Tiến sỹ rởm và những màn kịch bị bóc trần

Thứ Bảy, 04/01/2020, 08:41
Thời gian qua, Công an TP Hà Nội đã thụ lý một số vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà đối tượng có cái mác học hàm, học vị cao trong xã hội. Song, thực chất đa số đều là do đối tượng tự phong, một số đối tượng không nghề nghiệp…


Mắc bẫy vì bản lý lịch hào nhoáng

Chị Nguyễn Thị M. (sinh năm 1989 trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) không thể ngờ được người bạn trai mang mác "Tiến sỹ" lại là kẻ lừa đảo chuyên nghiệp. Trước đó, qua mạng xã hội chị M. làm quen với đối tượng Ngọ Chí Phú (sinh năm 1982, trú tại Hà Nội). Mặc dù "nhan sắc" bình thường, xong Phú lại có một cái miệng dẻo như kẹo kéo. Hắn cũng thường mặc áo trắng cổ cồn, đóng thùng trông rất trí thức.

Trong một lần đi chơi cùng nhau, Phú chi tiền khá "xông xênh", và còn khéo léo xòe ra cả tập tiền mới, mệnh giá cao. Phú cũng không quên chém gió mình là… Tiến sỹ toán học, đang công tác tại một Viện nghiên cứu đầu ngành về bộ môn toán. Ngoài ra, công việc cũng tạo cho Phú một số mối quan hệ "oách xà lách", nếu chị M. có việc gì thì gã sẽ giúp cho.

Tiến sỹ rởm Ngọ Chí Phú.

Tin lời Phú, nên khi có một người bạn nhờ đổi giúp 100 triệu đồng tiền mới (để mừng tuổi trong dịp Tết Nguyên đán) thì chị M. đã nhận lời, và chuyển cho Phú. Tuy nhiên, sau một thời gian dài vẫn không thấy Phú chuyển lại tiền, và "mất hút con mẹ hàng lươn". Bị hại đã làm đơn tố cáo lên cơ quan công an.

Sau khi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tải sản, biết thế nào cũng bị tố cáo nên Phú đã mò lên cơ quan điều tra đầu thú. Nhưng trong khi cơ quan tiến hành tố tụng đang thực hiện các bước cần thiết để khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng, thì Phú bất ngờ bỏ trốn. Một thời gian sau gã đã bị Công an quận Hoàn Kiếm bắt theo Quyết định truy nã.

Qua khám xét, lực lượng công an phát hiện và thu giữ trong người Phú 150 triệu đồng. Đây là số tiền Phú khai nhận lừa đảo chiếm đoạt được của một nạn nhân khác, là chị Th. (trú tại phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Theo tài liệu điều tra ban đầu từ cơ quan công an, bằng thủ đoạn kết bạn qua mạng xã hội Zalo, Phú vẽ ra cho mình một bản sơ yếu lý lịch hào nhoáng. Viện lý do đang cần tiền làm đề tài khoa học, vị "Tiến sỹ toán học" đã hỏi vay chị Th. 150 triệu đồng. Chị Th. cả tin đã cho Phú vay và bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền này rồi biến mất.

Ngoài chị Th. còn có ba người phụ nữ khác cũng bị Phú lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn tương tự. Đối với mỗi một người, Phú xây dựng một "kịch bản" khác nhau về bản thân và cuối cùng đều tìm cách vay mượn tiền của họ để giải quyết công việc. Cay đắng nhất có lẽ là trường hợp của chị Tr. (trú tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai).

Cũng qua mạng Zalo, Phú giới thiệu đang làm trưởng phòng ở một hãng mỹ phẩm nổi tiếng tại trung tâm thành phố Bắc Ninh. Phú hứa sẽ cưới chị Tr. làm vợ và nói phải có 230 triệu đồng mới chuyển công tác về Hà Nội được. Tin tưởng "chồng sắp cưới", chị Tr. liền chuyển cho Phú số tiền trên, đồng thời còn chuyển thêm 30 triệu đồng cho Phú theo yêu cầu của đối tượng này để lấy tiền tổ chức liên hoan chia tay bạn bè cùng cơ quan. Toàn bộ số tiền này Phú cũng dùng để chi tiêu cá nhân rồi "xù" luôn.

Hiện cơ quan công an đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Màn kịch của nữ "tiến sỹ"

Nếu như Ngọ Chí Phú tỏ ra cao tay trong việc lừa các chị em phụ nữ thì "kiều nữ" H. (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) lại dùng nhan sắc và thủ đoạn gắn mác học vị cao để "chăn dắt" một cán bộ Thanh tra của tỉnh Hòa Bình. Nhưng thủ đoạn của H. đã bị bóc trần, và phải trả giá bằng nhiều năm tù giam.

Theo bị hại Vũ Đức T. (trú tại Hòa Bình), anh quen với H. qua mạng xã hội. Nói chuyện một thời gian, H. biết anh T. có nhu cầu theo học thạc sỹ và chuyển công tác từ thanh tra huyện Lạc Thủy, Hòa Bình về Hà Nội. Mặc dù chỉ là kẻ không nghề nghiệp, song H. "nổ" mình là tiến sỹ, giảng viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội và sẽ lo cho anh T. về công tác tại Hà Nội với một giá rất "mềm mại".

Tin tưởng vào "quan hệ" của kiều nữ, anh T. mau mắn gửi 100 triệu đồng tiền "trà thuốc". Tiền được chuyển thẳng vào tài khoản cá nhân của H.. Ít ngày sau H. tiếp tục "chém gió" cô ta có nhiều mối quan hệ với giới chức sắc của thành phố và "ok" ngay với người bạn trai mới quen qua mạng, đồng thời yêu cầu đưa 20.000 USD làm chi phí xin việc.

Vì chưa chuẩn bị đủ tiền, anh T. phải bán chiếc xe ôtô đang sử dụng được 320 triệu đồng, đưa cả cho H. Sau khi "ẵm" trọn 420 triệu đồng của anh T., H. "lặn" một hơi không sủi tăm. Thấy H. không xin được cho mình việc làm mới ở Hà Nội, anh T. nhiều lần đòi tiền song H. cứ khất lần rồi bỏ trốn.

Anh T. đã gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của "nữ quái" này đến Công an phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Trong quá trình làm rõ vụ việc, cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội và xác định trường này không có cán bộ, công nhân viên, giảng viên nào có tên là như của H..

Khi bị triệu tập đến cơ quan công an để làm rõ, H. khai nhận mặc dù không có nghề nghiệp gì ổn định và chẳng quen biết ai có khả năng xin học, cũng như xin việc làm ở Hà Nội, đối tượng vẫn mạo danh là tiến sỹ, giảng viên đại học để lừa đảo chiếm đoạt tiền của anh T. H. sau đó đã bị khởi tố, bắt giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trả giá cho hành vi lừa đảo bằng mức án 30 tháng tù giam.

Siêu lừa tiến sỹ rởm huy động được 2.700 tỷ đồng

Tháng 5-2019 vừa qua, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên hình sự phúc thẩm xét xử Phạm Thanh Hải - tiến sỹ rởm - đồng thời cũng là siêu lừa. Vụ án gây xôn xao dư luận bởi số bị hại rất lớn. 

Theo cáo trạng, năm 2007, Phạm Thanh Hải thành lập Công ty cổ phần thương mại, đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế (công ty IDT) trụ sở chính tại khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội) do anh ta là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Công ty IDT đăng ký kinh doanh các hoạt động: dịch vụ hỗ trợ giáo dục, tư vấn quản lý, sản xuất, bán buôn và bán lẻ thực phẩm, dịch vụ tổ chức hội thảo, hội nghị.... Công ty hoạt động kinh doanh trên mạng Internet nhưng không hiệu quả.

Bị cáo Phạm Thanh Hải tại phiên tòa phúc thẩm.

Đến năm 2008, đột nhiên Phạm Thanh Hải rầm rộ tổ chức các hoạt động hội thảo, quảng cáo hình ảnh công ty, đưa ra các thông tin về công ty và các dự án mang lại lợi nhuận cao...

Theo đó, Phạm Thanh Hải tự giới thiệu là tiến sỹ, diễn giả, bảo vệ thành công luận án tiến sỹ tại trường ĐH Tổng hợp Belarus (Liên Xô cũ), có bề dày kinh nghiệm trong kinh doanh, vốn kiến thức tài chính, kiến thức làm giàu phong phú, là "người anh cả" của dự án học làm giàu... Trong các buổi diễn thuyết, "tiến sỹ" dạy làm giàu khẳng định việc làm giàu có thể học được và mọi người đều có thể thành công làm giàu.

Trong các thông tin mà Phạm Thanh Hải đưa ra, có thông tin công ty IDT đang triển khai dự án trồng cây Macca có giá trị kinh tế cao, 1ha Maccadamia mang tới thu nhập 2.000 - 3.000 USD. Do đó, triển vọng làm giàu từ cây Macca "tỷ đô" là khả thi với mục tiêu phát triển sự án Maccadamia có doanh thu trong chu kỳ kinh doanh 20 năm là 2.595 tỷ đồng(?!)... Nhằm tăng tính thuyết phục với các nhà đầu tư, tháng 6-2014, công ty của Hải đã cho ra thị trường các sản phẩm nhân Macca dán nhãn cao cấp.

Mặc dù huy động vốn để phục vụ mục đích cá nhân, nhưng Phạm Thanh Hải yêu cầu một số nhân viên kế toán công ty IDT soạn thảo, ký kết hợp đồng, thu chi kiểm đếm tiền giúp Hải tại trụ sở công ty.  Hải đưa ra các bản Hợp đồng góp vốn đầu tư, Hợp đồng ủy thác đầu tư... với nội dung bên A là nhà đầu tư, bên B là cá nhân Phạm Thanh Hải, sau đó tự ý sử dụng con dấu công ty IDT xác nhận vào các bản hợp đồng này, lập phiếu thu, chi và nộp tiền tại trụ sở công ty IDT, gây lầm tưởng khiến nhà đầu tư tin tưởng rằng họ đang góp vốn cho công ty IDT. Tiền nhận của nhà đầu tư, Hải chỉ đạo không nhập vào hệ thống sổ sách kế toán của công ty IDT mà để Hải sử dụng vào mục đích cá nhân.

Để thu hút được nhiều người góp vốn, Hải đưa ra các hợp đồng có lãi suất cao hơn rất nhiều lần so với lãi suất ngân hàng (40-50%/năm) với nhiều loại hợp đồng theo thời hạn 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng và 18 tháng... Không chỉ đưa ra lãi suất cao để nhà đầu tư thấy "hiệu quả" làm giàu nhanh, Phạm Thanh Hải còn chỉ đạo cắt lãi ngay cho nhà đầu tư khi nộp tiền và chi từ 2-10% tiền thưởng "kết nối, môi giới" cho những người giới thiệu hợp đồng mới.

Với thủ đoạn trên, chỉ trong thời gian 1 năm từ tháng 10-2004 đến tháng 10-2005, Phạm Thanh Hải đã huy động được trên 2.700 tỷ đồng từ nhà đầu tư. Tuy nhiên, Hải sử dụng tiền này chủ yếu để cho vay cá nhân, thanh toán cả gốc và lãi cho những hợp đồng đến hạn, chi thưởng kết nối, chi các cuộc hội thảo, tham quan du lịch, quảng bá dự án... Hải chỉ sử dụng  một phần nhỏ gồm 114 tỷ đồng để góp vốn vào một số công ty, dự án.

Tháng 5-2018, Hải đã bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tuy nhiên đến tháng 5-2019, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã hủy bản án trên để điều tra lại, nhằm làm rõ vai trò của một số đối tượng khác giúp sức cho Hải huy động vốn, đứng tên cổ đông góp vốn vào các dự án cho Hải.

Bệnh nhân cũng bị tiến sỹ rởm lừa

Thời gian vừa qua, một số bệnh nhân da liễu truyền tay nhau thông tin về việc làm rất nhân văn của Tiến sỹ - Bác sỹ Phạm Đức Th., công tác tại một bệnh viện lớn của Hà Nội. Theo như trang facebook của BS Th. đăng tải thì: "Tôi và các lương y trong khoa Da liễu của Bệnh viện Bạch Mai đang chung tay hỗ trợ 2.000 lọ bôi thảo dược cho bà con ta trên các tỉnh thành cả nước nhằm giúp bà con bớt gánh nặng chi phí".

Tuy nhiên lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã phủ nhận thông tin này. Bệnh viện cũng đã lên tiếng cảnh báo người dân về tình trạng giả mạo nhân viên Khoa Da liễu của bệnh viện này để lừa đảo người bệnh. Trong thời gian vừa qua, Khoa Da liễu - Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên nhận được điện thoại của người dân gọi đến số điện thoại của Khoa hỏi về kết quả điều trị, cách sử dụng thuốc...

Trao đổi lại với người gọi đến để tìm hiểu thông tin, bệnh viện mới biết những người này có khám bệnh thông qua các trang mạng xã hội (Zalo, facebook…), giới thiệu là bác sĩ của Khoa Da liễu - Bệnh viện Bạch Mai.

Thông tin với báo chí BSCKII. Nguyễn Thị Mỹ Hà, Trưởng Khoa Da liễu - Bệnh viện Bạch Mai khẳng định: "Khoa của chúng tôi không có bác sĩ tên như trên mạng giới thiệu và chúng tôi cũng không triển khai hoạt động "hỗ trợ 2.000 lọ bôi thảo dược cho bà con trên các tỉnh thành trong cả nước nhằm giúp bà con bớt gánh nặng chi phí" như quảng cáo.

Theo Bệnh viện Bạch Mai, đây là dấu hiệu lợi dụng hình ảnh, thông tin của khoa Da liễu, của Bệnh viện Bạch Mai để lừa đảo người dân nhẹ dạ. Khoa Da liễu cũng đã có công văn báo cáo bệnh viện để có giải pháp, đồng thời đề nghị các lực lượng chức năng vào cuộc làm rõ để người dân không phải chịu cảnh "tiền mất tật mang".

Phía Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, hiện nay tình trạng lợi dụng hình ảnh bác sĩ, cơ sở y tế uy tín để quảng cáo, tiếp thị sản phẩm và lừa đảo người dân trên mạng internet rất phổ biến. Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác và không tin vào những lời quảng cáo không đúng sự thật. Nếu có bệnh, nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.

M.Tiến - M.Trí
.
.