“Trái đắng” khi mua nhà giá rẻ của người quen

Thứ Năm, 18/01/2018, 17:23
Nhà đất luôn là một trong những “kênh” đầu tư được cho là an toàn, lợi nhuận cao. Chính vì thế, những giao dịch về nhà đất càng về cuối năm lại càng trở nên sôi động. Nhưng nếu chủ quan, thiếu sự kiểm tra kỹ càng thì các nhà đầu tư rất dễ nếm “trái đắng”...

1. Đọc lá đơn trình báo mà chúng tôi thấy ái ngại thay cho bà Hoàng Thị P. (trú tại quận Ba Đình, Hà Nội). Chỉ vì quá tin tưởng người “bạn vàng” (là bà Lê Mai A.) mà cả năm nay lúc nào bà P. cũng như ngồi trên đống lửa. Đầu tư hàng chục tỷ vào một mảnh đất, vay ngân hàng, vay “nóng” với lãi suất cắt cổ nhưng sổ đỏ thì cứ chờ mãi, chờ mãi mà chẳng thấy đâu!

Cách đây khoảng 3 năm thôi, bà P. đã có thể ung dung hưởng sự an nhàn lúc về già. Sau mấy chục năm buôn bán ki cóp, bà đã có hàng trăm lượng vàng, dự định sẽ gửi tiết kiệm lấy lãi để chi tiêu. Thế nhưng nghe lời xui khôn xui dại của bà Mai A., bà P. đã mang đi đầu tư đất cát để rồi nợ như chúa Chổm.

Bà P. kể, qua một hội các bà hay đi chùa, đi lễ nên đã quen biết bà Mai A. hơn chục năm nay rồi. Thi thoảng bà Mai A. còn rủ bà P. đi hầu ở một số đền, phủ xa như Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn... nên cả hai trở nên thân thiết lắm. Do bà Mai A. từng có thời gian làm tại một phòng công chứng nên cũng đôi lần bà P. mua nhà hay mua xe đều nhờ chỗ bà Mai A. công chứng giúp. Do vậy tình thân lại càng thân.

Mấy năm trước, sau một lần đi “bốc quẻ”, bà P. được thày phán rằng năm tới có “lộc” về cung “điền trạch”, rất nên đầu tư vào món nhà đất. Thế rồi lại được bà Mai A. “tán” thêm rằng đang có một mảnh đất siêu đẹp tại phường Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) nếu có tiền nhàn rỗi thì mua ngay không phải nghĩ.

Một số sổ đỏ giả Công an Hà Nội thu giữ trong một vụ án lừa đảo.

“Mảnh đất này vốn là đất hương hỏa của một họ lớn ở địa phương, sau lụn bại vì con cháu dây vào cờ bạc nên buộc phải bán gấp. Mảnh đất có diện tích hơn 400m2 mà giá chưa đến 3 tỷ đồng. Thực “rẻ hơn bèo!” - bà Mai A. nói.

Vốn tin tưởng bạn, lại tìm hiểu sơ qua thì thấy đúng là giá quá hời nên bà P. liền nhờ bạn xúc tiến việc mua bán. Sau khi đã đưa cho bà Mai A. 3 tỷ đồng, bà P. nhận được một tờ giấy thỏa thuận việc mua bán (viết tay) của “chủ cũ” mảnh đất. Tuy vâỵ một thời gian sau bà P. mới “ngã ngửa người” khi phát hiện đó là mảnh đất vào dạng “xen kẹt” chứ chưa phải là đất thổ cư có sổ đỏ chính chủ.

Người bạn thân là bà Mai A. mới bày kế rằng giờ đầu tư một ít tiền để “chạy”, chắc chỉ tầm vài tháng đến một năm là có sổ đỏ. Khi đó mảnh đất vàng này sẽ có giá không dưới vài chục tỷ đồng. Nghe bùi tai, bà P. bắt đầu hành trình vay mượn, cầm cố căn nhà cũ của mình để đưa tiền cho bà Mai A. chạy.

Cứ vài tuần, một tháng, bà Mai A. lại giục khi 500 triệu, khi thì 1 tỷ để “chạy” các cơ quan từ phường, quận, lên thành phố, thậm chí lên tới cả Trung ương... Sau 1 năm “chạy” tốn đến hơn 6-7 tỷ đồng mà sổ đỏ đất vẫn chưa thấy đâu.

Đã thế, gần đây bà P. còn phát hiện mảnh đất kia cũng đang có 1-2 người tuyên bố là chủ sở hữu. Bà nhiều lần liên lạc với bà Mai A. để hỏi xem sự thật thế nào đều không thể gọi được. Bà P. đã đến tận nhà người bạn thân nhằm làm rõ mọi vấn đề, không ngờ bị bà Mai A. không tiếp, còn suỵt chó ra đuổi...

Cực chẳng đã bà P. phải đưa đơn kiện lên cơ quan chức năng. Tại Cơ quan công an, bà P. cũng trình ra các biên lai thể hiện việc chuyển tiền qua ngân hàng. Tuy nhiên, theo nhận định của cơ quan chức năng, hành trình đòi lại tiền của bà P. sẽ còn lắm gian nan.

Lừa đảo chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng qua việc mua đất nền, Lê Thanh Tú bị tuyên phạt 16 năm tù giam.

2. Cũng vì tin ở cái sự “thân quen” mà ông Phạm Văn T. (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đang phải ngậm trái đắng mà không biết kêu ai.

Đầu năm 2017, ông T. được một người cháu giới thiệu có bạn muốn bán nhà để về quê sinh sống. Người bạn này vốn ở quê ra Hà Nội học đại học rồi đi làm, quen biết cháu ông đến cả chục năm rồi. Còn ngôi nhà cấp 4 nằm trong một căn ngõ nhỏ thuộc quận Long Biên (Hà Nội) được cậu này rao bán với giá hơn 800 triệu đồng.

Khi đến xem nhà ông T. thấy ưng vì căn nhà chỉ có một tầng song có diện tích khá rộng; lại rất tiện, gần chợ, trường học, bệnh viện... Có điều là căn nhà chưa có sổ đỏ, chỉ có một xấp giấy tờ viết tay thể hiện ngôi nhà đã được giao dịch nhiều lần. Cũng chỉ có duy nhất một tờ giấy thể hiện việc đóng thuế đất, có dấu đỏ của phường cách đây đã hơn 20 năm.

Người chủ của căn nhà nói rằng lẽ ra giá của nó phải hơn 1 tỷ đồng nhưng vì chưa có sổ đỏ (đang làm thủ tục xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) phải mất một thời gian nên họ “down” giá xuống còn 800 triệu. Ông T. cũng nhận được một số giấy tờ thể hiện việc đang làm thủ tục này, thậm chí còn có dấu đỏ chứng nhận của cơ quan chức năng.

Sau khi trả đủ tiền cho người bán, ông T. hồ hởi mua sắm đồ đạc và dọn về căn hộ mới. Nhưng chẳng ngờ khoảng một tháng sau có một cặp vợ chồng đến gõ cửa. Họ cho biết họ mới là chủ của căn nhà và đưa ra những giấy tờ... giống hệt của người chủ cũ đã đưa cho ông T., chỉ khác ở chỗ tên của chủ nhà khác với tên người đã bán cho ông.

Lúc bấy giờ ông T. mới quay lại hỏi người cháu về “người bạn” kia thì vỡ lẽ đúng là quen biết nhau từ 10 năm trước, nhưng là ở một lớp tập gym. Và mỗi lần gặp nhau chỉ là qua các buổi nhậu. Dĩ nhiên, những thông tin về gia đình, nhà cửa của bạn, cháu ông đều chỉ biết sơ sơ. Tìm lại số điện thoại, địa chỉ Facebook của người bán cũng không thể liên lạc được. Ông T. cất công lần về tận một xã ven biển miền Trung, theo địa chỉ trên giấy CMND song không tìm được tung tích của người bán.

Cũng do đang có tranh chấp nên ông ở cũng không được, mà bán cũng không xong. Tìm hiểu thêm, ông T. mới phát hiện ra những giấy tờ mà người bán đưa cho ông có một phần là được photocopy, cắt dán từ trên mạng Internet, rồi đóng dấu giả để lừa ông. Trên thực tế căn nhà được xây dựng trên đất “nhảy dù”, và chưa hề được xúc tiến làm thủ tục nhà đất nào cả.

3. Anh Trần Hữu L. (39 tuổi, trú ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng là một trong những nạn nhân mới nhất của trò lừa đảo mua bán nhà đất. Quen biết lâu với Phạm Đ.A. (33 tuổi, trú ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nên anh khá tin tưởng bạn. Biết Đ.A. có quen một người tên Hằng (theo như nữ quái này khoe rằng đang làm vụ trưởng một cơ quan chuyên ngành bảo vệ pháp luật nên anh L. có nhờ hai người bạn này chạy làm sổ đỏ cho mảnh đất ở phố Hàng Giấy (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - chi phí hết khoảng hơn 2 tỷ đồng.

Lần đầu anh L. đưa cho Đ.A. 700 triệu đồng, cùng với bộ hồ sơ giấy tờ liên quan đến mảnh đất. Hằng có mặt chứng kiến việc nhận tiền và hẹn 6 tháng sau sẽ có sổ đỏ cho anh L. Sau đó Hằng nhận của Đ.A. 200 triệu đồng để lo “chạy” sổ đỏ nhưng thị đã mang số tiền này đi trả nợ và chơi lô đề hết. Sau đó Hằng yêu cầu Đ.A. đưa thêm 160 triệu đồng. Số tiền này Hằng cũng “nướng” hết vào lô đề.

Khi bị anh L. hỏi về việc làm sổ đỏ, Hằng nói dối đã đưa tiền cho người có trách nhiệm nhưng người này chuyển công tác nên phải làm lại từ đầu. Anh L. nghi ngờ nên hỏi gắt gao, Hằng phải nhờ một người bạn xã hội làm giúp một bộ sổ đỏ giả với chi phí 200 triệu đồng.

Tuy nhiên, trong bộ hồ sơ sổ đỏ giả này không kèm trích lục thửa và không có số nhà. Hằng không chú ý điều này mà gọi ngay cho anh L. thông báo đã có sổ đỏ và yêu cầu anh L. đưa thêm 1,77 tỷ đồng còn lại. Khi hẹn anh L. lấy tiền, có sự chứng kiến của Đ.A. Xem kỹ kĩ hồ sơ, anh L. mới phát hiện sổ đỏ thiếu địa chỉ, anh L. đưa lại cho Hằng để mang đi đính chính. Sợ bị phát hiện, Hằng lập tức xé hồ sơ vứt vào thùng rác.

Một thời gian sau Hằng viết giấy biên nhận đã nhận của anh L. số tiền 2,47 tỷ đồng rồi biến mất. Nhiều lần anh L. liên lạc và tìm gặp song các đối tượng đều lẩn tránh không gặp.

Người dân cần cảnh giác với những giao dịch nhà đất dưới giá thị trường.

Cuối năm 2017 vừa qua, do biết không thể trốn tránh được nữa nên Hằng đã ra Cơ quan công an đầu thú, khai nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của anh L.

Theo một điều tra viên thuộc Phòng Cảnh sát hình sự công an TP Hà Nội, giao dịch nhà đất, đặc biệt là những giao dịch có giá thấp hơn giá thị trường luôn tiềm ẩn những nguy cơ. Nếu người mua thiếu sự kiểm tra kỹ lưỡng thì rất dễ bị các đối tượng lừa đảo. Thậm chí còn có trường hợp một người mua một mảnh đất được rao bán là “đang làm sổ đỏ”. Sau khi xây nhà xong và vào ở thì mới phát hiện rằng sổ đỏ của mảnh đất lại đang trong tay một người khác. Và người chủ mới phải cay đắng... đập ngôi nhà mới xây để trả lại cho chính chủ.

Làm giả giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cuỗm nhiều tỷ đồng

Vài năm trước, qua một người bạn, anh Phan Văn H. (quê ở Nghệ An) quen với đối tượng Lê Thanh Tú (32 tuổi, trú tại khu đô thị mới Trung Văn, phường Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội). Tú “nổ” với anh H. rằng đang công tác ở Văn phòng Chính phủ, có nhiều mối quan hệ và có khả năng mua đất giá ưu đãi.

Anh H. đã nhờ Tú tìm mua đất ở Hà Nội để xây nhà cho con trai chuẩn bị ra Hà Nội học đại học. Nhận lời giúp đỡ, Tú tìm được 2 mảnh đất nông nghiệp tại khu vực xã Trung Văn (Từ Liêm) có diện tích 431 m2, giá 4 triệu đồng/m2. Tú cũng hứa hẹn có thể chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất thổ cư và báo giá là 12 triệu đồng/m2.

Tin lời đối tượng, anh H. đã chuyển cho Tú số tiền hơn 3 tỷ đồng để trả tiền mua đất. Tuy nhiên trên thực tế, Tú chỉ trả cho chủ đất số tiền 1,7 tỷ đồng.

Sau một thời gian, Nhà nước tiến hành thu hồi thửa đất trên để thực hiện dự án xây dựng trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia. Tú đã làm giả dấu đỏ, chữ ký xác nhận của UBND xã Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) vào giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tiếp đó, đối tượng chuyển bản photocopy gửi sang cho anh H. tạo niềm tin để anh H. gửi thêm 2,5 tỷ đồng. Tổng số tiền Tú nhận từ anh H. là 5,5 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, Cơ quan Công an xác định tổng số tiền Tú chiếm đoạt của anh H. là hơn 2 tỷ đồng. Đối tượng đã bị truy tố ra tòa về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị tuyên phạt 16 năm tù giam.

Yên Chi
.
.