Tội ác mang tên… "đinh tặc"

Thứ Ba, 24/09/2019, 21:50
Lưu thông trên đường, các phương tiện xe 2 bánh sợ nhất là cán phải đinh bởi xe đang chạy với tốc độ cao, khi cán phải đinh, người điều khiển phương tiện dễ dàng loạng choạng tay lái và ngã xuống đường. Các đối tượng "đinh tặc" thường chọn các tuyến đường đông phương tiện qua lại, nhất là phương tiện vận tải lớn để gieo rắc "tử thần" nên khi gặp sự cố, người cán phải đinh dễ bị mất mạng oan.

Đã có vụ cán phải đinh khiến nạn nhân bị xe tải cán chết, tuy nhiên chỉ vì lợi nhuận trước mắt, bất chấp tính mạng của người khác, các đối tượng rải đinh vẫn thực hiện hành vi tội ác của mình...

Những tuyến đường vừa đi vừa sợ

Để lấy được 10-15 ngàn đồng cho một miếng vá ruột xe hay thay ruột mới với giá trên 100 ngàn đồng, Hồ Như Hưng (SN 1970, quê ở Thanh Hóa, tạm trú tỉnh Đồng Nai) bất chấp thủ đoạn để những người điều khiển phương tiện lưu thông trên đường... dính bẫy. Sau một thời gian mở tiệm vá xe trên quốc lộ 51 (đoạn qua khu phố Long Đức 3, phường Tam Phước, TP Biên Hòa, Đồng Nai) nhưng ế ẩm, Hưng nghĩ đến việc giăng bẫy để kiếm khách.

Hưng mua tôn mỏng về cắt thành những hình thoi nhỏ khoảng 1cm sau đó đem ra quốc lộ 51, đoạn gần ngã 3 Thái Lan rải. Từ ngày rải đinh trên đoạn đường này, tiệm xe của Hưng tấp nập người vào vá, thay ruột. Mỗi lần vá Hưng lấy 10 ngàn đồng, thay ruột mới với giá 70 ngàn đồng.

Với số tiền vá và thay ruột không quá chặt chém nên nhiều người dính đinh nghĩ mình bị xui mà không mảy may nghi ngờ. Ăn nên làm ra cho đến khi bị bắt, Hưng đã hơn 10 lần thực hiện hành vi rải đinh.

Một số người dân sống trên đoạn quốc lộ 51, tuyến đường từ Đồng Nai đi Bà Rịa-Vũng Tàu cho hay, đây là tuyến đường nóng về nạn rải đinh, "đinh tặc" hoành hành liên tục. Nhiều người dính phải đinh, nhất là phụ nữ thường loạng choạng tay lái, ngã xuống đường, bị trầy xước khắp người. May mắn là khi dính phải "đinh tặc", các nạn nhân ngã vào lề nên không bị các phương tiện khác tông vào, nếu không những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên tuyến quốc lộ này khó tránh khỏi.

Một thợ sửa xe ở Đồng Nai vừa bị Công an tạm giữ về hành vi rải đinh.

Tại đoạn đường này có hàng chục tiệm sửa xe gắn máy, tất cả các tiệm luôn đông khách. Trên quốc lộ 51, đoạn từ dốc 47 đến chợ Hưng Phước hay đoạn qua xã Long Phước, Long Thành) các tiệm sửa xe mọc lên hoạt động cả ngày lẫn đêm. Chưa ghi nhận trường hợp thương tâm nào nhưng việc dính phải đinh tặc trong đêm khiến nhiều người ái ngại.

Anh Trương Tấn Thành, một công nhân đang làm việc trong khu công nghệp Amata (Biên Hòa, Đồng Nai) bức xúc: "Không riêng gì quốc lộ 51 mà ngay quốc lộ 1, đoạn qua khu vực đông công nhân này, người đi xe máy liên tục dính phải "đinh tặc". Một tuần vá xe ít nhất 2 lần với giá 15 ngàn đồng cho một lỗ vá. Đinh được thiết kế dạng hình thoi nên khi cán phải tạo thành lổ thủng lớn kéo dài, có khi rách cả ruột xe, phải thay. Công nhân chúng tôi ở đây một năm phải thay ruột 3-4 lần, 6 tháng phải thay vỏ".

"Tôi tức quá mà! Tuy mỗi lần vá hay thay ruột, chi phí cũng không cao nhưng khiến cho người đi đường có tâm lý lo lắng, hoang mang, cứ sợ cán phải đinh, sợ ngã xuống đường, sợ xe cán. Anh tin được không, có ngày tôi phải vá xe 3 lần, thay ruột một lần! Mất tiền không nói làm gì, mất mạng chỉ vì vài chục ngàn tiền lời của đám "đinh tặc" rồi gia đình tôi sống như thế nào. Đây không phải là lợi nhuận nữa mà là tội ác, những đối tượng rải đinh là những kẻ giết người giấu mặt!" - anh Trương Văn Tân, nhà ở Long Thành, bực tức nói.

Nhiều hội nhóm của các quận, huyện và cả người dân tự nguyện đi hút đinh để đảm bảo phương tiện lưu thông an toàn.

Ngăn chặn tội ác mang tên "đinh tặc"

Có một thực trạng, thời gian gần đây "đinh tặc" có dấu hiệu quay trở lại sau một thời gian dài chính quyền địa phương mạnh tay với các tiệm sửa xe gắn máy trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai thực hiện hành vi rải đinh thu lợi bất chính từ sự nguy hiểm của người khác. Vụ tai nạn thương tâm mà mọi người còn nhắc tới là vụ anh Đ.X.B. (SN 1987, quê Thanh Hóa) điều khiển xe máy chở anh T.V.T. (SN 1985, quê Phú Thọ) lưu thông trên quốc lộ 1A (từ Đồng Nai) về TP Hồ Chí Minh đến khu vực xã Bình Thắng, thị xã Dĩ An, Bình Dương thì bất ngờ tay lái xe chao đảo khiến cả 2 ngã xuống đường.

Cùng lúc này chiếc xe tải từ phía sau chạy đến không xử lý kịp tình huống đã tông vào khiến anh T. tử vong tại chỗ. Quá trình điều tra, Công an thị xã Dĩ An, Bình Dương phát hiện nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn thương tâm là do xe anh B cán phải loại đinh hình thoi.

Nhiều chủ tiệm sửa xe thực hiện hành vi rải đinh bị bắt quả tang, tuy nhiên do hành vi của những đối tượng rãi đinh không rõ ràng, nhiều chủ tiệm sau khi bị bắt được cho ra về, chỉ bị xử lý hành chính, hy hữu lắm mới có trường hợp bị khởi tố, ra tòa. Cũng vì hình phạt đối với hành vi rải đinh còn thấp, chưa đủ tính răn đe nên bất chấp tính mạng của người đi đường, các đối tượng "đinh tặc" vẫn xem thường mạng sống của người đi đường để thu lợi.

Một nạn nhân dính đinh được hỗ trợ.

Trước bức xúc của dư luận, tại các điểm nóng về nạn rải đinh như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các lực lượng, trong đó công an địa phương làm nòng cốt phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh vào cuộc xử lý mạnh đinh tặc. Tuy nhiên, các đối tượng rải đinh ngày một tinh vi, thay đổi hình thức nên khó bắt quả tang.

Để hạn chế những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra khi dính phải "đinh tặc", nhiều đoàn thể, hội nhóm, người dân đã tự tổ chức thu gom "đinh tặc" trên đường. Anh Nguyễn Hữu Lợi trong câu lạc bộ hỗ trợ và đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ 51 cho biết, hằng đêm các thành viên trong tổ của anh sử dụng xe hút đinh tự chế rảo quanh các tuyến đường để hút đinh và giúp đỡ những người đi đường không may cán phải đinh.

Cầm túi đinh hình thoi có trọng lượng cả ký lô, anh Lợi bức xúc: "Có đêm hàng chục người bị dính phải đinh, anh em thay ruột, vá săm liên tục. Chỉ tội những người phụ nữ đi đêm trên đường vắng bị dính đinh phải ì ạch đẩy xe cả trăm mét kiếm chỗ vá. Còn những người chở hàng nặng thì chỉ còn biết ngồi tại chỗ, gọi điện nhờ cứu viện chứ không thể dắt nổi xe. Chỉ cần lướt qua các đoạn đường thường xuyên có người cán phải đinh thôi là gom được cả đống!".

Tại đoạn quốc lộ 1 (đoạn thuộc quận 12, TP Hồ Chí Minh) người dân đã quá quen với hình ảnh ông Nguyễn Văn Thành (quê Tây Ninh) dùng nam châm hút đinh trên tuyến đường này. Công việc chính của ông Thành là nhặt ve chai nhưng khi chứng kiến những người bị dính phải đinh, té ngã trầy xước, phải ì ạch dắt xe cả trăm mét dưới trời nắng nóng nên ông Thành nghĩ ra cách thu gom đinh bằng nam châm. Chỉ trong một buổi sáng, đoạn gần ngã tư Ga, ông Thành đã gom gần 200g đinh dạng hình thoi.

"Nhiều vô kể, mới hôm qua hút được hàng trăm miếng đinh thì ngày hôm sau chúng lại xuất hiện. Dính phải loại đinh này thì khỏi phải vá nữa, thay ruột xe là cái chắc!" - ông Thành cho biết. Tiếp lời ông Thành, anh Danh, một người chạy xe ôm ở khu vực này cho hay, ruột xe mua sỉ chỉ vài chục ngàn nhưng khi người dính phải đinh vào tiệm bị hét giá 150 ngàn cho một lần thay ruột.

Ông Nguyễn Văn Hồng - một bảo vệ dân phòng phường Thạnh Xuân, quận 12, liên tục tham gia tuần tra cùng công an phường tại các điểm nóng về "đinh tặc" trên địa bàn, thu gom hàng ngàn miếng sắt hình thoi nhận định, các đối tượng rải đinh khá tinh vi khi chọn thời điểm rạng sáng vì thời điểm này vắng các tổ tuần tra, người đi đường ít, không chú ý.

Một số loại đinh hình thoi được các đối tượng phủ thêm lớp sơn chống bị hút bởi nam châm nên không thể dùng nam châm hút, đối với các loại đinh này, chúng tôi phải dùng mắt thường và dùng tay lượm. Ngoài ra, để qua mắt các cơ quan chức năng, các đối tượng không sử dụng xe máy để rải đinh mà sử dụng ô tô để thực hiện hành vi này.

Ông Đậu An Phúc - Phó Chủ tịch UBND quận 12 cho biết, người dân liên tục phản ánh về tình trạng "đinh tặc" trên tuyến quốc lộ 1, đoạn qua quận 12 nên tại tuyến quốc lộ 1, đoàn thanh niên của quận đã sử dụng các phương tiện hút đinh để giảm thiểu những vụ tai nạn đáng tiếc. UBND quận đã chỉ đạo công an quận, công an địa phương theo dõi, điều tra xử lý những người rải đinh để đảm bảo an toàn giao thông qua địa bàn.

Theo dõi sát các địa bàn, điểm "nóng" xảy ra nạn rải đinh, truy xét, bắt giữ các đối tượng rải đinh đồng thời theo dõi hoạt động của các điểm vá - sửa xe di động trên quốc lộ, kiểm tra, xử lý, không để điểm vá - sửa xe hoạt động khi không có giấy phép kinh doanh, vận động chủ nhà không tiếp tục cho thuê mặt bằng đối với chủ các điểm sửa xe không cam kết hành nghề sửa xe đúng quy định pháp luật.

Hàng loạt đinh dạng hình thoi được hút trên đường.

Trong thời gian qua, Công an quận 12 đã lập hồ sơ và yêu cầu 49 hộ vá xe dọc tuyến quốc lộ 1A, đoạn qua quận 12 làm cam kết không thực hiện các hành vi rải đinh.

Nhiều vụ rải đinh đã được đưa ra xét xử công khai, tuy nhiên nhìn vào mức án mà các đối tượng rải đinh nhận được, dư luận cho rằng chưa thuyết phục, tính răn đe chưa cao và với những mức án như thế này, "đinh tặc" sẽ còn hoành hành, đe dọa đến an toàn giao thông và tính mạng của người đi đường.

Việc xử lý còn khá nhẹ đối với hành vi của "đinh tặc" khiến nhiều người lưu thông trên đường không an tâm và luôn ám ảnh việc mình sẽ trở thành nạn nhân của chúng bất cứ lúc nào nếu như các đối tượng thu lợi từ sự an nguy của người khác mà không bị xử lý rốt ráo.

Tránh để đối tượng lách luật

Theo luật sư Nguyễn Văn Trường - Văn phòng luật sư Trường - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, cần phải xem xét tính chất, mức độ nguy hiểm của các đối tượng rải đinh mà cấu thành hành vi phạm tội. Với góc nhìn riêng, việc rải đinh trên đường khiến người đi đường gặp nạn gây bức xúc trong dư luận là hành vi nguy hiểm, không chỉ hư hại tài sản mà tính mạng người đi đường cũng bị đe dọa.

Tuy nhiên, theo Điều 143, Bộ luật Hình sự, hành vi trên chỉ xử lý về tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, mức phạt không giam giữ là 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, hành vi không rõ ràng thì chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Mới đây, Điều 261 Bộ luật Hình sự 2015 đề cập đến hành vi rải vật sắc nhọn trên đường chỉ cấu thành tội cản trở giao thông đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% đến 121%, gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì sẽ xử lý hình sự, còn dưới quy định này thì chỉ bị xử lý hành chính.

Do vậy cần nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc hơn, tránh việc các đối tượng lách luật, trốn tránh trách nhiệm trước pháp luật.

Mạnh Đức - P.T.
.
.