Thị D. (37 tuổi, trú tại bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), chưa đầy 40 tuổi nhưng đã 6 lần vượt cạn. Chồng của D. là một người đàn ông bản địa, không nghề nghiệp ổn định, lại nghiện rượu, nên cuộc sống nghèo đói, túng quẫn bám riết quanh năm.

Kể về lần sinh nở mới đây nhất, chị Lữ Thị D. vô tư cho biết, cũng không muốn sinh đẻ thêm nhưng lỡ mang thai nên phải đẻ. Đến tháng thứ 8, thấy “khó ở”, chị này đến bệnh viện ở thị trấn Mường Xén của huyện Kỳ Sơn để thăm khám thì gặp Lữ Thị K., một phụ nữ trú cùng xã. Biết hoàn cảnh của D., Lữ Thị K. tỉ tê việc sang Trung Quốc sinh nở rồi bán con, vừa đỡ công nuôi dưỡng lại nhận được khoản tiền “khủng” lên đến gần 100 triệu đồng.

Cả đời chị D. chưa bao giờ thấy được số tiền lớn như vậy. Chị về nhà bàn bạc với chồng và với nhận thức hạn chế, lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn, họ đã đồng ý nên đã nhanh chóng nghe theo kế hoạch của người đàn bà  kia. Một ngày cuối tháng 10-2018, theo chân bà K., chị D. cùng một người phụ nữ khác cũng đang bụng mang dạ chửa là Lữ Thị P (ở Kỳ Sơn) ra Quảng Ninh rồi vượt biên vào sâu nội địa Trung Quốc.

Tại xứ người, hai chị được chăm sóc chờ đến ngày sinh con. Đến ngày vượt cạn, D. được đưa vào bệnh viện, sinh xong chẳng kịp cho con bú, chỉ nhìn đứa con vừa dứt ruột sinh ra trong thoáng chốc rồi bị đưa đi khỏi bệnh viện để hoàn trả về Việt Nam. Đầu tháng 11-2018, cả chị D. và chị P. đã trở về nhà, được các đối tượng trả cho khoản tiền 80 triệu đồng/người.

Trước đó, vào tháng 5-2018, Moong Thị S. (27 tuổi, trú tại bản Đỉnh Sơn 1) cũng tự mình sang Trung Quốc để sinh nở rồi bán đứa con của mình với giá 40 triệu đồng. Giải thích cho việc làm của mình, chị S. cho rằng, do gia cảnh khó khăn, hai vợ chồng đã có một đứa con trai nên khi siêu âm, biết đứa thứ hai không phải là con gái, nghe theo hướng dẫn của những người đi trước, chị này đã sang Trung Quốc sinh nở rồi bán con ngay khi mới “vượt cạn” xong.

Ông Nguyễn Hữu Lượng, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm xác nhận, trên địa bàn xã này có khoảng 20 người phụ nữ đã mang thai rồi sang bên kia biên giới để bán con, tập trung chủ yếu ở hai bản Đỉnh Sơn 1 và Đỉnh Sơn 2, là địa bàn của người Khơ Mú sinh sống.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, không phải ai vượt biên sang Trung Quốc bán con cũng đều được trả tiền sòng phẳng. Như trường hợp chị Lương Thị T. (50 tuổi, trú tại bản Chà Lằn, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Gia đình chị T. đã có 5 người con, mới đây chị “vỡ kế hoạch”, mang thai đứa thứ 6, đến tháng thứ 7 thì bà Moong Thị Ba, một người phụ nữ cùng bản, bỏ chồng qua Trung Quốc sinh sống từ nhiều năm nay bất ngờ trở về, đặt vấn đề sẽ đưa chị T. qua Trung Quốc sinh nở rồi bán đứa trẻ với giá 60 triệu đồng.

Phụ nữ miền núi đang là đối tượng dễ bị tội phạm mua bán người dụ dỗ bán bào thai.

Con đông, lại đang nợ nần chồng chất nên vợ chồng chị T. đồng ý. Tuy nhiên, tháng 4-2018, khi chị T. sinh con xong, bị bà Ba bế đi bán với giá bao nhiêu, người mẹ này cũng không nắm được. Đến lúc đưa trở về Việt Nam, chị T. chỉ được trả số tiền 4 triệu đồng. “Kiện” lên trưởng bản, đến nay gia đình cũng chỉ nhận được số tiền hơn 10 triệu đồng. 

Được biết, trường hợp của chị Lương Thị T. bị cò “quỵt” tiền không phải là cá biệt. Thương tâm hơn nữa, có những trường hợp gặp phải rủi ro, gia đình từ đó mà khuynh gia bại sản. Câu chuyện của chị Moong Thị H. (31 tuổi, trú tại bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) là một điển hình. Lợi dụng lúc chồng lên rẫy, vào tháng 5-2018, đang mang thai đứa con thứ 6, nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu, chị này âm thầm trốn sang Trung Quốc để sinh nở rồi bán con.

Tuy nhiên, chuyện ngoài mong muốn đã xảy ra, khi đang trên chuyến xe từ nơi bị giam lỏng đến bệnh viện để sinh nở vào ngày 20-9, chị H. cùng 3 sản phụ khác gặp tai nạn giao thông và chị này đã tử vong tại chỗ. Gánh nặng đè lên vai những người ở nhà, khi hai đứa con đang đi học phải bỏ ngang để lên rẫy mưu sinh, còn người chồng cũng bán nốt những tài sản có giá trị để sang bên kia biên giới đưa thi thể vợ về mai táng theo phong tục địa phương.

Một trường hợp khác là chị Moong Thị N. (24 tuổi, trú bản Huổi Thợ, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn). Trong thời gian chồng đi làm công nhân ở các tỉnh phía Nam, một mình nuôi 2 đứa con nhỏ và mang thai đứa thứ 3 thấy quá vất vả, N. theo lời rủ rê của người quen, giấu người thân sang Trung Quốc để sinh nở rồi bán con.

Không như dự tính, do gặp rủi ro nên ở xứ người, sản phụ này bị hắt hủi, đến lúc sinh con trong bệnh viện nhưng không có tiền trang trải viện phí, gọi về nhà cầu cứu cũng không khá hơn vì bố mẹ già chẳng thể đào đâu ra số tiền hàng chục triệu đồng để trang trải. Phó mặc cho số phận, bố mẹ chồng chỉ biết đưa 2 đứa cháu là con của chị N. về chăm sóc, còn con dâu và đứa cháu nội ở bên kia biên giới, sống chết thế nào cũng chẳng biết, trong khi con trai đi làm thuê ở miền Nam, cũng bặt vô âm tín suốt hơn nửa năm nay.

Vướng mắc do thiếu chế tài xử lý

Thượng tá Tô Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho biết, Cơ quan Công an huyện Kỳ Sơn cũng đã nắm được tình trạng này và đã báo cáo với các ban ngành cấp trên, tuy nhiên đang gặp khó trong hướng xử lý. Theo Thượng tá Hậu, những phụ nữ đi bán bào thai này thường nằm trong diện hộ nghèo, đông con, nhận thức pháp luật hạn chế.

Trong khi đó, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho rằng đây là một thủ đoạn mới của những kẻ buôn người. Nạn nhân chủ yếu là những người phụ nữ dân tộc thiểu số. Thống kê cho thấy chỉ mới xảy ra ở đồng bào dân tộc Khơ Mú ở huyện biên giới Kỳ Sơn - một trong những “tâm điểm dư luận” của tệ nạn mua bán người ở Nghệ An trong những năm gần đây.

Theo Công an huyện Kỳ Sơn, trên địa bàn có khoảng 20 trường hợp phụ nữ mang thai bị dụ dỗ ra nước ngoài sinh nở rồi bán con. Cá biệt, có những trường hợp tự đi, sau khi nghe thông tin của những người trước đó đã từng làm vậy. 

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, vấn đề này dù mới xảy ra, Công an Nghệ An đã nắm được tình hình nhưng khó xử lý vì vướng phải những kẽ hở trong các quy định của pháp luật. Cụ thể, trong Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017 có 5 tội liên quan đến hành vi mua bán người nhưng không nhắc đến việc mua bán bào thai.

Các quy định này chủ yếu nói đến các tội danh như Mua bán người; Mua bán người dưới 16 tuổi; Đánh tráo người dưới 1 tuổi; Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi và Mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người. Trong khi đó, để cấu thành tội phạm thì phải có bị hại nhưng bị hại trong trường hợp này là những bào thai, chưa sinh nở nên không thể xác định đó là con người.

Viện dẫn về việc khó xử lý, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cho biết: Tháng 6-2018, Công an Nghệ An nhận được đơn tố cáo của anh Lữ Văn Thương (trú tại xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn) đối với 2 mẹ con Moong Thị Hiền và Moong Thị Ba, trú cùng bản về việc dụ dỗ vợ anh này là chị Lương Thị T., bụng mang dạ chửa sang Trung Quốc sinh rồi bán con sẽ trả 60 triệu đồng nhưng thực tế đến nay chỉ mới nhận được hơn 10 triệu đồng.

Vào cuộc điều tra, cơ quan chức năng xác định nạn nhân là đứa con chưa sinh nở, thời điểm rời quê nhà sang xứ người cháu bé chưa sinh, việc đẻ xong rồi bán ở bên kia biên giới cũng chỉ được xác định qua lời khai chứ không xác định được bị hại. Ngoài ra, tài liệu về việc chị này xuất cảnh, thời gian và cửa khẩu cũng không lưu lại vì trên thực tế là “đi chui”, qua các đường tiểu mạch nên cũng không có căn cứ để xử lý hình sự về tội Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép theo quy định tại Điều 349, Bộ luật Hình sự.

Một người phụ nữ vừa trở về từ Trung Quốc sau khi bán bào thai.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên, cũng như phát biểu tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An vừa qua, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cho biết, Công an tỉnh cũng vừa có văn bản gửi Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân Tối cao để xin ý kiến hướng dẫn xử lý tình trạng buôn bán bào thai.

Ngoài ra, giữa các ngành nội chính cũng cần sớm có một thông tư liên tịch để hướng dẫn xử lý về hành vi này. Thậm chí, về lâu dài cũng cần sớm đưa hành vi này vào luật hình sự. Bên cạnh đó, sự việc mua bán bào thai xảy ra ở Trung Quốc trong khi Hiệp định Tương trợ tư pháp ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc ký năm 1998 chưa được sửa đổi cũng là một khó khăn cho Cơ quan công an trong điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. 

Giải pháp trước mắt là Công an Nghệ An đang tích cực đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, đặc biệt là đối với khu vực đồng bào thiểu số tại vùng cao, nơi có nhiều bà con dân tộc Khơ Mú sinh sống để người dân không sang Trung Quốc sinh đẻ rồi bán trẻ sơ sinh. Cùng với đó, tập trung đánh mạnh vào tội phạm mua bán người, nhằm chặt đứt những “chân rết”, đường dây mua bán người qua bên kia biên giới.

Luật sư Nguyễn Vinh Diện - Văn phòng luật sư Vinh Diện và cộng sự, trực thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An cũng cho rằng, hiện nay quy định pháp luật về buôn bán bào thai đang còn những kẻ hở nhất định và tội phạm mua bán người đã lợi dụng điều này để phạm tội.

“Cần phải có quy định cụ thể để xử lý hình sự đối với hành vi này vì nó cũng tương tự như đẻ thuê. Trong quy định của pháp luật hiện nay, chưa quy định bào thai là “một bộ phận cơ thể con người” hay là một “con người” nên chưa có chế tài để xử lý, luật sư Nguyễn Vinh Diện cho biết.

Thiên Thành
.
.