Triệt phá băng trộm liên tỉnh người nước ngoài
- Cảnh báo tình trạng tội phạm công nghệ cao người nước ngoài gây án tại Việt Nam
- Người nước ngoài mua nhiều thẻ tín dụng để lừa đảo
Trộm két hoành hành
Liên tục trong 4 đêm (17, rạng sáng 18-4; đêm 19, rạng sáng 20-4; đêm 17, rạng sáng 18-5; đêm 10, rạng sáng 11-6), tại các phòng làm việc của nhà máy xi măng Nghi Sơn (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) và nhà máy xi măng Long Sơn (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) và nhà máy xi măng Công Thanh (huyện Tĩnh Gia) đã xảy ra 4 vụ phá két sắt, trộm tài sản. Theo đó, đối tượng đã đột nhập phòng làm việc của các công ty trên, đập phá két sắt để trộm tiền vàng với số lượng lớn.
Theo thống kê bước đầu, các cơ quan chức năng xác định trong 4 vụ trộm trên, đối tượng đã lấy được tổng số tài sản trị giá khoảng 9 tỷ đồng. Thủ đoạn phá két của nhóm siêu trộm này rất đặc trưng là “đánh mặt két đứng”. Đây là thủ đoạn mới xuất hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bằng vết cạy phá rất gọn để lại trên bề mặt cánh cửa két.
Hình ảnh đối tượng trộm két được camera ghi lại. |
Cũng vào rạng sáng 18-5, tại Công ty Sản xuất cám công nghiệp ở TP Phủ Lý, Hà Nam, kẻ gian đập phá két sắt nhưng không lấy được tài sản. Một công ty sản xuất cám công nghiệp khác cũng ở TP Phủ Lý đã bị kẻ gian trèo qua cửa sổ phòng kế toán, dùng xà cầy cạy mặt trước két sắt lấy đi 18 triệu đồng và 8 chỉ vàng.
Trước đó, các đối tượng đã đục xuyên tường, đột nhập vào phòng kế toán của Công ty TNHH Hưng Cúc (xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) phá két sắt lấy đi 683 triệu đồng. Tại trạm thu phí nút giao thông quốc lộ 38 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thuộc địa phận xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, các đối tượng đã đột nhập vào phòng kế toán của trạm BOT cạy phá két sắt, lấy đi 1,1 tỷ đồng... Công ty Cổ phần thủy sản Cái Rồng (thuộc thôn Đông Trung, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) cũng bị đục phá két sắt đựng tiền của, trộm 676 triệu đồng. Tại TP Hồ Chí Minh, phòng kế toán của trạm thu phí Chợ Đệm (thuộc thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh) đã bị kẻ gian cạy phá 2 két sắt, lấy đi 2,8 tỷ đồng.
Tại Bắc Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa... cũng liên tục xảy ra các vụ trộm két sắt với thủ đoạn tương tự. Đặc biệt, dù tường cao hào sâu, hay khóa bảo mật kỹ đến đâu nhưng các công ty đều không thể tự bảo vệ được tài sản của mình trước bọn trộm. Chính vì vậy, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an và công an nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã lập chuyên án đấu tranh với bọn tội phạm này.
Két sắt bị các đối tượng phá. |
“Hót” ổ trộm trước khi chúng tiếp tục gây án
Tại Thanh Hóa, sau khi liên tiếp xảy ra 4 vụ trộm trắng trợn trên, Giám đốc Công an tỉnh đã giao Phòng Cảnh sát hình sự chủ công khám nghiệm, điều tra. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Khương Duy Oanh - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT - các trinh sát, điều tra viên đã nghiên cứu kỹ lưỡng thủ đoạn của đối tượng; đặc biệt là từ kết quả khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, “dựng” thủ đoạn, chân dung các đối tượng.
Từ kết quả thu thập được, ban chuyên án xác định, đối tượng gây ra các vụ trộm trên phải có từ 2-3 tên trở lên; chúng rất chuyên nghiệp và nghiên cứu kỹ lưỡng địa hình, địa vật cũng như các vị trí cất tài sản của công ty, doanh nghiệp. Đặc biệt, các đối tượng lựa chọn thời gian, địa điểm đột nhập thường vào những lúc bảo vệ sơ hở như giao ca, ngủ say nên không phát hiện được.
Qua rà soát các đối tượng trên địa bàn, ban chuyên án xác định thủ đoạn của những đối tượng trộm chuyên nghiệp, lưu động ở Thanh Hóa và các tỉnh lân cận không tinh vi, xảo quyệt bằng nhóm đối tượng trên. Vậy, kẻ gây ra những vụ trộm với thủ đoạn rất mới mẻ và chuyên nghiệp này là ai, từ đâu đến, tại sao lại nắm kỹ địa hình, địa vật của các công ty đến như vậy?
Từ đó, ban chuyên án đã mở rộng diện rà soát, vận động nhân dân cung cấp thông tin, kết hợp sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ và đã xác định nhóm đối tượng trộm là người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam
Trung tá Mai Anh Tiến, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an Thanh Hóa cho biết, sau khi xảy ra các vụ trộm, qua khám nghiệm, chúng tôi khá bất ngờ thấy những chiếc két sắt rất lớn (có chiếc nặng hơn 2 tạ) nhưng đều bị cạy phá gọn gàng, không bị móp méo, thậm chí không có dấu xước. Từ công tác rà soát, khám nghiệm, kết hợp với các tài liệu điều tra, đánh giá phương tiện, công cụ gây án, ban chuyên án càng thêm khẳng định các đối tượng gây ra là nhóm tội phạm chuyên nghiệp từ nước ngoài.
Từ nhận định trên, ban chuyên án đã đi các tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Quảng Ninh rà soát, nắm thông tin về các đối tượng thường xuyên nhập cảnh vào Việt Nam, đồng thời thu thập tài liệu về các đối tượng Trung Quốc ở Việt Nam và ngược lại.
Đặc biệt, phối hợp với công an các địa phương, Công an Thanh Hóa đã phát hiện một nhóm đối tượng người Trung Quốc từng 7 lần mua xe máy tại Việt Nam. Các đối tượng này vào nước ta bằng hộ chiếu du lịch hoặc đi theo đường tiểu mạch để vào sâu nội địa, sau đó, mua xe máy làm phương tiện đi lại để thực hiện hành vi phạm tội. Đặc biệt, nhận dạng của chúng tại các tiệm cầm đồ, cửa hàng xe máy khá trùng khớp với đặc điểm Công an Thanh Hóa thu được tại hiện trường.
Các đối tượng trong vụ án. |
Từ các tài liệu điều tra, lực lượng chức năng đã xác định nhóm đối tượng trộm cắp đang ở tỉnh Ninh Bình, chuẩn bị gây án. Lập tức, một tổ công tác của Phòng Cảnh sát hình sự Thanh Hóa phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Ninh Bình và Công an TP Tam Điệp rà soát tất cả nhà nghỉ, quán trọ trên địa bàn, bắt giữ 3 đối tượng người Trung Quốc là Liêu Chí Ba (Liao Zhibo, SN 1988), Vi Kim Luyện (Wei Jinlian, SN 1982) và Vi Chí Hằng (Wei Zhi Heng, SN 1988) đều là nam giới và cùng có hộ khẩu thường trú ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Đây là 3 đối tượng đã có tiền án, tiền sự, trong đó đối tượng Liêu Chí Ba đang bị cơ quan chức năng Trung Quốc truy nã về hành vi mua bán trái phép chất ma túy, Vi Kim Luyện và Vi Chí Hằng đều từng đi tù về tội trộm cắp tài sản.
Nhiều sơ hở ở các công ty, doanh nghiệp
Tại Cơ quan công an, các đối tượng khai nhận, chúng chỉ “nhắm” vào các công ty, doanh nghiệp, cơ quan chứ không đột nhập nhà dân vì các công ty thường có nhiều tiền trong két, vào thời điểm bảo vệ lơ là, thiếu cảnh giác. Chính vì vậy, hằng tháng, từ khoảng ngày 10 đến 25, chúng mang theo công cụ, phương tiện nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để trộm cắp rồi lại về nước.
Cụ thể, đối tượng Vi Chí Hằng và Vi Kim Luyện nhập cảnh vào Việt Nam trái phép do không làm thủ tục nhập cảnh mà đi theo đường tiểu mạch (đường mòn qua biên giới); còn Liêu Chí Ba nhập cảnh vào Việt Nam để đi du lịch theo tour.
Sau khi nhập cảnh riêng lẻ vào Việt Nam, chúng liên hệ với nhau rồi “tụ” tại một điểm để “nghiên cứu” các “con mồi”. Để làm được việc này, chúng thuê người Việt Nam làm phiên dịch hoặc gọi điện cho đối tượng người Việt Nam đang sinh sống bên Trung Quốc qua mạng Wechat để nhờ dịch tiếng, hướng dẫn đường đi lối lại. Sau đó, chúng mua hoặc thuê xe máy ở Việt Nam làm phương tiện đi lại.
Để tránh bị phát hiện, chúng thường mua hoặc thuê xe máy ở những địa phương cách rất xa khu vực định trộm cắp. Điển hình, có lần, chúng mua xe máy từ Đà Nẵng rồi đi một mạch ra Thanh Hóa để trộm cắp. Tại các tỉnh, chúng thường lân la đến các khu công nghiệp để quan sát, tính toán phương án đột nhập. Sau khi thăm dò, chúng đánh dấu vị trí trên Google map rồi về nhà trọ. Đến đêm, các đối tượng sẽ theo chỉ đường của Google map đến đúng địa điểm đã chọn, thực hiện hành vi phạm tội.
Theo đó, chúng lợi dụng lúc bảo vệ ngủ say hoặc đi chỗ khác sau lúc tuần tra để đột nhập vào bên trong theo đường ống khói của nhà máy. Sở dĩ chúng chọn khu vực ống khói của các nhà máy vì đây là nơi ít người đến, lại có tiếng ồn lớn nên bảo vệ khó nghe thấy tiếng động, rồi đột nhập vào phòng kế toán.
Sau khi vào được bên trong, chúng cử một đối tượng “làm việc” phía ngoài vừa có nhiệm vụ trộm cắp, vừa có nhiệm vụ canh gác để đồng bọn phá két. Lấy được tiền, lập tức chúng “chuồn êm” qua đường cũ.
Bước đầu, các đối tượng khai nhận đã gây ra hàng chục vụ trộm tại Thanh Hóa, Hà Nam và một số địa phương khác. Điển hình như đêm 17 rạng sáng 18-5, Vi Chí Hằng và Vi Kim Luyện đã đột nhập Nhà máy xi măng Công Thanh ở huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa cạy phá 2 két sắt và lấy được số tiền 460 triệu đồng rồi nhanh chóng tẩu thoát về Trung Quốc.
Rạng sáng 18-5, Liêu Chí Ba và một đối tượng tên Tiêu đột nhập vào 2 công ty sản xuất cám công nghiệp ở TP Phủ Lý, Hà Nam cạy két sắt, lấy đi 18 triệu đồng và 8 chỉ vàng. Tiếp đó, đêm 22-5, Liêu Chí Ba cùng đối tượng Tiêu đột nhập vào một công ty ở KCN tại TP Phủ Lý, đập phá két sắt, lấy gần 69 triệu đồng. Sau đó, hai đối tượng này tiếp tục đột nhập Công ty Cám Tân Việt thuộc KCN Châu Sơn (TP Phủ Lý, Hà Nam), đập phá két sắt, lấy được số tiền gần 189 triệu đồng...
Cần gia cố lại hệ thống an ninh
Thượng tá Lê Khắc Minh, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, những hình ảnh được trích xuất từ camera và dấu vết để lại hiện trường của các đối tượng cho thấy, chúng đều bịt mặt, sử dụng găng tay nên hầu như dấu tích để lại bằng 0. Các đối tượng thường gây án vào khoảng 2h sáng và lựa chọn các trụ sở cơ quan, doanh nghiệp nằm ở ngay quốc lộ, không có bảo vệ chứ không nhắm vào nhà dân.
Đặc biệt, các đối tượng thường nhập cảnh trái phép vào Việt Nam hoặc sử dụng tên giả để nhập cảnh nên rất khó phát hiện. Khi gây án xong, các đối tượng thường tiêu hủy toàn bộ công cụ, phương tiện hoặc mang về Trung Quốc để tránh bị phát hiện.
Theo các trinh sát, điều tra viên thì sở dĩ các đối tượng có thể trộm cắp được vì có sự sơ hở của nhân viên bảo vệ và của chủ tài sản. Cụ thể, các nhân viên bảo vệ thường chỉ “quét” 1-2 lần lúc đầu tối, sau đó thường ngủ say vào lúc 1-2h sáng. Bên cạnh đó, ở nhiều công ty, mặc dù tài sản rất lớn, diện tích rộng nhưng chỉ có 1-2 bảo vệ trực nên không thể bao quát hết. Bên cạnh đó, phòng kế toán - nơi để két sắt - thường không được chú trọng về công tác bảo mật, an ninh nên các đối tượng mới dễ dàng phá két, trộm cắp.
Chính vậy, để phòng ngừa việc các đối tượng xấu đột nhập, trộm cắp, đề nghị các chủ sở hữu tài sản cần nêu cao tinh thần cảnh giác, sử dụng lực lượng bảo vệ đã được tập huấn về nghiệp vụ; tăng thêm số lượng bảo vệ nếu công ty có diện tích rộng, nhiều tài sản; nên lắp đặt hệ thống cảnh báo tự động, camera, nhất là tại các góc khuất - nơi ít người lui tới. Đặc biệt, đối với két sắt - mục tiêu mà các đối tượng nhắm tới thì cần gắn cố định vào tường hoặc xây ô riêng chắc chắn để đựng két. Có như vậy thì kể cả khi đối tượng trộm đột nhập được nhưng sẽ không dễ dàng cạy phá, lấy tài sản.
Bên cạnh đó, lực lượng công an cần nắm chắc số đối tượng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để trục xuất, xử lý theo quy định, tránh để chúng trà trộn, gây án; các nhà nghỉ, nhà trọ phải quản lý chặt chẽ khách thuê theo đúng quy định của pháp luật bởi nếu không quản lý khách thuê sẽ bị xử phạt theo quy định.