Triệt phá đường dây lừa đảo xuyên quốc gia bằng công nghệ cao

Thứ Năm, 30/08/2018, 10:47
Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an, phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh vừa triệt phá thành công đường một dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia, tạm giữ một nhóm đối tượng người Thái Lan và Đài Loan.

Trinh sát Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát hiện một nhóm đối tượng người nước ngoài, chủ yếu là người Thái Lan hoạt động trong một khu chung cư cao cấp tại TP Hồ Chí Minh có nhiều biểu hiện nghi vấn. Nhóm đối tượng này được một số đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) thuê sang Việt Nam thiết lập tổng đài gọi điện trên nền Internet (gọi tắt là tổng đài VoIP).

Từ đây, các đối tượng đã thực hiện các cuộc gọi mạo danh nhân viên bưu điện, nhân viên ngân hàng, Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan để lừa các nạn nhân là công dân Thái Lan chuyển tiền đến các tài khoản do chúng chỉ định với lý do để kiểm tra. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, lập tức chúng rút tiền ra để chiếm đoạt.

Ngày 24-8, các địa điểm nghi vấn đã bị đồng loạt kiểm tra. Tại 2 căn hộ thuộc một khu chung cư cao cấp, công an đã phát hiện, bắt quả tang 14 đối tượng (13 đối tượng quốc tịch Thái Lan, 1 đối tượng quốc tịch Đài Loan - Trung Quốc) đang sử dụng tổng đài VoIP thực hiện các cuộc gọi về Thái Lan để lừa đảo.

Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đã thông báo cho cơ quan Công an Việt Nam, nhóm đối tượng này đã thực hiện hàng nghìn cuộc gọi lừa đảo công dân sinh sống tại Thái Lan. Số tiền ước tính bị thiệt hại lên đến hàng triệu USD.

Tại cơ quan Công an, các đối tượng bước đầu đã thừa nhận hành vi phạm tội. Chúng đồng thời khai nhận còn 7 đối tượng (6 đối tượng quốc tịch Thái Lan, một đối tượng quốc tịch Đài Loan - Trung Quốc) trong băng nhóm đang lẩn trốn. Chiều tối 25-8, cơ quan Công an đã khẩn trương rà soát toàn bộ địa bàn lân cận, kịp thời phát hiện, bắt giữ khi các đối tượng này đang trên đường di chuyển để xuất cảnh khỏi Việt Nam. Tổng cộng 21 đối tượng đã bị bắt giữ.

Nhóm đối tượng người nước ngoài và tang vật vụ án.

Trong vụ án này, các đối tượng người Đài Loan đứng vai trò cầm đầu, chỉ đạo. Nhóm đối tượng người Thái Lan chỉ là những kẻ thừa hành hoạt động lừa đảo. Phương thức hoạt động của chúng đơn giản nhưng hiệu quả. Phương tiện, thiết bị các đối tượng sử dụng cũng khác hoàn toàn so với các vụ án phát hiện trước đây. Chúng sử dụng phần mềm chuyên dụng trên điện thoại thông minh để thực hiện các cuộc gọi VoIP, thay vì phải thiết lập tổng đài và sử dụng máy bàn để thực hiện cuộc gọi. Do vậy, tính cơ động của nhóm đối tượng này rất cao, chúng thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động nhằm tránh sự phát hiện.

Kịch bản lừa đảo cũng được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, gây tâm lý hoang mang lo sợ cho các nạn nhân, buộc họ phải chuyển tiền theo sự "hướng dẫn" của chúng.

Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an cho bàn giao các đối tượng cho Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan và Cảnh sát Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục điều tra xử lý.

Với hành vi tương tự, tại Việt Nam, bọn tội phạm đã từng thực hiện thành công nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của rất nhiều người, số tiền chiếm đoạt lên tới hàng chục tỉ đồng. Nạn nhân thường là những người cao tuổi, cán bộ hưu trí, phụ nữ và những người ít tiếp xúc với thông tin truyền thông...

Cuối tháng 7 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều gia đình bị gọi điện đến với mục đích lừa đảo. Các nghi phạm thông tin gia đình đang có vướng mắc, liên quan đến các vụ án rửa tiền, buôn bán ma túy… Để chứng minh "sự trong sạch", các đối tượng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào các tài khoản do đối tượng chỉ định. Sau khi điều tra, xác minh nếu "thật sự trong sạch" cơ quan chức năng sẽ "hoàn trả".

Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết có ít nhất 3 nạn nhân đã tin tưởng làm theo hướng dẫn và chuyển khoản cho nhóm lừa đảo. Người nhiều nhất đã chuyển số tiền lên đến 900 triệu đồng, hai người còn lại mỗi người chuyển khoảng 500 triệu đồng.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, để đối phó với các cơ quan pháp luật, các đối tượng thường thực hiện hành vi lừa đảo và rút tiền tại một nước khác. Khi nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do bọn chúng chỉ định, chúng lập tức rút ngay, không để lại dấu vết. Đối tượng cầm đầu thường câu kết với các đối tượng người trong nước để dễ bề "hành động".

Lừa người Việt Nam, các đối tượng thường chọn "điểm giao dịch" tại một quốc gia khác thuộc khu vực Đông Nam Á. Còn muốn lừa người Thái Lan, chúng sang Việt Nam thuê nhà ở vì mục đích đối phó với cơ quan điều tra.

Cơ quan chức năng khuyến cáo, đây không phải là thủ đoạn mới, việc tương tự đã xảy ra ở nhiều địa phương và được thông tin trên các phương tiện thông tin truyền thông. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người mất cảnh giác, trở thành nạn nhân. Cơ quan công an cũng khuyến cáo người dân khi nghe điện thoại, đặc biệt là đối với những kẻ tự xưng là đại diện của cơ quan công quyền thì không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản...

Các  cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, bưu điện, ngân hàng khi làm việc với cá nhân, tập thể đều sử dụng giấy mời, giấy triệu tập... có ký tên đóng dấu của lãnh đạo đơn vị, ngày tháng, nơi tiếp dân... Những cuộc điện thoại nhân danh các cơ quan này đều có thể nhằm ý đồ ám muội. Nếu nhận các yêu cầu như thế, người dân cần cảnh giác và báo ngay cho Cơ quan công an để kịp thời đấu tranh ngăn chặn.

Đức Hà
.
.