Thủ đoạn mới - cho vay nặng lãi qua iCloud

Thứ Hai, 09/11/2020, 14:45
Không cần gặp, không cần thế chấp, giải ngân nhanh, nhiều người dùng tài khoản iCloud (ứng dụng quản lý hình ảnh, danh bạ, video, file ghi âm...) trên điện thoại iPhone, iPad để thế chấp vay từ vài triệu đến vài chục triệu đồng một cách dễ dàng. Nhưng, khi không có tiền trả nợ và bị siết nợ thì người vay tiền mới thấu hiểu nỗi đau của chiêu thức vay tiền kiểu mới qua mạng - vay qua iCloud.

Mua phần mềm tin học để quản lý việc cho vay nặng lãi

Mới đây, vào cuối tháng 10, Công an quận 3, TP Hồ Chí Minh đã triệt phá một băng nhóm cho vay lãi nặng bằng nhiều phương thức, đặc biệt là kiểm soát iCloud điện thoại buộc người vay trả nợ. Bởi iCloud cho phép người dùng lưu trữ gần như tất cả thông tin, dữ liệu cá nhân, tài khoản, tin nhắn, cuộc gọi, hình ảnh, file ghi âm, kể cả vị trí.

Ngày 29-10, Cơ quan CSĐT Công an quận 3 cho biết đã tạm giữ 5 đối tượng gồm Đoàn Gia Phú (sinh năm 1992, quê Hà Nội), Nguyễn Hoàng Đức (sinh năm 1984), Nguyễn Thế Vinh (sinh năm 1990, quê Hưng Yên), Nguyễn Hùng Long (sinh năm 1994), Trần Hải Nam (sinh năm 1991, cùng tạm trú tại phường 2, quận 3) để điều tra về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Trước đó, qua công tác quản lý địa bàn, Đội Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an quận 3 kết hợp với Công an phường 2 của quận bất ngờ kiểm tra hành chính căn nhà số 16/55/47 Nguyễn Thiện Thuật (phường 2, quận 3). Lúc này, các đối tượng trên có mặt đầy đủ trong nhà. Tại đây, công an phát hiện nhiều tài liệu, dữ liệu điện tử liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng và đưa các đối tượng về trụ sở để làm rõ. 

Nhan nhản các quảng cáo vay tiền qua iCloud trên Internet.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng lần lượt khai nhận hành vi phạm tội. Cụ thể, ngày 28-8-2018, Phú rời Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh sinh sống. Phú thuê nhà tại số 16/55/47 Nguyễn Thiện Thuật để buôn điện thoại cùng Đức. Do kinh doanh không hiệu quả, khoảng tháng 5-2019, Phú và Đức bàn bạc cùng với T. (Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ Đ.K, địa chỉ tại phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội) hùn mỗi người từ 200-300 triệu đồng để cho vay lãi nặng ở TP Hồ Chí Minh.  

Vì không có mặt tại TP Hồ Chí Minh, T. chỉ hùn vốn chứ không tham gia việc cho vay. Mọi hoạt động đều do Phú, Đức đảm nhận. Cả hai thuê Vinh, Long, Nam cùng Vũ Xuân Kiên (sinh năm 1988, ngụ Hà Nội) phụ việc. Phú tạo trang cá nhân “Tài chính tiêu dùng...” trên Facebook nhằm quảng cáo, lấy số điện thoại của Vinh để giao dịch. Khi khách hàng có nhu cầu vay thì trực tiếp gặp Vinh tư vấn. Thỏa thuận xong, Vinh đăng thông tin người vay lên nhóm hoặc báo cho Phú.

Phú sẽ phân công Long, Nam hoặc Kiên đến gặp khách hàng. Khi gặp khách, nhóm này quan sát điện thoại của khách rồi mới xác định khoản vay. Thông thường, điện thoại khách sử dụng sẽ có giá trị cao hơn số tiền chúng quyết định cho vay. Nếu khách dùng điện thoại di động “xịn” thì sẽ được vay cao hơn.

Mỗi trường hợp cho vay phải đảm bảo có một hợp đồng bán điện thoại và hợp đồng cho thuê điện thoại. Đồng thời, nhóm chụp lại hợp đồng, chứng minh nhân dân, ảnh của khách rồi giao lại cho Phú. Sau đó, nhóm mới chịu giao tiền cho khách vay. Cứ 5 ngày thì khách trả góp và chuyển vào tài khoản của Phú, Long. Nếu khách không có tài khoản thì nhóm này tới nhà thu tiền hoặc tới căn nhà trên đưa tiền.

Đối tượng Đoàn Gia Phú.

Mọi quy trình hoạt động việc cho vay của nhóm Phú rất bài bản. Phú mua phần mềm tin học để quản lý, không ghi sổ sách bằng giấy. Trong đó, cập nhật đầy đủ thông tin, như: mã khách hàng, tên khách hàng, tiền giao khách, thời gian vay, tiền đã đóng, còn phải đóng, tình trạng, ngày phải đóng tiền... Mỗi ngày, Long sẽ cập nhật vào phần mềm này. Phú khai lập trang quản lý phần mềm này từ khoảng tháng 4-2020 tới nay. Trước đây, nhóm Phú cũng quản lý hoạt động cho vay bằng sổ sách, nhưng tất cả đều đã bị hủy.

Kiểm tra phần mềm này, Cơ quan công an phát hiện có 78 người vay với số tiền gần 500 triệu đồng và nhóm đã thu hơn 260 triệu đồng. Số tiền còn lại, khách vẫn đang đóng. Bên cạnh đó, có 124 người vay với số tiền hơn 725 triệu đồng đã trả nợ xong, với tổng mức thu cả gốc và lãi là gần 907 triệu đồng.

Nhóm này thường cho vay với số tiền từ 4-12 triệu đồng, lãi suất 20%/50 ngày. Khi khách trả xong nợ thì nhóm sẽ làm thủ tục thoát số iCloud cho điện thoại của khách hàng. Phú, Đức trả cho Long, Kiên, Nam, Vinh mỗi người 5 triệu đồng/tháng, bao ăn ở. Riêng phần lợi nhuận, trước ngày 1-11-2019 thì tổng lợi nhuận sẽ chia đều làm 3 phần - ngoài Phú, Đức còn có T. cùng hưởng. Sau đó, T. rút vốn. Nếu tính từ lúc bắt đầu cho vay đến trước khi T. rút vốn, số lợi nhuận đã ở mức hơn 587 triệu đồng/người.

Theo lời khai của Vinh, ngoài số tiền 5 triệu đồng/tháng, mỗi hợp đồng Vinh còn được trả thêm 100 ngàn đồng. Phần lớn giao dịch, Đức sẽ chuyển tiền cho khách vay. Khi khách hàng không trả nợ hoặc trả nợ trễ thì Vinh sẽ khóa “iCloud” lại, khách hàng trả đủ thì chúng mới thoát “iCloud” cho điện thoại của khách hàng. Còn Long khai nhận, được Phú trả lương 8 triệu đồng/tháng, bao ăn, ở. Mỗi hợp đồng ký với khách, Long được trả thêm 100 ngàn đồng. Tương tự, Nam được trả 6 triệu đồng/tháng, kèm 100 ngàn đồng/hợp đồng lập xong...

Các đối tượng Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Thế Vinh, Nguyễn Hùng Long, Trần Hải Nam (từ trái qua).

Vay tiền bằng iCloud tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hại

Không phải đến khi vụ việc kể trên được khám phá thì hình thức dùng iCloud để thế chấp cho các khoản vay mới diễn ra. Bởi ngay kể từ thời điểm đầu năm 2020, những cụm từ khóa như: “vay tiền bằng iCloud” hay “vay tiền qua iPhone” đã xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội. Cuộc sống khó khăn trong thời buổi dịch bệnh COVID-19, nhu cầu vay vốn để làm ăn buôn bán, chi tiêu lại càng tăng cao. Tuy nhiên, sau khi các hình thức tín dụng đen được cơ quan chức năng tuyên truyền, xử lý nghiêm nhiều vụ việc thì loại hình cho vay cá nhân “vay tiền bằng iCloud” này đã phát triển lên một mức mới khi người tiêu dùng có thể sử dụng quyền riêng tư đối với iCloud để thế chấp cho các khoản vay.

Nhận diện thủ đoạn

Nhóm đối tượng yêu cầu khách phải đăng xuất iCloud (đối với các máy iPhone). Khách đồng ý thì nhóm sẽ đổi iCloud mới (hay nói rõ hơn là bên cho vay sẽ yêu cầu khách phải thoát tài khoản iCloud mà mình đang sử dụng để đăng nhập tài khoản iCloud của bên cho vay), bật tính năng Find My Phone và đồng bộ danh bạ, rồi mới làm hợp đồng.

Theo đó, “vay tiền bằng iCloud” hay “vay tiền qua iPhone” là một hình thức vay tiền online giữa người vay và chủ nợ mà thường “không cần gặp mặt”, “giải ngân tiền nhanh”... đã khiến không ít người sập bẫy hình thức vay tiền này. Giá trị của khoản tiền được vay sẽ phụ thuộc vào giá trị chiếc iPhone của người chủ sở hữu cùng một số giấy tờ. iPhone càng đắt tiền, người vay càng được vay với số tiền lớn. Mặc dù nhiều chỗ quảng cáo cho vay 80-90% giá trị máy nhưng thường thì các chủ nợ chỉ cho vay khoảng 50% giá trị máy, số tiền cho vay từ 3-15 triệu đồng. Mục đích chính là để người vay tiếc giá trị chiếc điện thoại mà cố gắng trả hết nợ.

Không ít khách hàng nghĩ rằng, có thể nhờ dịch vụ bên ngoài mở khóa tài khoản iCloud hoặc nhờ đến công ty chính hãng mở khóa nên không trả đủ tiền, chỉ đến khi tài khoản iCloud bị người cho vay khóa, họ mới té ngửa là tài khoản này không dễ dàng can thiệp được nếu không có mật khẩu.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Đức Toàn (ngụ quận 12) tỏ ra buồn bã cho biết: “Lướt mạng và cũng nghe nhiều người nói, tôi đã lỡ vay theo hình thức bị chủ nợ kiểm soát iCloud. Tôi xài iPhone 8 và vay được 3,5 triệu đồng trong 7 ngày nhưng phải trả 5 triệu đồng...”. Theo anh Toàn, dù số tiền vay không lớn nhưng sau khi tìm hiểu kỹ về hình thức cho vay tiền này, anh đang lo chủ nợ  truy xuất danh bạ, nhật ký, hình ảnh, vị trí... của anh. Từ đó sẽ kéo theo những hệ lụy không hay...

Đúng như lời anh Toàn và theo khuyến cáo của các chuyên gia an ninh mạng thì tài khoản iCloud chính là nút thắt để ràng buộc giữa bên vay và bên cho vay. Bên cho vay sẽ dùng tài khoản iCloud để uy hiếp khi người vay không trả đúng hẹn. iCloud là hình thức bảo mật của Apple cho các thiết bị iPhone, iPad hay Apple Watch. Chỉ bằng cách nhập đúng mật khẩu đi kèm tài khoản iCloud được lưu ở trong máy thì mới có thể sử dụng được thiết bị đó.

“Vay tiền bằng iCloud” tiềm ẩn nhiều nguy hại.

Khi người vay không trả tiền theo đúng hẹn, người cho vay lúc này trở thành “chủ nhân” của chiếc iPhone người vay tiền. Tính năng “Find My iPhone” được bật, người cho vay có thể tìm ra vị trí chính xác của người vay hoặc họ cũng có thể khóa iPhone từ xa lại. iPhone lúc này chẳng khác gì cục gạch vô dụng. Không những thế, mọi thông tin của người vay đã được người cho vay nắm rõ khi hình ảnh, video, danh bạ được đồng bộ qua tài khoản iCloud. Người thân hoặc bạn bè của người vay có thể bị gọi điện đe dọa hoặc tống tiền giống như các mô hình cho vay tín dụng đen nếu như người dùng chậm thanh toán hoặc không thanh toán... Tệ hơn là bị sử dụng các thông tin cá nhân vào các hoạt động trái pháp luật...

Hằng tuần hoặc hằng tháng, người vay sẽ đều phải trả lãi đúng hẹn theo như số tiền mà chiếc iPhone của họ đã được định giá. Số tiền lãi hằng tuần hoặc hằng tháng này có thể lên đến vài trăm %/năm. Lãi mẹ đẻ lãi con, người vay dần mất khả năng trả nợ.

Theo quy định của luật pháp Việt Nam, lãi suất vay của khoản vay có thể được thương lượng giữa người vay và người cho vay nhưng không được quá 20%/năm. Nếu vi phạm, người cho vay sẽ được coi là cho vay nặng lãi và xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh những đối tượng cho vay thực sự với lãi suất ở mức cao ngất ngưởng như kể trên thì đã từng có trường hợp, lợi dụng tâm lý người dùng cần vay tiền nhanh, sau khi người dùng nhập iCloud được cung cấp sẵn, các đối tượng không chuyển bất cứ một khoản tiền nào vào tài khoản mà sẽ chuyển sang phương án đòi tiền chuộc. Thực chất đây là một chiêu lừa của các đối tượng lừa đảo và hình thức này không mới.

Cụ thể, các đối tượng lừa đảo sẽ tiến hành báo mất và khóa iPhone qua iCloud, đòi tiền chuộc để mở khóa. Người dùng bắt buộc trả tiền chuộc hoặc phải đối mặt với việc iPhone bị khóa và không thể sử dụng được...

Do đó, theo khuyến cáo của các chuyên gia an ninh mạng, người dùng cần nói không với dịch vụ này, tránh tiền mất tật mang. Người dùng cần phải bảo mật 2 lớp để mọi thao tác cài đặt iPhone đều phải thông báo qua số điện thoại cá nhân.

Phú Lữ
.
.