“Người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén:

Tôi có niềm tin vào công lý!

Thứ Ba, 08/12/2015, 14:35
Vụ án oan sai chấn động dư luận cả nước, khiến cho "người tù thế kỷ" Huỳnh Văn Nén bị ở tù oan sai suốt 17 năm, 6 tháng, 11 ngày đã kết thúc bằng buổi xin lỗi công khai của 3 cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận vào sáng ngày 3-12-2015 tại hội trường trụ sở UBND Thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Câu chuyện còn lại sẽ là việc hoàn tất các thủ tục bồi thường cho ông Nén theo quy định của pháp luật và làm rõ trách nhiệm của những người liên quan trong 2 vụ án oan sai đối với người tù Huỳnh Văn Nén.

Chấm dứt hơn 17 năm oan sai

30 phút trong buổi sáng ngày 3-12-2015 tại Hội trường trụ sở UBND thị trấn Tân Minh, trước sự chứng kiến của hàng ngàn người dân, các luật sư, các cơ quan báo chí và gia đình "người tù thế kỷ" Huỳnh Văn Nén, đại diện 3 cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận: Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện KSND tỉnh và TAND tỉnh Bình Thuận đã công khai xin lỗi ông Huỳnh Văn Nén và gia đình về vụ án oan sai kéo dài hơn 17 năm qua và cuộc hành trình đi đòi công lý ròng rã 15 năm của những người thân ông Nén…

Đại tá Phạm Thật - PGĐ Công an Bình Thuận, Thủ trưởng cơ quan CSĐT xin lỗi và chúc mừng ông Huỳnh Văn Nén sáng 3-12.

Đúng 8 giờ 30 phút,  bà Trần Thị Thiên Hương - Phó Chánh Tòa Hành chính, TAND tỉnh Bình Thuận thay mặt 3 cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận công bố quyết định và đọc lời xin lỗi, quá trình diễn biến toàn bộ sự việc dẫn đến việc kết án oan sai ông Huỳnh Văn Nén. Lời xin lỗi có đoạn đã làm bà Hương rưng rưng khi đọc lên: "Việc để xảy ra oan sai cho gia đình ông Nén là lỗi của các cơ quan tiến hành tố tụng Bình Thuận gồm có: Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện KSND Bình Thuận và TAND Bình Thuận. Suốt thời gian rất dài của vụ án 17 năm, là những mất mát to lớn của gia đình ông Nén không gì bù đắp được. Lời xin lỗi của chúng tôi là một phần rất nhỏ so với những gì ông Nén và gia đình phải chịu đựng. Một công dân mất tự do 17 năm, gia đình khó khăn ly tán… Thông qua buổi xin lỗi này, chúng tôi gửi lời xin lỗi sâu sắc đến ông Nén, gia đình ông Nén, bà con tỉnh Bình Thuận và nhân dân cả nước".

Vụ án oan của ông Huỳnh Văn Nén là một câu chuyện đau lòng của cá nhân ông và các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận. Những con người kiên trì theo đuổi vụ án từ 15 năm qua như ông Nguyễn Thận, các luật sư, các nhà báo, ông Huỳnh Văn Truyện cha ông Nén… đều bày tỏ sự hân hoan cho một kết cục có hậu đối với ông Nén.

Theo lời kể của ông Nguyễn Thận: khi còn làm Chủ tịch UBND xã Tân Minh, vào buổi tối tháng 9-2000 có người đến gõ cửa nhà của ông. Buông tập tài liệu đang đọc chuẩn bị cho cuộc họp Ủy ban xã ngày hôm sau, ông Thận tiếp bà Lụa (mẹ của anh Nguyễn Phúc Thành, người hàng xóm trong xã). Bà Lụa đưa cho ông Thận lá thư do con trai bà viết từ Trại giam Sông Cái (Phú Yên) tố giác tội phạm, nhờ ông Thận minh oan cho ông Huỳnh Văn Nén vì anh Thành biết, 2 người bạn anh là Nguyễn Thọ và Hồ Thanh Việt đã giết bà Năm Tép (Lê Thị Bông) để cướp tài sản do nghiện hút ma túy…

Điều tra viên Cao Văn Hùng.

Sau khi gây án xong, cả hai đối tượng bán nhẫn cướp được lấy tiền lên xe bỏ đi biệt xứ, thay tên đổi họ. Anh Thành từng là "anh em" giang hồ với Thọ và Việt nên biết rõ chuyện, vì lương tâm day dứt đã tố giác tội phạm giải oan cho ông Nén. Có thông tin cho hay, khoảng năm 2001, Việt mắc bệnh hiểm nghèo đã qua đời. Riêng Nguyễn Thọ mới đây đã ra tự thú tại Cơ quan Công an, thú nhận toàn bộ quá trình vụ việc sát hại bà Bông, nên vụ án giết người oan sai của ông Huỳnh Văn Nén đã được giải mã.

Được biết, vào dịp Lễ Quốc khánh năm 2000, phạm nhân Nguyễn Phúc Thành (ngụ KP2, thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, Bình Thuận, đang thụ án 18 tháng tù giam tại Trại giam Sông Cái đã gửi một lá đơn tố cáo tội phạm khẩn cấp. Cũng bắt đầu từ manh mối này, ông Thận đã tìm hiểu các nhân chứng liên quan và hiện trường vụ án giết bà Bông cũng như kỳ án vườn điều giết bà Dương Thị Mỹ 7 năm trước để phát hiện ra còn nhiều điều khuất tất chưa được làm rõ…

Bản thân ông Thận - một nhà giáo, một Chủ tịch xã khi thu thập được thông tin về sự thật đã nóng ruột thay cho gia đình 9 người nhà ông Nén, như đốt cháy tâm can. Ông đưa người nhà ông Nén là ông Truyện, anh Nghĩa cùng các gia đình gặp các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan báo đài từ địa phương, thành phố đến Trung ương để kêu oan, đưa ra những chứng cứ cho thấy có nhiều khuất tất, oan sai trong điều tra, xử án…

Nghi can Nguyễn Thọ.

Không uổng công, vào tháng 4-2002, bản án sơ thẩm (lần 1) vụ án vườn điều bị tuyên hủy án, đề nghị điều tra lại. Sau nhiều phiên tòa không đủ căn cứ kết tội các bị cáo trong vụ giết bà Dương Thị Mỹ, Cơ quan điều tra đã đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can. Sau đó, các cơ quan tố tụng đã xin lỗi công khai và bồi thường oan sai cho 9 người trong vụ án này. Riêng ông Huỳnh Văn Nén chưa được bồi thường vì đang thụ án tù chung thân trong vụ án bà Lê Thị Bông năm 1998. Tiếp đến năm 2006, mặc cho rất nhiều áp lực và búa rìu dư luận ông Thận cùng với gia đình ông Nén ra Hà Nội kêu oan, báo chí một lần nữa vào cuộc ủng hộ với hướng bảo vệ bị cáo Nén không phạm tội giết người.

Sau nhiều lần xét xử, hủy án điều tra lại, tháng 10-2014, Quyết định Giám đốc thẩm của Tòa hình sự TAND tối cao đã tuyên hủy bản án chung thân của Huỳnh Văn Nén, giao Cơ quan điều tra điều tra lại. Sau hai lần gia hạn điều tra, ngày 22-10-2015 bị cáo Huỳnh Văn Nén được tại ngoại để chữa bệnh. Ngày 28-11-2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Thuận trao quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Huỳnh Văn Nén, chấm dứt hơn 17 năm ngồi tù oan trong hai vụ án.

Vẫn tin vào công lý

Phát biểu tại buổi nhận lời xin lỗi của các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận sáng 3-12, ông Huỳnh Văn Nén đã không cầm được nước mắt khi nói: "Tôi cám ơn những người đã nhìn nhận ra sự thật để giải oan cho mình". Cả khán phòng im phăng phắc trong thổn thức, nghẹn ngào của người tù xuyên thế kỷ được giải oan: "Tôi là Huỳnh Văn Nén, người mà được các cơ quan báo chí gọi là "người tù thế kỷ", với hai bản án oan cho tội giết người trong 2 vụ án. Tôi là người đã đi tù hơn 17 năm vì sự sai sót của những người làm việc trong cơ quan tố tụng. Hơn 17 năm qua, gia đình tôi đã tan nát, các con tôi lớn lên mà không được cha dạy dỗ, đến miếng ăn cũng không đủ no. Hơn 17 năm sau tôi trở về, làng xóm thay đổi, chỉ có nhà tôi là xơ xác. Hơn 17 năm tôi chịu bao cay đắng tủi cực trong tù. Hơn 17 năm cha tôi không được một giấc ngủ tròn, mà đáng lẽ, tuổi của ông được an nhàn bên con cháu thì ông phải ngược xuôi lo toan cho tôi. 17 năm khi tôi ở tù, mẹ tôi ra đi với nỗi lo đau đáu, đến trước khi nhắm mắt, bà vẫn nói với cha tôi rằng, hãy lo cho tôi.

Nước mắt “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén.

Có ai trên đất nước này khổ như tôi không? Chắc không có, và tôi cũng không muốn có. Bởi cay đắng đó, dù chỉ một ngày thì cũng không ai muốn nếm trải.

Hôm trước, đã có người hỏi tôi, khi ở tù, có bao giờ bác nghĩ bác sẽ chết không? Tôi trả lời không, bởi tôi có niềm tin vào công lý, rằng ở đây người ta làm oan cho tôi, thì có chỗ khác minh oan cho tôi. Tôi kiên trì với điều đó và không nhận một mức ân xá, hay đặc xá nào. Tôi bảo với lòng mình, nếu ông trời không thương, không cho mình nhìn thấy công lý, ông trời bắt mình phải chết, thì cũng là chết không nhận tội. Không thể nhận tội. Và tôi đã chờ được đến ngày hôm nay rồi. Tôi được đình chỉ điều tra, tôi được trở về với gia đình, với người thân, với cuộc sống đời thường. Được trở về, đối với tôi đó là quý giá.

Tôi tha thiết mong rằng, bằng những đòn roi tôi đã nhận, bằng những oan ức tôi đã trải qua, bằng những tan nát khi gia đình tôi, vợ con tôi nếm trải, các điều tra viên, các kiểm sát viên, các thẩm phán, khi đặt bút phán quyết một điều gì, hãy cân nhắc thật kỹ, hãy suy nghĩ không chỉ bằng lý trí, mà còn bằng pháp lý để không làm oan cho bất kể ai. Bởi dù oan ức một ngày, thì có thể tiêu tan cả đời.

Tôi mong các cơ quan tố tụng, hãy nghĩ đến trường hợp oan sai của tôi, như là oan sai đối với người thân của mình. Tôi mong các ông bà, hãy đặt vào hoàn cảnh của tôi, để đưa ra một bản án hợp để người chịu án tâm phục khẩu phục. Qua đây, tôi muốn gửi lời cảm ơn tất cả những người đã giải oan cho tôi, cảm ơn ba tôi, cảm ơn thầy Thận. Tôi cảm ơn bà Lê Thị Nga, Đại biểu Quốc hội. Tôi cảm ơn các luật sư, các nhà báo đã đồng hành và tha thiết kêu oan cho tôi trong nhiều năm qua"...

Nghe ông Nén đọc đến đoạn con cái, gia đình tan nát, chúng tôi nghẹn đắng lòng khi nhớ lại cảnh 3 đứa con của ông (đứa lớn nhất khoảng 9 tuổi, đứa nhỏ nhất 3 tuổi) đã  phải gởi vào làng SOS để có cơ hội được cái ăn, được học hành trong khi người vợ bất hạnh và gia đình ông rơi vào thảm kịch tột cùng khi ông đi tù. Cái giá nào sẽ trả đủ cho những đứa trẻ bị đánh mất tuổi thơ trong tình thương cha mẹ và hạnh phúc của một gia đình?

Tạm khép lại đau thương sau hơn 17 năm phải ở tù oan sai, câu chuyện về “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén được dư luận quan tâm lúc này là việc bồi thường dân sự và những người thực hiện công vụ gây oan sai sẽ bị trừng trị như thế nào trước pháp luật và xã hội để đảm bảo sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật Nhà nước?

Đó là chưa kể đến những người đi tìm công lý như ông Thận, anh Thành cũng đã từng có lúc bị đè nặng bởi muôn vàn áp lực, mệt mỏi, đe dọa và nếu không còn niềm tin vào công lý, sẽ chẳng bao giờ có được sự minh bạch, sáng sủa như hôm nay trong đời người tù lãnh án chung thân.

Ông Nguyễn Thận xót xa nhớ lại: khoảng tháng 11-2000, khi đang nằm điều trị bệnh tại TP Hồ Chí Minh, ông nhận được hung tin 15ha mía giống của gia đình bị lửa đốt cháy rụi, đẩy gia đình ông rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn về kinh tế. Sau đó là truyền đơn rải đầy khắp xã phao tin, anh em nhà Nguyễn Thận có cha làm quận trưởng chế độ Sài Gòn bị cách mạng xử tử tại Quảng Trị… Không lâu sau đó ông Thận bị thanh tra về quản lý tài chính rồi chuyển sang điều tra ròng rã 26 tháng trời mới có kết luận Nguyễn Thận không tham ô tham nhũng. Nhưng lúc này, ông đã bị cách chức Bí thư Đảng ủy xã…

Một vụ oan án lịch sử được minh oan.

Hoàng Châu
.
.