Tuyên án vụ MobiFone mua AVG:

Tòa án lương tâm không khắc phục được bằng tiền

Thứ Bảy, 28/12/2019, 10:53
Dự kiến hôm nay, ngày 28-12, HĐXX TAND TP Hà Nội sẽ tuyên án sơ thẩm 14 bị cáo trong đó có 2 cựu Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn trong vụ đại án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).

Vụ án gây rúng động dư luận liên quan đến kinh tế, tham nhũng, với số tiền thu hồi 8.898,3 tỉ đồng. Lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng, các cựu quan chức khai nhận và nộp lại số tiền nhận hối lộ.

Trước HĐXX, các bị cáo đều mong muốn được giảm án bởi lí do đã khắc phục được thiệt hại cho nhà nước, nhưng các bị cáo đều nhận ra rằng, có những hành vi sai không thể sửa, có những lỗi lầm khó có thể dung thứ, tòa án lương tâm không thể khắc phục bằng tiền.

1. Thương vụ MobiFone mua 95% Cổ phần của AVG được đánh giá có những sai phạm ngay từ khi dự án mới hình thành, sau đó xuyên suốt cho đến thời điểm MobiFone tất toán gần đủ số tiền mua bán. Trong vụ án này, HĐXX nhận định cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông (TTTT) Nguyễn Bắc Son là người định hướng, chỉ đạo xuyên suốt, trong quá trình thực hiện dự án.

Các bị cáo tại phiên xét xử sơ thẩm.

Tại tòa, bị cáo thừa nhận là người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo từ đầu đến cuối dự án, đồng thời xin nhận trách nhiệm chính về việc đã để xảy ra sai phạm này.

Sai phạm mà bị cáo Nguyễn Bắc Son nhắc đến là sai phạm từ quá trình "manh nha" dự án khi "gợi ý" cho ông Lê Nam Trà (cựu Chủ tịch HĐQT MobiFone) làm đề xuất để MobiFone mua lại AVG do ông Phạm Nhật Vũ (Chủ tịch AVG). Bắt đầu từ việc ông Nguyễn Bắc Son chỉ đạo Phạm Đình Trọng (Cựu Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp) làm các tờ trình về nghiệp vụ, chuyên môn để đưa tài liệu, hợp đồng thương vụ vào danh mục "mật", cố tình không muốn minh bạch những thông tin về dự án.

Diễn tiến theo đó là lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm định giá trị doanh nghiệp của AVG, nghiệm thu sử dụng kết quả thẩm định làm căn cứ để thống nhất việc mua bán cổ phần AVG.

Cựu Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn bộc bạch: "Qua phiên xét xử chúng tôi nhận thức rõ hơn góc khuất của vụ án mà trước đây, kể cả khi tôi là Bộ trưởng hay lúc cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra cũng không thể biết được".

Còn ông Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone và ông Cao Duy Hải, cựu Tổng Giám đốc MobiFone thì nhất nhất theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TTTT, khi cựu Bộ trưởng thông báo ký hợp đồng trong vòng 1 tiếng, các bị cáo cũng ký, giao Lê Nam Trà ký chính, không phải Cao Duy Hải (có chức năng, nhiệm vụ) thì cũng thực hiện dù còn "băn khoăn"

2. Đứng trước HĐXX, ông Võ Văn Mạnh (cựu Giám đốc Cty TNHH Tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX) và ông Hoàng Duy Quang (thẩm định viên), thừa nhận AMAX là  công ty đứng ra ký Báo cáo xác định giá trị Doanh nghiệp AVG; ký Chứng thư thẩm định giá. Mục đích thẩm định giá làm căn cứ xem xét để quyết định việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, dùng phương pháp tài sản để xác định giá trị doanh nghiệp AVG khoảng 16.500 tỉ đồng. Trong khi trên thực tế, AVG lỗ luỹ kế, giá trị tài sản chỉ còn khoảng chưa đến 2.000 tỉ đồng.

Trước HĐXX, bị cáo Võ Văn Mạnh và Hoàng Duy Quang thừa nhận, các bị cáo ký vào chứng thư thẩm định mặc dù không biết về chuyên môn chỉ là để nhận được 440 triệu đồng tiền thẩm định theo hợp đồng do MobiFone thanh toán và hưởng lợi 60 triệu đồng. Các bị cáo thực hiện theo "yêu cầu" của phía khách hàng mà không lường trước được, giá thẩm định của AMAX đưa ra là "chìa khóa" mở ra thương vụ, là căn nguyên để các bị cáo khác "rút ruột" gần 9.000 tỉ đồng của nhà nước.

Cũng tại phiên xét xử sơ thẩm, các bị cáo là lãnh đạo của MobiFone, là tổ giúp việc, là cán bộ chuyên môn phụ trách tài chính kế toán của MobiFone, nhưng khi thương vụ được xác lập thì các bị cáo lại không quan tâm mức giá cao hay thấp, mà tin vào đơn vị thẩm định giá độc lập của Công ty AMAX. Các bị cáo cho rằng Công ty AMAX được Bộ Tài chính cấp phép nên giá thẩm định là đúng pháp luật, là không cần hoài nghi. Trước HĐXX, các bị cáo có khai về việc băn khoăn về mức giá nhưng… im lặng, hoài nghi về trình tự thủ tục thương vụ chưa đúng pháp luật nhưng tin tưởng vì lãnh đạo Bộ TTTT đã đồng ý. Trước HĐXX, các bị cáo có thể bao biện hành vi của mình là không cố ý, làm theo chỉ đạo nhưng chính hành vi "im lặng", "cả nể" của các bị cáo đã gây thiệt hại cho nhà nước số hàng nghìn tỉ đồng.  Mức án dành cho các bị cáo "Vi phạm quy định về vốn và đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" của các bị cáo là phù hợp.

Câu chuyện về tiền bạc của vụ án đã rõ trắng đen, người nhận hối lộ và đưa hối lộ đều thừa nhận tội lỗi của mình. Cả 4 bị cáo đều phối hợp tích cực trong việc nộp lại tiền. 

Đến chiều 27-12, bị cáo Nguyễn Bắc Son đã nộp 66 tỉ đồng tiền nhận hối lộ. Bị cáo Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone còn nộp dư số tiền bị cáo đã nhận hối lộ. Bởi bị cáo cảm thấy áp lực tội lỗi "đè" lên bị cáo suốt hơn 2 năm. Bị cáo thấy cần có trách nhiệm khắc phục số tiền để cho mình thực sự thanh thản.

Trong vụ án này, bị cáo Phạm Nhật Vũ mong muốn được áp dụng chính sách đặc biệt khi bị tuyên án. Bởi bị cáo đã khắc phục toàn bộ số tiền đã nhận của MobiFone, đồng ý nộp tiền lãi suất, nộp các chi phí khác, thành thật khai báo hành vi đưa hối lộ. Bị cáo có nhiều thành tích trong công tác ngoại giao, từ thiện. Tuy nhiên, mức án đưa ra đã xem xét đến toàn bộ những tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.

Vụ án khép lại, Phiên tòa kết thúc và có những bản án được tuyên. Hi vọng rằng bản án này và những lời thú tội của các bị cáo từ phòng xét xử sẽ có tác dụng như một tấm gương soi, giúp các doanh nhân và cán bộ nhìn lại mình, để làm quan thanh liêm và làm thương gia chân chính, để lại tiếng thơm cho đời.

Trần Tâm
.
.