Italia:

Toà án Torino xét xử thủ phạm gây ra cái chết của hơn 2.000 người

Thứ Hai, 18/05/2009, 12:20
Tòa án thành phố Torino, Italia đã chính thức mở phiên sơ thẩm vào hôm 6/4 vừa rồi, xử vụ kiện chưa từng có liên quan đến số phận của hàng ngàn nạn nhân quanh các cơ sở sản xuất xi măng trong vùng Bắc Italia. Đây là vụ án thu hút sự chú ý của công luận.

Nguyên đơn là Hiệp hội Toàn quốc Các gia đình có nạn nhân nhiễm chất độc xi măng, do bà Chủ tịch Romana Pavezi đứng tên đại diện, đòi tòa phải truy cứu trách nhiệm hình sự những kẻ chủ mưu.

Còn phía bị đơn là hai doanh gia cự phách tầm cỡ quốc tế từng trực tiếp lãnh đạo nhiều công ty đa quốc gia khổng lồ. Người đầu tiên là Stefan Smidhaini, doanh nhân Thụy Sĩ  thuộc dòng họ kỹ nghệ gia nổi tiếng suốt 4 thế hệ tiếp nối.

Trải qua nhiều giai đoạn khác nhau S.Smidhaini từng giữ các chức vụ chủ chốt thuộc Hội đồng Quản trị các công ty hàng đầu thế giới như ABB, Nestle, Swatch và UBS, một chuyên gia sừng sỏ về các lĩnh vực chuyên ngành như vật liệu xây dựng, kỹ thuật quang học, tư vấn công nghiệp...

Ngoài ra vị công dân Thụy Sĩ nói tiếng Đức 62 tuổi này còn nổi danh trong vai trò cố vấn cao cấp về luật công nghiệp của Liên Hiệp Quốc, cũng như từng được trao nhiều giải thưởng quốc tế. Tỉ phú Stefan Smidhaini là một trong những doanh nhân giàu nhất Thụy Sĩ hiện nay, sở hữu số tài sản cỡ 2,8 tỉ USD vào thời điểm cuối năm 2008 theo công bố của tạp chí Mỹ Forbes.

Đồng thời S.Smidhaini cũng là một trong những người sáng lập Hội đồng Doanh nhân thế giới vì sự phát triển bền vững, một tổ chức thời thượng quy mô toàn cầu với sự hiện diện của hầu hết các hãng xuyên lục địa sừng sỏ nhất.

Nhân vật thứ hai sẽ được tòa triệu tập cũng là một doanh gia nổi tiếng không kém - Bá tước 88 tuổi Loui De Cartie người Bỉ. Trong thập niên 60 của thế kỷ trước De Cartie là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hãng Eternit, một công ty đa quốc gia chuyên về sản xuất vật liệu xây dựng. Nhưng trước hết Bá tước Loui De Cartie được giới doanh nhân quốc tế biết đến như là người sáng lập tổ hợp kỹ nghệ Brepols hùng mạnh nhất Vương quốc Bỉ.

Được biết trong thời kỳ De Cartie làm sếp Hãng Eternit thì S.Smidhaini đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Điều hành, tương ứng với sự phân chia quyền hạn giữa các thành viên Hội đồng Quản trị.

Hàng ngàn người tập trung trước toà bày tỏ sự đoàn kết với các nạn nhân.

Điểm khác biệt của phiên tòa là lần đầu tiên các kỹ nghệ gia hàng đầu bị buộc phải chịu liên đới trách nhiệm, bởi họ chính là người đốc thúc các phương thức sản xuất kinh doanh để lại di hại cho sức khỏe con người cũng như tàn phá môi sinh. Tại thị trấn Kazale Monferato thuộc vùng đông bắc Italia ngay từ năm 1906 đã xuất hiện cơ sở sản xuất xi măng chủ yếu của Hãng Eternit, tọa lạc kề mỏ thạch cao Balangero do nhà thám hiểm người Áo Ludvig Hachek khám phá trong thế kỷ XIX. Nhưng trữ lượng thạch cao nơi đây không đáp ứng đủ nhu cầu phát triển kinh tế, khiến người ta phải nhập thêm nguyên liệu từ Canada, Brazil, Nam Phi và Nga về.

Tới năm 1986 thì xí nghiệp này chấm dứt hoạt động do làm ăn thua lỗ... Sau 8 thập niên tồn tại đã làm bầu không khí trong vùng bị ô nhiễm trầm trọng, đảo lộn môi trường sinh thái chung. Nhưng điều khủng khiếp hơn là các di chứng tác động đến sinh mạng của cư dân trong vùng.

Thẩm phán Rafaele Guarinielo trong quá trình điều tra thu thập bằng chứng đã phát hiện tới 2.969 trường hợp nhiễm độc khoáng thể xi măng, trong đó 2.200 người đã thiệt mạng, gần 700 người đang bị các khối u hành hạ. Chỉ tính riêng thị trấn Kazale Monferato với 5 vạn dân đã có 1.400 người làm việc trong xí nghiệp của Eternit tử vong vì các chứng bệnh ung thư, chủ yếu là ung thư phổi do thường xuyên tiếp xúc với khói bụi xi măng.

Số nạn nhân đã chết tại những nơi khác do ảnh hưởng từ khoáng thể độc hại trong không khí gồm 500 người ở thị trấn Banioli gần thành phố Neapol, 368 người thuộc địa hạt Kavaniolo kề Torino và 50 người khác trong tỉnh Redzo Emilia.

Tuy các cơ sở gây ô nhiễm đã đóng cửa hơn hai thập niên trước, nhưng từ đó đến nay trung bình hàng năm vẫn ghi nhận khoảng 40 trường hợp ung thư đường hô hấp. Con số nạn nhân kỷ lục đã tố cáo sự lơi lỏng trong lĩnh vực an toàn lao động, cũng như vì lợi nhuận mà người ta đang tâm thải bụi nhiễm độc tố ra bầu khí quyển. Được biết trước khi phía nguyên đơn chính thức khởi kiện, hai bị đơn đã cử đại diện thương lượng bồi hoàn vật chất để phiên tòa không diễn ra, nhưng bất thành... Nếu bị buộc tội hai nghi can nói trên có thể chịu mức án tới 13 năm tù giam.

Hậu thuẫn cho nguyên đơn là chính quyền hành pháp Torino, các tổ chức bảo vệ môi trường cùng các đoàn luật sư danh tiếng. Đối lại phía bị đơn có đội ngũ thầy cãi hùng hậu đẳng cấp quốc tế, xem ra mọi việc không hề đơn giản chút nào...

Dù sao đi nữa thì vụ án này cũng khởi đầu một tiền lệ, mở đường cho các nạn nhân từ những cơ sở kỹ nghệ gây độc hại tương tự có thể đứng lên đòi công lý. Mặt khác là lời cảnh tỉnh cho giới doanh nhân đừng vì món hời trước mắt mà bất chấp hệ lụy lâu dài

T.Q.Long (theo La Repubblica)
.
.